Hình ảnh về Nguyễn Đức Nam |
Trong không khí ấm cúng của nhà hàng Saigon House ở Falls Church, VA, trước khoảng hơn hai trăm quan khách, phần đông là những văn nghệ sĩ vùng Thủ Đô HTĐ, CD “Một Đời Thương Nhớ” của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam được ân cần giới thiệu. Trong CD này có mười bản với những giọng hát của Diễm Liên, Nguyên Khang, Thái Hiền, Thái Thảo…
Luật sư Phạm Đức Tiến giới thiệu tác giả, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam, lúc còn ở VN, sau khi gia nhập vào quân đội và được thuyên chuyển lên Đà Lạt, đã bắt đầu sáng tác nhạc. Những nhạc phẩm của Nguyễn Đức Nam có rất nhiều hình ảnh của Đà Lạt, thành phố sương mù. Những mối tình thơ mộng, những buổi chiều mưa rả rích, những buổi sáng mờ sương, những con đường dốc đá đều được lồng vào nhạc của Nguyễn Đức Nam.
Đà lạt đối với Nguyễn Đức Nam là một chốn hoài niệm mãi mãi không nguôi. Nơi đó có những mối tình đã xa, đã mất, một người yêu đã ra đi. Nguyễn Đức Nam đã sống, đã không quên, nên hình ảnh Đà Lạt đã tràn ngập trong âm nhạc của anh, nói lên tâm tình dào dạt rung cảm, làm xao động lòng người.
Sau đó, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam có vài lời tâm tình với khángiả, ông cho biết đây là CD đầu tay, những bản nhạc trong CD này được sáng tác từ suốt bốn thập niên qua. Dòng nhạc đuợc phát xuất từ những ngày còn đi học ở Trung học Chu Văn An, nhưng mãi đến khi về Đà Lạt, là một sĩ quan trẻ, xa gia đình, xa người yêu, trong những chiều buồn cô đơn, không biết làm gì hơn là đàn guitar, lúc hứng thì sáng tác nhạc. Nguyễn Đức Nam được bạn bè khuyến khích, lúc đó anh mới sáng tác, mới đem đến người nghe lời ca tiếng nhạc, đầy rung cảm dạt dào tình yêu. Khi ra ngoại quốc những sáng tác nhạc cũng như văn chương của anh đều mất hết, sau này có một số bè bạn còn giữ đã gởi lại cho. Mười bản nhạc trong CD "Một Đời Nhớ Thương” là một di sản còn sót lại của môt đời làm văn nghệ của Nguyễn Đức Nam.
Giáo sư Đoàn triệu Hân trình bày tác phẩm, CD "Một Đời Nhớ Thương”. Ông nói muốn thưởng thức nhạc của Nguyễn Đức Nam, chúng ta hãy thả hồn về dĩ vãng, về Đà Lạt, một mảnh trời quê hương thân yêu, vùng cao nguyên thơ mộng, nơi đó có đồi núi chập chúng với những rặng thông già, buổi sáng có nhiều sương mù, buổi trưa có nắng vàng hanh làm hồng đôi má của các cô thiếu nữ Đà Lạt, buổi chiều thật êm ả, sương mù bao phủ thành phố.
Đà lạt với Hồ Than Thở, Thác Cam Ly, Thung Lũng Tình Yêu, Đà Lạt đã để lại trong ký ức của Nguyễn Đức Nam cũng như của những người yêu Đà Lạt những kỷ niệm thật êm đềm, khó quên.
Trong nhạc phẩm “Đà Lạt Một Trời Thương Nhớ” Nguyễn Đức Nam đã tả cảnh Đà Lạt chìm trong bóng hoàng hôn, rồi nhắc lại kỷ niệm yêu thương, rồi thao thức với mối tình vụng dại ngày xưa. Nguyễn Đức Nam đã nhắc đến một chút hương yêu và luyến nhớ vô cùng hình bóng yêu kiều của người yêu ngày xa xưa ấy.
Trong nhạc phẩm “Một Đời Nhớ Thương” Nguyễn Đức Nam gợi nhớ Đà Lạt trong chiều Thu màu tím, hoàng hôn buông xuống, chân trời mờ sương, nhạc buồn thắm tihết, tình khúc mơ hồ với mối tình xa xưa ngây ngất trong hồn.
