Bìa The Rape of Nanking |
Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp tham dự buổi họp mặt của đại gia đình Amerasian. Nếu dịch sát nghĩa ta phải gọi là những gia đình Mỹ Á. Việt Nam thường gọi là " Con Lai" dù ngày nay quí vị đã trở thành thế hệ cao niên có con và có cả cháu. Và chúng tôi ghi nhận được những chuyện thương tâm.
Nhân ngồi bàn với một số thân hữu nhắc đến những nỗi đau đớn trong chiến tranh. Câu chuyện Lính Mỹ giết dân làng Mỹ Lai và Việt Cộng giết người hàng loạt kỳ Mậu Thân tại Huế.
Quả thực chiến tranh đã để lại những hệ lụy khôn lường. Thành tích ghê gớm nhất vẫn là Đức quốc xã giết Do Thái bên Âu Châu. Mới đây tại California người ta nhắc lại mặt trận Á Châu với cuộc thảm sát tại Nam Kinh đã vượt lên trên tất cả những chuyện kinh hoàng của nhân loại.
Khi nhắc đến lịch sử đau thương của Nam Kinh, các sử gia Trung quốc nói rằng không phải nhớ lại để thù hận mà cần nhớ lại để hiểu rõ những hiểm họa của chiến tranh.
Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã viết:
Nếu như không đau khổ, làm sao biết hận thù.
Nhưng từ Tây Phương đến Đông Phương, hận thù nào sánh cho bằng hận thù diệt chủng.Nhân danh chủ nghĩa sắc tộc siêu phàm, Đức quốc xã giết hàng triệu dân Do Thái. Vì đấu tranh giai cấp, Khmer đỏ hạ sát trên 2 triệu đồng bào ruột thịt. Vì lý thuyết Đại Đông A, quân phiệt Nhật bản giết hơn 370 ngàn dân Tàu tại Nam Kinh. Vì vậy, xin kể lại hầu quý vị về những chuyện đau thương. Xin lấy lịch sử bi thảm quá khứ để xoa dịu nỗi đau khổ nhẹ nhàng của hiện tại
Những cuộc thảm sát
Lịch sử những vụ thảm sát trong chiến tranh từ đệ nhị thế chiến đến nay vẫn còn ghi mãi nét ô nhục cho nhân loại là câu chuyện Đức quốc xã giết dân Do Thái. Đó là thế giới Tây Phương.
Trong cuộc chiến ở Châu A những vụ thảm sát mà chúng ta biết được từ vụ lính Mỹ giết dân làng Mỹ Lai hàng trăm người, lên đến vụ Cộng sản Việt Nam hạ sát dân lành tại Huế kỳ Mậu Thân lên đến cả ngàn người.
Xa hơn nữa 70 năm về trước, thảm kịch Nam Kinh tại Trung quốc đã được ghi lại bằng phim ảnh với con số 370 ngàn thường dân bị quân phiệt Nhật bản tàn sát vào năm 1937.
Rồi đến khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, bên nước láng giềng Cam bốt, các lãnh tụ tối cao Khmer Đỏ đã đích thân đôn đốc công việc thanh toán trên 2 triệu dân Miên trong chiến dịch tự diệt chủng điên cuồng và ngu xuẩn nhất của loài người.
Dù tàn sát vài trăm người, hàng ngàn, hàng trăm ngàn hay lên đến hàng triệu người thì nỗi đau thương cay đắng của nhân loại cũng chẳng khác biệt. Joseph Stalin đã từng nói. Giết 1 người là sát nhân, thanh toán 1 triệu người chỉ là con số thống kê.
Sau vụ thảm sát Mỹ Lai trong chiến tranh Việt Nam, Trung Úy William Calley bị đưa ra tòa quân sự. Người phi công trực thăng Mỹ hạ cánh giữa chiến trường để ngăn cản vụ bắn giết đã lãnh huy chương anh hùng.
Nhưng không có phiên tòa nào xử các thủ lãnh Cộng sản Việt Nam trách nhiệm trong vụ thảm sát Mậu Thân.
Mới đây tòa án Nam Vang vừa đem ra xử lãnh tụ Khmer Đỏ về tội diệt chủng đồng loại.
Sau đệ nhị thế chiến, tòa án Đồng Minh tại Đức xử tội quốc xã giết Do Thái và tòa Đông Kinh xử tội các lãnh tụ quân phiệt Nhật Bản. Trong đó có bản án Nam Kinh. Bây giờ xin kể chuyện Nanking.
Thảm sát tại Nam Kinh (NANKING)
Hôm nay chúng tôi xin ghi lại câu chuyện hơn 70 năm về trước.
Vào năm 1931 Nhật Bản bành trướng thế lực xâm chiếm Mãn Châu và từ đây làm bàn đạp tấn công toàn thể Hoa Lục năm 1937. Đầu tiên chiếm đóng Thượng Hải và oanh tạc Nam Kinh, lúc đó là kinh đô của Trung Quốc. Thành tích ghê gớm và ô nhục của đạo quân Thiên Hoàng là chỉ trong vòng 1 tháng chinh phục Thủ đô Nam Kinh đã hãm hiếp 20 ngàn phụ nữ Trung Hoa từ em bé 10 tuổi đến bà già 80 tuổi. Đồng thời, cũng trong 6 tuần lễ đầu tiên, quân đội Nhật đã thảm sát trên 200 ngàn người. Con số ước tính khác về sau đã cho rằng thực sự lên đến 370 ngàn người.
Một nữ văn sĩ Trung Hoa tại Bắc California, cô Iris Chang đã thu thập tài liệu suốt 10 năm để hoàn thành tác phẩm nổi tiếng mang tựa đề The Rape of Nanking.
Nữ sĩ Chang 36 tuổi đã tự tử chết trong xe hơi phía Bắc San Jose.
Sau khi giãi bày nỗi đoạn trường về câu chuyện xấu xa nhất của nhân loại, người phụ nữ Hoa kỳ gốc Trung Hoa đã tự hủy mình. Linh hồn bà sẽ trở về để giải thoát cho hàng trăm ngàn nạn nhân chưa siêu thoát còn lẩn quất tại Nam Kinh.
Nhưng khi bà ra đi, vẫn còn để lại cuốn sách tại miền Bắc California
Một độc giả người Mỹ, ông Ted Leosis đọc cuốn The Rape of Nanking rất xúc động và bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu thêm câu chuyện lịch sử đau đớn nhất của Châu Á vào đầu thế kỷ thứ 20.
Và ông tìm thấy bên cạnh nỗi đau thương thảm khốc của trên 300 ngàn người chết thì đã có hơn 200 ngàn người dân Trung Hoa được cứu thoát bởi một nhóm những người Mỹ và Âu Châu.
Họ là các giáo sư, ngoại giao đoàn, nhà truyền giáo, thương gia. Tất cả trên 20 người Tây Phương đã từ chối di tản khỏi Nam Kinh vào năm 1937 và hơn thế nữa đã dũng cảm lập ra khu tự đặt tên là Vùng an toàn để cho người già, đàn bà và trẻ em vào lánh nạn. Vùng an toàn này đã che chở trên 200 ngàn người dân Nam Kinh suốt nhiều tháng khi cuộc giết chóc, hãm hiếp và tàn sát kinh hoàng nhất xảy ra.
Dù là an toàn nhưng mỗi ngày khu vực phải đương đầu với các toán quân Nhật xông vào cướp bóc, giết người, đem đi phụ nữ, các thanh niên. Hãm hiếp phụ nữ. Chặt đầu đàn ông.
Với sự hiện diện của 24 người Mỹ và Tây Phương trong hậu tuyến của cuộc chiến tranh Trung Nhật, họ là các nhân chứng sống để sau này lên án nước Nhật.
Khi tình hình tạm lắng dịu các lãnh tụ của khu an toàn đã đi thoát với 1 bộ hình ảnh ghi bằng máy quay 16 ly. Sau này, cùng với hình ảnh và cuốn phim tài liệu, họ trở thành nhân chứng của cuộc tàn sát ở Nam Kinh.
Căn cứ vào bộ phim đen trắng đã thu hình không chuyên nghiệp, các nhà nghiên cứu đã dựng lên 1 phim tài liệu về Nam Kinh. Phỏng vấn các nạn nhân còn sống sót tại chỗ. Bay qua Nhật Bản đi tìm các lính Nhật đã tham dự vào cuộc tàn sát để hỏi chuyện. Họ tìm người đóng vai của những người Tây Phương anh hùng kể lại các diễn tiến dựa trên các trang nhật ký được tìm thấy.
Cuối năm 2007 phim Nanking ra đời. Đó cũng là năm tưởng niệm 70 năm thảm sát 1937.
