Trong chương trình phát thanh ngày 10 tháng Chín vừa qua, nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa có phân tích hiệu ứng kinh tế tại Liên bang Nga sau khi Nga tấn công Georgia và còn tiên đoán rằng kinh tế Nga sẽ bị nhiều chấn động bất ngờ. Rồi hôm 16, thị trường chứng khoán Nga bắt đầu sụp đổ, việc giao dịch lập tức bị đình chỉ. Thị trường bị đóng ngày 17 rồi 19, mở ra trong vài tiếng vào ngày 19 rồi lại bị đình chỉ giao dịch. Nhưng suốt tuần qua, cả thế giới nín thở theo dõi biến động tài chính tại Hoa Kỳ và chưa rõ Chính quyền Mỹ ứng phó ra sao. Vì cơn địa chấn ấy, người ta lại không mấy chú ý đến vụ khủng hoảng tài chính tại Liên bang Nga. Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế đaà RFA tìm hiểu về hai phương thức ứng phó với khủng hoảng của hai nước, qua phần trao đổi cùng nhà kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện.
Hỏi: Xin chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Từ hôm 15 đến 19 tháng này cả thế giới đã nín thở theo dõi cơn chấn động tài chính tại Mỹ, với việc ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản, Merrill Lynch bị bán rẻ cho Bank of America và Chính quyền phải bơm 85 tỷ cấp cứu tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Hoa Kỳ là AIG. Thế giới ít chú ý đến vụ khủng hoảng tại Nga, và mọi người đều e rằng khủng hoảng tại Mỹ có thể dẫn đến tổng khủng hoảng như 80 năm về trước.
Trong chương trình tuần này, chúng tôi đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về hai cách ứng phó khác nhau của Mỹ và Nga vì đấy cũng là những bài học cho nước khác, kể cả Việt Nam. Nhưng câu hỏi đầu tiên là liệu biến động tại Hoa Kỳ có là khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa toàn cầu không. Sở dĩ có câu hỏi ấy là vì nhiều người cho rằng kinh tế thị trường chứa đựng mầm mống khủng hoảng bên trong nên cần được hạn chế hoặc bị kiểm soát chặt chẽ.
- Từ khi Karl Marx viết sách tiên đoán sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản thì mươi năm một lần lại có lời cảnh báo như thế, kể cả từ những người sinh sống và làm giàu tại Mỹ. Sau vụ khủng hoảng Đông Á năm 97-98, ông George Soros cũng viết cuốn sách về Khủng hoảng của Tư bản Toàn cầu, dù ông trở thành tỷ phú nhờ tư bản chủ nghĩa. Cho nên ta phải trừ bì!
- Thật ra, tư bản hay kinh tế thị trường rất cần lời cảnh báo ấy để khỏi say đòn và tự cải thiện sau mỗi đợt khủng hoảng, và càng tôn trọng tự do thì càng dễ tìm ra giải pháp khắc phục, cho nên dù có bị nhiều đợt khủng hoảng mà vẫn vững mạnh. Lần này cũng thế mà thôi.
- Tôi xin được nói thêm là vài nhà lý luận của Hà Nội có khi vẫn ôm giấc mơ của Marx mà không nhìn ra thực tế kinh tế của thế giới. Thí dụ cụ thể là Trung Quốc có khoảng 1.800 tỷ Mỹ kim dự trữ thì hơn một ngàn tỷ là tồn trữ dưới dạng tài sản Hoa Kỳ và trong vụ khủng hoảng tài chính tại Mỹ, tập đoàn đầu tư CICC của Bắc Kinh đã mất toi 400 tỷ mà không dám hé răng vì sợ thị trường rúng động. Nếu Hoa Kỳ bị khủng hoảng thì Trung Quốc sẽ sụp đổ và có loạn, và Việt Nam sẽ bị họa lây! Cho nên, ta cần bình tĩnh nhìn vào toàn cảnh một cách khách quan, lạnh lùng.
