Vô địch bơi lội Hoa kỳ, Micheal Phelps đã qua mặt quán quân Spitz với thành tích 8 huy chương vàng tại một Thế Vận Hội. Sau khi giơ ngón tay cái lên để mừng chiến thắng, câu nói đầu tên của Phelps là muốn tìm gặp mẹ. Bà Debbie Phelps cùng với hai người con gái đang ngồi trên khán đài với những giòng nước mắt tuôn trào. Nhìn lại cuộc đời của Micheal Phelps, người ta được biết cha mẹ ông đã ly dị nhau khi Mike mới lên bảy tuổi. Câu hỏi đầu tiên nẩy lên trong trí tôi, là cha của Micheal là ai, đang làm gì, ở đâu" Liệu theo về ở với cha, Micheal có gặt hái được những thành công "bằng vàng" như hôm nay không"
Bây giờ, rằm tháng bảy lại về, trong tinh thần văn hóa Phật Giáo, người ta lại nhắc đến Vu Lan, nói đến sự tích Mục Kiền Liên vào địa ngục tìm mẹ, thể hiện lòng hiếu thảo của con đối với mẹ. Không nghe ai nói đến người cha. Cha ở đâu" Thường ở thế gian, người ta luôn luôn ca ngợi người mẹ, nói đến tình mẹ, trong khi người cha chỉ là cái bóng mờ nhạt. Trong âm nhạc, thi ca chín phần nói đến mẹ chỉ có một phần nói đến cha, riêng trong phần hội họa chẳng thấy hình ảnh của người cha ở đâu cả" Cha là cái gì vậy"
Nói đến ơn nghĩa sinh thành, rất nhiều trường hợp không ai nhắc đến cha, phải chăng cha là con gà trống vô tích sự" Oai phong, lẫm liệt, luôn luôn kè kè theo các nàng mái, chẳng biết gì đến hậu quả của những cuộc tình nhanh chóng "như gà", là những ổ trứng mà mẹ gà vẫn lên xuống chuồng, đem thân nhiệt của mình để ấp, chờ trứng nở ra một đàn gà con. Trứng nở ra con chỉ mới là bắt đầu cuộc đấu tranh với ngoại cảnh, với những đe dọa, nguy hiểm đang chờ đợi, như lúc con diều hâu xòe đôi cánh hung dữ, đáp xuống đàn gà con và nhanh như cắt, cắp một chú gà con bay đi mất hút. Gà mẹ không những thế thủ xòe đôi cánh làm nơi ẩn nấp cho đàn gà con mà đôi khi còn vươn cổ, giương hai cánh tranh đấu mãnh liệt với kẻ thù để đem lại sự an toàn cho đàn con. Mất con rồi, con gà mái la kêu thảm thiết. Chúng ta đã thường trông thấy cảnh gà mẹ bươi móc từ đống rác, lấy mỏ lấy chân khều ra những chút mồi để gọi bầy gà con đến. Không có gì đẹp bằng tình mẹ bằng hình ảnh con gà mái với những chú gà con non nớt như những nõn bông, chiêm chiếp theo bên chân mẹ.
Đối với con người, một người cha vì vợ chết, không tục huyền, đã ở vậy nuôi con khôn lớn thì người ta gọi là cảnh "gà trống nuôi con", nhưng thật ra thực tế chẳng có con gà trống nào biết che chở hay kiếm ăn cho con cả. Trong thế giới loài vật, giống đực chỉ có nhiệm vụ truyền giống, như "gậy thằng mù" đụng đâu chọc đó, và không hề có bổn phận hay hiểu biết gì đến con cái. Ngày trước, có những người lính xa nhà, đến mỗi vùng lại có một hậu cứ, hay một ông tài xế đường trường rong ruổi, mỗi nơi đều có một bà để lo nâng khăn sửa túi... Có vị làm đến chức Tuần Vũ, mỗi tỉnh ông đến trấn nhậm đều có một phòng, từ Hà Tĩnh cho đến Quảng Nam, vị chi có 5 bà Tuần. Ngoài "bổng" ra, không có "lộc" làm sao ông nuôi nổi một đàn con trai gái hơn hai mươi lăm người. Con ít khi được tiếp xúc với cha, anh em khác mẹ có khi cả đời không gặp nhau. Nhiều người gieo giống xong. để trách nhiệm lại cho người mẹ, do vậy mà xã hội Việt Nam, đàn ông con rơi, con rớt, khi nằm xuống, chung cuộc, đậy nắp quan tài mới thấy con cái ở đâu kéo về xin phục tang. Chúng ta có ai nghe quý bà có con rơi hồi nào đâu"