Nhà văn Vũ Linh Châu giải thích về bản đồ đường Trường Sơn. |
Tham dự trong buổi ra mắt sách có nhiều đại diện tôn giáo, đặc biệt trong đó có Hiền Tài Phạm Văn Khảm của Cao Đài Giáo, người từng ở tù cải tạo chung với tác giả nhiều năm. Phần văn nghệ do ban Tù Ca Xuân Điềm đã giúp cho buổi ra mắt sách sinh động, giữa các chuyện kể về đường Trường Sơn đầy máu lửa của thời nội chiến và bây giờ thì đầy cạm bẫy khó hiểu của nhà nước CSVN.
Trong các nghệ sĩ tham dự còn có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một người tù nhiều thập niên chỉ vì có tội đã viết lên đúng sự thật của quê nhà, nhà văn Trần Phong Vũ, nhà báo Kiều Mỹ Duyên, Nguyên Huy, Anh Thành, Hoàng Phúc…
Trong số những người lên phát biểu, bên cạnh nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, khởi đầu là bác sĩ Joseph Hùng Nguyễn, người từng bị tù cải tạo 4 năm và là bạn học thời thơ ấu của nhà văn Vũ Linh Châu. Bác Sĩ J.H. Nguyễn kể về những năm học thời tiểu học và vài năm chung ở trung học với tác giả, rồi một thời hai người đi lính, thì bác sĩ là quân y của Sư Đoàn Dù cũng mang ba-lô đi sát cận tuyến đầu để chữa thương cho lính. Bác sĩ kể rằng ông đầy xúc động khi đọc cuốn "Trường Sơn, Trường Hận" của nhà văn Vũ Linh Châu, vì hầu hết các địa danh quanh vùng Trường Sơn, kể cả một số nơi bên kia biên giới, ông đã từng theo Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đặt chân tới. Những địa danh đọc lại trên trang giấy như A Sao, A Lưới, Đắc Tô, Đắc Sút… không phải là chữ đơn giản, mà cũng mang đầy kỷ niệm chinh chiến và cả máu xương nhiều đồng đội của ông.
Bác sĩ Hùng Nguyễn kể về một kỷ niệm khó quên khi theo Sư Đoàn Dù giải phóng An Lộc, nơi một đơn vị VNCH đang tử thủ và bị vây bởi Cộng Quân với nhiều xe tăng, trọng pháo. Bác sĩ nói tiểu đoàn dù của ông mỗi người lính được lệnh áp sát tới gần, chia ra đứng mỗi người sau một thân cây cao su ghìm súng và ngậm sẵn một chiếc còi buộc dây ở ngực; khi lệnh xung phong phát ra, tất cả các lính dù cùng bước ra khỏi thân cây để phóng tới nổ súng, trong khi vừa thổi còi, vừa nổ súng. Tiếng còi, không chỉ để nhận diện ta-địch trong đêm mà còn để áp đảo tinh thần Cộng Quân. Lệnh là phóng tới, không lùi, gặp xe tăng thì trèo lên quăng lựu đạn vào nắp, vì đơn vị tử thủ An Lộc đã rất đuối sức sau hơn 90 ngày tử thủ. Bác sĩ Hùng Nguyễn nhìn thấy tất cả các cây cao su đều trống, vì lính dù đã phóng tới trước cả, duy còn một anh lính dù vẫn bám vào cây ghìm súng về trước. Khi bác sĩ hét lên, bảo bước ra tức khắc, vẫn thấy im lặng. Tới gần, lay anh lính này, thì anh ngã ra, vì bị bắn chết ngay từ phút đầu nổ súng. Bác sĩ nói, cuốn sách này là sử liệu cho con cháu đời sau biết về mặt thật của một con đường đầy máu lửa.
Nhà văn Vũ Linh Châu đã bày tỏ lòng cảm ơn với hội ái hữu Bình Định, với Ai Hữu Cựu Học Sinh Trinh Vương, cảm ơn thân hữu, gia đình, và đặc biệt cảm ơn người bạn đời của ông, người phụ nữ đã nuôi lớn 3 con những ngày chồng ở tù và đã bảo lãnh ông sang.
