Trong khi Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (các nứơc quan ngại vì đàn áp tôn giáo), theo bản tin đài RFA, thì Bộ Ngoại Giao Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng bênh vực cho chính phủ Hà Nội, theo bản tin đài VOA hôm 2-5-2008.
Bản tin đaì RFA viết, trích:
“Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ hôm thứ Sáu công bố phúc trình về tình hình tôn giáo trên toàn thế giới năm 2008 và kiến nghị Ngoại trưởng Condoleeza Rice về vấn đề các quốc gia cần quan tâm đặc biệt.
Trong phần nói về Việt Nam, đưa ra tại cuộc họp báo ngày 2 tháng 5 ở Washington, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cho biết tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam năm qua vẫn tệ hại. Số tín đồ bị trù dập tuy có giảm nhưng các hành động sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm, và phạt vẫn thường xuyên diễn ra, cho thấy nhà cầm quyền tiếp tục giới hạn tự do tôn giáo của dân chúng.
Gặp nhiều khó khăn
Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cho hay các tôn giáo trong năm rồi đã gặp nhiều khó khăn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tiếp tục bị trù dập và bị lên án là một tổ chức chính trị. Các quyền tự do di chuyển, bày tỏ ý kiến, hội họp vẫn bị giới hạn. Tăng ni và những người có liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị công an thường xuyên sách nhiễu và điều tra lấy cung. 12 tu sĩ lãnh đạo của giáo hội vẫn còn bị đặt trong tình trạng quản chế.
Hà Nội cũng tiếp tục cấm đoán và gây cản trở cho các hoạt động tôn giáo của những giáo phái khác như Cao Đài, Hoà Hảo, các nhóm Phật Giáo Khmer tại vùng ĐBSCL. Nhà cầm quyền ra sức điều khiển, kiểm soát các buổi tế tự, cầu kinh, và quyết định việc lựa chọn thành phần lãnh đạo của đạo Cao Đài; theo dõi, thẩm vấn và bắt giam các nhà sư người Khmer khi họ có các cuộc phản đối ôn hoà tại Cambodia cũng như Việt Nam, và kềm hãm sự truyền bá ngôn ngữ, văn hoá của họ; tuyên án nhiều năm tù đối với những tín đồ Hoà Hảo tuyệt thực bất bạo động để bày tỏ bất mãn trước sự đàn áp của chính quyền và việc bắt giữ một số tín hữu từ năm 2005.
Chính quyền Việt Nam, theo nhận định của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, đã đặt ra những luật lệ nhằm giới hạn hoạt động của các tôn giáo. Việc tế tự, nghi lễ phải đựơc các quan chức cho phép, phải mất nhiều thời gian mới được thông qua và nếu bị từ chối sẽ không được tái cứu xét. Chính quyền địa phương thường có những yêu sách gây khó dễ như đòi phải có danh sách của tín đồ, tuy điều này không hề có trong luật định.
Luật buộc đăng ký bị áp dụng sai lạc, và nhiều nhóm tôn giáo bị từ chối không được hoạt động, như các nhóm Cao Đài, Hoà Hảo, Mennonite, Baptist, Tin Lành ở vùng ĐBSCL, Tây Nguyên và các tỉnh phía Tây Bắc. Có những làng theo đạo Tin Lành bị đối xử phân biệt, không được hưởng các qui chế về y tế, nhà cửa, giáo dục và các trợ giúp của quốc tế, đồng thời chính quyền đe doạ cắt mọi phúc lợi xã hội nếu cha mẹ không khuyên con cái bỏ đạo.
Trước các tố giác của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ,bà Ngô Thị Hiền, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo cho Việt Nam, trụ sở tại Mỹ, có nhận định rằng: Chúng tôi nhận thấy những nhận xét của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế rất là chính xác. Tôn giáo tại Việt Nam đang bị đàn áp...”
Lập tức cũng trong ngaỳ Thứ Sáu, Bộ Ngoại Giao Mỹ bênh vực Hà Nội, theo bản tin đaì VOA, trích:
“Tuy nhiên, trong một buổi thuyết trình tại Bộ Ngoại Hoa Kỳ, khi trả lời một câu hỏi liên quan đến ý kiến vừa kể, Phó phát ngôn viên của Bộ ông Tom Casey nói rằng Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế là một tổ chức độc lập, và chắc chắn là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tôn trọng quan điểm của Ủy ban. Nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xóa tên Việt Nam trên Danh sách các quốc gia đáng quân tâm đặc biệt hồi năm 2006 vì Bộ tin rằng Việt Nam đã giải quyết những vấn đề chủ yếu cấu thành những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, và Việt Nam đang tiếp tục có những cải thiện trong những vấn đề này.
Phó Phát ngôn viên Casey nói tiếp: vì vậy, tại thời điểm này, chúng tôi tin rằng, mặc dù chắc chắn vẫn còn một số vấn đề, đứng về mặt tự do tôn giáo ở Việt nam mà nói thì những hành động mà chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhằm giải quyết một số quan tâm của chúng tôi làm cho Việt Nam trở thành một nước không đáng được ghi tên trên Danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt...”