ÚC: Bộ trưởng Tài chính Liên bang Lindsay Tanner nói rằng Úc sẽ gia tăng đáng kể sự trợ giúp cho quốc gia Miến Điện vừa bị tàn phá sau trận cuồng phong Nargis. Hôm Thứ Bảy, Thủ tướng Kevin Rudd đã báo trước sự gia tăng viện trợ theo sau cuộc điện đàm với Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Úc đã hứa viện trợ $3 triệu đô-la cho Miến Điện sau khi miền nam của quốc gia này bị trận cuồng phong Nargis tàn phá. Khoảng 100,000 người bị lo ngại là đã thiệt mạng và tối thiểu 1.5 triệu người đã không còn nhà ở. Tuy nhiên ông Tanner nói rằng con số này sẽ gia tăng đáng kể như đã xảy ra trước đây, vào năm 2005 khi mức độ thiệt hại do cơn sóng thần trong dịp lễ Boxing Day gây ra trở nên rõ ràng hơn.
Ông Tanner đã nói với Đài Truyền hình Số Mười rằng con số $3 triệu đô-la chỉ đơn giản là con số khởi thủy được chi trả trước. Đó là trong những ngày còn quá sớm của vấn nạn này bởi vì chúng ta đã gặp phải nhiều khó khăn lớn…. ngay trong việc bàn giao sự cứu trợ. Đó là những vấn nạn phải đối phó. Tôi chờ đợi là chúng ta sẽ có thể công bố gia tăng đáng kể đề nghị cứu trợ trong một thời gian rất ngắn.
Ông Tanner nói rằng Úc phải bảo đảm để tiền bạc đến được tận tay những người cần sự cứu trợ. Ông nói, chúng ta phải làm việc với các tổ chức quốc tể như Liên Hiệp Quốc để bảo đảm rằng chúng ta không chỉ hành động riêng rẽ mà chúng ta hành động như là một phần của đội ngũ rộng lớn toàn cầu để đối phó với điều mà rõ ràng là một thảm kịch. Ông nói rằng, sự gia tăng đáng kể trong cứu trợ ngoại quốc này đã được đưa vào như là một yếu tố trong Ngân sách Liên bang vào ngày Thứ Ba. Ông nói, chúng tôi đã ghi nhận việc gia tăng đáng kể trong ngân sách cứu trợ như là một yếu tố của ngân sách được hoạch định cho vài năm tới, do đó chúng ta có đủ khả năng để thực hiện một sự đóng góp rất quan trọng.
Sau đó, vào hôm Chủ Nhật, Ngoại trưởng Stephen Smith (hình trên bên phải) đã nói rằng, Úc sẽ tăng cường lời hứa viện trợ cho Burma lên $25 triệu đô-la theo sau cơn lốc xoáy Nargis. Hôm Chủ Nhật ông Smith tuyên bố tại Perth rằng ngân khoản này sẽ bao gồm cả con số 3 triệu đô-la nguyên thủy mà chính phủ Úc đã hứa vào ngày 7 Tháng Năm vừa qua. Con số $25 triệu đô-la này sẽ được chia đều cho cuộc lạc quyên của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ của Úc. Ông Smith nói rằng, sự việc đã trở nên rõ ràng…. là chúng ta đang phải đối phó với một thảm kịch của loài người trên một quy mô khổng lồ. Nó vượt quá khả năng của bất cứ một quốc gia nào để đối phó đơn độc một mình.
Khoảng 100,000 người được lo ngại là đã thiệt mạng và tối thiểu 1.5 triệu người đã không còn nhà cửa khi vùng phía nam Burma bị tàn phá bởi cơn lốc xoáy Nargis, tuy nhiên giới quân sự cầm quyền tại Burma đã từ chối chấp nhận sự trợ giúp quốc tế. Ông Smith nói rằng, điều tối cần là Hội đồng Tư vấn của Miến Điện phải bắt đầu cộng tác với cộng đồng thế giới và các tổ chức cứu trợ quốc tế. Ông nói rằng, điều quan trọng nhất vào lúc này là Chính phủ Miến Điện phải được thuyết phục rằng sự trợ giúp quốc tế nói chung và sự trợ giúp quốc tế tại chỗ thông qua các tổ chức Liên Hiệp Quốc và phi chính phủ là điều tuyệt đối quan trọng. Ông Smith nói rằng, Úc đã nói chuyện với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia khác, yêu cầu họ nhấn mạnh về điểm này với Chính phủ Miến Điện. Miến Điện là một thành viên của ASEAN.
