Hôm nay,  

Cải Tổ Tài Chánh: Chuyện Bên Lề

27/04/201000:00:00(Xem: 6352)

Cải Tổ Tài Chánh: Chuyện Bên Lề

Vũ Linh

...vận động hành lang này là đi quyên góp tiền dâng tặng các chính khách...

Sau khi thành công thông qua được bộ luật vĩ đại cải tổ y tế, TT Obama quay qua đối phó với thị trường tài chánh. Đây cũng là một bộ luật vĩ đại, đúng theo mô thức Obama.
Tuy nhiên, các biện pháp chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng, chứ không có tác dụng lớn trên khối quần chúng. Dĩ nhiên là một số biện pháp sẽ đưa đến gia tăng chi phí của các ngân hàng và chắc chắn các ngân hàng hàng này sẽ chuyền lại sự gia tăng đó lên đầu người tiêu thụ bằng cách tăng lệ phí dịch vụ ngân hàng, hay tăng tiền lãi trên các loại nợ. Nhưng dù sao thì cũng không có tác dụng lớn và trực tiếp, hay gây ra tranh luận căng thẳng trong quần chúng như luật cải tổ y tế. Do đó, chúng ta không cần phải bàn sâu vào cải tổ này, mà chỉ muốn bàn qua về những chuyện bên lề. Bên lề nhưng rất có ý nghĩa.
***
Chúng ta còn nhớ rõ vụ khủng hoảng tài chánh cuối năm 2008 đã thay đổi cuộc diện chính trị Mỹ. Hai ứng viên Cộng Hòa và Dân Chủ đang chạy hết gân vì gần đến mức, trong khi các thăm dò dư luận cho thấy chưa bên nào nắm phần thắng chắc chắn cả, tuy ứng viên Dân Chủ có thế thượng phong hơn. Thế rồi bất ngờ cuộc khủng hoảng nổ hôm 15 Tháng Chín và trở thành "Bất ngờ Tháng 10", biến cố gây chấn động vào tháng trước ngày bầu cử. Trong cuộc chạy đua khít nút giữa hai thượng nghị sĩ Barack Obama và John McCain, khủng hoảng tài chánh làm nghiêng cán cân về phía TNS Obama, và cuối cùng thì ông đã chiến thắng.
Để rồi ông phải trực diện với vấn đề lớn là chuyện cải tổ hệ thống tài chánh Mỹ, để tránh khủng hoảng tái diễn. Ai cũng nhìn thấy vì không có sự kiểm soát chặt chẽ nên các tổ hợp ngân hàng đã có dịp lộng hành, tung quá nhiều tiền vào những đầu tư quá nhiều rủi ro.
Nguyên nhân xa của cuộc khủng hoảng không có gì khác hơn là chính sách gia cư mỵ dân của TT Carter ép buộc các ngân hàng phải cấp nợ mua nhà tối đa cho các thành phần nghèo (phần lớn là dân da màu), đưa đến sự ra đời của nợ thứ cấp (sub-prime loans). Nguyên nhân gần hơn là quyết định của TT Clinton, hủy bỏ phần lớn các luật lệ khắt khe kiểm soát các ngân hàng, đã được đặt ra từ thời TT Roosevelt để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1929. Việc hủy bỏ này vào năm 1999 đưa đến sự ra đời của các đại tổ hợp tài chánh, cũng như những phát minh tài chánh bí hiểm như đầu tư phái sinh, đầu tư đối xung, kén nợ,… mà chẳng ai hiểu là gì. Ngay cả các đại gia ngân hàng cũng chẳng ai hiểu rõ ảnh hưởng của các phát minh này, cho đến lúc… quá muộn. Tuần trước, chính ông Clinton cũng xác nhận rằng đáng lẽ ông không nên nghe lời khuyên của các Tổng trưởng và Thứ trưởng Ngân Khố vào thời ấy là Robert Rubin và Larry Summers mà ủng hộ việc xóa bỏ này.
Bây giờ, TT Obama giờ đưa ra một dự luật mới, cải tổ tận gốc hệ thống kiểm soát ngân hàng. Nói cách khác, tìm cách tái lập lại một phần quan trọng các biện pháp mà TT Clinton đã hủy bỏ, cộng thêm một số biện pháp khác thích ứng với đòi hỏi mới.
***
Để cổ võ hậu thuẫn của quần chúng, TT Obama và các chính khách Dân Chủ trong suốt thời gian tranh cử trước đây, cho đến bây giờ, luôn luôn lớn tiếng đả kích các tài phiệt Wall Street, gọi họ là những “fat cats” (mèo mập).
Những chuyện về lương bổng, huê hồng khổng lồ của các tổng giám đốc, các chức sắc tại Wall Street được thổi phồng lên để kích động tâm lý quần chúng. TT Obama quyết định bổ nhiệm một viên chức đặc biệt tại Tòa Bạch Ốc để chỉ lo về kiểm soát lương bổng của các đại gia, được báo chí gọi là một “tsar” (Nga hoàng). Chỉ là chuyện màu mè mỵ dân vì ai cũng biết Tòa Bạch Ốc chẳng có một tý quyền hành nào để định đoạt lương bổng các tổng giám đốc của doanh nghiệp.
Tất cả những khua chiêng gõ trống đó đã củng cố một hình ảnh quen thuộc với phần lớn dân Mỹ: đảng Dân Chủ là đảng của dân nghèo, là đảng của các vị cứu tinh, giúp người dân thấp cổ bé họng chống lại các con khủng long tài chánh chuyên bóc lột thiên hạ, trong khi đảng Cộng Hoà là đảng của tài phiệt da trắng.
Sự thật không hẳn như vậy.
Trong cái xứ tự do dân chủ này, tất cả đều được định đoạt bằng… tiền, không hơn không kém. Hiện có cả ngàn tổ chức vận động hành lang đang hoạt động. Trên căn bản, họ là những chuyên viên đi vận động các chính khách của cả hai đảng để các chính khách này quyết định những chuyện có lợi cho nhóm quyền lợi của họ. Thực tế, cách thuyết phục hiệu quả nhất vẫn là … tiền. Và công tác chính của các tổ chức vận động hành lang này là đi quyên góp tiền dâng tặng các chính khách. Dưới hình thức quà cáp, du lịch, vé coi đá banh, đánh golf, coi sexy show, xe limo đi chơi, phiếu hội viên các hội nhóm thượng lưu,… Và dĩ nhiên là tiền mặt cho các qũy tranh cử của các chính khách.
Những yểm trợ kiểu quà cáp thì khó mà lượng giá được, nhưng yểm trợ tiền mặt gây quỹ thì luật pháp Mỹ khá minh bạch, bắt buộc các chính khách và tổ chức vận động phải công bố.
Ta chỉ cần nhìn vào đó thì sẽ thấy đồng tiền ở Mỹ chi phối các chính khách như thế nào. Không có chính khách nào, Cộng Hòa hay Dân Chủ mà không hưởng được những yểm trợ của các tổ chức này.
Trong cuộc cải tổ y tế, các hiệp hội của bác sĩ, nhà thương, nghiệp đoàn, … đều bỏ ra cả trăm triệu vận động ủng hộ hay chống cải tổ. Bây giờ đến cuộc cải tổ tài chánh cũng không khác, hàng trăm triệu đã và đang được chuyền tay từ các tổ chức vận động đến các chính khách. Cải tổ tài chánh có tác dụng đến các ngân hàng, là các kho tiền, thì dĩ nhiên số tiền yểm trợ còn nhiều hơn gấp bội, so với cải tổ y tế.
Quý độc giả thấy phe Dân Chủ, từ TT Obama cho đến phó TT Biden, các thượng nghị sĩ và dân biểu, đều nhất loạt xỉ vả không thương tiếc các tài phiệt Wall Street, và như vậy quý vị có thể nghĩ khối tài phiệt bóc lột thiên hạ và chính khách Dân Chủ cứu tinh dân tộc là hai kẻ thù không đội trời chung. Nhưng thực tế không phải vậy chút nào.


