WikiLeaks Như Rắn Không Đầu"
Nguyễn Xuân Nghĩa
Không có Julian Assange, WikiLeaks sẽ đi về đâu...
Việc người chủ xướng trung tâm phát tán tin tức Wikileaks là Julian Assange đã sa lưới, và có thể lãnh án tù tại Thụy Điển, sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc còn lại của Wikileaks"
Trước hết, Julian Assange là người cực kỳ thông minh và có tài.
Thông minh vì hiểu ra ảnh hưởng rất lớn của khoa học điện toán trong việc thu thập và truyền bá thông tin. Có tài vì từ năm 2006 đã bắt tay vào việc xây dựng một "hệ thống tiết lộ bách khoa". Mục đích nguyên thủy là dùng thông tin để cải tạo xã hội con người, nhất là các chế độ độc tài tại Phi Châu, Á Châu và các quốc gia trong khối Xô Viết cũ. Vì vậy, Assange là một hiện tượng đáng chú ý, và lúc ban đầu WikiLeaks được sự hưởng ứng của rất nhiều người.
Thấy có chuyện gì bất bằng vì gây bất công, hoặc mờ ám, là họ tìm hiểu, thu thập tin tức và phóng cho WikiLeaks tung ra khắp nơi. Như một khẩu hiệu của nhà làm từ điển Larousse thời xưa, WikiLeaks đã "góp lại từ bốn phương và tung ra khắp bốn phương", và còn được nhiều giải thưởng của các cơ quan truyền thông hay tranh đấu cho nhân quyền.
Nhưng , ngoài cái tật trăng hoa Julian Assange lại mắc hai bệnh. Thứ nhất là hèn và thứ nhì là chủ quan đến độ vĩ cuồng.
Hèn vì không dám đào vào mạch tin của các chế độ hung đồ hay độc tài như Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn, Miến Điện, Belarus, Kazahkstan, Venezuela, v.v... theo như tôn chỉ ban đầu. Người ta rất muốn biết và cần biết về nhiều chuyện mờ ám trong kinh tế hay chính trị của mấy xã hội đó. Nhưng WikiLeaks với không tới, Ngược lại, chỉ tập trung khai thác tin tức của các xã hội rộng mở, nhất là Hoa Kỳ, nơi mà quyền tự do thông tin được Hiến pháp bảo vệ qua Tu chính án số Một và mọi quyết định kiểm soát hoặc truy tố đều là nan giải.
Chúng ta có thể thông cảm cho những khó khăn ấy. Đi ăn cắp tin trong bóng tối - của nhà tù tại Trung Quốc chẳng hạn - thường vất vả và nguy hiểm hơn là đào tin về chính trị hay kinh doanh ngân hàng tại Mỹ.
Tội vĩ cuồng - megalomane - của Assange mới là điều lý thú.
Cuối tuần trước, anh ta còn tuyên bố rằng hình thái thông tin trên mạng điện toán ngày nay đang làm thay đổi quan hệ giữa các quốc gia. Nghĩa là điện toán sẽ cải tạo cả thiên hạ đại thế - "geopolitics". Như mọi đứa trẻ khi vừa có đồ chơi mới, hoặc nhân loại sau một phát minh tân kỳ, người ta thường cho rằng thế giới từ nay sẽ đổi khác. Chuyện ấy có thể đúng trong sinh hoạt của xã hội.
Chứ trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau, những động lực chìm và nổi của con người, của quyền lợi xã hội, hoặc ranh giới quốc gia, vẫn tiếp tục vận hành. Địa dư chính trị sẽ khai thác khoa học kỹ thuật mới để làm phương tiện chứ không vì khoa học thông tin mà thay đổi.
Khi tung ra tin tức đánh cắp từ hệ thống ngoại giao Hoa Kỳ, Julian Assange có thể tìm cách thực hiện ước vọng lạc quan ấy: làm thay đổi quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh qua những tiết lộ gây lúng túng cho mọi người trong cuộc. Nhưng dù chưa thấy hết tất cả 250 ngàn tài liệu đã bị đánh cắp, người ta đều có thể biết rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ với - thí dụ - Liên bang Nga, Trung Quốc, Âu Châu, Nhật Bản và cả khối Hồi giáo, v.v... bị chi phối bởi rất nhiều động lực khiến cho giới ngoại giao của các quốc gia này mới suy nghĩ hay ăn nói như vậy. Dù rằng chuyện đối đãi với nhau có thể bị phanh phui thì cũng không làm thay đổi sự thể khách quan mà chỉ khiến giới ngoại giao thận trọng và khéo léo hơn.
Nhưng, chẳng khác gì Karl Marx cách đây hai thế kỷ, Julian Assange nhìn sự thể toàn cầu qua một ống bút của khoa học để chỉ thấy một góc của toàn cảnh. Và mắc bệnh vĩ cuồng khi muốn dùng ống bút đó làm thay đổi bộ mặt thế giới.
Sở dĩ như vậy vì cậu bé này không là người cô độc. Khi đề xướng chuyện phanh phui trong tinh thần "sự thật sẽ giải phóng chúng ta", Julian Assange được sự hưởng ứng của nhiều người.
Những người lý tưởng và có một chút kiến thức về thông tin điện tử thì nhảy vào trò chơi lớn - vì kích thước toàn cầu và mục tiêu vĩ đại. Tuần qua, khi thấy trưởng tràng Julian Assange bị bắt và mạng WikiLeaks bị tắt, họ còn muốn trả thù cho sư huynh và tiếp tục cuộc cách mạng vĩ đại của nhân loại, bằng cách tấn công hệ thống thông tin của các hãng Visa hay MasterCard. Cho bõ ghét!
Nhiều người cũng vì lý tưởng - hoặc chỉ là một lũ có tiền mà háo danh - thì nhảy ra trước báo chí, đòi nộp tiền thế chân cho Julian Assange. Hy vọng giải phóng người hùng thì ít, kỳ vọng "phải có danh gì với núi sông" mới là chính. Cũng lại trò lấy tổn thất làm nhiệt tình cách mạng.