Ông Smith nói rằng sự trợ giúp của Úc sẽ dưới hình thức thực phẩm, nước, sự lọc nước, vệ sinh, các gói y tế và vải dầu. Ông Smith nói rằng, bây giờ rõ ràng là trừ phi có những sự trợ giúp khẩn cấp ngay tại chỗ, nếu không sẽ có nguy cơ là sự thiếu thốn nguồn nước sạch sẽ dẫn tới sự lan rộng của dịch bệnh. Do đó chúng ta không chỉ có tác động khủng khiếp nguyên thủy của trận cuồng phong mà thôi….
Ông Smith nói rằng, các nỗ lực ngoại giao đã bao gồm cả những cuộc đối thoại với Thái Lan, Singapore, Nhật và Anh quốc. Hôm Thứ Bảy, một cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp đã diễn ra tại Miến Điện mà không có sự lộn xộn nào xảy ra. Ông Smith nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý này lẽ ra nên được dẹp bỏ hoàn toàn hơn là chỉ được hoãn lại cho tới ngày 24 Tháng Năm tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông nói rằng, Úc nhìn vào hệ thống trưng cầu dân ý này chẳng có gì khác hơn là một sự giả mạo, vờ vĩnh. Ông Smith nói rằng, những sự khác biệt chính kiến giữa Úc và Miến Điện đã nhạt đi để trở thành không quan trọng vì sự cấp thiết của nhu cầu giúp đỡ cho các nạn nhân của trận cuồng phong.
Cho tới ngày Thứ Hai đầu tuần này, Chính phủ Liên bang Úc đã tỏ ra quan ngại rằng sẽ là một tai họa nếu những sự giúp đỡ không đến tay hàng triệu người Miến Điện không có nhà ở và đang chịu đựng nạn đói sau khi trận cuồng phong Nargis tàn phá đất nước của họ. Úc đã tăng cường viện trợ của mình cho quốc gia bị trận lốc xoáy tàn phá này lên $25 triệu đô-la nhưng đã lo ngại nhiều về ảnh hưởng của việc tiếp tục từ chối sự giúp đỡ của quốc tế của nhà cầm quyền quân phiệt.
Đã hơn một tuần sau trận cuồng phong nhưng giới cầm quyền của Miến Điện vẫn cấm không cho nhiều nhân viên cứu trợ ngoại quốc nhập cảnh cũng như cầm giữ nhiều chuyến bay với các loại vật dụng cứu trợ khẩn cấp ở bên ngoài. Bộ trưởng Ngoại giao Stephen Smith đã nhấn mạnh tới mức độ khủng khiếp của thảm kịch này để buộc chế độ cầm quyền Miến Điện phải chấp nhận sự trợ giúp. Ông nói, đây là một thảm kịch của loài người trên một mức độ khổng lồ mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết nổi.
Với những phẩm vật cứu trợ vẫn còn đang chờ tới tay nhiều nạn nhân, các sự ước đoán về con số tử vong vẫn tiếp tục gia tăng khi nạn đói và dịch bệnh ló dạng như là các mối đe dọa mới. Ông Smith đã lập lại lời kêu gọi của Úc với Miến Điện để cho phép cộng đồng quốc tế vào bên trong quốc gia này để trực tiếp cứu giúp về thiên tai. Ông nói, nếu sự trợ giúp này không được cung ứng thì mối lo ngại nhất của chúng tôi là trong vòng vài ngày tới.... dịch bệnh sẽ tràn lan cũng như các hậu quả bất lợi khác sẽ trở thành cực kỳ to lớn ở một mức độ tai họa.