“Trung Quốc đã gọi Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đến chất vấn...” Bản tin hôm 22-8-2007 từ đài RFA cho thấy một áp lực rất lớn đang đè lên nhà nứơc CSVN như sau.
Những nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội cho Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do biết Trung Quốc đang gây thêm sức ép đối với Việt Nam, đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp xuất khẩu chuyên đưa hàng từ Việt Nam sang Hoa Lục. Từ Washington, Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi có tường trình chi tiết sau đây.
Không được loan tin hàng TQ kém chất lượng"
Vụ việc xảy ra bắt đầu bởi những bài báo và các bản tin được phổ biến trên các đài truyền hình ở Việt Nam, liên quan đến sự kiện cả thế giới đều biết là nhiều mặt hàng kém chất lượng và gây nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất đang là chủ đích mà nhiều quốc gia nhắm đến, đặc biệt là những nước ở Âu Châu và Mỹ.
Hầu hết những bài báo, hình ảnh được phổ biến ở Việt Nam liên quan đến vấn đề vừa nói đều được trích dẫn từ những nguồn tin nước ngoài, nhưng vẫn là cái đích mà Trung Quốc dùng để nhằm phản ứng đối với Việt Nam.
Dẫn chứng đang được giới ngoại giao làm việc ở Hà Nội nói đến là Bắc Kinh đã gọi Đại Sứ Trần Văn Luật của Việt Nam lên để chất vấn, đặt câu hỏi tại sao truyền thông Việt Nam lại phổ biến những tin tức mà theo luận điệu của nhà nước Hoa Lục là “hoàn toàn sai lạc, không đúng với sự thật”.
Giới thạo tin ở Hà Nội cho Ban Việt Ngữ chúng tôi biết Đại Sứ Việt Nam đã đưa ra những lời giải thích nghiêm chỉnh, quyết liệt, cho rằng những bài viết, hình ảnh được giới truyền thông loan tải liên quan đến hàng hóa của Trung Quốc gặp khó khăn ở một số thị trường là những thông tin khách quan và chính xác, nhằm vào các mục tiêu: hàng hóa phải có tiêu chuẩn, bảo vệ được sức khỏe của người tiêu dùng và hướng đến thương mại lành mạnh.* Các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh
Lời giải thích mà nhà ngoại giao cao cấp nhất của Việt Nam tại Trung Quốc đưa ra vẫn không ngăn cản được phản ứng đến từ Trung Quốc: Bắc Kinh bắt đầu chận hàng hóa của Việt Nam tại cửa khẩu để kiểm dịch gắt gao hơn trước, và hiện giờ nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ách lại.
Bác tài Nguyễn Văn Thành, một người thường lãnh phần chuyên chở cho các các bạn hàng qua lại trên tuyến đường Lạng Sơn cho Đài chúng tôi biết chuyện đang xảy ra.
“Bây giờ nó cứ đưa lý do là có nhu cầu phải đảm bảo chất lượng hàng hóa từ các nước trong đó có Việt Nam, thì chúng tôi phải tăng cường kiểm tra vệ sinh dịch tễ. Anh bảo nó kiểm tra theo kiểu bới bèo ra bọ thì làm sao mà tránh được.
Đã kiểm tra thì cái gì chẳng chết, nhưng ví dụ như trước đây hàng có một chú dư lượng kháng sinh thì cho đi, nhưng lúc đó tình hình không có vấn đề, còn bây giờ có vấn đề thì khác, nó bảo “không được”, dưa của anh trồng ở chỗ, thí dụ như nghe nói trồng ở khu vực có chất độc da cam của Mỹ chưa tẩy rửa, thì có khả năng đưa ô nhiễm mà chưa có bằng chứng khẳng định là hàng của Việt Nam bị nhiễm hay chưa bị nhiễm.”
Qua sự giúp đỡ của một số bạn hàng , Đài chúng tôi cũng đã liên hệ được với một viên chức hải quan xin được tạm gọi là anh Hòa, hiện đang công tác ngay tại cửa khẩu Hữu Nghị.
Nguyễn Khanh: Chào anh, tôi là Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do ở bên Mỹ gọi về. Chúng tôi nghe được tin là hàng Việt Nam đang bị ách lại ở cửa khẩu Hữu Nghị vì bên Trung Quốc làm khó, chuyện đó thế nào hả anh"
Viên chức hải quan Việt Nam tên Hòa: Em không thể nói gì về chuyện ấy được. Cái điều ấy là có nhưng em không thể nói gì về cái chuyện ấy được.
Trong khi đó, một bạn hàng sinh sống bằng nghề chuyên xuất khẩu rau tươi và trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc than thở.
“Chỉ dăm ba ngày là đủ khổ, rau cải chỉ hai ba ngày là hỏng hết.”
Mới chiều nay, giới thạo tin tại Hà Nội còn nói thêm là ông Đại Sứ Việt Nam ở Bắc Kinh vẫn tiếp tục chịu sức ép của phía Trung Quốc. Có tin cho biết có lúc nửa đêm về sáng, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho triệu ông Đại Sứ Việt Nam đến để nêu thắc mắc về những vấn đề có thể gây ảnh hưởng xấu cho mối quan hệ song phương.
Một viên chức ngoại giao Tây Phương đang làm việc ở Hà Nội cũng tiết lộ ông nghe kể rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đều nghĩ phải có phản ứng trước những việc đang xảy ra, nhưng “ngay chính Việt Nam cũng phải cân nhắc rất kỹ xem phản ứng như thế nào để tránh chuyện lợi bất cập hại”.
Một trong những điểm bắt đầu được nói đến là đừng quên, Việt Nam đang muốn xin vào ghế thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và với tư cách 1 trong 5 quốc gia có quyền phủ quyết, Bắc Kinh đang ở kèo trên và chính Hà Nội cũng biết đang nằm ở kèo dưới.
Trong thời gian chờ đợi, hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi trên đường sang thị trường Trung Quốc, và người dân Việt Nam, nhất là những nông dân cả năm mới trồng được ít dưa, ít hoa quả”, bây giờ thấy công lao của mình đang “ứ đọng ở cửa khẩu” mang tên “Cửa Khẩu Hữu Nghị”.
Khi mà đã ghét nhau thì… Yêu nhau thì cái gì chả tròn, ghét nhau thì tròn cũng thành méo.