Ngồi gốc cây si, 32 năm tự truyện với IRCC,Inc.Trẻ em ở trại tị nạn Hong Kong
Tiếp đón đồng bào tị nạn qua Mỹ định cư
Diễn hành tại Santa Clara
Hội Chợ Tết tại San Jose...
Giao chỉ - San Jose
Gửi gió cho mây ngàn bay...
Thời gian thấm thoát qua mau. Mới ngày nào chúng ta chào mừng năm 2000 rồi năm 2001... mà chẳng biết thực sự đã bước qua thế kỷ 21 vào lúc nào! Đâu là đêm giao thừa của một thế kỷ. Bây giờ năm lẻ 8 bước qua năm lẻ 9. Lại sắp hết cả thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Về phần chúng tôi, gắn bó với cơ quan IRCC,Inc trên 30 năm có lẻ.
Ừ nhỉ! Thời gian thấm thoát qua mau... Quanh năm kể chuyện thiên hạ, ngày cuối năm nay xin nói chuyện về mình. Ngày xưa, cơ quan IRCC do Hoa Kỳ thành lập từ 1976 đón dân tỵ nạn Đông dương, nhưng đến đầu thập niên 80 thì Việt Nam hóa. Từ đó ngân khoản tài trợ chấm dứt, phần lớn anh em tan hàng, riêng chúng tôi có chút duyên tổ chức bèn đứng ra tiếp tục gây dựng lại cơ đồ. Ông bạn nhà binh cùng cư xá ở Sài Gòn ngày xưa, gặp chuyện không vui bèn viết trên tờ báo Dân tộc, đặt tên đùa nhảm chúng tôi là "chú cuội ngồi gốc cây si".Không ngờ đến ngày hôm nay thấy mình trở thành "ông cuội già bên gốc cây IRCC" vẫn còn tồn tại và mãi mãi trẻ trung. Đã bao nhiêu nước chảy qua cầu, ngày nay cơ quan dịch vụ định cư của di dân gần như chuyển hướng vào mục tiêu văn hóa, lịch sử,.. housing, homeless và... chung sự.
Thuở tiền kiếp từ đầu đời quân ngũ với 21 năm ở lính trải qua khá nhiều đơn vị. Từ TĐKQ đến Tiểu đoàn Biệt lập. Rồi từ khu chiến miền Tây qua Quân khu I miền Đông.
Đến cuộc đổi đời sống tại Hoa Kỳ gần như chỉ có 1 thị xã và 1 đơn vị. San Jose là tỉnh nhà và IRCC là 1 khu bưu chính duy nhất. Biết bao nhiêu bằng hữu đến rồi đi, và nhiều bạn đi luôn. Như bài ca một thời xưa đã cất tiếng. "Tôi viết tên anh trên đá trên hoa. Tình nghĩa ngất ngây như biển rộng sông dài" Xin gọi tên các bạn thêm 1 lần tình nghĩa cố tri.
Những người muôn năm cũ..
Ra đi sớm nhất là bác Nguyễn xuân Kỳ, giáo sư Anh Văn từ Hà Nội vào Sàigon, rồi tiếp tục " To Be or not To Be" tại nơi đất khách quê người. Ông là bạn rượu của Yklong và Peter Trần văn Nhơn. Tiếp theo là ông đốc phủ sứ một thời, Vũ Khiêm. Con người rất nghiêm trang bên ngoài và đùa cợt bên trong. Các vị giáo sư ESL từ cụ Tạ văn Hào đến anh Dương tất Thắng. Kẻ trước người sau. Các luật sư Thi và luật sư Phan thế Ngọc cũng từ giã cuộc đời. Người dễ tính hào hoa như giáo sư Nguyễn quang Huyến và người đào hoa khó tính như kịch tác gia Phan Tùng Mai, rồi cũng theo nhau bỏ cuộc chơi. Cụ Đỗ xuân Hợp chủ tịch và bác Phạm tài Đôn tổng thư ký của Hội Cao niên miền Bắc từ lúc sáng lập, cũng đã theo nhau về nơi vĩnh cữu. Không thể quên quí vị cố vấn danh tiếng một thời như học giả Đào Đăng Vỹ và cụ Trần Hữu Phúc. Chúng tôi cũng ngậm ngùi nhắc đến giáo sư Nguyễn thành Trọng và trung tá Lê Đình Vọng với nhiều kỷ niệm bồi hồi hoạt động bên nhau. Mới đây nhất là bác Peter Trần văn Nhơn, tay chơi số 1 của đơn vị IRCC cũng ra đi. Chắc là ở ngã ba lối rẽ vào thiên đường, đã có bác Nguyễn xuân Kỳ đứng đón bạn trong quán rượu cổng Trời.
Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ" (*Thơ Vũ đình Liên)
Người vẫn quanh đây.
Những người xưa cũ ra đi ngày nay có vẻ đông hơn người ở lại. Nếu ai hỏi rằng các chiến hữu và công chức IRCC ngày xưa, nay còn lại những ai" Về phe phụ nữ thì còn khá nhiều nhưng liên đoàn của các bà vẫn sinh hoạt kín đáo. Nếu ghi danh nam giới chắc chắn phải nhắc đến ông YKlong Adrong, con người hiền lành trung hậu. Người kế tiếp vẫn ca bài Hồ Trường trong men bia US là thầy Cang danh tiếng một thời hiện vẫn còn trấn thủ bên kia cầu chữ Y, con đường vào xứ Campbell. Ông giám sát viên quốc hội Lê đình Lãm vẫn tiếp tục giúp đỡ cho bộ quốc phòng Hoa Kỳ chế xe tăng. Phi công nhiếp ảnh gia Võ thạnh Văn mang danh hiệu Phù du ẩn sĩ lâu lâu vẫn từ núi cao miền Bắc hạ sơn vào trường văn trận bút của thung lũng điện tử hoa vàng. Hai vị luật gia danh tiếng ngày xưa của IRCC thì bác tam quốc trạng nguyên Nguyễn hữu Thống vẫn giữ hồ sơ vụ án biển Đông ngồi chờ Trường sa nổi sóng. Phần bác Đinh thành Châu của Ủy ban tư pháp định chế đệ nhị cộng hòa vẫn còn mang tâm sự u uẩn của người lưu vong tìm đường xây dựng dòng giống Việt Nam hùng cường khắp năm châu bốn bể. Bạn Ngô sĩ Hùng ngày nay xem chừng hăng hái trở lại trên làn sóng phát thanh với tin tức bốn bể năm châu. Còn quí vị hội đồng trẻ trung ngày tháng cũ như phi công Nguyễn quang Vĩnh, chuyên viên ngân hàng Lê văn Phụng, giáo sư Nguyễn trung Chí... ngày nay vẫn còn gặp gỡ, lưu luyến biết bao tình trong mái tóc bạc mầu...
Đó là chuyện của thời kỳ 80-90 còn trong ký ức. Ngày nay mọi thứ đều thay đổi nhưng tình nghĩa vẫn nguyên vẹn tinh khôi.
Nền tảng tổ chức bất vụ lợi.
Sau khi nhắc đến bằng hữu đã ra đi và cố tri còn ở lại IRCC, chúng tôi xin có đôi lời về cuộc đời của ngành Non-Profit.
Cuộc đời kéo dài hơn 20 năm quân ngũ Việt Nam, nhưng lại có hơn 30 năm trong ngành xã hội bất vụ lợi. Xin tự hỏi đã học được những gì, dâu bể trầm luân ra sao.
Hoa Kỳ là đất nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Tổ chức bất vụ lợi là một tác phẩm lớn của Hiệp chủng quốc nhằm giao phó cho dân đứng ra tổ chức và điều hành các công việc cộng đồng mà nhà nước không làm hết. Từ y tế, xã hội, văn hóa cho đến các lãnh vực công quyền đều giao cho dân chúng qua hình thức đấu thầu hay ký kết khế ước. Một phần giao cho tổ hợp dứt khoát làm ăn lấy lời và một phần giao cho các cơ quan làm ăn không được lấy lợi nhuận. Hãng Boeing đấu thầu làm phi cơ quân sự cho chính phủ là công ty lời ăn lỗ chịu. Đó là tổ chức thành công, có đóng thuế và vốn liếng lên bạc tỷ. Trong khi đó nhà thương và đại học Stanford ký khế ước bất vụ lợi với chính phủ để làm công tác giáo dục và y tế chi tiêu bao nhiêu sẽ được thanh toán bấy nhiêu. Không được lấy lời cất riêng 1 chỗ. Ngân sách lương bổng và chi phí được kiểm soát theo luật định. Đó là sự khác biệt giũa hai loại hoạt động profit và non-profit xây dựng đất nước Hoa Kỳ theo cách giải thích đơn giản nhất.