Kỷ nguyên Obama
Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA
...mọi người cùng được hưởng cơ hội tranh thủ sự thịnh vượng...
Trưa Thứ Ba 20 tháng Giêng tại thủ đô Washington, Tổng thống Barack Hussein Obama đã tuyên thệ và đọc bài diễn văn nhậm chức. Đây là văn kiện chính thức khai mạc kỷ nguyên Obama trong lịch sử Hoa Kỳ. Diễn đàn Kinh tế của RFA sẽ tìm hiểu kỷ nguyên đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây cho chương trình phat thanh ngày 21 tháng Giêng.
Hỏi: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Lịch sử Hoa Kỳ đã sang trang với vị tổng thống thứ 44, một người da màu đầu tiên trong lịch sử 232 năm của Hoa Kỳ. Ông cũng là vị nguyên thủ nhậm chức vào thời chiến, ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất từ mấy thập niên. Mọi người đều chờ đợi Tổng thống Barack Obama thông báo những gì ông sẽ thực hiện qua bài diễn văn nhậm chức. Chương trình kỳ này đề nghị ông phân tích văn kiện đó để thính giả phần nào nhìn ra kỷ nguyên Obama vừa khai mạc trong một hoàn cảnh rất đặc biệt.
- Tôi xin được gợi lại hai kinh nghiệm quá khứ để ta đặt bài diễn văn vào đúng vị trí.
- Ngày xưa, Tổng thống Lyndon Johnson có phát biểu rằng mọi chuyện chỉ trở thành chính thức khi được vị nguyên thủ quốc gia nói ra. Lời phát biểu hàm ý là mọi lý luận hay đồn đoán đều chưa có giá trị quyết định cho tới khi Tổng thống lên tiếng. Đôi khi ông ta còn bỏ đoạn phát biểu soạn sẵn mà thông báo một điều gì đó vào giây phút cuối. Với tinh thần ấy, mình mới đặc biệt quan tâm tìm hiểu lời phát biểu của Tổng thống Obama ngay sau khi tuyên thệ. "Miệng người sang có gang có thép", ngay sau lễ tuyên thệ, những ý kiến của vị Tổng thống thứ 44 mới thành chủ trương đầu tiên và chính thức của Chính quyền mới.
- Một kinh nghiệm thứ hai là vào năm 1992, khi Tổng thống George H. Bush đọc một bài diễn văn về chương trình cứu nguy kinh tế. Tại Thủ đô Hoa Kỳ lúc đó là buổi tối, trên các thị trường Á châu thì đã là sáng hôm sau. Khi ấy, tôi còn nhớ là ông Bush nói đến đâu thì đồng Mỹ kim rớt đến đó trên thị trường Tokyo! Kinh nghiệm ấy khiến mình nhớ lại hoàn cảnh toàn cầu hóa và dù miệng người sang có gang có thép, nhưng thị trường hay thế giới đều lập tức phản ứng với từng lời phát biểu hay đề nghị của người lãnh đạo quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Phản ứng của thị trường chẳng hạn lại không giống với những chờ đợi của người phát biểu. Khi đó, tôi thầm nghĩ rằng ông Bush anh hùng của cuộc chiến vùng Vịnh và là người vừa chiến thắng cuộc Chiến tranh lạnh lại có thể thất cử trong cuộc bầu cử cuối năm.
Hỏi: Từ những kinh nghiệm cũ nhìn lại, ông nghĩ sao về bài diễn văn khai mạc của Tổng thống Barack Obama"
- Sự kỳ diệu kỹ thuật cho phép chúng ta vừa nghe bài diễn văn quan trọng này trong khi vẫn theo dõi được phản ứng của thị trường. Thứ nhất, thị trường chứng khoán New York của Mỹ tuột giá từ sáng sớm. Khi ông Obama nói vào các vấn đề kinh tế, giá cổ phiếu các ngân hàng lại sụt thêm, kéo theo cổ phiếu của cả thị trường, chỉ số tiêu biểu nhất là S&P 500 mất hơn 5%, chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones mất hơn 4%, một kỷ lục chưa từng thấy của chỉ số Dow Jones trong một ngày nhậm chức tổng thống! Vài chi tiết nhỏ ấy về bối cảnh khiến ta hiểu ra khả năng và ảnh hưởng dù sao cũng tương đối của người lãnh đạo trong các xã hội tự do. Thực ra, đây mới là sức mạnh đích thực của nước Mỹ vì khiến cho các nhà lãnh đạo không thể duy ý chí áp dụng những gì họ cho là đúng mà phải quan tâm chú ý đến phản ứng của người khác.
Hỏi: Ông phân tích thế nào về nội dung của bài diễn văn này" Hùng hồn, thực tiễn" Liệu nó có khả năng khôi phục niềm tin của dân chúng Hoa Kỳ hay không"
- Lãnh đạo nào cũng có một ban tham mưu giúp mình soạn thảo các bài phát biểu quan trọng, nhưng ông ta hay bà ta là người sau cùng quyết định là sẽ nói những gì, như thế nào. Là một nhà hùng biện có biệt tài về văn chương, Tổng thống Obama tất nhiên hiểu rõ quy luật ấy. Ông thắng cử một phần cũng do khả năng thuyết phục rất cao trong ngần ấy lần phát biểu của cuộc tranh cử.
- Nhưng lần này lại khác. Lần này, ông đứng trên bậc thềm Quốc hội nói chuyện với toàn dân và cũng là nói với lịch sử. Địa điểm và hoàn cảnh khiến ông phải chọn lựa, là nói với dân hay nói cho hậu thế và tôi nghĩ rằng ông nói với dân, với hai triệu người đang hiện diện tại Thủ đô Mỹ và với cả toàn dân Hoa Kỳ lẫn thế giới. Đây là một chọn lựa rất quan trọng.
Hỏi: Vì sao ông lại nghĩ rằng Tổng thống Obama nói với dân chúng, với hiện tại, hơn là với lịch sử hay hậu thế"Mà vì sao điều ấy lại là quan trọng"
- Các bài diễn văn lớn đều có thể nhắm vào một trong hai mục tiêu. Một là đánh vào con tim qua lời hùng biện nhuốm mùi sách động để mãi mãi trở thành danh ngôn. Hai là đánh vào lý trí, với nhiều lý luận giải thích vì sao mình nên làm như thế này, mà không làm như thế kia. Trong bài diễn văn gần hai chục phút, ông Obama chọn hướng thứ hai và đây là một điều rất lạ vì sở trưởng của ông từ mấy năm qua là nói vào lòng người với những câu văn rất đẹp. Tôi xin đơn cử một vài thí dụ giải thích điểm ấy.
- Tháng Ba năm 1933, khi nhậm chức giữa tổng khủng hoảng, Tổng thống Franklin Roosevelt đã để lại cho đời sau lời trấn an năm đó, rằng "chúng ta chỉ sợ một điều duy nhất là sự sợ hãi". Ông mượn câu đó từ một khẩu hiệu quảng cáo trên doanh trường, nhưng từ miệng Tổng thống ra, đấy là lời khích động đáng kể. Năm 1961, Tổng thống John Kennedy cũng để lại cho lịch sử một câu danh ngôn trong bài diễn văn nhậm chức, là "đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn sẽ làm gì cho Tổ quốc". Lời ấy có thể được mượn từ nhà thơ Á Rập Khalil Gibran hay từ văn hoá Ấn Độ, nhưng trở thành tiêu biểu về nghệ thuật đánh vào lòng người của ông Kennedy.
- Bài diễn văn của ông Obama không có mấy đoạn hùng biện khả dĩ cô đọng thành khẩu hiệu như vậy mà lại trình bày một số đường hướng giải quyết các vấn đề ngổn ngang trước mặt. Đây là điều đáng chú ý vì ông là người có viễn kiến và khẩu khí nên thừa sức nói ra những câu vĩ đại cho lịch sử. Nội dung bài phát biểu tập trung vào vài ý niệm chính được nhắc lại nhiều lần, theo thứ tự từ nhiều đến ít là Quốc gia, Hoa Kỳ, Nhân dân, Làm việc, và hàng loạt từ ngữ về kinh tế. Vì vậy, tôi thiển nghĩ là thực tế trước mắt khiến ông Obama hết bay bổng trong không gian tranh cử mà trở thành người thực tiễn giải quyết vấn đề. Phần hùng biện có giảm thì được bổ xung bằng phần cụ thể, là điều thật ra dân Mỹ cũng cần nghe, cần biết.
Hỏi: Với nhãn quan kinh tế, ông nhận xét thế nào về triết lý kinh tế chính trị của tân Tổng thống Hoa Kỳ" Trong bài diễn văn, ông Obama đã thông báo những gì về chương trình hành động kinh tế của ông"
- Giữa cơn khủng hoảng, Hoa Kỳ và cả thế giới đang tranh luận về vai trò của thị trường, với hàm ý là khủng hoảng bùng nổ vì những bất cập hay thái quá của thị trường, vì vậy chính quyền có nên điều tiết thị trường không" Lồng bên dưới vấn đề là cuộc tranh luận về tương lai tư bản chủ nghĩa. Qua phần hai của bài diễn văn, ông Obama trực tiếp nêu câu hỏi rằng thị trường là một động lực xấu hay tốt" Và trả lời rằng "thị trường có khả năng đem lại thịnh vượng và tự do mà không gì có thể sánh được, nhưng vụ khủng hoảng nhắc nhở chúng ta rằng nếu không được canh chừng, thị trường có thể bung khỏi tầm kiểm soát" và rằng "một quốc gia không thể có thịnh vượng nếu chỉ ưu đãi những người giàu có."
