Hôm nay,  

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông: Một Chuyến Vượt Biển

02/08/200900:00:00(Xem: 3454)

Chuyện kể hành trình Biển Đông: Một chuyến vượt biển – Nguyễn Hà Tịnh

LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cỏ, lá cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...

*

Khẽ đến rồi đi một kiếp phù
Chỉ còn lưu lại dấu chân du
Trượng phu, cơm áo đời xem đủ!
Dân tộc thiên thu sống ngục tù.

Ngày 30 tháng 4 nầy nữa là 28 năm kể từ ngày tôi rời khỏi " thiên đường" Việt cộng. Theo thông lệ hàng năm, những ngày nầy bọn Việt cộng tổ chức thi đua treo băng rôn và bảng đỏ ngoài đường phố đánh dấu cái gọi là kỷ niệm mừng ngày "giải phóng" miền nam. Những lời của Mác của Hồ... tất cả hầm bà lằng được dịp đem ra xài xả láng. Và thời gian nầy chúng tôi cũng chuẩn bị tàu ghe chờ bọn chúng nhập tiệc là vọt liền. Đúng đêm 30 tháng 4 pháo bông được bắn lên. Chúng tôi 41 người trên chiếc ghe chín mét cùng âm thầm lặng lẽ ra đi từ giã "thiên đường của bác" đến một phương trời vô định (đúng là phương trời vô định vì chúng tôi chẳng có la bàn). Biển yên, sóng lặn không có một chút gió. Sao Nam Thập là điểm chúng tôi dùng để định hướng đưa tay vẫy gọi, bầu trời hàng ngàn vì sao khác chớp chớp lấp láy như vẫy chào đưa tiễn chúng tôi.
Rạng sáng hôm sau mặt trời lên tuyệt đẹp, vàng rực một phương, dãy đất mủi Cà Mâu mờ mờ ảo ảo, bên phải Hòn Chuối, bên trái Hòn Khoai chỉ nhận thấy mờ mờ. Lòng buồn xót xa nghĩ ngợi. Như vậy là mình đi thật rồi không biết ngày nào trở lại! Quê hương, cha mẹ, anh em làng xóm, người yêu, luôn cả "con mẹ" bán quán nhậu chủ nợ của tôi ơi! Thế là hết. Hết rồi không còn gì nữa cả. Tất cả phủi tay một cái... rột! Biết bao giờ gặp lại, có gặp, chỉ trong giấc mơ, trong ký ức, trong nổi nhớ... mà thôi! Chào tạm biệt. Xin chào tất cả!...
Đang đê mê bồi hồi suy tưởng chợt anh Hồng (thiếu tá Trần Cao Hồng phục vụ tại trung tâm huấn luyện Đồng Tâm) người lớn tuổi nhất trên tàu nói lớn: "Tất cả bà con chú ý! Chúng ta sắp ra khỏi hải phận, xin bà con quay mặt về Việt Nam cúi đầu chào quê hương lần cuối"...
Mọi người quay lại cúi đầu chào vĩnh biệt. Không ai bảo ai mọi người đều khóc. Riêng tôi khóc như đứa trẻ bị mất quà. Chúng tôi ước tính biển êm như thế nầy 2 hay 3 ngày tàu sẽ đến được Thailand hay Malaysia gì đó nếu có trôi dạt. Mọi người cười nói huyên thuyên. Phần tôi thì tính toán trong đầu, nào là đến trại tị nạn sẽ gởi thư và mấy tấm hình màu về, nếu có qua tới Mỹ hay Úc gì đó thì cố gắng đi làm rồi mua một chiếc xe, đứng cạnh chiếc xe chụp một tấm hình gởi về cho mấy thằng bạn còn ở lại cho bọn nó "lé" mắt chơi. Đang tiếp tục "dệt mộng" thì nghe súng nổ đùng đùng, đạn bay chéo chéo, ngó lại, thấy hai chiếc tàu từ xa xịt khói đuổi theo. Như thế là chết rồi, công an bắt rồi, còn hình màu, hình mè gì nữa. Tôi than! Túng quá, tôi cởi cái áo trắng mà tôi đang mặc, cột vô cây sào nằm xuống huơ huơ ra dấu đầu hàng. Là dân vùng biển tôi từng chứng kiến nếu không đầu hàng cố tình bỏ chạy khi chúng bắt được thì một tàu người ít nhất cung chứa nửa tàu máu. Thấy "cờ trắng" bọn chúng không bắn ngay vào tàu nữa mà chỉ bắn trên đầu để dọa.
