Câu Chuyện Thể Thao: Đấu Kiếm – Tiền Đạo
Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu tiếp về môn “Đấu Kiếm” (Fencing).
Trong môn đấu kiếm hiện đại, đồng phục là một trong những luật lệ quy định căn bản cho những tay kiếm tranh tài và được gọi chung là những “dụng cụ phòng bị” gồm quần áo, mũ đội có lưới che mặt, giày, vớ, bao tay v.v...
Theo nguyên tắc “đao kiếm vô tình, giữ mình hộ thân”, tuyển thủ tranh tài môn đấu kiếm phải trang bị đầy đủ các dụng cụ phòng bị từ đầu đến chân. Nhờ vào sự phát triển vượt bậc của ngành hóa chất, dụng cụ phòng bị dùng cho môn đấu kiếm ngày nay được chế tạo bằng các loại bông vải, nylon hoặc bằng hợp chất nhựa thực vật có tên gọi là “Kevlar” v.v… rất bền bỉ và có mức độ an toàn cao.
Đặc tính các loại trang phục trong bộ môn đấu kiếm là bó sát thân thể để các tuyển thủ có thể di động dễ dàng và ra chiêu nhanh nhẹn. Từ vị trí của đầu, các tuyển thủ phải đội mũ có gắn màng lưới màu đen bằng kim loại che trước mặt, xuống đến phần thân thì mặc áo “jacket” có hai lớp loại tay dài bao bọc từ vị trí cổ đến bụng. Từ phần lưng đến ống quyển thì mặc loại quần dài có độ co giãn thích ứng với nhịp độ di chuyển của tuyển thủ. Trong môn đấu kiếm loại Epée còn quy định thêm chi tiết là phải có dây cột để nối liền từ phần eo áo đến vị trí chỗ đùi quần để cho các tuyển thủ có thể thuận tiện hơn trong việc sử dụng loại kiếm dài. Kế đến là phải đeo bao tay che đến phần cổ tay. Cuối cùng là loại vớ dầy che đến phần vị trí của ống quyển và mang loại giày thể thao gọn nhẹ dùng cho các bộ môn thi đấu trên sàn gỗ.
Theo truyền thống thì các tuyển thủ đấu kiếm phải mặc đồng phục màu trắng, lưới che mặt màu đen, nhưng cũng có trường hợp lưới che mặt hoặc áo kim loại (dùng cho hình thức đấu kiếm điện) được trang trí bằng các màu khác biệt. Kể từ kỳ thế vận Altanta 1996, môn đấu kiếm quy định các tuyển thủ phải mặc đồng phục có gắn bảng số phía sau lưng ghi họ tên và quốc gia, nhưng đến kỳ Thế Vận Hội Sydney 2000 thì luật này bị bãi bỏ. Thay vào đó là hình thức gắn miếng vải ghi số tại vị trí hai bên tả hữu diện của lưới che mặt, và cờ quốc gia của các tuyển thủ thì được may hoặc in trên quần áo. Nguyên nhân của sự thay đổi này là để cho những khán giả theo dõi trực tiếp qua đài truyền hình có thể nhận biết dễ dàng các tuyển thủ thuộc quốc gia nào.
Khi thi đấu, riêng bộ môn đấu kiếm loại Fleuret và Sabre được áp dụng nguyên tắc “quyền ưu tiên”, tức bên nào ra kiếm tấn công trước sẽ chiếm được ưu thế. Nói một cách cụ thể hơn, khi một bên xuất chiếu tấn công trước và sau đó có nhiều khả năng đưa đến tình huống đâm trúng đối thủ thì bên tuyển thủ bị tấn công không được phản kích và buộc phải phòng thủ bằng những thế kiếm chống đỡ. Sau khi chiếm được ưu thế của “quyền ưu tiên”, nếu không đâm trúng được đối phương do kém may mắn hoặc phán đoán không chính xác hay bị hóa giải thì đối phương có quyền ra chiêu phản kích. Lúc này, đến lượt đối phương chiếm được “quyền ưu tiên” và tuyển thủ tấn công trước đó phải lui về thế phòng thủ
Hơn nữa, trong thời điểm của tình huống thay đổi cục diện, tức một bên đang tấn công và một bên vừa bắt đầu ra chiêu phản công, nếu cả hai bên đều xuất chiêu đâm trúng đối phương thì phía tuyển thủ chiếm được ưu thế trước đó sẽ được trọng tài công nhận và tính điểm, ngược lại về phần tuyển thủ vừa ra kiếm phản công bị xem như phạm luật thi đấu. Do đó, mức độ lợi thế của “quyền ưu tiên” ảnh hưởng rất lớn đến kết quả trận đấu.
Mặt khác, trong khi giao đấu có rất nhiều tình huống tương tranh kèn cựa chưa được phân định rõ ràng bên nào ra chiêu tấn công trước và đột nhiên cả hai bên đều cùng đâm trúng đối phương. Trường hợp này, trọng tài chính và trọng tài phụ sẽ hội ý nhau và phải quyết định cho một bên được tính điểm dựa theo sự phán đoán về ưu thế tấn công của họ. Nếu trọng tài không thể phân định được bên nào có lợi thế thì sẽ tuyên bố không tính điểm và hai bên phải thi đấu lại.
Ngoài vai trò quan sát và phán đoán của trọng tài, hiện nay tại các giải đấu kiếm quốc tế lẫn quốc nội hoặc khu vực hầu như đều được sử dụng máy tính điểm điện tử. Tuy nhiên, đối với một số giải đấu mang tính cách truyền thống địa phương hoặc thuộc các trường phái kiếm thuật danh môn của Châu Âu vẫn còn tôn trọng những quy ước về kỹ thuật đấu kiếm có lịch sử lâu đời nên không dùng các thiết bị điện tử.
Trong những giải đấu kiếm dùng máy tính điểm điện tử, các tuyển thủ thuộc bộ môn đấu kiếm Fleuret và kiếm Sabre cần phải trang bị những dụng cụ:
-Trang phục bằng kim loại dẫn điện (metal jacket) từ thân mình đến chân dành cho tuyển thủ đấu kiếm Fleuret.
- Trang phục bằng kim loại dẫn điện từ đầu đến chân dành cho tuyển thủ đấu kiếm Sabre.
- Kiếm điện dành cho tất cả tuyển thủ thuộc ba bộ môn đấu kiếm Fleuret, Epée và Sabre.
Máy tính điểm điện tử giúp cho trọng tài có thể tập trung quan sát kỹ lưỡng các tính huống lợi thế của “quyền ưu tiên” nên không cần thiết phải phân định bên nào ưu tiên hơn trong trường hợp cả hai bên đâm trúng nhau vì đã có máy tính điểm báo hiệu. Vì vậy, vai trò của trọng tài phụ cũng không còn cần thiết trong những trận đấu dùng máy tính điểm điện tử.
Loại kiếm điện Fleuret và Epée có mũi kiếm được thiết trí nút công tắc nối mạch dây điện nằm trong thân kiếm. Trong khi đó, vào giai đoạn đầu tiên của thời kỳ ứng dụng hình thức kiếm điện thì loại kiếm Sabre tuy được thiết trí hệ thống nhận tín hiệu “sensor”, nhưng vì xảy ra nhiều trục trặc kỹ thuật không thu nhận tín hiệu chính xác nên sau đó trở thành hình thức dùng dây điện.
Tùy theo đặc tính của ba loại kiếm điện này, tình huống đâm trúng đối phương để tính điểm được quy định như sau: