Hôm nay,  

Lễ Hội Quan Âm: Ngày Hành Hương & Cầu Nguyện - Năm Thứ Bảy Bàn Tay Cứu Độ: 230 Tăng Ni, 10,000 Phật Tử Về Dự

04/04/200800:00:00(Xem: 10806)

Hình ảnh trong Lễ Hội Quan Âm

Lễ Hội Quan Âm đã trở thành truyền thống thiêng liêng, được tổ chức hàng năm tại Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam, thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ. Truyền thống này mỗi năm mỗi in dấu đậm nét trên trang sử Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại, do sự quy tụ tự giác, tự nguyện của muôn tấm lòng con Phật khắp nơi hướng về.

Năm nay là năm thứ bảy, con số linh thiêng nở từ bẩy bước hoa sen của vị Phật thị hiện cứu độ chúng sanh. Lễ Hội Quan Âm lần thứ bảy chẳng phải tình cờ mang chủ đề “Bàn Tay Cứu Độ” mà vì hoàn cảnh Phật Giáo nói chung, và Phật Giáo Việt Nam  nói riêng, đang rất khẩn thiết ngưỡng xin bàn tay Đức Đại Từ Đại Bi cứu độ.

Có lẽ vì cảm nhận được nghiệp vận của đạo pháp nên Chư Tôn Đức Tăng Ni đã đáp lời mời của TTPG-Chùa Việt Nam Houston về dự Lễ Hội đông hơn năm trước gấp bội.

Tất cả những sự việc đã từng làm dao động lòng người trong nhiều tháng qua đã nhận được câu trả lời bi tráng qua sự hiện diện của hơn hai trăm ba mươi Chư Tôn Đức Tăng Ni từ khắp nơi trên thế giới và khoảng mười ngàn Phật tử, đồng hương về dự Lễ Hội trong niềm hân hoan, vững tin vào chánh pháp. Tất cả những ai có mặt trong Lễ Hội đều nhận ra điều này không chút khó khăn. Ngay cả cơ quan an ninh, cảnh sát, khi kiểm điểm số lượng xe và nhận diện, ước tính số người tham dự, họ cũng ngạc nhiên về con số hơn mười ngàn người do chính họ kiểm điểm. Họ chỉ biết là rất đông, đông quá! mà không ngờ con số tới như vậy!

Hàng năm, thời điểm này là mùa mưa bão trên tiểu bang Texas. Bầu trời lúc nào cũng mây xám vần vũ, sẵn sàng trút mưa xuống bất cứ lúc nào! Nhưng suốt ba ngày cuối tuần 28, 29 và 30 tháng ba năm 2008, trời xanh, mây trắng, nắng vàng đã cùng nhau đến đảnh lễ Bồ Tát Quan Thế Âm. Những vầng mây xám thỉnh thoảng bay ngang như chỉ để rụt rè thưa thỉnh: “Chúng con xin về dự Lễ Hội. Ông bà và cha mẹ chúng con là mưa giông và bão gió đang hành hương ở rất xa, xin chuyển lời chúc mừng Lễ Hội được thập phần tốt đẹp”.

Cờ năm sắc, hoa đèn rực rỡ, bong bóng muôn mầu phất phới khắp khuôn viên rộng lớn của TTPG-Chùa Việt Nam từ cổng vào tới Bảo Tháp Báo Ân phía sau, bên hông đại hội trường vừa hoàn tất. Cách xa từ một dặm, lữ hành đã có thể cảm nhận không khí Lễ Hội qua hình ảnh đại tôn tượng Bồ Tát Quan Âm hùng tráng uy linh như chạm tới chín tầng mây, qua đoàn người áo lam tuôn chảy về chùa, qua ánh mắt, nụ cười trao nhau, qua những hồi chuông ngân vang tỉnh thức lòng người.                     

Theo đúng chương trình, từ 6:30 chiều thứ sáu 28 tháng ba năm 2008, Phật tử và đồng hương đã trật tự vân tập hai bên tiền đường, dọc từ cửa chánh điện ra tới hồ Hương Thủy để cung nghinh và tham dự cùng Chư Tôn Đức, Tăng Ni trong cuộc  hành hương Tam Bộ Nhất Bái. Ba hồi chuông trống Bát Nhã hùng tráng ngân vang, hàng Chư Tôn Giáo Phẩm trang nghiêm từng bước tiến ra tiền đường, chư Tăng Ni chậm rãi, an lạc theo sau. Phút giây, tiền đường vàng rực sắc áo ca-sa, mầu áo Đức Thế Tôn đã khoác suốt bốn mươi lăm năm hoằng dương Đạo Cả. Ngày nay, các trưởng tử Như Lai, một lòng tuân lời Cha dạy, khoác áo Như Lai, hành sự Như Lai, đốt đuốc lên mà đi trên con đường Trung Đạo.

Rồi đại vũ “Ngàn Mắt Ngàn Tay” mỡ đầu cho Lễ Hội được trình diễn một cách điêu luyện tuyệt vời trước khi Pháp Từ khai mạc Lễ Hội được tuyên đọc. Nghi thức khai mạc hết mức đơn giản mà cũng hết mức trang trọng, mang trọn vẹn ý nghĩa cho một Lễ Hội vừa thể hiện nếp sống tín ngưỡng tâm linh cao đẹp của Phật Giáo, vừa mang bản sắc văn hoá hiền hoà của dân tộc.

“Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”, mỗi tiếng niệm đều thành khẩn, chậm rãi, vừa đủ một bước đi, để sau mỗi ba bước, tiếng chuông tỉnh thức ngân lên, đoàn hành hương, theo sự hướng dẫn của hơn hai trăm ba mươi Chư Tôn Đức, Tăng Ni, đồng quỳ xuống, lạy một lạy.

Tấm lòng nào có thể không rung động!

Tấm lòng nào có thể không thổn thức!

Tấm lòng nào có thể không chiêu cảm ân sâu vô lượng của Mẹ hiền Quan Thế Âm trong mỗi gối quỳ, mỗi úp mặt trong bàn tay, cảm nhận sự tiếp xúc kỳ diệu với nền đất ẩm, cảm nhận lời an ủi từ kim khẩu Đức Thế Tôn: “Cây kim cắm xuống bất cứ nơi nào trên khắp cùng đại địa đều chạm tới xương thịt Như Lai.”

Mấy ngàn người hiện diện phút giây này, chắc hẳn, đều tin tưởng như thế, tin tưởng Chư Phật, Chư Bồ Tát không bao giờ rời xa chúng sanh đau khổ.

Tiếng niệm Quán Âm được thắp vào hàng trăm hoa đèn, nhẹ nhàng thả xuống hồ Hương Thủy với lời cầu nguyện của mỗi người. Trên cao, Mẹ Hiền từ bi nhìn xuống, rỏ từng giọt cam lộ vào mỗi tiếng kêu xin. Sự chiêu cảm nhiệm mầu “Tâm Truyền Tâm” này vô cùng mạnh mẽ, mỗi người đều tự cảm nhận mà không ai có thể diễn tả với ai cho đủ, vì ngôn ngữ thế gian hữu hạn làm sao chuyên chở được sự kỳ diệu vô hạn!

Những ngọn gió còn phảng phất hương xuân đã ghé qua, nhẹ đưa hoa đèn lung linh trăm sắc, uyển chuyển trên mặt hồ tạo thành vũ khúc Đêm Hoa Đăng cực kỳ linh động trong khi chuông trống Bát Nhã trầm hùng tiễn chân Chư Tôn Đức Tăng Ni trở về chánh điện.

Lúc này thì các lều quán đại diện các chùa, các tự viện trong thành phố dựng bên lề cỏ dọc theo hàng dừa ngoài khuôn viên, bắt đầu tấp nập mời khách thập phương ghé thăm. Đây là lúc thân hữu, bạn bè tìm gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chia xẻ đạo tâm, hẹn gặp lại nhau ngày mai trong lễ Đạo Tràng Linh Hiển Ngàn Mắt Ngàn Tay lúc 7 giờ sáng.

Khác với Lễ Hội lần thứ sáu, năm nay, đất trời góp phần công đức để Đạo Tràng Linh Hiển Ngàn Mắt Ngàn Tay được thực hiện ngoài khuôn viên rộng rãi thay vì trong chánh điện như năm ngoái. Trước bẩy giờ sáng, Chư Tôn Đức Tăng Ni đã thong thả, từng bước hướng về Cổng Tam Quan. Từ điểm khởi hành này, Chư Tôn Đức Tăng Ni đã đi theo hàng ngang, bước những bước chân chánh niệm về lại tiền đường trong tiếng niệm Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của Phật tử, đồng hương và cả cư dân địa phương, đứng dọc hai bên, hầu như không còn một chỗ trống. Khi Chư Tôn Đức tiến đến lư hương thì dừng lại. Chư Tăng Ni di chuyển; và rồi, ngồi xuống  theo hàng dọc, đối mặt nhau, nhiếp tâm trong ba hồi chuông bắt đầu phút Thiền-Quán-Từ-Bi.

“ Chúng con kính lạy Phật – Bậc trong sạch vẹn toàn,

Như một bình nước ô nhiễm đã đổ hết ra ngoài, chúng con giờ đây không còn những tư tưởng hận thù, xấu ác, không còn những tâm niệm ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ,hẹp hòi. Nguồn nước từ bi vô lượng vô biên từ trái tim Mẹ Hiền Quán Âm đang chảy tràn trong mỗi chúng con, từ đỉnh đầu tới gót chân, từ mỗi tế bào đến từng hơi thở để chuyển hóa tất cả thân tâm chúng con thành từ bi. Với từ bi, chúng con xin đem tình thương mà đáp trả với mọi oán cừu, đem hỷ xả mà đối lại với mọi thành kiến, lấy bao dung mà ứng xử với mọi tỵ hiềm.

Xin cho tất cả được sống trong an toàn, hạnh phúc,

Xin cho tất cả được thoát khỏi mọi bệnh tật, lo âu, phiền muộn, mọi sợ hãi và sự giận giữ.

Xin cho tất cả được mạnh mẽ, tự tin, sức khoẻ và bình an”

Không gian như vừa chuyển hóa cõi Ta-Bà thành Tịnh Độ khi mọi âm thanh chỉ còn cô đọng trong tiếng niệm Chú Đại Bi liên tục và liên tục … 2 biến, 3 biến, rồi 5, 6 … hay bao nhiêu biến, không biết nữa. Đại đa số Phật tử đều thuộc linh chú này, nên, với năng lượng từ hơn 230 Chư Tôn Đức Tăng Ni và hàng ngàn phật tử, bao nhiêu phiền não, khổ đau, sân hận, đang được gột rửa theo âm thanh rạt rào biển lớn: “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni. Nam Mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam Mô a rị da, bà lô yết đế, thước bác ra da …… Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha.”

Dù là Phật tử hay không, dù hiểu hay không hiểu lời chú, năng lượng âm thanh của nhiều ngàn người thành tâm, khẩn thiết, đồng loạt phát ra đã là linh dược xoa dịu bao vết thương nhức nhối. Toàn thể năng lượng này đã được dâng lên Chư Phật, Chư Bồ Tát để hồi hướng công đức tới khắp pháp giới chúng sanh ba cõi bốn loài đều được an lạc, hạnh phúc.

Trong không khí trầm hương và lặng lẽ thiêng liêng của Đạo Tràng, sau lời kinh chú trì tụng vừa chấm dứt là Pháp Thoại về Hạnh Nguyện Quan Âm. Pháp Thoại đã mỡ đầu bằng Niềm Im Lặng Linh Thiêng như sấm động mà đại chúng vừa cảm nhận - Niềm Im Lặng đủ sức làm mềm những trái tim hung bạo sắt đá nhất để từ đó, dẫn đến lời tán thán của Đại Huệ Bồ Tát về Trí Tuệ và Đại Bi Tâm của chư Phật trong Pháp hội Lăng Già:

 “Thế gian ly sanh diệt

Do như hư không hoa

Trí bất đắc hữu  vô

Nhi hưng Đại Bi Tâm

*

Nhất thiết pháp như huyễn

Viễn ly ư tâm thức

Trí bất đắc hữu vô

Nhi hưng Đại Bi Tâm

*

Viễn ly ư đoạn thường

Thế gian hằng như mộng

Trí bất đắc hữu vô

Nhi hưng Đại Bi Tâm

*

Tri nhân pháp vô ngã

Thế gian tướng thường trụ

Trí bất đắc hữu vô

Nhi hưng Đại Bi Tâm”

Đại bi Tâm. Đại Bi Tâm. Đó là Trái Tim của Chư Phật, là biển lớn thanh tịnh chiêu dung hết mọi khổ đau, nhân ngã, mọi oán cừu oan trái; mà chỉ khi nào vượt thoát ngoài nhị biên, không còn bên này bên kia, con người mới làm hưng khởi được nơi tận đáy lòng mình.

Đại Bi tâm và Trí Tuệ Bát nhã. Đó là tinh nghĩa của danh hiệu Quán Âm mà  phẩm Phổ  Môn đã  nói  rõ  (chơn quán, thanh tịnh quán. . . Diệu Âm, Quán Thế  Âm . . . ) Đó là tất cả tinh tuý của Phật Pháp, qui kết trong câu thần chú nhiệm mầu mà đại chúng vừa trì tụng: Án Ma Ni Bát Di Hồng. Viên ngọc sáng Đại Bi nằm giữa lòng Đoá hoa sen Đại trí. Và đó chính là cốt tuỷ của Hạnh Nguyện Quan âm mà vị thầy ban pháp thoại đã nhắc lại để cầu mong cho cái cuối cùng còn lại của Lễ Hội này, là một giọt nước Từ Bi đọng lại nơi trái tim của mỗi người - một giọt nước Từ Bi đễ rữa sạch mọi oán cừu oan khiên, cỡi bỏ mọi oan trái buộc ràng, để đời sống mong manh này có được cái gọi được là niềm An Lạc, Hoà Bình và Hạnh Phúc chân thật.

Bữa cơm trưa đầy đạo tình được sắp đặt dưới hình thức buffet tại hội trường rộng lớn vừa hoàn tất mặt tiền, có sức chứa hơn một ngàn người. Có lẽ, đây là lần đầu tiên, tại Lễ Hội Quan Âm, Phật tử được dùng cơm cùng Chư Tôn Đức, vì trước kia, phòng ăn quá nhỏ. Trước khi cùng nâng chén, quý Phật tử được nhắc nhở ăn cơm trong chánh niệm, nghĩa là, ăn trong im lặng, tiếp xúc sâu sắc với thức ăn, quán chiếu sự khó nhọc của người trồng tỉa, người nấu nướng, cảm nhận hạnh phúc mà ta đang thọ dụng. Ăn cơm như vậy là ăn trong trọn vẹn nghĩa tình của Liễu Tam Không: người cho, kẻ nhận và tặng phẩm, hoàn toàn vị tha và dâng hiến.

Sau khi dùng bữa, khách hành hương tham dự Hội Lễ Dân Gian, rất sôi nổi, hào hứng với nhiều sắc thái đặc thù văn hóa, nghệ thuật cho mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Không ai lộ vẻ mệt mỏi cho tới sát giờ Lễ Chính Thức khai mạc lúc 6:30 chiều thứ bẩy 29 tháng ba năm 2008.

Đại vũ khúc “Nhành Dương Nước Tịnh” và đoàn lân của GĐPT Huyền Quang đã chào mừng Lễ Hội bằng mầu sắc lộng lẫy, âm thanh rộn ràng lẫn khói pháo thơm lan tỏa. Chư Tôn Đức Tăng Ni tiến lên Lễ Đài giữa mầu sắc đó, âm thanh đó và giữa rừng búp tay sen chắp lại, niệm hồng danh Đức Bổn Sư  Thích Ca. Thoắt nhiên, rừng người trong khuôn viên chùa Việt Nam bừng lên như một thế giới mới vừa khai sinh. Thế giới này thanh tịnh quá! đẹp đẽ quá! hiền hòa quá! Thế giới này đang nhất tâm gióng tiếng chuông từ bi cầu nguyện cho bao thế giới điên đảo ngoài kia:

“Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới

Khắp nơi  u tối mọi loài nghe

Siêu  nhiên vượt thoát vòng sanh tử

Giác ngộ tâm tư một hướng về”.

Trời bỗng gió khi tiếng chuông và lời tán kệ lan tỏa mênh mang không gian. Gió đến để chở âm thanh đi xa …. thật xa …. đến khắp nơi u tối cho mọi loài được nghe. Và gió cũng đến để hòa điệu cùng hàng lá dừa cao vút, múa vũ khúc Thiên Thủ Thiên Nhãn, cúng dường Đức Quán Thế Âm. Gió cũng đến, để lễ Dâng Hoa thêm uyển chuyển với bao tà áo dài mềm mại bay bay, uốn lượn. Muôn tấm lòng, muôn con mắt đồng ngước nhìn tôn tượng Mẹ Quan Âm khi Đại lão H.T. Tâm Châu cất lời cầu nguyện cho Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Miến Điện là những quốc gia mà giáo pháp đang gặp nguy nan. Ống kính của đoàn quay phim đã thâu lại biết bao giòng lệ chan hòa trong phút giây cầu nguyện. Không khí cực kỳ xúc động khi vị chủ lễ xướng 4 câu kinh Phổ Môn, toàn thể đại chúng lại đồng thanh niệm danh hiệu Bồ Tát:

Nghe đây Hạnh Quán Âm

Khéo ứng khắp mọi nơi

Thệ rộng sâu như biển

Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn

Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát

Lòng Bi như sấm động

Ý Từ tựa đường mây

Cam Lồ mưa pháp dội

Mà tắt lửa não phiền

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

Niệm niệm không nghi ngờ

Tịnh Thánh Quán Thế Âm

Là nơi về nương tựa

Giữa nạn khổ chết chóc

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Tiếp nối là giòng kinh Bát Nhã vang trong không gian đang tắm đẫm Hương Từ Bi. Gió vẫn quẩn quanh Lễ Hội, đón từng lời kinh trong trái tim mỗi người để chở lên cao, thật cao, thật xa, rồi rải rộng khắp cùng đại địa, cho những tâm sân hận nhận diện vô thường mà dừng cơn tham đắm.

Âm thanh sang sảng của Đại lão H.T. Giác Nhiên, ban Pháp từ về Lửa Từ Bi càng gọi gió về nhiều hơn:

“Ngọn lửa sẽ thắp lên là Lửa Trí Tuệ đốt thiêu tam ác, phá tan hòn núi nhân ngã, là ánh sáng bình minh mở rộng lòng người vốn hẹp hòi, vị kỷ.”