Việc đầu tiên chúng đến là thẩy dây qua và bảo cột tàu tôi vào tàu của chúng. Sau đó chỉa súng la hét, bắn dọa mọi người cởi hết quần áo ra. Nhiều cô nhiều bà sợ quá, tuột hết. Thấy thế tôi bảo: "Mặc vô đi, chúng chỉ bắt đàn ông con trai tuột thôi, mấy bà "tuột" như vậy kì lắm."
Thấy tôi nói chuyện, một thằng bắn ngay qua đầu nạt lớn:
- Ê, thằng kia!
Tôi hỏi:
- Anh kêu tôi hả"
-Ừ... Nhảy xuống biển.
Tôi liền nhảy tỏm xuống biển. Hắn bảo:
- Lội qua đây.
Tôi lội qua, tới tàu hắn kéo đầu lên, chưởi liền:
- Đ... mẹ vượt biên hả, tài công hả"
Tôi trả lời:
- Không, không phải anh ơi, chúng tôi bị gạt không có tài công, nên tôi cầm lái, lái đại đi thôi.
Hắn vố tôi một bộp tai và nói:
- Ai là anh của mầy. Tao nhìn ống dòm thấy mầy ngồi cầm lái còn chối nữa hả!
- Nếu ông không tin thì hỏi mấy người khác trên tàu! Tôi trả lời.
Hắn nện thêm một cú nữa.
- Ai là ông của mầy. Đồ phản quốc!
Nghe đến ba tiếng "đồ phản quốc" nước mắt tôi rưng rưng. Không phải hắn đánh tôi đau nhưng lòng tôi thấy đau xót. Tôi muốn cải lại hắn là tôi đâu có phản quốc. Tôi chỉ vượt biên. Dù sao đi nữa là thằng gốc cứng đầu... đâu dễ để ai đổ oan. Nhưng nghĩ đến mấy bộp tai vừa rồi tôi đứng lặng thinh mặc cho nước mắt lăn tròn. Sau đó bọn chúng ra lệnh cho từng người nhảy tuốt xuống biển lội qua tàu chúng. Chúng trói lại hai người một xâu. Đàn bà con nít để ngồi trên boong, còn đàn ông con trai thẩy hết xuống hầm muối cá nhốt lại. Mình trần như nhộng, mồ hôi đổ ra như tắm, giòi con nào con nấy to bằng đầu đũa đua nhau ve vuốt trên mình chúng tôi.
Ngày xưa chuồng cọp "đế quốc" nhốt mấy thằng "tù cách mạng" như thế nào tôi không biết, chớ mấy ông "công an nhân dân" nhốt chúng tôi trong cái hầm giòi như thế nầy thì họ chiếm vô địch quán quân về đầu óc sáng tạo và thấm nhuyễn nhừ "tư tuởng vĩ đại" của bác rồi không ai có thể qua mặt nổi. Công an VC đang chơi chiêu độc trên mình chúng tôi! Tụi tui chỉ là những thằng vượt biên, những thằng sau nầy tụi VC gọi là "khúc ruột xa ngàn dậm". Xin mở nấp hầm ra, cho tôi miếng nước, cho tôi miếng gió. Trời ơi, cộng sản đang hấp muối chúng tôi nè!
Nghĩ, chỉ dám nghĩ thôi chớ đâu dám la, la bọn chúng nổi quạu xách đầu lên bắn mỗi thằng một phát thẩy tuốt xuống biển thì bỏ mẹ, bỏ cha lập tức.
