Tin này hẳn nhiên đã làm cho chính phủ Hà Nội thất vọng, vì Phó Thủ Tướng CSVN Hoàng Trung Hải đã “đề nghị Liên Hiệp Âu Châu rút lại việc áp dụng loại thuế quan này,” khi ông Hải gặp giới doanh thương Âu Châu tại Hà Nội ngày 28 tháng 8, theo bản tin nhà nước VietnamNet Bridge được VOA dẫn lại.
Bản tin VietnamNet Bridge của nhà nứơc Hà Nội ghi lời ông Hải cho biết “việc áp dụng loại thuế quan này trong hai năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề lên một số nghiệp vụ kinh doanh, trong có cả những nghiệp vụ của phía Âu Châu, và làm hơn một triệu công nhân địa phương gặp khó khăn vì tình trạng giày dép xuất khẩu bị ứ đọng.”
Bản tin VOA ghi thêm rằng, thông tấn xã AFP loan tải hôm thứ Hai, Liên Hiệp Châu Âu sẽ triển hạn qua năm tới việc áp dụng loại thuế quan chống bán phá giá đối với mặt hàng giày dép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.
Các biện pháp chống nạn bán phá giá được đưa ra năm 2006 để đương đầu với số lượng giày dép lớn lao được hai nước Á Châu này đưa vào Âu Châu nhờ sự trợ giúp bất công của nhà nước.
Các nước Á Châu đã dữ dội chỉ trích biện pháp của Liên Hiệp Âu Châu, và vào lúc được áp đặt, các thuế quan mới đã chỉ được sự tán thành của 13 trong số 25 nước thành viên của Liên Hiệp, tức là của một tỷ lệ đa số nhỏ nhất.
Theo dự trù lúc ban đầu, các thuế quan này sẽ được áp dụng trong 2 năm và hết hạn trong tháng tới. Giờ đây các nguồn tin thân cận với vụ này cho hay việc đánh thuế chống bán phá giá sẽ được kéo dài qua năm tới.
Một phát ngôn viên của ông Peter Mandelson, Ủy Viên Thương Mại của Liên Hiệp Âu Châu, đã từ chối bình luận khi được yêu cầu cho biết về chuyện có thể triển hạn việc đánh thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, một bản tin trên tờ London Sunday Times trích dẫn lời một viên chức cấp cao làm việc trong cơ quan của ông Mandelson nói rằng Ủy Viên Thương Mại của Liên Hiệp Âu Châu sẽ triệu tập một cuộc duyệt xét khi việc áp dụng thuế quan hiện hữu hết hạn tháng tới.
Thời hạn áp dụng loại thuế quan có tính cách trừng phạt này trong 2 năm là thời hạn có tính cách dung hòa để các biện pháp được thông qua vào lúc đó, sau khi Liên Hiệp Âu Châu lúc khởi thủy đề nghị áp dụng trong 5 năm.