Trong các vấn nạn mà Úc, cũng như các quôc gia tiên tiến trên thế giới, phải quan tâm đối phó là nạn phì nộn, vốn sẽ tạo nhiều gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài phân tích về vấn đề này của ký giả Dan Harrison, tựa đề “Yes, we’re fat, but what do we do about it" – Đúng Vậy. Chúng Ta Phì Nộn Nhưng Chúng Ta Làm Gì Về Chuyện Này"”, được đăng tải trên tuần báo Sunday Age ngày 18/5/08 vừa qua.
Các chuyên gia về phì nộn đều đồng ý: đã đến lúc phải có hành động. Thế nhưng, hiện nay không có được một sự thoả hợp đồng ý nào về việc đối phó với một chuyện ngày càng rõ rệt là cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất cho thế giới đương đại.
Trong vòng chỉ 20 năm vỏn vẹn mà các loại thức ăn lẹ có nhiều calôri, cộng thêm với những trò giải trí mang tính thụ động và sự lệ thuộc vào xe cộ của chúng ta đã dẫn đến sự tăng vọt gấp đôi tỷ lệ người bị phì nộn ở Úc. Hiện nay, chúng ta là quốc gia đứng hàng thứ 5 trên thế giới về tỷ lệ người lớn bị phì nộn, với gần 9 triệu người lớn bị mập hoặc bị phì nộn. Theo thống kê của OECD cho thấy thì Hoa Kỳ dẫn đầu với tỷ lệ là 32.2%. Kế đến là Mễ Tây Cơ với 30.2%. Hạng 3 là Anh Quốc, 23%4. Tiếp theo là Hy Lạp 21.9%5. Úc hạng 5 với 21.7%. Tân Tây Lan hạng 6, 20.9%. Hạng 7 là Hung Gia Lợi, 18.8%. Lục Xâm Bảo hạng 8, 18.6%. Gia Nã Đại hạng 9, 18%. Và hạng 10 là Cộng Hoà Tiệp 17%.
Những ký mỡ thừa của những người này sẽ khiến họ có nhiều nguy cơ mặc bệnh tiểu đường, đau tim cùng một lô nhiều chứng bệnh khác, và – theo sự phân tích của cơ quan Access Economics năm 2005 – sẽ làm tiêu hao hơn 21 tỷ Úc Kim trong ngân khố quốc gia mỗi năm về chi phí y tế cũng như về thiếu hụt năng suất quốc gia.
Trong lúc mọi người đều đồng ý về tầm vóc của vấn nạn – trên toàn thế giới hiện nay có 2 tỷ người lớn bị mập hoặc mắc bệnh phì nộn – thế nhưng, mọi người vẫn còn bị phân hoá, chia rẽ về các phương pháp thích hợp nhất để vượt qua khó khăn này.
Theo dân biểu Lao Động liên bang Steve Georganas, người đang chủ toạ một cuộc điều tra của quốc hội về nạn phì nộn ở Úc, thì “giải pháp rất đơn giản: ăn ít hơn và tập thể dục nhiều hơn”. Tuy nhiên, ông nói: “Làm cách nào mà chúng ta có thể khiến cho người ta làm như thế. Đấy mới thật sự là chuyện khó”.
Thứ Hai 19/5/08, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organisation – WHO) sẽ trình bày kế hoạch hành động của họ trong việc ngăn ngừa những chứng bệnh lâu dài (chronic diseases) tại Hội Nghị Y Tế Toàn Cầu (World Health Assembly) ở Geneva.
Kế hoạch này kêu gọi các quốc gia thành viên của WHO phải đưa ra những biện pháp để đối phó với bệnh phì nộn, từ việc nghiêm cấm quảng cáo các loại thực phẩm được xem là “junk food” (thức ăn bậy bạ thiếu dinh dưỡng) cho đến những chính sách về kế hoạch thành phố và giao thông để khuyến khích dân chúng đi bộ và sử dụng xe đạp.
Năm biện pháp có thể được xem là đóng góp cho giải pháp chung về vấn nạn phì nộn được phân tích như sau.
Nghiêm cấm quảng cáo junk food: Năm 1980, tỉnh Quebec của Gia Nã Đại ra lệnh cấm quảng cáo nhắm vào trẻ em qua bất kỳ một phương tiện truyền thông nào. Tuy tỷ lệ trẻ em bị phì nộn lại gia tăng sau khi lệnh cấm được ban hành, nhưng những người ủng hộ cho lệnh cấm nêu lên một việc thật rõ ràng: các hệ thống phát thanh truyền hình từ ngoài tỉnh không hề bị buộc phải tuân thủ luật lệ nghiêm cấm. Tỷ lệ phì nộn của trẻ em nói tiếng Pháp trong tỉnh thấp hơn tỷ lệ của trẻ em nói tiếng Anh – vốn có thể xem truyền hình của Hoa Kỳ. Thế nhưng, tỷ lệ phì nộn dựa trên ngôn ngữ này không được thực hiện trước khi lệnh cấm được ban hành, do đó, người ta không thể nào xác định được rằng sự khác biệt ấy là thành quả của việc nghiêm cấm hay chỉ là kết quả của những dị biệt văn hoá lâu đời.
Theo tiên đoán của một bản tường trình từ cuộc nghiên cứu do Victorian Department of Human Services (tạm dịch là Bộ Dịch Vụ Nhân Đạo) uỷ nhiệm, thì trong số 13 biện pháp để chống nạn phì nộn thì việc nghiêm cấm quảng cáo về junk food nhắm vào trẻ em được xem như là biện pháp có nhiều ảnh hưởng tốt nhất, khả dĩ cứu giúp được 37,000 năm sống không bệnh tật (disability-adjusted life years) và tiết kiệm được $300 triệu Úc Kim mỗi năm nếu được áp dụng trên toàn quốc.
Nhưng các tác giả của bản tường trình này thừa nhận rằng trong khi mối liên hệ giữa quảng cáo và sự lựa chọn thực phẩm thiếu dinh dưỡng, không lành mạnh đã được chứng minh rõ rệt, không có nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa sự lựa chọn thực phẩm và trọng lượng của người dân. Các tác giả của bản tường trình cũng ghi nhận rằng một lệnh cấm như thế cũng sẽ tạo nên nhiều sự khó khăn về mặt chính trị (politically unpalatable).
Chính phủ Howard đã từng liên tục gác bỏ ngoài tai các lời kêu gọi giới hạn các quảng cáo cho junk food. Khi còn ở ghế đối lập thì đảng Lao Động có nhắc đến chuyện ngăn cấm việc sử dụng đồ chơi để quảng cáo junk food trươc khi Kevin Rudd đưa ra tuyên bố mâu thuẫn với phát ngôn nhân y tế của ông rằng luật lệ hiện hành đã đủ thích hợp rồi. Đây là một hành động được xem là đầu hàng chịu thua giới kỹ nghệ thực phẩm và quảng cáo.
Dán Nhãn Đèn Đỏ Cho Thực Phẩm: Bà Rosemary Stanton, chuyên gia về dinh dưỡng, là một trong số rất nhiều người kêu gọi một chương trình cưỡng bách dán nhãn thực phẩm để giúp cho người tiêu thụ biết về mức độ mỡ, muối và đường hiện diện trong các sản phẩm ăn uống. Ở Anh Quốc, cơ quan Food Standards Agency đã đề ra một chương trình tự nguyện (không mang tính cưỡng bách), dùng các mầu của đèn giao thông (xanh, đỏ, vàng) để cho người dân biết được một sản phẩm có mỡ, đường, muối ở mức độ cao, thấp, hoặc trung bình. Nhiều cuộc tham khảo ý kiến cho thấy hơn 80% người được tham khảo cho biết họ thích cách dán nhãn kiểu đèn đường hơn tất cả những sáng kiến khác.
Chương trình này cũng giúp cho các sản phẩm lành mạnh được bán chạy hơn và qua đó, khiến một vài nhà sản xuất thay đổi công thức các sản phẩm của họ hầu giảm bớt những đèn đỏ mà sản phẩm phải đón nhận.
Hội Đồng Thực Phẩm và Tạp Hóa Úc (Australian Food & Grocery Council – AFGC) tung ra hệ thống của riêng họ vào năm 2006, dựa theo mức độ ăn uống được khuyên bảo là vừa đủ hàng ngày (recommended daily intake). AFGC cho rằng cách dán nhãn kiểu đèn đỏ đèn xanh thật ra quá đơn giản. Nhưng bác sĩ Stanton cho biết, chính hệ thống của AFGC mới khiến người tiêu thụ bị lẫn lộn. Bà nói: “Khi bước vào siêu thị với hơn 30,000 mặt hàng chúng ta không thể nào đọc hết các nhãn hiệu được, và vì thế, chúng ta cần phải có một nhãn hiệu khả dĩ cho chúng ta biết được thật nhanh chóng rằng đây là sản phẩm mà tôi nên ăn mỗi ngày, kia là sản phẩm mà tôi chỉ nên thỉnh thoảng mới ăn thôi. Chúng ta phải làm cho nó dễ dàng hơn (để người ta có thể có sự chọn lựa lành mạnh), nếu không thì nó sẽ không xảy ra, và kỹ nghệ thực phẩm sẽ không tạo sự dễ dàng này, bởi vì lợi nhuận của họ dựa vào đó”.