Hỏi: Bây giờ, ta đi vào vấn đề là phương thức đối phó của Hoa Kỳ so với của Liên bang Nga. Theo dõi sự việc, ông thấy có gì khác biệt"
- Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính vì thiếu tư bản ngắn hạn khi hệ thống tín dụng bị ách tắc. Sự hốt hoảng của thị trường và dư luận Mỹ trong mùa bầu cử gây thêm tác dụng cộng hưởng tai hại. Người ta cứ nói và đang tranh luận về ngân khoản 700 tỷ mà Chính quyền Liên bang bỏ ra để cấp cứu hệ thống tài chính đó và cách nhìn sai vấn đề có khi lại gây ra vấn đề. Mỹ không lấy 700 tỷ tiền thuế của dân để chuộc nợ cho các tập đoàn đầu tư bất cẩn hay bất lương làm dân thọ thuế bị mất tiền vì bọn tư bản xấu xa ở Wall Street.
- Các nhà đầu tư bất cẩn và bê bối ấy đã bị thị trường trừng phạt nên sạt nghiệp và mất việc. Ngân khoản 700 tỷ dự trù cho kế hoạch cấp cứu chỉ là tiền mua lại các khoản nợ xấu tốt lẫn lộn đang gây ách tắc cho hệ thống tín dụng. Các khoản nợ được mua vào rất rẻ lúc này sẽ được gạn lọc và chấn chỉnh để phần nợ lành mạnh bên trong sẽ được bán lại. Kinh nghiệm năm 1989 cho thấy việc bỏ ra gần 400 tỷ để mua vào từng ký với giá rẻ rồi bán ra từng cái với giá cao trong vòng sáu năm đã không gây thiệt hại cho dân đóng thuế như người ta đã báo động thời ấy.
Hỏi: Tuy nhiên, khi quyết định cấp cứu, giới hữu trách Hoa Kỳ căn cứ trên tiêu chuẩn gì, nhắm vào mục tiêu gì"
- Không phải để chuộc nợ cho doanh gia bất lương hay bất cẩn vì thành phần này đã bị thị trường trừng phạt và đã lỗ nặng. Mục tiêu là để duy trì sự vận hành bình hòa của thị trường, với một điều kiện tiềm ẩn ở dưới là không gây thêm bội chi ngân sách, không lấy tiền thuế của dân để dung dưỡng cái thói ỷ thế làm liều của doanh gia. Các cuộc tranh luận hay điều trần công khai trước Quốc hội và trên truyền hình đều xoay quanh việc đó, để dân chúng theo dõi và quyết định khi họ đi bầu vào ngày mùng bốn tháng 11 này.
- Nói vắn tắt lại, kế hoạch cứu nguy tại Mỹ là cứu nguy nền kinh tế quốc dân, chứ không cứu nguy kẻ gây ra khủng hoảng. Và việc thảo luận được công khai hoá nên trực tiếp tác động vào thị trường và chính trường, với hậu quả là Wall Street sẽ hết là trung tâm tài chính của thế giới và doanh giới sẽ bớt ỷ thế làm liều vì sẽ bị thanh tra kiểm soát chặt chẽ hơn. Hoa Kỳ đang rút tỉa bài học và lập ra luật chơi mới cho tư bản.
Hỏi: Ông vừa trình bày khái quát về đặc tính của cách cứu nguy khủng hoảng tại Mỹ, bây giờ chúng ta nhìn qua trường hợp Liên bang Nga. Đặc tính của kế hoạch cấp cứu tại đây là gì"
- Tôi xin nhắc lại là sau khi Lehman Bros. phá sản, thị trường cổ phiếu Mỹ lập tức sụt giá nặng, bình quân tới hơn 4%. Một phép tính nhẩm là khi cổ phiếu Mỹ mất 4% điều đó có nghĩa là giới đầu tư cổ phiếu mất toi 480 tỷ đô la, nội trong một ngày. Khi cổ phiếu lên giá cũng vậy, giới đầu tư lại có lời tương ứng. Nói như vậy để ta thấy phản ứng tức thời và công khai của thị trường.
- Tại Liên bang Nga, khi thị trường MICEX mất giá 17% và thị trường RTS giao dịch bằng đô la mất giá 22% vào ngày 16, Chính quyền liền tắt đèn, chấm dứt giao dịch, và cứ như vậy trong mấy ngày liền. Nếu Mỹ quyết định tương tự vào ngày 15 vừa qua thì đã lập tức gây thêm hoảng loạn, và giới hữu trách tại Mỹ sẽ bị Quốc hội triệu ra điều trần để trình bày lý do. Hai cơ chế chính trị dẫn tới hai cách đối phó khác nhau, đó là một sự khác biệt.
