Cương Lĩnh 1991: Mớ Chữ Điên Trong Đầu Kẻ Sống
Phạm Trần
Văn kiện quan trọng nhất được Đại hội tòan quốc đảng Cộng sản Việt Nam XI thông qua tại kỳ họp tháng 1/2011 sẽ là "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)".
Cương lĩnh này, ra đời năm 1991 dưới thời Đỗ Mười làm Tổng Bí thư đảng vào lúc thế giới Cộng sảng đang vỡ ra từng mảnh, đã được Bộ Chính trị thảo luận 2 lần bổ sung cho phù hợp với những thay đổi của thế giới và trong nước từ sau Đại hội đảng X năm 2006. Sau đó Ban Chấp hành Trung ương đảng X họp thêm 3 lần trong 2 năm 2009 và 2010 cộng với hàng chục hội nghị của các cấp đảng gây tốn phí không biết bao nhiêu tiền bạc của dân, nhưng phần nội dung quan trọng nhất vừa được Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tiết lộ vẫn chứa nhiều lý luận lạc lõng, phản dân chủ và cực kỳ chậm tiến.
Dưới tiêu đề "Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991", bài viết của Trọng được phổ biến rộng rãi ở trong nước từ ngày 05-09-2010 nói rằng:"Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn nhiều. Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên."
Viết như thế là cố ý che dấu những thiếu sót và sai lầm nghiệm trọng như sau:
Thứ nhất, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới công nhận là một đất nước có "tự do".
Thứ hai, người dân sống dưới chế độ Cộng sản chưa hề được "làm chủ đất nước, làm chủ xã hội", bởi vì cán bộ, đảng viên chưa thật sự là "đầy tớ của nhân dân" mà là ông chủ cai trị dân.
Thứ ba, đa số trong 86 triệu người dân vẫn chưa "thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu". Cách biệt giầu-nghèo giữa thành phố và thôn quê càng ngày càng lan rộng, đào sâu.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên Cộng sản, nhất là những kẻ có chức có quyền vẫn ngang nhiên ăn trên ngồi trốc lên đầu nhân dân. Cuộc phê bình và tự phê bình trong đảng thực hiện từ khóa VIII dười thời Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư đảng đến nay vẫn như nước đổ lá khoai. Quốc nạn tham nhũng, lãng phí, ăn bớt, ăn chận, nói nhiều làm ít, gian dối, hống hách đàn áp dân, coi pháp luật như mớ giấy lộn của cán bộ, đảng viên đã hết thuốc chữa.
Về viễn ảnh của một thế giới Chủ nghĩa Xã hội mà đảng CSVN đang bắt dân phải "qúa độ" đến đó nhưng chưa ai biết nó sẽ như thế nào thì Dự thảo Cương lĩnh bổ sung lại viết như mơ ngủ rằng:"Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội."
Lý luận hoang tưởng vô căn cứ này của đảng CSVN không có gì mới, nếu so với Cương lĩnh nguyên thủy năm 1991. Hồi đó, nhóm sọan thảo do Nguyễn Phú Trọng, khi ấy là Trưởng ban Tư tường-Văn hóa Trung ương điều hành dưới quyền của Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng viết: " Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử."
Khỏang cách thời gian từ 1991 đến 2010 là 19 năm, nhưng lòai người vẫn dửng dưng với Chủ nghĩa xã hội trong khi hai nước Cộng sản kiên trì nhất là Cuba và Bắc Hàn lại mỗi ngày một kiệt quệ, lạc hậu hơn cả thời thế giới Cộng sản do Liên Xô cầm đầu chưa tan vỡ.
Do đó khi nói về điều được gọi là "đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Trọng cho biết Dự thảo Cương lĩnh bổ sung đã vẽ ra rằng : "Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới."
Nếu Việt Nam có được một xã hội tốt như thế thì mấy hồi mà dân ta chẳng vượt lên đứng ngang tầm thời đại với các dân tộc trên thế giới " Nhưng nếu lấy qúa khứ và hiện tại để đo lường thì xã hội và nhà nước tương lai của Việt Nam do Cương lĩnh bổ sung của đảng phô trương chẳng qua cũng chỉ là chiếc bánh vẽ ra để nhìn mà thôi.
KINH TẾ ĂN VAY
Trong lĩnh vực Kinh tế, Trọng cho biết Cương lĩnh bổ sung tiếp tục chủ trương: "Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước."
Trọng giải thích : " Khẳng định sự cần thiết phải phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh."
Nhưng Cương lĩnh mới cũng khẳngh định rằng nền kinh tế lý tưởng này lại vẫn do nhà nước "quản lý" và "chủ đạo".