Ong nói, cuốn sách tình cờ viết ra vì bản thân ông và vợ đã đi du lịch trên đường Trường Sơn để tìm hiểu, bất ngờ thấy nhiều tử lộ khó hiểu. Nhà văn gọi con đường Trường Sơn là con đườing lừa lọc, với 1 tỉ đô đổ ra xây cất để cho hoang phí, mục rã; nhiều người lái xe đã lao xuống vực chết, trong đó có cả du khách Mỹ và cán bộ. Ong nói, con đường này xây, thực ra là để chứng minh với thế giới rằng Bắc Quân CSVN đã sử dụng tuyến đường từ Bắc xuôi Nam trên lãnh thổ Việt Nam, chứ không lấn qua đất Lào, nhưng đó lại không là sự thật. Ong nói, may mắn, ông và vợ đều về bình an sau khi thăm cả Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, và là sau khi thoát được kiểu xây dựng cạm bẫy vội vã như thế.
Đặc biệt là nơi một phần đường Trường Sơn Tây, nhà văn Vũ Linh Châu ghi lại cảm giác kinh hoàng, trích:
"Cố gắng trườn người để nhìn xuống thung lũng phía dưới, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy được đáy vực, vẫn sâu thăm thẳm, nhưng cũng chỉ là cây xanh bạt ngàn, hun hút. Cao tới hơn 2 km thì làm sao mà thấy đáy được...
"… đường sẽ còn sụt lở dài dài, nhân công sẽ còn phải tu sửa bất tận. Chúng tôi không biết gì về cầu đường cả, nhưng cũng thấy rất rõ là nó được thiết kế và xây dựng rất cẩu thả, bôi bác. Nhiều khúc quanh, trên thì đất chuồi xuống, ven đường thì bắt đầu bị nước mưa xói mòn lở xuống vực thẳm, chỉ có cách là lại phải khoét sâu vào sườn núi và càng khoét sâu thì núi càng dốc càng dễ bị lở sụt...
…Nhà nước cộng sản chỉ cốt hoàn thành con đường để đạt chỉ tiêu và để kiếm chác, nặng phần tuyên truyền chứ không hề quan tâm tới việc con đường có sử dụng được an toàn thoải mái hay không (giống như bao nhiêu thành tích đạt và vượt chỉ tiêu khác mà mọi người đều đã quá rõ). Nếu có dịp đi qua các đèo trên QL 1, thiết kế bởi các kỹ sư Pháp ngày xưa, chúng ta sẽ thấy tại rất nhiều đèo, con đường có hình trôn ốc chữ chi để nó bò qua bò lại, dần dần mới lên tới đỉnh đèo. Dọc suốt 'đại lộ kinh hồn' này chúng tôi không hề thấy bất cứ một khúc vòng vèo chữ chi nào, gần như con đường cứ nhắm thẳng ven theo triền núi mà đi lên...
…Dĩ nhiên, trong lễ khánh thành con đường này, người ta đâu có dại gì mà để phái đoàn quan khách đi vào khúc đường ghê rợn này mà chỉ đi vào một đoạn ngắn tượng trưng..."
Một đặc biệt nữa trong sách "Trường Sơn-Trường Hận", và cũng được ông trình bày trong buổi ra mắt sách, là chuyện Việt Cộng sau này đã tự nhìn nhận trách nhiệm và ghi công cán bộ đã ném lựu đạn và giết nhiều trẻ em tiểu học ở Quy Nhơn trong thập niên 1960s, khi nhà văn Vũ Linh Châu còn làm nghề thầy giáo ở trường Trinh Vương, Bình Định. Bài viết trên báo nhà nước ghi công cán bộ ném lựu đạn giết trẻ em được tác giả scan lại và in trong sách này.
Đây là một cuốn sách rất nên đọc, cần có trong mọi tủ sách gia đình, để thấy lại một số hình ảnh trung thực về đường Trường Sơn.
Có thể liên lạc tác giả ở địa chỉ:
Vũ Linh Châu
P.O. Box 2055
San Gabriel, CA 91776
Email: chaulinhvu@yahoo.com