Hỏi: Nhưng sau đó, trong mấy ngày liền, thị trường chứng khoán Nga đã hồi phục rất mạnh trong khi tranh luận chính trị tại Hoa Kỳ về giải pháp cấp cứu đã khiến thị trường cổ phiếu tại mỹ mất thêm 4% hôm Thứ Hai và qua ngày Thứ Ba vẫn còn sụt giá. Vì sao lại có sự khác biệt ấy"Bối cảnh kinh tế và luật pháp của Liên bang Nga có điều gì khác mà Hoa Kỳ không có hay chăng"
- Chúng ta đều biết thị trường cổ phiếu không là thước đo duy nhất của thịnh suy kinh tế, nhưng dù chỉ dùng tiêu chuẩn ấy để thẩm định thì ta cần biết ra vì sao cổ phiếu Nga đã hồi phục nhanh như vậy. Thứ nhất, Chính quyền của Thủ tướng Vladimir Putin ra lệnh cho ba ngân hàng quốc doanh lớn nhất bơm thêm 44 tỷ đô la vào thị trường chứng khoán. Đồng thời Tổng thống Dmitri Medvedev thông báo rằng chính phủ sẽ nhồi thêm gần 20 tỷ để vực giá cổ phiếu dậy. Đấy là biện pháp bơm tiền để làm sai lệch tín hiệu của thị trường là giá cả, khiến cho không ai còn rõ là giá nào mới là giá thật, một điều vô cùng nguy hại cho sinh hoạt kinh tế vì cũng như đang ở giữa đại dương mà bẻ lệch cái kim chỉ nam của hải bàn.
- Nhưng chưa hết, ngay sau đó, Thủ tướng Putin lại phủ nhận quyết định của Tổng thống Medvedev là không đưa 20 tỷ vào thổi giá thị trường. Việc ấy cho thấy một sự lệch lạc khác không phải ngoài thị trường mà ngay trong chính trường! Hải bàn đã lệch mà tay lái cũng vậy! Đã thế, cũng ông Putin, người thực tế lãnh đạo nước Nga, đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp các tài phiệt và đại gia kinh doanh tức là chính trị của Nga để yêu cầu họ chi tiền ra cấp cứu thị trường. Biến cố ấy mới đáng chú ý vì cho thấy mục tiêu khác biệt của việc cấp cứu so với Mỹ.
Hỏi: Có thể là ông Putin yêu cầu giới tài phiệt có tiền phải bơm tiền ra để cứu nguy vụ khủng hoảng kinh tế, nếu đúng như vậy, điều ấy có gì là sai"
- Nếu chúng ta nhìn ra quy tắc quyết định trong hệ thống kinh tế chính trị này thì mình phải thấy rằng hệ thống kinh tế và tài chính Nga nhắm vào mục tiêu tập trung quyền lực chính trị của Chính quyền Putin. Khi kinh tế suy sụp, các đại gia được hưởng lợi nhờ cơ chế chính trị này phải góp tiền cấp cứu. Và trong cách phân định phần đóng góp tất nhiên sẽ có tranh luận và bất mãn theo kiểu "quân phân bất tề" mà ở ngoài thì mình không thấy. Vì vậy, mình cũng không thấy nhiều xung đột về quyền lợi ở bên trong.
- Hãy lấy một thí dụ cho dễ hiểu, một băng đảng Mafia bị khủng hoảng nên quy tụ các đại gia về để họp kín với nhau và quyết định về thị phần, về cái bánh sẽ chia nhau, và về phần hy sinh lớn nhỏ của từng phe. Mục tiêu của việc cấp cứu ấy là để cấp cứu hệ thống chính trị băng đảng hơn là cấp cứu thị trường và người dân Nga. Nếu nhìn như vậy trên toàn cảnh, ta thấy Hoa Kỳ sẽ còn nhiều xáo trộn để trở thành lành mạnh hơn, Liên bang Nga thì có sự ổn định bên ngoài mà bên trong và bên dưới còn nhiều đợt sóng ngầm có khi sẽ gây ra sóng thần cho thị trường. Có lẽ Hà Nội không nên kiểm soát thông tin mà nên phân tích hai phương hướng này cho rõ vì cũng sẽ có ngày Việt Nam gặp phải tai họa ấy.