Buôn Lậu Vùng Biên Cuối Năm
Bạn,
Theo báo Sài Gòn, dịp cuối năm, buôn lậu hàng hóa qua biên giới tại nhiều biên khẩu phía Bắc ở 2 tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn càng thêm nóng bỏng. Từ những mặt hàng tiêu dùng bình thường cho tới hàng nguy hiểm, quốc cấm như ma túy, tiền giả, pháo... có dịp tung hoành. Báo SGGP ghi nhận thực trạng này qua đoạn ký sự như sau.
Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) trời chạng vạng tối. Hai biên khẩu Ka Long và Bắc Luân chuẩn bị đóng cửa thì hàng loạt xe máy từ khắp các khu vực đường biên chất đầy hàng lao vun vút. Trong vai người có nhu cầu mở tổng đại lý phân phối hàng Trung Quốc cho các tỉnh lẻ, qua nhiều mối giới thiệu, phóng viên tìm gặp được một người môi giới tên Thái. Cầm trên tay tập catalogue dày cộp, Thái dẫn khách tới địa chỉ "tin cậy" giới thiệu tất cả các loại mặt hàng từ quần áo, vải vóc, chăn màn, đồ gia dụng, thiết bị vệ sinh... rồi thuyết minh nếu khách có nhu cầu, Thái có thể đáp ứng tất cả.
"Đẳng cấp hơn", nếu khách muốn làm hàng giả, hàng nhái thì chỉ cần đem mẫu sang, khoảng nửa tháng sau sẽ có hàng y chang kể cả các nhãn mác hàng nổi tiếng của châu Âu, Nhật Bản... Khách thắc mắc, liệu những hàng giả hàng nhái có bị cơ quan chức năng và người dân phát hiện" Thái tự tin: Toàn bộ các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh cũng không thể phát hiện mà phải nhờ tận trung ương giám định mới biết được. Chỉ vào đống hàng thiết bị vệ sinh ngổn ngang,Thái gợi ý: "Nếu các anh muốn tiêu thụ hàng này tôi có mối "xịn", các anh bán có lãi nhiều mà bọn tôi cũng kiếm ăn được. Một bộ vòi sen nếu các anh bán ở Hà Nội hoặc các địa phương có giá trên dưới 1 triệu đồng thì bọn tôi có nguồn chỉ trên dưới 200 ngàn đồng". Tương tự, một bộ vệ sinh bệt bán ở thị trường Việt Nam trên dưới 2 triệu đồng thì Thái có nguồn chỉ dưới 500 ngàn đồng.
Chở khách đi vòng vèo mất 90 phút quanh các đường biên ở bến Nho, bến Cam thuộc khu vực biên khẩu Bắc Luân, vòng lên khu vực núi Tổ Chim, phường Trà Cổ về đường sông biên giới km02 thuộc phường Hải Yên (TP Móng Cái), Thái cho biết mấy hôm nay bên Trung Quốc cấm biên nên phải "nhập hàng" về đêm. Muốn đưa được hàng qua Việt Nam, các chủ hàng thường phải thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Trung để "làm luật" hai đầu được nhanh gọn và thông suốt. Toàn bộ chi phí cho các khoản thuê mướn cửu vạn đưa hàng qua sông, kho bãi, giao dịch... Thái sẽ lo từ A đến Z.
Bạn.
Cũng theo báo SGGP, trong trường hợp nếu cần hàng gấp vào đúng ngày bên Trung Quốc siết chặt cấm biên thì chủ hàng sẽ tìm phương cách gửi ké hàng vào các container và các chủ hàng sẽ khai bớt lượng hàng hóa cần thông quan bằng cách làm luật với các cơ quan chức năng để hàng hóa dễ dàng được đưa qua Việt Nam.