Hơn 100 tờ báo tại Hoa kỳ điểm phim hết lời ca ngợi cho là 1 phim tài liệu xuất sắc nhất về cuộc chiến bị bỏ quên. Rất giản dị, kinh hoàng, xúc tích mà không thù hận.
Bây giờ Phim Nanking ra ấn bản DVD phổ biến và cho thuê. Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh vết thương lớn của nhân loại với tiền thuê DVD một tuần chừng vài đồng bạc.
Đành rằng chiến tranh phải có nạn nhân và chết chóc. Nhưng dù cho bom đạn có giết dân với xấm sét kinh hoàng thì cũng còn có vẻ nằm trong quy luật chiến tranh. Nhưng đem cả đạo quân xếp hàng đâm lưỡi lê vào thân xác hàng trăm ngàn người gồm cả đàn bà trẻ con là 1 hành động man rợ mà thú vật cũng không thể làm được. Máu làm đỏ dòng sông và sau cùng xác chết làm con sông ngưng chảy.
Khi những đứa bé đi lính Khmer đỏ trên 10 tuổi lấy cuốc đập vào đầu bà già thì ai là nạn nhân và ai là thủ phạm. Những thanh niên đi lính Nhật bản mặt mũi trẻ thơ hiền lành cầm gươm chặt đầu trẻ em Trung Quốc thì ai là nạn nhân và ai là thủ phạm. Những tên lính miền Bắc Việt Nam tham dự vào cuộc chôn sống dân Thừa Thiên năm Mậu Thân thì ai là nạn nhân và ai là thủ phạm. Ở tất cả mọi nơi, thủ phạm phải là cấp trên, thủ trưởng, tướng lãnh, các chức vụ chỉ huy và giai cấp lãnh đạo trách nhiệm.
Còn những tên đao thủ ác thú ở chiến trường cũng chỉ là nạn nhân. Phải xem hình ảnh những người lính Nhật về già ngồi kể lại. Chúng tôi đã trói mọi người lại rồi đâm chém ra sao. Những nét mặt nhăn nheo cằn cỗi, bàn tay cầm điếu thuốc run rẩy, mắt tránh ống kính quay phim. Họ cũng chỉ là những nạn nhân của 1 cuộc tàn sát mà vẫn còn sống. Dù ngày xưa đã giơ cao lưỡi gươm của Thiên Hoàng mà chặt đầu hàng trăm người vô tội. Giá trị nhân bản của cuốn phim là không đòi xương máu, không kêu gọi oán thù.
Duy có 1 câu chuyện bên lề đáng ghi nhận. Một trong các nhà ngoại giao anh hùng lập ra khu an toàn để cứu 200 ngàn dân Trung quốc 70 năm về trước bây giờ còn sống.
Ông sống trong cảnh già nua nghèo túng. Những người Tàu sống sót của thảm kịch Nam Kinh đã góp tiền cử người qua thăm ân nhân với món quà cuối đời.
Cũng không khác gì người thiếu phụ Việt Nam vượt biển trên con tàu chỉ còn 52 người sống sót được dân đảo Bolinao cứu thoát.
Trong phim tài liệu mới chiếu, phim "Bolinao 52" với nữ thuyền nhân Việt Nam năm xưa trở về thăm ân nhân trên đảo Bolinao tại Phi luật Tân đã dúi vào tay người dân chài ân nhân một cuộn tròn mỹ kim có quấn dây thung.
Năm 2008 là năm ghi dấu 40 năm thảm sát Mậu Thân tại Huế. Mười năm nữa là 50 năm. Rồi đây, vào năm 2018 nếu có ai làm phim tưởng niệm vụ thảm sát Mậu Thân xứ Thừa Thiên, xin học kỹ thuật và chuyện phim Nanking. Điều quan trọng nhất là học được bài học nhân bản không kêu gọi hận thù.
Trong chiến tranh, kẻ bị giết và kẻ giết người đôi khi cũng chỉ là nạn nhân. Thủ phạm là những đầu óc lãnh đạo ở phía sau.
Trong bất cứ biến cố lịch sử nào, dù lớn hay nhỏ. Trách nhiệm nằm trong tay những người lãnh đạo. Lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo quân đội, lãnh đạo cộng đồng. Dù ra mặt đứng phía trước hay dấu mặt phía sau. Kêu gọi hận thù, bàn giao căm hờn, mặc dầu không trực tiếp cầm dao giết người, bàn tay cũng vấy máu.
Đó là bài học Nanking.