Hình ảnh Đà lạt nhớ thương được nhắc đến qua cánh pensée ép trong tập thơ, tháng năm trôi qua như mây trời lãng đãng, dáng em xinh như hoa đào, tay trong tay lạc lối vào thiên thai…lời ca trong bản nhạc này thật chải chuốt lãng mạn, tiết điệu nhạc thật nhẹ nhàng, vương vấn, quyến rũ đã đưa khán giả trở về vùng trời dĩ vãng, thấm thía với những kỷ niệm, với nỗi buồn của một chiều mưa bay lất phất ở Đà Lạt.
Những người sống và học ở thành phố Đà Lạt đều có ít nhiều tâm tình kỷ niệm với thành phố này. Tuy nhiên, các kỷ niệm cũng như các niềm thương nỗi nhớ thường chỉ đến rồi đi như một cơn mưa phùn. Nguyễn Đức Nam không chỉ nhớ thương rồi thôi, Anh đã sáng tác và ấn hành tập thơ nhạc MƯA TRÊN THUNG LŨNG HỒNG để ghi lại mãi mãi những tình cảm và xúc động trong một quảng đời không thể quên được của mình tại thành phố sương mù dấu yêu này.
Với CD “Một Đời Thương Nhớ”, Nguyễn Đức nam đã đưa thính giả đi ngược dòng thời gian , sống lại những kỷ niệm êm đẹp trên quê hương cao nguyên với những mối tình lãng mạn, với cơn mưa nức nở buổi chiều trên phố chợ, với những đồi thông gợn gió, giọng hát nồng nàn, trên con dốc mơ năm xưa…
Bề ngoài Nguyễn Đức Nam có vẽ có một đời sống bình dị và nhẹ nhàng như mặt nước hồ Thu trong buổi sáng đẹp trời. Nhưng khi đọc thơ và nghe nhạc của Nguyễn Đức Nam, khán giả mới cảm được nội tâm của anh một nguồn rung cảm dạt dào mãnh liệt như Thác Cam Ly.
Đối với nhiều nhà thơ, nhà văn, sáng tác nhạc, Đà Lạt là nguồn cảm hứng vô cùng quyến rủ, riêng với Nguyễn Đức Nam, Đà Lạt với thung lũng tình yêu thật sự là một thiên đường vang bóng, và anh là chàng lãng tử bị cấm cố lưu đày.
Nhạc của Nguyễn Đức Nam có bài theo thể điệu “slow” da diềt, nồng nàn, có bài mang nhịp điệu “valse quay cuồn, có bản điệu “bolero” vui tươi, có bản “tango” thanh lịch, nhung tất cả đều man mác một nỗi buồn vương, thương nhớ.
Những ai đã sống, đã chất chứa trong tim bao hình ảnh, kỷ niệm êm đẹp với Đà Lạt, xứ hoa đào mộng mơ, thì CD “Một Trời Thương Nhớ” của Nguyễn Đức Nam đã nói lên dùm mọi người niềm tiếc thương, luyến nhớ khôn nguôi về một khung trời dấu yêu đầy ấp kỷ niệm.
Được biết, Nguyễn Đức nam sinh tại làng Bạch Mai, Hà Nội, anh lớn lên ở Saigon, bắt đầu làm thơ và viết văn, chuyện ngắn, chuyện dài từ những năm còn ở Trung học Chu Văn An, và cộng tác với hầu hết báo chí tại Saigon như Báo Ngôn Luận, Điện Ảnh, Kịch Ảnh, Khởi Hành, Sống và nhiều báo khác qua những năm đại học ở Văn Khoa. Anh ra trường năm 1965, động viên vào khóa 21 Thủ Đức và sau đó được thuyên chuyển về Đà Lạt.
Trong những năm tại thành phố Hoa Đào, Nguyễn Đức Nam dành thì giờ rảnh rổi tiếp tục đèn sách. Năm 1967 anh ghi danh học khóa 4 Chính Trị Kinh Doanh. Năm 1974 anh được gởi sang Hoa Kỳ tu nghiệp về ngành quản trị. Anh lập gia đình với chị Kim Nga, có hai cháu, Thụy Nam và Thiên Nga , gia đình đang cư ngụ tại Fairfax, VA. Nghề nghiệp chính của anh là kế toán, tài chính, nghề tay trái là phụ tá chủ bút tạp chí Ngày Mai (Nam Cali) , sáng lập nhà xuât bản Ngày Mai (Alexandria, VA). Anh cũng làm thơ viết văn, soạn nhạc va thêm thú chơi golf.