Ai chớ cái thằng nói giọng "bắc kỳ " có gương mặt xấu xí nhu quỷ dạ xoa với hàm răng mã tấu, mở miệng ra là: "Đ... mẹ chúng ông bắn... bỏ mẹ chúng mầy" cái thằng vố tôi mấy bộp tai dám làm thiệt lắm chớ chẳng chơi! Cho nên, chúng tôi ngồi im thin thít, chẳng dám hó hé. Mặc cho số phận!
Nhiệt độ trong hầm càng lúc càng tăng theo ánh nắng mặt trời, thời gian càng lúc càng dài ra. Trong bọn tôi có người vì sức yếu ngã lăn ra xỉu. Như cái cớ chúng tôi đồng thanh la lớn: "Có người bị xỉu rồi có người chết rồi, mở nấp hầm ra. Cứu người! Cứu người!" Nghe chúng tôi la một thằng đi tới hỏi:
- Tụi bây muốn chết hả"
Chúng tôi trả lời:
- Có người xỉu rồi mang nó lên... không thôi nó chết!
- Đưa nó lên đây.
- Chúng tôi bị trói rồi làm sao đưa nó lên được"
Hắn ta đưa xuống một cái thang chỉ người leo lên cho hắn cởi trói, xong leo xuống đem người bị xỉu đưa lên khỏi hầm. Hắn toan đậy nấp hầm lại, chúng tôi năn nỉ hắn đừng đậy. Chúng tôi cần không khí, ngộp thở lắm đậy lại chúng tôi chết ngộp mất. Những lời cầu xin chân thành của tụi tôi làm rúng động lòng "từ bi" của hắn, hơn nữa ở dưới nầy làm sao leo lên được nếu không có cái thang" Suy nghĩ một hồi hắn bỏ đi mà không đậy nấp hầm lại.
Có lẽ quá trưa, mặt trời qua khỏi đỉnh đầu khá lâu. Một chị trong tàu chúng tôi đến bên miệng hầm nói khẽ:
- Mấy ổng muốn nói chuyện với ai là tài công kìa!
Mọi người đưa mắt nhìn tôi, buột miệng tôi nói:
- Nhìn, nhìn cái gì, mấy cha cũng biết tàu mình bị bọn tổ chức gạt, lúc đó không có tài công tôi nhận cầm lái đưa mấy cha đi chớ tôi đâu phải tài công tài kiết gì mà nhìn tôi như vậy"
Lúc đó tôi nghĩ, nếu tôi nhận mình là tài công, leo lên nó "giậm" cho một trận mềm như trái chuối chớ chẳng phải chơi.
Thấy tôi không nhận chị ta nói tiếp:
-Mấy ổng muốn thả mình đi... nhưng phải có đại diện tàu để họ nói chuyện...
Đại diện" Ở đây ai đâu là đại diện, thôi thì thế nầy. Tôi nói:
-Tôi đi nhưng phải có anh Hồng cùng đi với tôi vì anh Hồng là người lớn tuổi.
Mọi người đồng ý. Anh Hồng, tôi hai người cùng leo lên khỏi hầm. Gió ùa thổi tạt vào mặt. Tôi có cảm giác như mình vừa thoát chết, hay ít ra khỏi chết trong cái hầm giòi ngột ngạt. Còn đang đê mê hưởng thụ hít thở khí trời thì nghe có tiếng nói khẽ bên tai:
- Hai anh hãy lấy quần áo mặc vào!
Quay đầu lại. Giật mình! Hắn, thằng có gương mặt xấu xí với hàm răng mã tấu, đặc biệt với giọng nói Bắc kỳ. Giọng nói nầy tại sao lại khác hẳn với buổi sáng khi chúng mới bắt tôi vậy kìa" Có phải tôi lầm chăng" Nhìn mặt hắn, nhìn xuống "hạ bộ" mình, không kịp suy nghĩ nữa tôi bước tới đống quần áo mà bọn chúng lấy từ tàu của chúng tôi qua chọn đại một bộ mặc vào. Xong đâu đó tôi hỏi hắn:
- Anh có thể cho tôi xin miếng nước được không"
- Được chớ!