Pháp-chủ yêu cầu toàn thể đại chúng đồng hướng về cột lửa, đón ngọn Lửa Thiêng Từ Bi sẽ bùng lên, cháy tan sân hận. Muôn lòng òa vỡ theo ngọn lửa vút cao cùng với tiếng hát Gia Huy:

“Lửa cháy lên với tiếng nhạc lời kinh,

Mong ước sao cho nhân loại hòa bình

“Lửa bập bùng bừng cháy, thiêu đốt bạo tàn

Lửa bập bùng bừng cháy, thiêu đốt lầm than

Lửa bập bùng bừng cháy nung chí Tự Do

Lửa bập bùng bừng cháy soi sáng hồn ai …”

 Sau giây phút bừng bừng lửa thiêng, Đại lão H.T. Tâm Châu ban huấn từ bằng giọng nói chậm rãi, điềm đạm nhưng ý-tứ thì vô cùng sâu sắc, minh bạch. Ngài tin rằng, thời tiết tuyệt hảo trong suốt thời gian Lễ Hội là do tâm cảm của Chư Phật, Chư Bồ Tát đoái thương thế giới đảo điên, đoái thương dân tộc Việt Nam chưa có dân chủ, đoái thương Phật Giáo Việt Nam, Tây Tạng, Miến Điện đang chìm trong pháp-nạn bởi những xảo thuật chính trị làm hoen ố đạo tâm, làm trễ nải Phật-sự, làm khổ đau tứ chúng! Vị đại lão Hòa Thượng tám mươi tám tuổi vẫn không ngừng chống gậy đi khắp đó đây vì lợi ích chúng sanh; nay, trước nghiệp vận của Phật Giáo Việt Nam, Ngài không quên khẩn thiết cầu an cho Đức Tăng Thống H.T. Huyền Quang, H.T. Thích Quảng Độ và H.T. Thích Hộ Giác gạt được mọi chướng duyên để lèo lái con thuyền chánh pháp đến bờ Giác Ngộ.

Để kết thúc bài tường thuật, người viết xin thành tâm sám hối cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni hiện diện vì phạm vi bài tường thuật không thể ghi đủ danh xưng từng vị; cùng Ban Tổ Chức, cùng biết bao Phật tử trong các ban đã vô cùng vất vả, cúng dường thời giờ, công sức, góp phần tích cực để Lễ Hội được thành tựu trong thập phần tốt đẹp. Vậy mà, người viết, tài hèn sức mọn, đã không thể diễn tả tạm đủ, bao công đức này, giúp những ai chưa đủ cơ duyên tới dự có thể cảm nhận phần nào năng lượng vô biên từ Lễ Hội. Đễ kết luận, người viết xin ghi lại đây,cảm nghĩ của một cụ già, sau khi dự lễ, đã vừa khóc, vừa nói rằng: “ Tôi nghĩ, dù ai có ác tâm đến đâu mà đến    đây dự Lễ Hội này thì bao nhiêu ác tâm cũng đều tiêu tan cả.”,

Pháo bông rực rỡ cả một góc trời Houston, kết thúc Lễ Hội Quán Âm lần thứ bẩy trong niềm tin dũng mãnh mà Đức Thế Tôn đã dạy, khi thuyết Pháp Hoa Kinh:

“Chư pháp tùng bản lai

Thường tự tịch diệt tướng

Phật tử hành đạo dĩ

Lai thế đắc tác Phật”

Phật tử nào tụng Kinh Pháp Hoa cũng thuộc câu này và hiểu nghĩa rằng: “Tất cả các pháp vốn thường hằng vắng lặng, bản lai tịch tĩnh. Người con Phật thực hành được đầy đủ thì đời sau, tất sẽ thành Phật”.  

NAM MÔ QUÁ KHỨ CHÁNH PHÁP MINH NHƯ LAI

HIỆN TIỀN QUÁN TỰ TẠI QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT.

Huệ Trân

(Cốc Thảnh Thơi, Tháng Tư, 2008)

Muốn xem thêm hình ảnh hoặc chi tiết xin quý vị vào trang nhà

http://thuvienhoasen.org/new-posting.htm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.