Hôm nay,  

Thuyết Trình Dịp Nhận Giải Nobel Hòa Bình 1989 Tại Oslo

10/05/200800:00:00(Xem: 6103)

Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma; Chuyển ngữ: HT.Thích Trí Chơn

(Trích từ cuốn sách: “The Policy of Kindness.”)

Kính thưa các bạn,

Thực là điều vinh dự và vui mừng được hiện diện trước quý vị hôm nay tại đây. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc được gặp gỡ các bạn cũ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, và được quen biết thêm những người bạn mới mà tôi hy vọng sẽ gặp lại trong tương lai. Khi gặp các người bạn ở những vùng đất xa xôi trên quả địa cầu, tôi luôn luôn được nhắc nhở rằng tất cả chúng ta căn bản đều giống nhau, vì chúng ta là những con người.

Có thể quần áo chúng ta mặc không giống nhau, màu da khác biệt, hoặc không cùng một tiếng nói. Đó chỉ là bề ngoài. Nhưng việc căn bản chúng ta đều là con người. Điều ấy đã kết hợp chúng ta lại với nhau, giúp chúng ta hiểu biết cũng như phát triển được sự đoàn kết và tình thân hữu với nhau.

Nghĩ tới những điều có thể nói hôm nay, tôi muốn chia xẻ với các bạn một vài ý tưởng của tôi liên quan đến những vấn đề chúng ta đang phải đối phó như là các thành viên trong một đại gia đình nhân loại. Vì tất cả chúng ta cùng chung ở trên quả đất này, chúng ta cần phải biết sống hòa hợp và đoàn kết giữa con người với nhau cũng như với thiên nhiên và vũ trụ. Điều ấy không phải là giấc mơ mà là  sự cần thiết.

Chúng ta hiện nay đang phải nương nhờ vào nhau trên nhiều phương diện để sống còn. Chúng ta không còn sống trong những cộng đồng hẻo lánh đơn độc và không biết mọi việc đang xảy ra bên ngoài các đoàn thể đó. Chúng ta cần sự giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn và chia xẻ niềm vui khi gặp may mắn. Tôi hầu chuyện với các bạn như là một con người, hay một nhà Sư bình thường. Nếu quý vị nhận thấy những điều tôi nói là hữu ích, tôi mong các bạn cố gắng thực hành theo.

Tôi cũng muốn trình bày với các thính giả những ý nghĩ của tôi liên quan đến hoàn cảnh và niềm khát vọng hiện nay của dân tộc Tây Tạng. Giải Nobel hòa bình là phần thưởng mà dân chúng Tây Tạng xứng đáng được chia xẻ qua lòng can đảm và chịu đựng hy sinh của họ trong suốt bốn mươi năm qua dưới ách thống trị bạo tàn của Trung Cộng. Là một phát ngôn viên cho những nam nữ đồng bào của tôi đang bị cầm tù, tôi nghĩ bổn phận của tôi là đại diện cho họ để trình bày cho thế giới được biết.

Tôi không nói với lòng tức giận và hận thù đối với những người đã gây nên vô vàn khổ đau cho dân tộc Tây Tạng cũng như tàn phá đất nước, quê hương và nền văn hóa của chúng tôi. Tây Tạng là những con người đã đấu tranh đi tìm hạnh phúc và đáng được quý vị phát tâm từ bi giúp đỡ. Tôi muốn thông báo cho các bạn hiểu rõ tình trạng đau buồn của đất nước chúng tôi ngày nay và khát vọng của nhân dân Tây Tạng, bởi lẽ trong cuộc đấu tranh giành tự do, khí giới duy nhất mà chúng tôi đang có là lẻ phải và công lý.

Sự nhận thức rằng chúng ta căn bản đều là những con người đang mong đi tìm hạnh phúc và không thích khổ đau đã giúp rất nhiều trong sự phát triển ý nghĩa của tình anh chị em ruột thịt - một cảm tình nồng nhiệt của tình thương và lòng từ bi đối với những kẻ khác. Đây là điều thiết yếu khi chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng thu nhỏ lại. Nếu mỗi chúng ta ích kỷ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi riêng mình mà không quan tâm đến nhu cầu lợi ích của kẻ khác, quý vị không những sẽ gây tai hại cho mọi người mà ngay cả chính các bạn nữa.

Sự việc này trở nên rõ ràng hơn trong thời hiện đại. Chúng ta biết rằng, chẳng hạn ngày nay nếu gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử thì đó là một hành động tự sát hay làm ô nhiễm bầu không khí và biển cả nhằm thu được các quyền lợi ngắn hạn sẽ dẫn đến kết quả là hủy diệt sự sống căn bản của chúng ta. Vì những cá nhân và quốc gia ngày càng phải sống liên hệ và tùy thuộc với nhau nhiều hơn cho nên không có cách nào khác là chúng ta cần phải kêu gọi đến ý thức trách nhiệm phổ quát toàn cầu.

Ngày nay thực sự chúng ta đang sống như một đại gia đình của thế giới. Việc gì xảy ra trên một phần mặt đất đều ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Dĩ nhiên điều này không riêng đúng với các hành động xấu xa tiêu cực mà ngay cả những việc làm lợi ích tích cực. Chúng ta không những chỉ biết một biến cố xảy ra tại một nơi nào đó, nhờ vào các phương tiện kỹ thuật thông tin nhanh chóng hiện đại mà chúng ta còn trực tiếp chịu ảnh hưởng hậu quả của nó tại các vùng đất xa xôi.

Chúng ta cảm thấy buồn khi biết có nhiều trẻ em đang chết đói tại các nước ở Đông Phi Châu. Tương tự, chúng ta chia xẻ niềm vui khi hay tin nhiều gia đình hiện nay được đoàn tụ sau hàng chục năm chia cách vì bức tường Bá Linh (Berlin). Các vụ mùa thóc lúa và gia súc của chúng ta bị ô nhiễm cũng như sức khỏe và sinh kế của các bạn sẽ bị đe dọa khi một tai nạn về nguyên tử xảy ra cách hàng trăm dặm ở một quốc gia nào đó. Sự kiểm soát an ninh của chúng ta sẽ được tăng cường khi nền hòa bình giữa hai phe lâm chiến bị đổ vở tại một lục địa xa xôi.

Nhưng hòa bình hay chiến tranh, tàn phá hay bảo vệ thiên nhiên, vi phạm hay ủng hộ nhân quyền và dân chủ tự do, đói nghèo hay đầy đủ vật chất, thiếu đạo đức và các giá trị tâm linh hay sự hiện hữu và phát triển của chúng cũng như việc sút giảm hay tăng trưởng sự hiểu biết thông cảm giữa con người, tất cả không phải là các vấn đề riêng rẽ có thể phân tích hay giải quyết một cách độc lập với nhau được. Thực vậy chúng có liên quan mật thiết trong nhiều lãnh vực và rất cần đi sát với nhận thức hiểu biết nói trên.

Hòa bình trong ý nghĩa vắng bóng chiến tranh chẳng có giá trị gì đối với người đang bị chết vì đói hay lạnh. Nó không chấm dứt được nỗi đau đớn vì bị tra tấn hành hạ trên thân xác của người tù lương tâm. Nó không an ủi được những kẻ có người thân mất mác trong cơn lụt lội gây nên bởi hành động phá rừng vô ý thức của dân chúng tại một nước láng giềng. Hòa bình chỉ có thể tồn tại nơi nào mà các quyền làm người được tôn trọng, dân chúng được ấm áo no cơm cũng như mọi cá nhân và quốc gia được dân chủ, tự do.

Nền hòa bình chân thực của chính các bạn hay thế giới xung quanh chúng ta chỉ có thể thành đạt qua hành động tu tập, duy trì sự bình an trong tâm của mỗi quý vị. Một số vấn đề khác nêu ở trên cũng đều có tương quan với nhau. Chẳng hạn, chúng ta nhận thấy hành động làm sạch môi sinh, sự giàu sang phú quý hay nền dân chủ chẳng có ý nghĩa gì trong việc đối đầu với chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh nguyên tử. Do vậy mà riêng sự phát triển vật chất không đủ bảo đảm hạnh phúc cho nhân loại.

Sự tiến bộ vật chất hẳn nhiên quan trọng trong việc thăng hoa đời sống con người. Ở Tây Tạng chúng tôi không chú tâm mấy đến việc phát triển về kỹ thuật và kinh tế, nhưng ngày nay chúng tôi nhận thấy đó là một hành động sai lầm. Cùng lúc, chỉ lo phát triển vật chất mà thiếu phần bồi dưỡng tâm linh cũng sẽ gây nên nhiều vấn đề khó khăn nghiêm trọng. Tại vài quốc gia, người ta chỉ quan tâm đến sinh hoạt vật chất bên ngoài và ít chú trọng đến sự phát triển đời sống tâm linh. Tôi tin rằng cả hai đều quan trọng và cần nên thực hiện song hành với nhau nhằm duy trì sự quân bình tốt đẹp giữa chúng.

Các du khách ngoại quốc thường có nhận xét rằng Tây Tạng là một dân tộc luôn luôn sống trong hạnh phúc và an lạc. Đây là một phần đặc tính của quốc gia chúng tôi được tạo nên bởi những giá trị bắt nguồn từ nền văn hóa và tôn giáo, qua nhiều thế hệ chú trọng đến hạnh phúc tinh thần bằng cách thực hiện tâm từ bi và yêu thương tất cả mọi chúng sinh, con người cũng như loài vật.

Sự bình an trong tâm là chìa khóa: Khi tâm của bạn an lạc, những vấn đề khó khăn bên ngoài không thể gây ảnh hưởng, tạo phiền não cho bạn được. Với cái tâm định tĩnh và sáng suốt như vậy sẽ giúp bạn dễ dàng giải quyết thành công những cuộc khủng hoảng rắc rối và duy trì được nguồn an lạc hạnh phúc ở nội tâm. Đó là điều rất quan trọng. Khi tâm bạn không an lạc thì đời sống vật chất của bạn dù có đầy đủ tiện nghi, giàu sang phú quý cách nào, bạn vẫn luôn luôn cảm thấy lo âu và đau khổ.

Cho nên rõ ràng điều căn bản nhất là chúng ta nên hiểu biết rằng có sự tương quan giữa tâm các bạn với hiện tượng ngoại giới hầu có thể giải quyết những vấn đề khó khăn theo phương cách giữ quân bình được giữa đời sống tâm linh và tiến bộ vật chất bên ngoài. Dĩ nhiên điều ấy không dễ dàng. Nhưng khi giải quyết được việc khó khăn này nếu phải gây thêm rắc rối khác, thì cũng chẳng có ích lợi gì.

Do đó, thực sự không còn cách nào hơn là chúng ta cần phát triển tinh thần trách nhiệm toàn cầu; không những chỉ trong ý nghĩa của địa dư nhưng còn liên quan đến nhiều vấn đề khó khăn khác mà con người đang phải đối đầu hôm nay trên quả đất này.

Trách nhiệm không chỉ riêng thuộc những nhà lãnh đạo các quốc gia hoặc một số người được chỉ định hay bầu cử vào một vài chức vụ đặc biệt, mà nó nằm ở mỗi cá nhân chúng ta. Chẳng hạn, hòa bình khởi đầu từ trong tâm của mỗi người chúng ta. Khi tâm các bạn an lạc, quý vị mới có thể giúp cho mọi người xung quanh an lạc. Khi cộng đồng chúng ta an lạc, các bạn có thể chia xẻ sự an lạc đó cho những cộng đồng láng giềng. Khi chúng ta bày tỏ tình thương đối với người khác, không những chỉ khiến họ cảm thấy được mến yêu và chăm sóc mà còn giúp cho các bạn có được tâm an lạc và hạnh phúc.

Có nhiều phương cách để phát triển tình thương và lòng từ bi. Một số người trong chúng ta, đã phát tâm từ bi nhờ thực hành tôn giáo. Nhưng có kẻ không theo tín ngưỡng nào mà vẫn làm việc lành giúp đỡ tha nhân. Cho nên điều quan trọng là mỗi chúng ta cần  ý thức trách nhiệm của mình trong nỗ lực phát triển tình thương để mang hạnh phúc lại cho mọi người.

Tôi rất phấn khởi trước những cố gắng của Liên Hiệp Quốc trong việc tái lập nền hòa bình tại những khu vực bị chiến tranh tàn phá và thực thi quyền tự quyết cho các dân tộc dẫn đến kết quả triệt thoái quân đội Liên Xô ra khỏi A Phú Hãn cũng như thiết lập nền độc lập tại xứ Namibia ở Phi Châu. Qua nỗ lực đấu tranh bất bạo động trường kỳ của quần chúng đã mang lại sự thay đổi, thực thi dân chủ tại một số quốc gia từ Manila (Phi Luật Tân) đến Berlin (Bá Linh) thuộc Đông Đức.

Kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh (Cold War) sắp kết thúc, các dân tộc khắp nơi đang sống với niềm hy vọng mới. Nhưng rất tiếc và đáng buồn, những cố gắng đấu tranh đầy cam đảm của mọi người dân Trung Hoa với ước mong nhìn thấy đất nước của họ thay đổi đã bị chính quyền Trung Cộng đàn áp hết sức dã man tàn bạo trong tháng sáu vừa qua.

Nhưng tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của họ là nguồn hy vọng tương lai. Quân đội sẽ không thể dập tắt được khát vọng đòi tự do dân chủ và quyền tự quyết của dân tộc Trung Hoa. Tôi đặc biệt khâm phục tinh thần hy sinh can đảm của những sinh viên trẻ này đã từng được giáo dục rằng “quyền lực nằm trên nòng súng” nhưng họ vẫn sử dụng tinh thần “bất bạo động” như khí cụ đấu tranh của mình.

Những điều mà các thay đổi tích cực này chỉ dẫn cho thấy rằng lẻ phải, lòng can đảm, sự quyết tâm và khát vọng tự do của đông đảo dân chúng Trung Hoa không cách gì dập tắt được và cuối cùng họ sẽ chiến thắng trong cuộc tranh đấu giữa một bên là sức mạnh chiến tranh, bạo lực và sự đàn áp còn phía kia là hòa bình, công lý và tự do, nhưng tôi tin rằng các điều sau nhất định sẽ thắng. Từ nhận thức này, tôi hy vọng đất nước Tây Tạng chúng tôi một ngày nào đó cũng sẽ được tự do.

Sự trao tặng giải Nobel Hòa Bình cho tôi, một nhà Sư bình dị, từ vùng đất Tây Tạng xa xôi đến xứ Na Uy (Norway) hôm nay tại đây đã mang lại nguồn hy vọng mới cho dân tộc Tây Tạng. Nó có nghĩa rằng thế giới không quay lưng bỏ quên chúng tôi. Những giá trị tâm linh mà dân tộc Tây Tạng mến chuộng, đặc biệt là tinh thần tôn trọng sự sống cũng như tin tưởng vào lẻ phải và sức mạnh của chân lý ngày nay đã được mọi người khắp nơi trên thế giới đều thừa nhận và tán dương.

Nó cũng bày tỏ lòng kính trọng vị đạo sư của tôi, Thánh Gandhi (Ấn Độ) mà tấm gương đức hạnh của ngài là nguồn khích lệ lớn lao cho chúng tôi. Sự trao giải Hòa Bình Nobel năm nay cho tôi cũng chứng tỏ cho thấy ý nghĩa về trách nhiệm phổ quát toàn cầu đang được phát triển mạnh mẽ. Tôi vô cùng xúc động trước sự quan tâm của nhiều người tại quốc gia này và trên thế giới về nỗi khổ đau của dân tộc Tây Tạng. Đây không chỉ là nguồn hy vọng riêng cho những người Tây Tạng mà còn chung đối với các dân tộc đang bị áp bức.

Như các bạn đã biết đất nước Tây Tạng chúng tôi trong bốn mươi năm qua đã bị ngoại bang xâm lăng và thống trị. Hiện nay hơn một phần tư triệu quân đội Trung Hoa đang chiếm đóng Tây Tạng. Theo vài nguồn tin khác cho biết số quân có thể còn nhiều gấp đôi. Vào lúc này, dân chúng Tây Tạng đã bị chính quyền Trung Cộng tước bỏ hết mọi quyền làm người căn bản như tự do sinh sống, hoạt động, đi lại, ngôn luận và tôn giáo v.v. . Hơn một phần sáu trong sáu triệu dân số Tây Tạng đã bị sát hại do kết quả trực tiếp của sự xâm lăng và chiếm đóng của quân đội Trung Quốc.

Trước ngày khởi đầu cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” (Cultural Revolution) nhiều chùa, tu viện và di tích lịch sử đã bị chính quyền Trung Cộng hủy diệt. Có thể nói hầu hết tất cả cơ sở văn hóa, lịch sử và tôn giáo ở Tây Tạng đều bị tàn phá hết trong thời kỳ đen tối này. Tuy nhiên, điều quan trọng tôi muốn trình bày với quý vị hôm nay là mặc dù sau năm 1979 nhà nước Trung Cộng có cho phép trùng tu, sửa chửa một số các chùa và tu viện như là dấu hiệu bề ngoài của tự do dân chủ, nhưng thực sự các quyền làm người căn bản của nhân dân Tây Tạng hiện nay vẫn bị chính quyền Trung Hoa vi phạm một cách có hệ thống và tinh vi. Những tháng gần đây, chúng tôi được tin là tình trạng đau thương này đang ngày càng trở nên tồi tệ và xấu xa hơn.

Cộng đồng Tây Tạng lưu vong tị nạn của chúng tôi lâu nay nếu không có sự rộng lượng cưu mang tận tình giúp đỡ của chính phủ và nhân dân Ấn Độ cũng như các tổ chức từ thiện và những cá nhân ở khắp nơi trên thế giới thì dân tộc chúng tôi ngày nay chỉ còn là một sắc tộc rời rạc nhỏ bé mà thôi. Nền văn hóa, tôn giáo và nếp sống phong tục tập quán của Tây Tạng sẽ bị tiêu diệt. Do đó tại hải ngoại chúng tôi đã xây cất nhiều cơ sở giáo dục, các chùa chiền và tu viện cũng như thiết lập những cơ cấu dân chủ để phục vụ cho dân tộc chúng tôi và bảo vệ nền văn minh Tây Tạng.

Với kinh nghiệm này, chúng tôi dự tính sẽ xây dựng nền móng dân chủ nhằm đóng góp giúp đỡ cho một đất nước Tây Tạng tự do trong tương lai. Chúng tôi đã phát triển cộng đồng Tây Tạng hải ngoại theo tiêu chuẩn hiện đại cũng như bảo vệ đặc tính của nền văn hóa Tây Tạng và mang niềm hy vọng đến cho hàng triệu dân chúng nam lẫn nữ đang sống ở trong nước.

Nguồn tin khẩn cấp đáng quan tâm mà chúng tôi muốn thông báo cho quý vị biết vào lúc này là nhà nước Trung Cộng có chủ trương khuyến khích người Trung Hoa di dân tràn ngập vào Tây Tạng sinh sống. Mặc dù những thập niên đầu sau khi xâm lăng, một số đông người Trung Hoa đã được chính quyền Trung Cộng đưa sang định cư ở các vùng phía đông Tây Tạng gồm hai tỉnh Amdo (Chinghai) và Kham (phần lớn nay đã bị sáp nhập vào tỉnh Trung Hoa kế cận).

Nhưng từ năm 1983 do sự hướng dẫn của nhà cầm quyền Trung Cộng đã có thêm rất nhiều người Trung Hoa ồ ạt di cư sang lập nghiệp tại các vùng đất xa xôi gồm cả miền trung và tây Tây Tạng. Do đó số người Tây Tạng đã nhanh chóng giảm sút biến thành dân tộc thiểu số ngay trên quê hương của họ. Sự kiện này đã đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của nền văn hóa, di sản tinh thần và đất nước Tây Tạng. Chúng tôi nghĩ ngay lúc này nên tìm cách ngăn chận để điều ấy không xảy ra, trước khi quá trể.

Nhằm phản đối chủ trương Hán hóa dân tộc Tây Tạng của chính quyền Trung Quốc dân chúng đã tổ chức các cuộc biểu tình vào tháng 9 năm 1987. Nhiều vụ xung đột đã xảy ra giữa lực lượng đàn áp của công an và cảnh sát với quần chúng đưa đến tình trạng khẩn  trương khiến nhà nước Trung Cộng phải ban hành lịnh thiết quân luật  khắp thủ đô Lhasa (Lạp Tát) vào tháng 3 năm 1988.

Tại Ấn Độ, chúng tôi nhận được các tin tức từ trong nước cho biết những cuộc biểu tình tuần hành bất bạo động của dân chúng vẫn tiếp tục xảy ra tại Lhasa và nhiều thành phố khác, bất chấp sự đàn áp dã man của chính quyền. Số người Tây Tạng bị lực lượng an ninh sát hại trong các cuộc biểu tình xảy ra vào tháng 3 năm 1988 cũng như bị tra tấn đánh chết trong các nhà tù sau đó không biết rõ chính xác, nhưng có thể lên tới hơn 200 người. Ngoài ra còn có hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử bị bắt cầm tù, ngược đãi, hành hạ và tra tấn.

Nhằm chống lại tình trạng đen tối này và để tránh một cuộc tắm máu có thể xảy ra trong tương lai cho dân tộc Tây Tạng dưới chế độ ngục tù bạo tàn Trung Cộng, chúng tôi đã đưa ra đề nghị chương trình Năm Điểm Hòa Bình (Five Point Peace Plan) để duy trì hoà bình và bảo vệ nhân quyền ở Tây Tạng. Chúng tôi đã trình bày cặn kẻ rõ ràng phương cách này trong buổi thuyết giảng tại Strasbourg (Pháp quốc) năm ngoái. Tôi tin rằng chương trình đã đóng góp các đề nghị rất thực tế và hợp lý để thảo luận với nhà cầm quyền Trung Hoa. Tuy nhiên đến nay các nhà lãnh đạo Trung quốc vẫn im lặng không trả lời.

Nhưng qua cuộc đàn áp tàn bạo phong trào đấu tranh cho dân chủ của những người Trung Hoa xảy ra vào tháng 6 năm nay, khiến tôi nhận thấy rằng bất cứ giải pháp nào cho vấn đề Tây Tạng chỉ có ý nghĩa và đạt kết quả nếu có sự cam kết ủng hộ và bảo đảm của quốc tế.

Chương trình Năm Điểm Hòa Bình gồm các điều căn bản dưới đây. Chúng tôi yêu cầu nhà nước Trung Cộng:

1) Biến đổi toàn quốc Tây Tạng gồm các tỉnh phía đông của Kham và Amdo thành khu vực Hòa Bình (Bất bạo động).

2) Chấm dứt chủ trương di dân Trung Hoa vào Tây Tạng.

3) Tôn trọng nhân quyền, dân chủ và tự do của dân tộc Tây Tạng.

4) Phục hồi và bảo vệ môi trường thiên nhiên của Tây Tạng.

5) Khởi sự cuộc đàm phán nghiêm chỉnh về địa vị tương lai của Tây Tạng và mối quan hệ giữa hai dân tộc Tây Tạng và Trung Hoa.

Trong buổi nói chuyện tại Strasbourg tôi có đề nghị giải pháp tốt đẹp nhất là nên để cho Tây Tạng được quyền chọn lựa thể chế chính trị của mình. Nhân dịp này tôi muốn giải thích thêm về Khu Vực Bất Bạo Động hay vùng đất hòa bình thiêng liêng được xem như trọng tâm của Chương Trình Năm Điểm Hòa Bình. Tôi nghĩ đó là điều thiết yếu không riêng giúp Tây Tạng ổn định tình hình chính trị mà còn đóng góp cho nền hòa bình của khắp Á Châu.