Tăng Thuế Các Món Junk Food: Hiện nay, các quà sáng bằng ngũ cốc (breakfast cereals) dược miễn GST, thế nhưng Liên Minh Chính Sách Chống Phì Nộn (Obesity Policy Coaltion – OPC - một nhóm có bản doanh ở Melbourne kêu gọi chính phủ đề ra các dự án nhằm chống bệnh phì nộn), muốn loại thuế này được áp dụng cho các mặt hàng có hơn 27% đường như Nutir-Grain, Coco-Pops, Rice Bubbles và Just Right. OPC muốn rằng bất kỳ một sự tăng thuế trên các món ăn thiếu lành mạnh sẽ phải được kèm theo với những khoản tài trợ giúp cho các loại thực phẩm tươi được rẻ hơn. Một cuộc nghiên cứu ở Anh, được đăng tải trên tạp chí chuyên đề Journal of Epidemiology and Commnity Health cho thấy sự đánh thuế cẩn thận có mục tiêu lên những thứ thực phẩm thiếu lành mạnh có thể làm giảm thiểu tỷ lệ bệnh tim.
Ở Âu Châu trong thập niên 1980, số bán của sữa đầy chất béo (full-cream milk) bị giảm sụt sau khi có sự thay đổi trong việc tài trợ khiến cho giá của nó tăng cao hơn sữa ít chất béo (skim milk).
Na Uy đang dự tính bỏ thuế trị giá gia tăng VAT trên trái cây tươi và gia tăng gấp đôi loại thuế này đối với các loại nước ngọt.
Cuộc hội thượng đỉnh 2020 vừa qua cũng có thảo luận việc sử dụng tiền thuế từ các loại junk food, thuốc lá và rượu bia để thành lập một cơ quan y tế chuyên phòng bệnh (National Preventive Health). Chính phủ Rudd sẽ thực thi một phần của đề nghị này qua kế hoạch gia tăng thuế trên các loại rượu pha nước ngọt đóng chai sẵn thường được gọi là “alcopops” và dùng tiền thâu được vào các dịch vụ y tế ngăn ngừa bệnh hoạn.
Giải phẫu Bariatric: Đây là phương pháp giải phẫu nhằm nhét một vòng silicon chung quanh dạ dầy để làm giảm sự thèm ăn của bệnh nhân.
Một cuộc nghiên cứu của Victorian Department of Human Services đã kết luận rằng đây là một phương pháp hữu hiệu ít tốn kém dành cho những ngươi đã bị bệnh phì nộn. Một cuộc nghiên cứu được phổ biên trên tạp chí chuyên đề Annals Of Interna Medicine 2006, vốn được sự yểm trợ của các công ty sản xuất những dụng cụ dược sử dụng trong cuộc giải phẫu, cho thấy các bệnh nhân được giải phẫu theo phương pháp này đã giảm cân nhiều hơn những người chỉ thay đổi lối sống, ăn uống kiêng khem hoặc uống thuốc giảm cân. Một cuộc nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí chuyên đề Journal of the American Medical Association hồi đầu năm nay cho thấy giải phẫu kiểu này có thể dẫn đến việc suy giảm bệnh tiểu đường loại 2 (remission of type 2 diabetes)
Cân Thường Xuyên: Ở tiểu bang Arkansas của Hoa Kỳ, nhà trường cân đo trọng lượng học sinh rồi thông báo cho phụ huynh biết nếu con em của họ bị mập (overweight). Chương trình này đưa đến sự sụt giảm tí đỉnh trong tỷ lệ phì nộn. Biện pháp tương tự đã được áp dụng ở 3 tiểu bang khác. Thế nhưng, vị thống đốc ban hành chương trình này, cựu ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng Hoà, ông Mike Huckabee đã từ chức và người kế nhiệm của ông, thuộc đảng Dân Chủ đã lên tiếng bày tỏ ý định sẽ huỷ bỏ chương trình này vì e ngại rằng trẻ em sẽ mang mặc cảm từ việc bị cân đo.