Theo báo Sài Gòn, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có ngôi tháp Bình Thạnh là ngôi tháp cổ xây dựng từ khoảng thế kỷ VIII tiêu biểu cho kiến trúc hậu văn hóa Óc Eo duy nhất còn nguyên vẹn ở Nam phần. Tháp được tìm thấyn từ khoảng 122 năm trước, nằm kín đáo ở hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, đây là ngôi tháp duy nhất mà tường đá còn nguyên vẹn. Đặc san CA Sài Gòn ghi nhận toàn cảnh về ngôi tháp này qua đoạn ký sự như sau.
Muốn đến tháp cổ Bình Thạnh, từ trung tâm huyện Trảng Bàng (tỉnhTây Ninh), thì có thể theo Quốc lộ 1A, gần đến ranh giới huyện Gò Dầu, rẽ trái để vào xã Bình Thạnh; hoặc xuôi theo dòng kênh ở cuối chợ cũ Trảng Bàng ra Vàm Cỏ Đông ghé bến đò ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh.
Điều làm nên kỳ quan của đền tháp Bình Thạnh là kỹ thuật xây dựng tháp giống như các tháp Chăm ở miền Trung: gạch xây tháp kết dính vào nhau bằng chất liệu mà đến nay khoa học vẫn chưa biết được! Ngày nay quan sát bằng mắt thường ta có thể tưởng người xưa đã xếp gạch thô rồi nung cả khối tháp.
Bên cạnh cửa chính, tháp Bình Thạnh còn có ba cửa giả được xây nhô ra ngoài. Hoa văn trang trí lập lại và thu nhỏ dần dần lên đến đỉnh tháp. Các bức phù điêu quanh vách và cột tháp đã tôn tạo cho kiến trúc thêm phần công phu. Xây nhô hẳn ra ngoài "khung" cửa là cửa chính Đông với bốn phiến đá nguyên được đục đẽo nhẵn các cạnh với một khung cửa đá rộng 1m, cao 2m trông bề thế và vững chãi. Bên trên cửa chính Đông có đặt một phiến đá chữ nhật cao 0m80 x 2m chạm khắc hoa văn bông cúc cách điệu, vách hai bên cửa cũng khắc nổi hai mảng phù điêu. Họa tiết phù điêu không chỉ đẹp về tạo hình, tỉ mỉ, trau chuốt mà còn mang tính biểu tượng cao.
Trong lòng tháp là một bệ thờ Lin-ga và Yô-ni theo tín ngưỡng phồn thực. Phồn thực là một trong những tín ngưỡng chính của cư dân nông nghiệp lúa nước cầu cho con người, con của và cây trồng được tốt tươi, sinh sôi nảy nở nhiều. Thực ra, cụm tháp Bình Thạnh có đến 2 ngọn tháp, nhưng đáng tiếc tháp lớn (nằm bên phải, từ ngoài nhìn vào) nay chỉ còn phế tích là một nền móng bằng đá rộng lớn hơn tháp hiện hữu.
Bạn,
Cũng theo báo CA Sài Gòn, các nhà nghiên cứu nhân văn ghi nhận rằng kiến trúc đền tháp Bình Thạnh là vô cùng hiếm hoi, quý giá trong di sản kiến trúc dân tộc, và từ năm 1993 di tích này đã được công nhận là "Di tích lịch sử văn hóa quốc gia."