- Khi tranh cử, Nghị sĩ Barack Obama có lập trường tả khuynh với lý luận có thể làm phe xã hội hài lòng, kể cả việc kết án thị trường. Nhưng khi nhậm chức, ông không phủ nhận giá trị của thị trường mà tiến xa hơn với lời hứa hẹn là tạo điều kiện cho mọi người cùng được hưởng cơ hội tranh thủ sự thịnh vượng nhờ thị trường. Đây là quan điểm rất đáng chú ý về triết lý chính trị và xã hội của ông Obama.
Hỏi: Câu hỏi kế tiếp, thưa ông, Tổng thống Obama nói gì về vai trò của chính quyền trong mục tiêu đó"
- Từ đã lâu, Hoa Kỳ có cuộc tranh luận về vai trò của Chính quyền. Thời ông Ronald Reagan bên Cộng Hoà thì Chính quyền là vấn đề chứ không là giải pháp. Thời ông Bill Clinton bên Dân Chủ, Chính quyền quá lớn quá nặng cũng là vấn đề. Ngày nay, giữa cơn khủng hoảng, người ta chờ đợi Chính quyền là giải pháp và Tổng thống Obama sẽ nói ra điều ấy, nghĩa là thông báo sự tái xuất hiện của một Chính quyền đa năng đa diện, hay kiềm chế được thị trường và tái phân lợi tức cho mục tiêu xã hội đã bị lãng quên.
- Sự thật lại tinh vi hơn thế Tổng thống Obama nêu ra cả hai vế của bài toán và phủ nhận cái nhìn nhị quyên đầy bế tắc ấy - chữ "bế tắc" là của ông Obama. Cụ thể là đừng nên tranh luận xem chính quyền quá lớn hay quá nhỏ mà phải xét xem chính quyền ấy có thực hiện mục tiêu không. Nếu có thì nên tiếp tục, nếu không thì nhiều chương trình phải bị cắt. Và những người có nhiệm vụ quản lý tài sản quốc dân phải chịu trách nhiệm và tiêu xài sáng suốt, cần giải trừ thói xấu, và phải minh bạch hoá việc làm thì mới phục hồi sự tin tưởng giữa dân chúng và nhà nước. Nói cho đơn giản, Tổng thống Obama đưa ra một lập trường thực tiễn chứ không mở ra kỷ nguyên bao cấp với một nhà nước bao biện. Đây là điểm đáng chú ý khác về tinh thần dung dị của ông.
Hỏi: Một vấn đề ai cũng quan tâm là nước Mỹ đang ở trong thời chiến, kinh tế bị suy trầm, thất nghiệp tăng, bội chi ngân sách lên tới kỷ lục. Câu hỏi cuối của chúng tôi là trong hoàn cảnh đó, tân Tổng thống Mỹ thông báo những gì để khắc phục khó khăn này"
- Thứ nhất, ông Obama nhắc lại rằng Hoa Kỳ vẫn là quốc gia trù phú và hùng mạnh nhất địa cầu, với ưu điểm còn nguyên về năng suất và sáng tạo. Ông không sách động mà nói vào thực tế, để khẳng định triển vọng của tương lai và nhắc nhở là bây giờ không là thời của sự trì hoãn hay thoái thác trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi riêng tư. Bây giờ là lúc phải đứng dậy, phủi bụi và bắt tay vào việc trung hưng nước Mỹ. Sau đó, ông liệt kê một loạt chương trình hành động - là yếu tố khiến bài diễn văn thiếu lửa hùng biện nhưng lại là danh mục cần thiết. Ông kết thúc phần này bằng cách phản bác lý luận theo đó Hoa Kỳ đang theo đuổi quá nhiều tham vọng với ngần ấy kế hoạch lớn lao. Ông gõ vào danh dự và niềm tự hào của nước Mỹ để nói về những thành quả đã qua của Hoa Kỳ và khích động lòng can đảm và trí sáng tạo của người dân.
- Qua lời phát biểu ấy, chúng ta nên chờ đợi một gói kích cầu kinh tế rất lớn với rất nhiều dự án quy mô có tham vọng thay đổi nước Mỹ để Hoa Kỳ tiếp tục là đệ nhất siêu cường thế giới. Bản thân tôi thì chú ý nhất đến tinh thần thực tiễn và chừng mực của vị Tổng thống mới. Chúng ta vừa chứng kiến sự thoát xác của một ứng cử viên hùng biện ngang tầm Lincoln, Roosevelt hay Kennedy thành một Tổng thống chừng mực và có ý thức về vai trò lịch sử của mình.