Hiểu Được Ý Nhau – Mõ Sàigòn
Khổng Miệt là cháu của Khổng Tử, gọi Khổng Tử bằng cậu. Ngày nọ, mới nói với mẹ rằng:
- Con theo cậu học chữ Thánh hiền, xiển dương điều đạo nghĩa, mà đến giờ này vẫn… môn hạ môn sinh, là cớ làm sao"
Mẹ của Miệt là Khổng thị, ngẫm nghĩ một chút, rồi nhỏ nhẹ hỏi:
- Vậy thì mấy người cùng thời với con. Bây giờ họ ra sao"
Miệt bực dọc đáp:
- Vào cùng lúc với con có Bật Tử Tiện. Nếu so với con thời học hành chậm chạp, phát ngôn thì thiếu lý lẽ, thêm nhân dáng bần cùng, mà… bắt được chức quan, thì thiệt khiến cho con phải buồn thêm tức tối!
Khổng thị nghe vậy, nhất thời lý đoán chẳng ra, nhưng không thể để cho con đắm chìm trong buồn bực, bèn cao giọng nói:
- Được! Được! Mẹ sẽ hỏi cậu cho mọi sự rạch ròi, để con được yên tâm, khỏi phải trách cứ cậu… nặng nhẹ cân phân hổng làm sao cho đúng!
Mấy ngày sau, Khổng thị bắt con gà giò, nấu một thúng xôi, rồi nhắm hướng nhà của Khổng Tử mà rảo bước. Lúc đến nơi, gặp lúc Khổng Tử đang ngồi nhậu, bên cạnh có hai môn hạ đứng hầu, bèn trợn mắt nói:
- Cậu thường dạy: "Người quân tử phải lo trước cái lo của người. Vui sau cái vui của người…", mà bây giờ lại mần ngược như vầy, thì thiệt khiến cho tỷ phải ào lên thắc mắc!
Khổng Tử, tay với cái ly chiêu vài hớp rượu, rồi chậm rãi đáp:
- Tỷ tỷ biết một mà không biết hai, nên mới buông lời trách đệ. Chớ tỷ tỷ nghĩ thử xem: Một con người muốn làm việc thiện. Muốn chia xẻ phần nào nỗi nhọc nhằn của tha nhân, thì cái cần có đầu tiên là sức khỏe. Không có sức khỏe thì không làm gì được. Nay đệ chỉ là dùng rượu tăng thêm phần sức khỏe, mà tỷ tỷ lại la, thì thiệt không biết tỷ tỷ có… bình thường hay không nữa"
Khổng thị nghe vậy, lại nhớ đến mục đích của mình đến là hỏi chuyện cho con, chớ không phải chê trách em mình đang nhậu, bèn giả lả nói:
- Đàn bà vốn chắc gan nhưng lại nhẹ dạ. Khó mà giữ kín những bận bịu trong lòng, nên tỷ mong cậu bỏ qua. Cho là chưa có nói. Còn chuyện của Miệt cậu tính thể nào" Sau đến hôm nay vẫn là dân, không lính"
Khổng Tử đang cầm miếng giò lụa toan đưa lên miệng, bất chợt nghe câu hỏi này, bèn khựng lại một giây. Bực bội đáp:
- Lời đệ đã hứa. Lẽ nào làm trái được sao" Dẫu kẻ thất phu mà đã hứa với ai câu gì, cũng còn không sai lời được. Hà huống đệ là chủ của một tông môn. Làm sao dám trái" Đệ nghĩ: Thôi Thành, là một huyện giàu có bậc nhất của Đông Châu. Đệ sẽ sắp xếp để Miệt về làm quan ở đó. Tỷ đã chịu chưa"
Khổng thị biết con mình sẽ làm huyện lệnh, oai trấn một phương, nên lòng mừng rỡ còn hơn ngày cha mẹ nhận trầu cau hỏi cưới, bởi cứ chăm bẳm mà rằng:
- Chồng tuy là đầu ấp tay gối, nhưng là khác họ. Con tuy lớn phải lấy vợ, nhưng từ máu thịt mà ra, thì sự hơn thua đã bày ra trước mắt!
Một năm sau, Khổng Tử có dịp ghé ngang Thôi Thành. Miệt mừng rỡ cho gọi phó tướng Chu Ân. Nói:
- Ta nên vóc nên dáng như ngày hôm nay là nhờ cậu. Nay cậu có dịp ghé thăm, thì ngươi phải thay ta hầu tiếp cho chu đáo. Ngày thì đại tiệc, tối thì ca hát, khuya cháo cá với bào ngư. Ngoài ra còn phải chuẩn bị ít kim ngân để cậu tiêu xài cho khoan khoái.
Chu Ân nghe Miệt dặn dò như vậy, mới đưa tay lên đầu gãi rột rột mấy cái, rồi lí nhí thưa:
- Lượng nhỏ không thành người quân tử. Không độc sao nên đấng trượng phu. Đại nhân đã là người quân tử, nhưng không làm được đại trượng phu, thì thiệt là đáng tiếc…
Miệt. Từ nào tới giờ tin tưởng Chu Ân, xem còn hơn gan ruột. Nay bỗng thấy Ân trả lời trớt hướt trớt he, bèn sửng sốt nói:
- Ngươi là người cẩn thận, tính toán chi ly, lui tới gọn gàng. Tóm tắt là mọi việc qua tay ngươi đều xuôi chèo mát mái, mà nay đối với ân nghĩa của cậu cháu ta, ngươi lại lạng quạng thế này, là nghĩa làm sao"
Chu Ân phục xuống đáp:
- Đại trượng phu thì luôn nghĩ đến việc lớn mà không câu nệ việc nhỏ. Có phải vậy chăng"
Khổng Miệt sững sờ đáp:
- Phải! Phải!
Ân lại nói:
- Cái học cũng như làm giàu. Nếu dừng lại một chỗ thì coi như thụt lùi. Có phải vậy chăng"
Miệt gật gật đáp:
- Phải! Phải!
Lúc ấy, Ân mới ngẩng mặt mà thưa rằng:
- Cậu của đại nhân, giao tiếp toàn là hàng vương giả, nên một chức huyện cỏn con này. Nào đã thấm vào đâu, thì sao đại nhân không chơi tới cho đời mau tươi sáng"