LND: Tuần qua có một sự việc thoạt trông thì có vẻ buồn cười, nhưng khi bình tâm suy nghĩ lại thì mới thấy ngậm ngùi, cay đắng, cảm thương cho quê hương thứ hai của chúng ta là nước Úc, và đồng thời e dè ngại ngùng trước sự suy sụp tàn lụi của tính độc lập và nền dân chủ ở một đất nước vốn tự hào là một quốc gia độc lập, tự chủ. Đó là việc lãnh tụ đối lập liên bang Kevin Rudd và thủ tướng Howard thay đổi thái độ như chong chóng về việc tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thoạt đầu, văn phòng của John Howard câm lặng và văn phòng ông Kevin Rudd cho biết ông sẽ không tiếp kiến Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài viếng thăm nước Úc trong tuần tới mặc dù cả hai người đều đã từng tiếp kiến Ngài trước đây - Howard trong năm 1996 và Rudd năm 2002. Sự thờ ơ, ngần ngại này phát nguồn từ sự e dè, ngại ngùng không muốn làm phật ý nhà cầm quyền Trung cộng. Thế rồi, khi thấy không ít dân chúng Úc tỏ vẻ bất bình, công phẫn về sự việc này thì văn phòng của John Howard vội vàng cho biết họ sẽ cố gắng "tìm thời giờ" để ông tiếp kiến với vị giáo chủ của Phật Giáo Tây Tạng và đồng thời là lãnh đạo tinh thần của chính phủ lưu vong Tây Tạng. Văn phòng ông Rudd sau đó cũng ra thông cáo sẽ cố sắp xếp thời giờ cho một cuộc tiếp kiến. Sự việc này cho thấy rõ rệt tính thời cơ thủ lợi của cả hai chính đảng và là một thí dụ rõ rệt về quan điểm của các nhà lãnh tụ chính trị về mối quan hệ giữa Úc và Trung cộng, một mối quan hệ thuần túy dựa trên căn bản thương mại với nước Úc khúm núm quy phục trước mãnh lực đồng tiền, xóa bỏ lương tâm công chính, ngoảnh mặt làm ngơ trước những hành vi bạo ngược của Trung Cộng, đặc biệt là đối với Tây Tạng, một quốc gia độc lập đã bị Trung cộng thôn tính từ năm 1950 và liên tục tìm cách đồng hóa cho đến nay. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài nhận xét của bỉnh bút Greg Sheridan về vấn đề này, được đăng tải trên The Weekend Australian ngày 19/5 vừa qua.
*
Bây giờ thì cả thủ tướng John Howard và lãnh tụ đội lập liên bang Kevin Rudd sẽ tiếp kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma khi ngài viếng thăm nước Úc trong tháng tới. Và nếu cả hai người đều tiếp kiến Ngài thì đây quả là một kết quả thật đúng đắn. Sự việc này dĩ nhiên sẽ làm cho Trung cộng vô cùng bực mình. Trung cộng xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1950 và cai trị quốc gia này thật khe khắt. Gần đây, Trung cộng đã "tái định cư" hơn 250,000 người dân Tây Tạng vốn đang sống rải rác tại nhiều thôn xóm khác nhau vào những nơi được mệnh danh là "làng xã hội chủ nghĩa", và thường xuyên ép buộc họ phải mượn nợ để mua nhà tại những nơi này.
Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa là lãnh tụ tâm linh của Phật Giáo Tây Tạng và đồng thời cũng là lãnh tụ chính trị của phong trào quốc gia Tây Tạng, mặc dù đã từ lâu rồi Ngài vẫn có quan điểm không đòi độc lập cho Tây Tạng mà chỉ mong muốn được tự trị thôi.
Tương tự như trong cách đối phó với Đài Loan, Trung cộng luôn cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác không tiếp kiến gặp gỡ với Đức Dạt Lai Lạt Ma hầu dập tắt nguồn dưỡng khí ngoại giao quốc tế của Ngài. Cả hai phe trên chính trường Úc đều không có được một thành quả nào đáng kể trong việc xiển dương nhân quyền ở Trung cộng và có thể Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đến Úc mà không gặp được bất kỳ một tổng trưởng nào cả.
Và công bình mà nói thì trước ngày thứ Tư 16/5/07, cả hai ông Howard và Rudd đều không hề có ý định gặp gỡ Ngài. Bây giờ thì cả hai đều tuyên bố rằng họ đang xem xét thời khóa biểu của mình để có thể tìm thời gian tiếp kiến Ngài. Và với những gì mà họ đã tuyên bố công khai, nếu họ hủy bỏ việc tiếp kiến thì cả hai đều sẽ bị xem như những tên đạo đức giả.
Nguyên nhân của sự thay đổi ý kiến sáng thứ Tư vừa qua là chương trình AM trên đài truyền thanh ABC. Chương trình này cho quảng bá những lời bình phẩm của ông Michael Danby, người mang chức vụ Whip của đảng Lao động (LND: Whip là người có nhiệm vụ hối thúc và bảo đảm dân biểu thuộc phe mình đến phòng họp kịp thời trước khi khóa cửa mỗi lần có biểu quyết). Ông này tuyên bố rằng ông rất muốn ông Rudd tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông Danby là chủ tịch của Hội Những Người Bạn Của Tây Tạng Tại Quốc Hội - Parliamentary Tibetan Friendship Society. Ông là người can đảm nhất và năng nổ nhất về vấn đề nhân quyền ở Trung Hoa trong số chính trị gia từ các đảng lớn ở Úc.
Ông Danby không cố tình làm áp lực với lãnh tụ của ông. Ông tuyên bố rằng ông cũng rất hài lòng nếu phát ngôn nhân đối lập về ngoại giao, ông Robert McLelland tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma như ông Rudd đã từng làm 5 năm về trước, khi ông Rudd còn nắm chức vụ ấy.
Cho đến lúc ấy thì đảng Lao động liên bang vẫn chưa ra thông cáo rằng ông McLelland sẽ tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chương trình AM cho phát thanh lời nói của ông Rudd lúc còn là phát ngôn nhân đối lập về ngoại giao chỉ trích Ngoại Trưởng Alexander Downer đã không chịu tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài viếng thăm nước Úc lần trước. Thuở ấy, ông Rudd mạnh mẽ tuyên bố: "Quan điểm của tôi là ông Ngoại Trưởng Downer quả thật quá yếu ớt khi ngụy tạo cái cớ ông ấy vì một lý do gì đó quá bận rộn để tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma".