Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế từ Paris vừa phổ biến hai bản văn -- Thông Điệp Phật Đản của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang 2552 - 2008, và Thông bạch Phật Đản của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ -- nội dung “kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam trong hay ngoài nước “rước Phật vào tâm trí” để “cùng phát tâm truyền đạt giáo lý cứu khổ trừ nguy của đức Thế tôn ra khắp mọi nơi và trên quê hương...”
Đặc biệt, bản Thông Điệp Phật Đản nêu lên rằng ý nghĩa Phật Đản đã được Liên Hợp Quốc công nhận, trích:
“...Tám năm qua, Phật Đản không còn riêng cho Phật giáo đồ mà trở thành Ngày Tâm linh, Ngày Văn hóa cho toàn thể nhân loại, theo sự công nhận của gần hai trăm quốc gia thành viên LHQ. Sự tôn vinh Đức Phật nở rộ qua những thông điệp hằng năm của LHQ nói lên điều cao cả của Phật giáo :
“Thông điệp của Đức Phật là thông điệp về Hòa bình và Từ bi. Nhưng cũng là thông điệp của sự Tỉnh thức, tức quán chiếu bản thân và hành động của mình đồng thời quán chiếu thế giới. Đây là thông điệp cho những ai quan tâm đến hướng đi và vận mệnh của loài người (Thông điệp LHQ 2003). “Dù với nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa hay tín ngưỡng nào, chúng ta nên nhớ là chúng ta có một quê hương chung, đó là hành tinh trơ trọi, nhỏ bé, là nơi chúng ta gắn bó và chung sống. Nên chúng ta hãy cùng nhau góp sức đem lại lợi ích chung trong cuộc sống hòa điệu và hòa bình giữa mọi sắc dân trên địa cầu” (Thông điệp LHQ 2005). “Hơn 2500 năm qua, bậc Đạo sư Đại giác Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục làm kim chỉ nam, mang lại ý nghĩa cho đời sống hàng triệu con người trên trái đất. Hàng năm tổ chức Đại lễ Phật Đản là cơ hội để những người con Phật xác quyết niềm tin vào giáo pháp của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình mà Đức Phật đã truyền trao” (Thông điệp LHQ 2007)...”
Bản Thông Điệp cũng nêu lên hiện tượng nhân quyền bi thảm ở VN và đặc biệt là tình hình mất đất, mất đảo, trích:
“...Về đường tinh thần, mọi tự do cơ bản bị chà đạp, nên tôn giáo không phát triển, tệ nạn xã hội hoành hành và gia tăng. Việc giải thoát giác ngộ không thể xây dựng trên sự nghèo đói và thiếu tự do. Nay lại thêm chuyện lãnh thổ bị xâm lấn khiến lòng người ưu tư khắc khoải. Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa đang trong cơn hấp hối, mà các nhà lãnh đạo đất nước làm ngơ. Không như thưở trước, dưới các triều Đinh, Lê, rồi Lý, Trần, Lê, từ vua quan, bậc Cao tăng và Phật tử cho đến toàn dân đều một lòng giữ nước. Vì giữ nước mới có đất nuôi dân. Vì giữ dân nên thăng hoa tinh thần và đạo lý làm nên văn hiến nước nhà...” Các bản văn này hiện lưu trữ trên trang web www.queme.net.
Trong khi đó, các chương trình mừng Đại Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được sự hỗ trợ của chính phủ Hà Nội đã bắt đầu tổ chức nhiều nơi, khởi đầu là buổi lễ tại Bình Dương với nhiều ngàn người tham dự.
Trang web Phật Tử VN ghi là có hơn 25,000 người tham dự, nhưng thông tấn nhà nứơc TTXVN chỉ ghi là có “gần 20.000 người hưởng ứng Vesak 2008.”
Bản tin nhà nước TTXVN viết, trích:
“Gần 20.000 người đã tham dự buổi lễ hưởng ứng Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (Vesak 2008) do Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức tại Khu du lịch thế giới Đại Nam chiều 5/5.
Sau khi 20 xe hoa trang trí cờ hoa với chủ đề hưởng ứng Vesak 2008 cùng đoàn xe chở các đại biểu kéo dài gần 1km diễu hành từ Ban trị sự Phật giáo tỉnh ở Chùa Hội Khánh (thị xã Thủ Dầu Một) đến nơi làm lễ khoảng 10km, các đại biểu dự lễ đã vào đền thờ lớn của Khu du lịch thắp hương và tham gia hưởng ứng Đại lễ...”
Buổi lễ nói trên được ghi là truyền hình trực tiếp trên toàn qúôc.
Theo chương trình, Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia - Mỹ Đình - Hà Nội, từ ngày 13 đến 17/5/2008.
Trong khi đó, Đài VOA loan theo tin Asia News ghi nhận rằng:
“...Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bị chính phủ Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật, tố cáo chính quyền xâm phạm ngôi chùa Giác Hải trong tỉnh Lâm Đồng, và tra hỏi hai tu sĩ trong một thời gian dài.
“Asia News hôm thứ Hai cho hay: theo Giáo Hội, cảnh sát và nhân viên chính quyền đã trưng dụng ngôi chùa này cho lễ Vesak thứ 5 của Liên Hiệp Quốc nhằm mừng lễ Phật Đản, lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam và có thể có sự tham dự của tới 100 phái đoàn. Lễ này năm nay rơi vào khoảng thời gian từ 13 tới 17 tháng 5.
Theo lời khiếu nại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cảnh sát đã buộc hai tu sĩ vừa kể về tội là thành viên của một tổ chức bất hợp pháp, tham gia các hoạt động chính trị và phá rối trật tự công cộng. Hai nhà tu này còn bị giam giữ hơn ba tiếng đồng hồ.
Tin của AFP dựa vào lời khiếu nại của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất cho hay cảnh sát đã bẻ khóa cửa của ngôi chùa Giác Hải thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, công bố sẽ dùng ngôi chùa này trong thời gian lễ Vesak diễn ra và tạm thời bắt giữ tất cả tu sĩ trong chùa.
Cũng theo AFP, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói rằng riêng thượng tọa Thích Trí Khải trụ trì trong chùa đã bị nêu tên trong chính sách đàn áp của nhà nước nhắm vào Giáo Hội dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, người được giải thưởng nhân quyền Rafto của Na Uy năm 2006.
AFP đã không liên lạc được với cảnh sát trong quận Đơn Dương, nơi tọa lạc ngôi chùa Giác Hải, để xin xác nhận những tin vừa kể. Theo Asia News, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, từng tuyên bố đại diện cho đa số dân chúng, đã bị chính quyền cấm hoạt động năm 1981 sau khi không chịu đặt mình dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản.”