Phía người Việt hải-ngoại thì ngoài BS Nguyễn Thể Bình, đại diện cho TCQT Yểm trợ CTNB và Bà Jackie Bông, đại diện cho Mạng Lưới Nhân Quyền, có ÔÔ. Nguyễn Ngọc Bích (Nghị-hội), Đỗ Thành Công (Đảng Dân-chủ Nhân-dân), Hoàng Tứ Duy (Việt Tân), Nguyễn Quốc Quân (Chủ-tịch TCQT Yểm-trợ CTNB) và TS Nguyễn Đình Thắng (BPSOS). Cạnh đó cũng còn đại diện của mấy hội NGO chuyên lo về Nhân-quyền của Hoa-kỳ. Về phía HĐANQG, chủ-toạ là ông Michael Kozak, giám-đốc thâm-niên đặc-trách các vấn-đề Dân-chủ, Nhân-quyền và Tổ-chức Quốc-tế, và cô Elizabeth Phú, chủ-sự phòng Đông-Nam-Á (trong đó có VN) của Hội-đồng.
Sau phần trình bày khá chi-tiết của ông Kramer, TS Nguyễn Đình Thắng đã nêu ra trường-hợp cụ-thể của 671 giáo-hội Tin Lành tại gia ở vùng Tây-bắc và vấn-đề lao-động xuất khẩu mà theo ông, nhiều khi chỉ là một hình-thức buôn người, đem con đi bỏ chợ. BS Nguyễn Quốc Quân và BS Nguyễn Thể Bình thì nhắc đến sự bất khả tín của Hà-nội trong vấn-đề nhân-quyền.
Ông Đỗ Thành Công cám ơn Bộ Ngoại-giao đã can-thiệp để cho bốn đảng-viên Đảng DCND không còn phải lao-động cưỡng-bách trong tù, yêu-cầu ủng-hộ cho quyền tự do lập đảng, đồng-thời nhắc họ thúc đẩy cho việc Hà-nội sớm bỏ Điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự cũng như Điều 4 Hiến-pháp. Đồng-thời, ông Công cũng trao cho đại diện trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia HK Bản Lên Tiếng của nhiều nhà dân chủ trong nước kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền.
Đồng-ý với việc bỏ Điều 88 là ông Hoàng Tứ Duy của Việt Tân: ông cho rằng điều này không rõ ràng nên đã bị lạm-dụng để kết án tù nhiều người một cách rất vu vơ. Ông Duy cũng còn nêu ra một số e ngại về vấn-đề hợp-tác quân-sự giữa đôi bên, Mỹ và VNCS, tuy-nhiên câu trả lời của phía Hội-đồng An-ninh Quốc gia là đã có một số trao đổi ở cấp chuyên-gia, chưa đến cấp bộ-trưởng, vì quan-niệm đôi bên còn rất xa nhau, chưa đến chỗ chia xẻ những giá trị chung.
Phần ông Nguyễn Ngọc Bích, ông cho biết ông đã được đề cử để trao lại cho Hội-đồng một bản lên tiếng do 10 đoàn-thể chính-trị ở hải-ngoại và Nghị-hội ký chung ra ngày 19/6 nhân chuyến viếng thăm sắp tới của ông Nguyễn Tấn Dũng. Bản Lên Tiếng phủ-nhận tính-cách chính-thống của nhà cầm quyền CS ở quê nhà, dẫn đến hệ-luận là nhân-dân VN dành quyền bác bỏ những hiệp-định biên-giới hay lãnh-hải mà Hà-nội đã ký với Trung-quốc, đòi hỏi phải có một chính-quyền do dân bầu ra thực-sự mới ngăn được khủng-hoảng và suy thoái, đảm bảo được sự phát triển bền vững. Theo ông Bích, cũng chỉ qua đêm (từ ngày 19 sang ngày 20/6) đã có thêm hai tổ-chức uy-tín ở trong nước tham-gia trong Bản Lên Tiếng, đó là Khối 8406 và Liên-minh Dân-chủ và Nhân-quyền VN. Cuối cùng, cũng do sự đồng-thuận của các đảng, ông Bích chuyển tới cho Hội-đồng ANQG để yêu-cầu Tổng-thống Bush trao tận tay ông Nguyễn Tấn Dũng một danh-sách 10 tù-nhân chính-trị nổi tiếng để yêu-cầu Hà-nội phải thả.
Về phía Hoa-kỳ, cả ông Kozak lẫn ông Kramer đều cám ơn lối làm việc kỳ này vì các ông cho rằng những đòi hỏi của phía người Việt hải-ngoại rất cụ-thể và rõ ràng. Hội-đồng ANQG cho biết cuộc gặp gỡ giữa ông Dũng và TT Bush lần này sẽ không phải là một “state visit” mà chỉ là một buổi gặp gỡ làm việc (“working session”) 45 phút tuy có xảy ra trong văn-phòng Tổng-thống (Oval Office), nên sau đó sẽ không có thông-cáo chung. Hai ông cũng khẳng-định là TT Bush rất quan-tâm đến vấn-đề nhân-quyền nên gần như chắc chắn là ông sẽ trao một danh-sách tù-nhân chính-trị cho ông Dũng để yêu-cầu Hà-nội phải thả.