Tôi ước mong rằng toàn thể cao nguyên Tây Tạng sẽ trở thành vùng đất tự do nơi con người có thể sống an lành, hòa hợp với vạn vật và thiên nhiên. Đó là khu vực mà các dân tộc khắp nơi trên thế giới có thể đến sống chung hòa bình với nhau, trí óc không bị căng thẳng và thúc ép như những sắc dân đang sống ở các phần đất khác. Thực vậy, Tây Tạng có thể trở thành trung tâm phát triển và cổ võ cho nền hòa bình thế giới.

Sau đây là những nguyên tắc cơ bản được đề nghị áp dụng cho khu vực Hòa Bình (Bất Bạo Động):

- Quân đội Trung Cộng sẽ phải triệt thoái ra khỏi toàn vùng cao nguyên Tây Tạng. 

-  Ngăn cấm không được sản xuất, thí nghiệm, tàng trử vũ khí nguyên tử, và các loại vũ khí khác trên cao nguyên Tây Tạng. 

-  Biến đổi Tây Tạng cao nguyên thành một công viên thiên nhiên hay khu vực  sinh học rộng lớn nhất thế giới. Áp dụng các luật lệ khắt khe nhằm bảo vệ những loài thảo mộc và thú vật hoang dã.

-  Sự khai thác các tài nguyên thiên nhiên nên được nghiên cứu cẩn thận để tránh không gây tổn hại đến môi trường sinh thái (ecosystems). Và cần áp dụng một chính sách phát triển rộng lớn quy mô tại các vùng đông dân cư sinh sống.

-  Cấm chỉ sự chế tạo và sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như kỹ thuật chế biến các loại phế thải gây nguy hiểm.

-   Mọi chủ trương và tài nguyên quốc gia cần hướng đến các hoạt động ủng                     hộ, phát triển hòa bình và bảo vệ môi sinh.

 -   Đất nước Tây Tạng với dân tộc hiếu khách là nơi thuận lợi giúp các tổ chức phát triển xúc tiến mạnh mẽ cho nền hòa bình và bảo vệ mọi hình thái của                      sự sống.

-   Sự thành lập các khu vực và cơ quan quốc tế nhằm đẩy mạnh phong trào bảo              vệ nhân quyền cần được khuyến khích thực hiện ở Tây Tạng.

Độ cao và chiều rộng của xứ tuyết này (bằng cộng đồng Châu Âu) cũng như với lịch sử đồng nhất và di sản tinh thần siêu việt, Tây Tạng thích hợp có thể hoàn thành đầy đủ vai trò thiêng liêng xây dựng nền hòa bình trong thế chiến lược tại trung tâm Á Châu.

Cần nên duy trì Tây Tạng trong địa vị lịch sử như một quốc gia hòa bình Phật giáo làm khu vực đệm ngăn cách giữa lục địa Châu Á với các thế lực tranh chấp trong vùng.

Để làm giảm bớt tình hình căng thẳng tại Á Châu, ông Gorbachev chủ tịch Liên Bang Sô Viết đã đề nghị phi quân sự hóa vùng biên giới Liên Xô và Trung Hoa cũng như biến nó thành “Khu ranh giới của hòa bình và láng giềng thân hữu”.

Trước đây, chính phủ Nepal cũng đã đề nghị vương quốc Hy Mã Lạp Sơn của Nepal có cùng biên giới với Tây Tạng, nên biến thành khu vực hòa bình, nhưng không bao gồm việc phi quân sự hóa vương quốc này.

Nhằm duy trì sự ổn định và hòa bình tại Á Châu, điều cần thiết là nên thiết lập các khu vực hòa bình để phân chia những cường quốc lớn mạnh nhất của đại lục với các thế lực thù nghịch trong vùng. Chủ tịch Gorbachev còn đề nghị nên triệt thoái toàn bộ quân đội Sô Viết ra khỏi Mông Cổ (Mongolia) để giúp làm giảm bớt tình hình căng thẳng và đối đầu giữa Trung Cộng và Liên Bang Sô Viết. Khu vực hòa bình thực sự cũng nên tạo thành để ngăn chia giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung quốc.

 Việc thành lập “Khu Vực Bất Bạo Động” còn đòi hỏi sự rút quân và cơ sở quân sự ra khỏi Tây Tạng cũng như Ấn Độ và Nepal triệt thoái quân đội ra khỏi vùng Hy Mã Lạp Sơn dọc biên giới với Tây Tạng. Điều này có thể thực hiện qua sự chấp thuận của các hiệp định quốc tế. Nó mang lại nhiều lợi ích cho các nước Á Châu, đặc biệt Trung Hoa và Ấn Độ, có thể bảo đảm sự an ninh cho quốc gia mình, cùng lúc giảm bớt gánh nặng kinh tế và ngân sách quốc phòng vì phải duy trì một lực lượng quân sự đông đảo tại các vùng đất xa xôi.

Tây Tạng không phải là khu vực chiến lược đầu tiên được đề nghị phi quân sự hóa. Các vùng đất thuộc bán đảo Sinai và lãnh thổ Ai Cập phân chia giữa Do Thái và Ai Cập trong quá khứ đã từng chủ trương phi quân sự hóa. Nước Cộng Hòa Costa Rica (Nam Trung Mỹ) là một ví dụ mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho một quốc gia hoàn toàn không có sự hiện diện của quân đội.

Tây Tạng cũng không phải là vùng đất đầu tiên trở thành khu vực bảo vệ thiên nhiên hay sinh vật học. Nhiều công viên đã được tạo lập khắp nơi trên thế giới. Một vài địa điểm chiến lược đã biến đổi thành “công viên hòa bình”. Chẳng hạn công viên La Amistak ở biên giới Costa Rica - Panama (Nam Trung Mỹ) và dự án Si A Paz trên biên giới Costa Rica - Nicaragua (Trung Mỹ).

Đầu năm nay khi viếng thăm Costa Rica, tôi nhận thấy đất nước này đã tiến bộ và phát triển rất tốt đẹp mà không cần có quân đội với nền dân chủ vững mạnh trong khung cảnh hòa bình và tinh thần tích cực bào vệ thiên nhiên. Điều này giúp tôi tin tưởng rằng chương trình nêu trên áp dụng cho tương lai của Tây Tạng có thể thực hiện được chứ không phải là một giấc mơ.

Trước khi kết thúc chúng tôi xin chân thành cám ơn sự hiện diện của quý vị và các bạn tại đây hôm nay. Sự quan tâm và ủng hộ của quý thân hữu trong hoàn cảnh khó khăn và nghiệt ngả của Tây Tạng đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Nó cũng giúp chúng tôi có thêm can đảm để tiếp tục công cuộc đấu tranh cho nền tự do và lẻ phải mà không cần dùng đến vũ khí, nhưng bằng công lý và hạnh nhẫn nhục.

Nhân danh toàn thể dân tộc Tây Tạng, tôi thành thực cám ơn các bạn và mong quý vị đừng quên thời kỳ đen tối nhất này trong lịch sử đau thương của đất nước chúng tôi. Tôi hy vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển cho một thế giới tốt đẹp, hòa bình và nhân đạo hơn.

Một nước Tây Tạng tự do trong tương lai sẽ tìm cách giúp đỡ những người nghèo đói khổ đau khắp nơi trên thế giới cũng như sẽ bảo vệ thiên nhiên, môi sinh và phát triển cổ võ cho hòa bình. Tôi tin rằng bằng khả năng của dân tộc Tây Tạng và phối hợp cùng những đức tính tốt của đời sống tâm linh mầu nhiệm với hành động lợi tha thực tế sẽ giúp chúng tôi có thể đóng góp một cách khiêm nhường cho hạnh phúc của mọi người. Đây là niềm hy vọng và tâm nguyện của tôi. Sau cùng, xin mời các bạn cùng tôi đọc lời cầu nguyện dưới đây:

“Bao lâu thế giới này còn tồn tại,

Chừng nào tất cả chúng sanh còn đau khổ.

Tôi phát nguyện sẽ còn mãi nỗ lực cố gắng,

Diệt trừ hết nổi khổ đau trên toàn thế giới”.

Trân trọng kính chào và cảm ơn quý liệt vị. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.