Nhà Văn Huy Phương Ra Mắt Tạp Ghi ‘Hạnh Phúc Xót Xa’
Nhà Văn Huy Phương ký sách tặng Nhà Văn Văn Phan.
Westminster (Bình Sa)-- Chiều Chủ Nhật 29-8-2010, tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt hơn 200 quan khách, văn thi hữu, thân hữu, đại diện một số các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông, truyền hình báo chí tham dự buổi ra mắt Tạp Ghi "Hạnh Phúc Xót Xa" của nhà văn Huy Phương. Điều hợp chương trình MC là Đỗ Tân Khoa. Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm, mở đầu Nhà Văn, Nhà Báo Phạm Phú Minh nhận định:
"Những cuốn Tạp Ghi của Huy Phương ra đời từ mấy năm nay trong cộng đồng chúng ta tôi cho là một hiện tượng đặc biệt. Từ bảy năm nay, bắt đầu từ 2003, cách nhau cứ vài ba năm, nhà văn Huy Phương lại cho ra mắt một cuốn sách, tập họp những bài viết ngắn mà ông gọi là Tạp ghi. Gọi là đặc biệt không chỉ vì khả năng sáng tác đều đặn của một người nay tuổi đã ngoài bảy mươi, nhưng phần chính là vì nội dung phong phú, và ngày càng phong phú, của các cuốn tạp ghi mà ông xuất bản. Sau bốn cuốn Nước Mỹ Lạnh Lùng (2003), Đi Lấy Chồng Xa (2006), Ấm Lạnh Quê Người (2007), Nhìn Xuống Cuộc Đời (2009), hôm nay chúng ta có cuốn thứ năm của ông vừa xuất bản, cuốn Hạnh Phúc Xót Xa.
Thể loại mà tác giả chọn để viết liên tục trong nhiều năm nay, ông gọi là tạp ghi. Từ khi có nền văn chương bằng chữ quốc ngữ, trong văn xuôi, thường chúng ta có truyện ngắn, truyện dài và tùy bút, đó là những thể loại quen thuộc của văn học, ít bắt nguồn từ những sự kiện cụ thể của cuộc sống, mà từ những hư cấu hoặc cảm hứng nặng tính cách văn chương. Nhưng từ khi nền báo chí - đặc biệt là nhật báo - được phát triển mạnh mẽ tại miền Nam của chúng ta trước 1975. . . Điều đáng nói thứ nhất là cách chọn đề tài của ông: toàn là những chuyện rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Mỗi hăm mươi bốn giờ trôi qua, biết bao là sự việc, là tin tức đến với một con người sống trong xã hội, nhất là trong thời đại thông tin bùng nổ như bây giờ. Hầu hết chúng ta đón nhận thông tin một cách vội vã, có khi cầm tờ báo chỉ lướt mắt nhìn qua các tin chính, và ít khi chúng ta suy nghĩ sâu xa về một sự kiện nào. Nhưng đối với Huy Phương thì khác, ông nhìn tin tức với con mắt và tấm lòng khác hẳn đa số chúng ta, có những cái đối với chúng ta rất bình thường, hầu như chẳng có gì đáng nói, ấy vậy mà đối với Huy Phương có thể là một đề tài rất hay.
Có đề tài là mẩu tin tức hay sự kiện làm nền rồi, cách khai triển đề tài ấy của Huy Phương cũng rất là đặc biệt. Ông suy nghĩ về sự kiện ấy, ông đặt tâm tình và lý trí của ông vào đấy, ông tìm thêm tài liệu dính dáng với câu chuyện đó, tất cả trình bày rất gọn, trung bình chỉ từ ba trang rưỡi đến bốn trang sách thôi. Viết ngắn là một biệt tài của tác giả. Hình như tác giả biết chúng ta đang sống trong một thời đại rất vội vã, ít ai có thì giờ và tâm tư để đọc những gì dài lê thê, nên chỉ viết vừa đủ, ngắn gọn mà súc tích, sâu sắc. Khi đọc xong 274 trang của cuốn Hạnh Phúc Xót Xa, tôi nhận ra rằng tôi được lời rất nhiều, vì đã được tiếp cận với rất nhiều sự kiện, rất nhiều nhận xét, phẩm bình vừa thông minh vừa đầy tình cảm của tác giả. . . Một điều thú vị cho người đọc Tạp ghi của Huy Phương là những đề tài ông viết rất gần gụi với chúng ta... Muốn thực hiện những bài viết như thế, tác giả phải bám chặt lấy cuộc sống, phải nhận xét, suy nghĩ, cảm xúc với những vấn đề của cuộc sống. Khi đọc ông, người đọc được ông dẫn dắt đi thăm những vùng thoạt tiên tưởng rất quen thuộc, nhưng dần dần chúng ta sẽ vào những ngóc ngách bí ẩn, mà thường ngày ta không nhìn thấy. Vấn đề cha mẹ và con cái trong cuộc sống tị nạn của chúng ta ở xứ Mỹ này chẳng hạn... Tác giả Huy Phương đã làm một cuộc đánh động trước một thực tế rành rành, là cái tình lạnh nhạt của lớp con cái đối với cha mẹ già trong cuộc sống ở đây. Đó là một vấn đề lương tâm, hay là một bài học, hay gì gì nữa, tùy chúng ta đánh giá, nhưng Huy Phương đã nắm bắt được một thực tế, và trình bày ra một cách đầy xúc cảm...