Hắn bỏ đi một hồi trở lại trên tay xách một xô nước và nói:
- Nè. Uống đi uống xong đưa xuống cho mấy người kia uống với.
Làm theo lời hắn tôi nốc một hơi chuyền tay cho anh Hồng, xong tôi xách xuống bên hầm nói lớn.
- Ê. Nước cam lồ đây uống đi, uống xong để khỏi chết mà đi tiếp.
Mọi người lao xao hỏi:
- Mấy ổng cho đi hả"
Tôi trả lời:
- Không biết nữa, có thể, chưa nghe nói gì hết!
Quay trở lại chỗ củ ngồi xuống kế bên anh Hồng, tôi nghe hắn hỏi:
- Hai anh là đại diện tàu phải không"
Tôi đưa mắt nhìn anh Hồng, anh Hồng nhìn tôi và trả lời;
- Vâng. Anh em cử tôi là đại diện.Vậy quý anh quyết định như thế nào tôi sẽ nói lại cho mấy anh em ấy biết.
Hắn gật gù rồi nói:
- Đúng ra, bắt các anh chúng tôi sẽ giải giao các anh về công an tỉnh Minh Hải. Chúng tôi không muốn các anh bị tù, (nhân đạo gớm!) chúng tôi sẽ thả các anh đi. Nhưng với điều kiện là lấy lại tất cả những gì mà các anh đã mang theo.
Mẹ kiếp! Như vậy là ăn cướp rồi chớ còn gì nữa"! Tôi nói thầm trong bụng. Sau khi hắn dứt lời, anh Hồng quay qua hỏi tôi:
-Sao. Ý mấy ổng như thế em nghĩ thế nào"
- Nghĩ với ngợi gì nữa, mấy ổng thả thì mình đi chẳng lẻ kêu mấy ổng bắt bỏ tù mình"
Anh Hồng nói với hắn:
- Anh quyết định như vậy anh em chúng tôi vô cùng cảm ơn. Còn những gì của chúng tôi các anh cứ tùy nghi sử dụng.
- Nếu các anh đồng ý như thế thì tôi đem mấy người kia lên và thả các anh đi.
Lần lượt từng người được đưa lên khỏi hầm tuy tay vẫn còn bị trói. Sau đó hắn ra lệnh mọi người ngồi xuống để cho thủ hạ hắn xịt nước biển tắm cho sạch giòi bọ. Tắm cho mọi người xong hắn ra lệnh ngồi xuống để nghe hắn đọc quyết định. Mọi người lắng nghe, hắn liền lên giọng: "Theo chỉ thị của Công An Nhân Dân (lại mượn danh nhân dân) tỉnh Minh Hải, tất cả tài sản của nhân dân các anh lấy mang đi chúng tôi phát hiện được nên có phải lệnh thu hồi. Còn riêng các anh vì không muốn ở lại để xây dựng đất nước, trốn đi, bắt được, lý ra cần phải cải tạo. Nhưng vì tánh nhân đạo của đảng, thay mặt đảng ủy chúng tôi thả các anh đi vì giữ lại, các anh sẽ không thể nào trở thành người công dân tốt được!"


Trời đất ơi, Ngó xuống mà coi, bọn chúng vừa ăn cướp vừa chửi cha làng nước kìa! Thì ra... trong thâm tâm bọn người cộng sản họ xem chúng ta, người dân miền Nam là công dân hạng bét, bởi vì ở miềm Nam nầy cây cột đèn mà có cánh nó cũng bay tuốt khỏi "thiên đường" của chúng!
Xin quý vị đùng thắc mắc tại sao báo chí và đài phát thanh của Việt cộng những năm 75- 80... ngày đêm ra rã, sỉ vả chúng ta: Những người vượt biên là "bọn liếm gót giầy đế quốc", "bọn đĩ điếm, lười lao động"...
Chúng ta chỉ trả lời được với bọn cộng sản khi nào, người vượt biển tị nạn cộng sản vung tay lên hành động, chống lại cái ác, cái phi nhân mà bọn CS đặt đè trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam. Còn bằng không, sự im lặng, thụ động của chúng ta, là mặc nhiên chấp nhận sự mạ lỵ phỉ nhổ mà bọn CS chúng trơ trẻn gán ép.
Khẩu lệnh đọc xong, từng người được cởi trói đi đến đống quần áo của mình chọn một bộ, mặc vào. Sau đó, lập tức bị đuổi về tàu của mình. Bước về, cảnh tượng đầu tiên mà tôi nhìn thấy là hai miếng ván kèm thêm hai bên "be" cho tàu cao để nhảy sóng đã bị bể lìa, quật lên quật xuống như cái vòi con voi. Còn cái mui ghe đóng hai lớp chứa thực phẩm để qua mắt công an biên phòng cửa biển, bị bổ bung ra. Cơm khô, gạo thức ăn đem theo họ quăng đổ tứ tung, trộn lộn cùng nước biển. Nhiên liệu bọn họ chỉ chừa lại bốn mươi lít. Bốn mươi lít dầu để vượt qua 350 km đường biển để đến được bờ biển Thailand!" Có phải chăng họ muốn mượn giông tố biển cả để giết chúng tôi" Câu hỏi nầy được đặt ra chỉ có những tên công an trên hai chiếc tàu mang bản số Tiền Giang 901- 903, mới có thể trả lời được.
Mãi đến mặt trời sắp lặn họ mới tháo dây ra, bắn một loạt súng và bảo chúng tôi được phép ra đi.
Biển đêm, dầu thiếu, không lương thực. Một số đòi quay trở lại, một số nhất quyết ra đi tiếp tục, mọi người còn đang giằng co quyết định chưa ngã ngũ thì đột nhiên cái máy ngưng chạy vì quên châm dầu. Đổ thêm dầu mới, chúng tôi thay phiên nhau quay, quay mãi cái máy vẫn êm ru. Như thế là xong! Khỏi bàn, khỏi cãi, khỏi đi và cũng khỏi về. Mọi sự do trời quyết định!
Trôi lênh đênh bốn ngày bốn đêm với một ít nước và thực phẩm, mọi người rã rượi vì sóng biển, chỉ còn lại một số ít người đủ sức ngồi cầm lái, nương theo sức gió để đi. Đến ngày thứ năm, một người bỗng nhiên la lớn: Có tàu, có tàu rồi. Nhìn lại từ xa có một chấm đen giữa biển. Đốt lửa! Đốt lửa lên! Tôi liền cởi cái áo duy nhất mặc trên mình nhúng vô dầu đốt lên. Thấy khói, chấm đen càng lúc càng gần, từ từ hiện rõ đó là một chiếc tàu đánh cá Thailand. Mọi người kêu cứu. Họ cho cập tàu vào. Vị thuyền truởng bước ra hỏi bằng tiếng Việt. Tiếng nghe được, tiếng không nhưng chúng tôi cũng hiểu. Chúng tôi trả lời rằng đi đã bốn năm ngày rồi và bị công an CSVN bắt. Ông ta cho biết rằng đã từng ở tù CSVN nên ông rất hiểu và thông cảm, nhưng vì mới khởi hành nên không thể kéo tàu chúng tôi vào Thailand được, có yêu cầu gì thì sẽ giúp cho. Chúng tôi cho biết tàu không chạy được, hết lương thực và thiếu dầu.Ông ta nói. Được! Ông ta sẽ giúp. Sau đó ông kêu mọi người lên tàu và nấu cơm cho ăn. Trong khi mọi người chờ cơm thì thợ máy của họ xuống tàu chúng tôi sửa hộ. Cuối cùng thì cái máy ù lì cũng chửa được. Mọi người vỗ tay hoan hô người thợ máy. Niềm vui chưa dứt, vị thuyền truởng cho biết rằng bọn họ phải đi. Gương mặt mọi người bí xị, một số người bật khóc vì không muốn rời trở về tàu của mình. Trước khi chia tay họ còn cho thêm một bao cơm và một trăm lít dầu, vị thuyền trưởng còn đưa chúng tôi vào phòng lái, chỉ hướng và cho biết đi tiếp tục hai ngày nữa là sẽ đến bờ. Xin cảm ơn những người bạn Thailand, xin cảm ơn sự giúp đỡ đày ấp tình người mà các bạn đã dành cho chúng tôi, những người tị nạn cộng sản bơ vơ trên biển ngày 5/5/1981.
Biển yên sóng lặn được một ngày một đêm, đến ngày hôm sau sóng gió tự nhiên kéo đến ùn ùn, mưa nước như cầm hũ mà đổ. Sóng quăng tàu chúng tôi qua bên nầy, thẩy bên kia. Cái máy "đuôi tôm" xơ cua (không chạy được vì bị bọn chúng lấy hết xăng) rơi tuốt xuống biển làm tặng vật cho hà bá. Nước, nước, mọi người thi nhau tát nước, tiếng la tiếng khóc tiếng gọi cha, gọi mẹ, gọi Trời, gọi Phật.... Người công giáo thì đọc kinh Đức Mẹ, người đạo Phật thì khấn Đức Quan Thế Âm, kẻ khấn tới bờ ăn chay ba tháng, người nguyện tới nơi cạo đầu ăn chay trường vĩnh viễn. Riêng tôi, vì không phải Đạo Chúa, cũng chẳng có "quy y" chỉ biết ở nhà có bàn thờ, thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên cho nên tôi khấn: "Ông bà ông vải, tổ tiên thần thánh, những chiến sĩ trận vong những người chết trận, chết ở đầu gành, chết oan giữa biển có linh thiêng phù hộ cho chúng tôi qua khỏi con giông nầy đưa tàu đến bờ được bình yên thì tôi cúng một con heo". Không biết vì tôi khấn cúng con heo hay vì " hoảng" quá mà kêu gọi nhiều người nên cơn giông từ từ nhẹ gió, chỉ còn lại những con sóng lượn đưa tàu chúng tôi đi. Chúng tôi nhắm hướng mặt trời lặn nếu là ban ngày, còn ban đêm nhìn Sao Nam Thập định hướng để đi. Đi như thế, một ngày một đêm rạng sáng hôm sau mắt người nhìn thấy bờ biển đã hiện ra trước mắt. Mọi người như được hồi sinh! Tôi cầm lái đâm thẳng vào bờ, mọi người ù chạy lên bờ như bị ma đuổi. Riêng tôi, anh Hồng, hai người vẫn loay hoay đi tìm cây búa. Tìm được chúng tôi thay phiên nhau bửa một lổ lớn cho ghe vô nước. Chiếc ghe từ từ chìm xuống. Quăng cây búa xuống biển, anh em chúng tôi tà tà lội lên bờ. Lên bờ, tôi bước đi và có cảm giác như mình đang say rượu. Chúng tôi đã bảy ngày bảy đêm lênh đênh trên biển!
Như người tị nạn nhập trại, tôi cũng được cấp số "S" số "T" (Songkha Thailand). Thực phẩm tuy không đủ ăn cho một người nhưng năm bảy anh em "con bà phước" như nhau ăn chung nên cũng tạm đủ. Ở tạm thôi mà! Có ăn đời ở kiếp đây luôn đâu mà lo, mà bận tâm cho mệt! Nghĩ thế cho nên tôi cố đi học tiếng Anh để mai mốt định cư có một chút "vốn" mà xài. Tính là tính như vậy nhưng thực tế khi học tiếng Anh thì còn khó hơn lên trời. Mỗi lần phát âm thì phải bẻ mồm, bẻ miệng, học có mấy chữ mà học hoài chẳng nhớ, nhớ chuyện đâu đâu. Thôi thì, đi ra bờ biển ôm đầu để... nhớ. Nhớ mấy công ruộng, mấy công vườn, nhớ tháng nầy năm ngoái cùng với mấy thằng bạn "vần công" lấy thân cây chuối đống thành cây bừa kéo bừa thay trâu để bừa đám mạ. Ông già hiện giờ đang bệnh rề rề, rồi ai "lòi" mạ cho người ta cấy, nhớ mấy đứa em còn nhỏ có ông anh đi vượt biên học hành có bị ảnh hưởng gì không" Còn cái thằng công an thường ngồi ngay cái quán ngang nhà nhìn vào nhà như mèo rình chuột, cái thằng mỗi kỳ lễ lạc của tụi Việt công đều bắt tôi đi học tập "chính sách" vì bọn chúng cho rằng tôi là một trong những thành phần "cản bánh xe lịch sử" (nguyên nhân tôi cùng một số bạn cạo đầu ngày bọn chúng vô "tiếp thu" và thường hay đánh nhau với bọn du kích 30/4) còn rình rập nữa không" A... còn người yêu của tôi nữa chứ! Không biết bây giờ cô nàng ra sao, có nhảy xuống sông Trèm Trẹm trầm mình như lời thề xưa hay đang hú hí với tên "bị dịch" nào cho đỡ nhớ tôi" Nhớ, nổi nhớ cứ tuần tự kéo tới, cứ dầy xéo tâm tư cho mãi đến... hôm nay. Cuối cùng thì ngày định cư cũng đến. Và tôi được đưa về tiểu bang Texas, thành phố Austin. Austin là một thành phố nhỏ, người Việt cư ngụ lúc đó khoảng hơn ba ngàn, tập trung phần đông ở hai vùng, Bắc và Nam của thành phố. Vì là thành phố nhỏ cho nên mọi người đều biết mặt nhau nên dễ thông cảm và giúp đỡ những người mới đến. Được sự giúp đỡ, tôi cũng có việc làm, lương không cao, nhưng đủ sống, có dư chút đỉnh thì dành dụm gởi về giúp gia đình còn kẹt tại Việt Nam. Cuộc sống ảm đạm ngày hai buổi đi, về. Năm ngày một tuần hai ngày cuối tuần còn lại kéo năm ba thằng bạn cùng nhau... "nhậu"! Nhậu để kể chuyện Việt Nam, chuyện vượt biên, chuyện trai gái tào lao, bá láp.... Chấm hết! Chẳng giúp gì cho ai mà cũng chẳng giúp gì được cho mình.
Mãi tới đầu năm 1983. Cộng đồng tị nạn tại đây tổ chức mừng tết Nguyên Đán. Đây là lần đầu tiên tôi đi tham dự. Dịp nầy có một số đoàn viên của một tổ chức kháng chiến về đây phụ giúp chương trình văn nghệ. Trước khi mở màn chương trình văn nghệ và bài diễn văn của ông chủ tịch cộng đồng là phần nghi lễ chào quốc kỳ. Lần đầu tiên chào lá quốc kỳ sau bao năm vắng bóng, nhìn lá quốc kỳ tôi bật khóc, khóc cho lá cờ, khóc cho quê hương, khóc cho người ở lại và cũng khóc cho chính bản thân tôi, người bị mất quê hương! Sau màn văn nghệ rực lửa đấu tranh. Kết thúc buổi lễ, những đoàn viên kháng chiến ngỏ lời mời những ai còn còn quan tâm với đất nước, còn trăn trở với quê hương hãy ở lại để cùng nhau bàn bạc, tìm giải pháp giải cứu quê hương cho một ngày về, về lại quê cha sống cùng đất tổ.
Vừa nghe xong mấy bản hùng ca, giờ lại nghe mấy anh đoàn viên mời ở lại xăn tay áo lên đánh tụi Việt cộng. Máu nóng trong tim ùn ùn sôi sục... tôi ghi danh liền! Nhiệm vụ đầu tiên tôi được giao là bán báo Kháng Chiến, mỗi tháng 50 tờ mỗi tờ 1 đồng, nhưng cái thằng cha Lê văn N. của tổng vụ tài chánh mỗi lần gởi tôi tới 100 tờ, bán nài, bán ép cho những người quen được chừng 30, 40 tờ gì đó, còn bao nhiêu bán không hết thì " ôm luôn". Nhịn ăn, nhịn nhậu để có tiền lo cho mấy anh chiến sĩ ở biên thùy cũng là điều tốt! Công việc đang ngon ơ...! Thanh niên sinh viên kéo tới nườm nượp. Kháng chiến nổi danh như... cồn.! Bụng bảo dạ... phen nầy tụi Việt cộng hết đường chạy rồi. khà... khà! Chẳng những chúng ông có mười ngàn tay súng, mà rồi sẽ có tới trăm ngàn. Tụi tao sẽ chiếm Tây Ninh, Châu Đốc làm bàn đạp tiến về Sàigòn. Tụi Việt cộng chúng bây hết đường chạy rồi.... chuẩn bị tàu ghe vượt biên qua Nga Sô là vừa! Đùng!... một cái. Điện thoại gọi đến bảo: "Không họp hành, bán báo, gây quỹ cống lon gì hết! Kháng chiến bể, bể làm hai rồi!" Trời ơi! Thế nầy là thế nào" Tôi than, tôi khóc, khóc thật sự. Không hiểu sao tôi dễ khóc nhu thế, khóc như thằng bé được người ta cho chiếc bong bóng trong ngày sinh nhật bị thằng láu cá đâm xì. Tôi xẹp xuống, tôi nằm luôn, không đi đâu cả. Vắt tay lên trán suy nghi: Tại sao họ cướp đi hy vọng, chẳng những của tôi, mà còn của bao nhiêu người khác nữa!" Tôi biết có một cụ bà, trong ngày lễ thượng thọ tám mươi, con cháu gom góp cho cụ, cộng với số tiền già cụ dành dụm được cả thảy hai ngàn (2000 Đôla). Cụ dùng số tiền hai ngàn đô la đó góp cho kháng chiến, mong sau nầy kháng chiến thành công để được chôn cốt xương của mình trên mảnh đất quê hương. Tên cụ bà là Huỳnh Thị Lý. Tôi luôn luôn nghĩ đến cụ trong nổi xót xa và lòng sục sôi trước những tên lừa đảo.
Hy vọng vào tổ chức đã tan, nhưng niềm tin vào tương lai dân tộc vẫn còn. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chế độ cộng sản bất nhân rồi sẽ sụp đổ, quyền sống con người sẽ được dựng lên và tôi sẽ là chứng nhân của lịch sử!
Chuyện cũ nầy xin được kể ra như là một bài học của một người đã "trao duyên lầm tướng cướp". Mong rằng những ai muốn dấn thân vào con đường phục vụ hãy quan sát kỷ "tổ chức" "hội đoàn" mà mình muốn tham gia. Nghị quyết 36 của Việt cộng với kinh phí lên đến hàng chục triệu Mỹ kim mục đích cho việc xâm nhập cộng đồng người Việt hải ngoại. Mục tiêu của chúng là các cơ sở văn hóa, các lớp học Việt ngữ, hội đoàn, tổ chức từ thiện.... những cơ sở, tổ chức không minh định rõ ràng lập trường quốc gia dân tộc. Những cơ sở nầy VC dễ "lồng" vào lôi kéo, lèo lái xa rời lý tưởng ban đầu, cuối cùng tạo thành những cơ sở trực tiếp hay gián tiếp cho bạo quyền Việt cộng hầu phá nát cộng đồng người Việt quốc gia. Chúng ta phải thật cẩn thận, nếu không, sẽ làm vẩn đục ý nghiã hai chữ tị nạn mà ta đã đánh đổi bằng cả mạng sống của mình!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.