Theo tờ báo của giới tài phiệt, Wall Street Journal, chính khách cả hai đảng đều nhận được yểm trợ tài chánh rất hậu hĩnh. Nhưng điều bất ngờ là khối Dân Chủ nhận được hơn khối Cộng Hòa khá nhiều, hiển nhiên là vì đang nắm quyền. Trong năm nay, các đại gia tài chánh và ngân hàng đã đóng góp - tính đến tháng Tư - khoảng 34 triệu cho các chính khách cả hai đảng. Đảng Dân Chủ lãnh được gần hai phần ba (62%) trong khi đảng Cộng Hòa lãnh hơn một phần ba (37%).
Ai cũng biết là các chuyên gia quản lý các qũy đối xung (hedge funds manager) là những người làm nhiều tiền nhất. Lợi tức của mười ông quản lý hàng đầu trung bình là hai chục tỷ đô một năm, vâng hơn một ngàn năm trăm triệu một tháng! Trong số này có năm ông đã bỏ tiền yểm trợ các chính khách nhiều nhất, từ hơn 70.000 đến 100.000 trong năm 2009 (luật ấn định tối đa là $115.000). Cả năm vị này đều yểm trợ cho đảng Dân Chủ hết. Hai “mèo mập” tỷ phú hàng đầu của Wall Street, Warren Buffett và George Soros đều là những người ủng hộ đảng Dân Chủ rất mạnh.
Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng gia cư rồi tài chánh bùng nổ, người ta khám phá ra ba người nhận được yểm trợ tài chánh nhiều nhất từ hai tổ chức khổng lồ tài trợ nợ mua nhà Fanny Mae và Freddie Mac là: số 1, TNS Chris Dodd, chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh và Ngân Hàng Thượng Viện; số 2, TNS Barack Obama, ứng viên tổng thống; và số 3, dân biểu Barney Frank, chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh của Hạ Viện. Cả ba đều thuộc đảng Dân Chủ.
Mới đây, báo chí loan tin về những yểm trợ tài chánh của tổ hợp đầu tư lớn nhất thế giới - con mèo mập nhất - Goldman Sachs. Năm 2008, tổ hợp này đóng góp 995.000 đô cho ứng viên Dân Chủ Barack Obama. Ứng viên Cộng Hòa John McCain lẹt đẹt đằng sau rất xa, chỉ có hơn 200.000. Từ đầu năm đến giờ, Chủ Tịch Tổng Giám Đốc của Goldman Sachs, ông Llyod Blankfein, đã vào Tòa Bạch Ốc thăm TT Obama bốn lần. Không kể gia đình và nhân viên nội các, cố vấn, chưa ai đạt được thành tích này. Ngoài Goldman Sachs ra, TNS Obama còn nhận được yểm trợ của cả chục tổ hợp tài chánh khác, tổng cộng là hơn 15 triệu đô. Nếu ai còn muốn tin TT Obama sẽ truy diệt “mèo mập” thì xin tùy tiện.
Goldman Sachs mới đây cũng đã tổ chức một bữa tiệc gây quỹ cho ông Harry Reid, lãnh tụ khối đa số Dân Chủ tại Thượng Viện, kiếm cho ông hơn 37.000 đô. Tổng cộng, ông Reid đã nhận được sơ sơ có 920.000 đô từ mấy ngân hàng lớn nhất, nội trong năm nay. Trong khi đó, ông vẫn lớn tiếng tuyên bố sẽ lãnh đạo thượng viện trong kế hoạch lùng bắt “mèo mập” Wall Street.
Còn nữa. Ông Greg Craig, cựu phụ tá pháp luật của TT Obama, người đã đề xuất ý kiến đóng cửa trại tù khủng bố Guantanamo, bị ép từ chức vì đã xúi TT Obama ký sắc lệnh không tưởng là đóng cửa trại tù trong vòng một năm, đã được Goldman Sachs thuê làm cố vấn ngay.  Coi như ông Craig cho mượn tên và nhận làm đầu cầu cho “quan hệ” với chính quyền Obama, dĩ nhiên là với số lương không nhỏ.
Goldman Sachs cũng là công ty đang bị truy tố ra tòa vì tội lừa dối, giấu diếm một số dữ kiện, bán một số nợ xấu cho các ngân hàng khác. Câu chuyện kiện cáo này khá lạ lùng. Nội vụ được phanh phui ra từ cả năm nay rồi, tại sao đến bây giờ, đúng lúc quốc hội thảo luận về cải tổ tài chánh mới được bung ra" Hơn thế, khách hàng mà Goldman Sachs bị tố đã lừa đảo không phải là những tay mơ như qúy độc giả hay kẻ viết này đâu, mà là đại gia ngân hàng Đức. Làm như họ dễ dàng bị lừa lắm.
Chắc chắn là ngân hàng Đức này đã cân nhắc kỹ lưỡng: càng nhiều rủi ro thì càng mua rẻ và càng lời nhiều thôi. Chính ngân hàng này lại không thưa kiện gì cả, mà là Nhà Nước Obama thưa kiện dùm. Không ai hiểu Nhà Nước đang chơi trò ú tim gì. Phe Cộng Hòa đang đòi điều tra. Chỉ biết là TT Obama tuyên bố không có lý do gì hoàn trả lại gần một triệu tiền yểm trợ của Goldman Sachs.
Một điều đáng nói: TNS Dân Chủ Chuck Schumer của Nữu Ước (tiểu bang của Wall Street) là một trong những tiếng nói ồn ào nhất Thượng Viện. Thế nhưng trong cuộc cải tổ tài chánh này, không ai nghe ông tuyên bố một câu nào. Ông cũng là chính khách nhận được nhiều tiền nhất từ mấy con mèo mập Wall Street: hơn 1,5 triệu đô trong năm 2009.
Đọc những tin trên, không cần phải suy nghĩ lâu lắc mất thời giờ, ta cũng thấy ngay tất cả những xỉ vả trên truyền hình, báo chí rốt cuộc lại cũng chỉ là những trò xiếc che mắt thiên hạ. Các chính khách Dân Chủ cũng chẳng khác gì các đồng nghiệp Cộng Hòa, đều chìa tay ra nhận tiền của các tài phiệt không e ngại một giây đồng hồ. Chửi thì cứ chửi vì được tiếng là yêu dân nghèo và thích công bằng, nhưng tiền thì vẫn nhận. Các tài phiệt hiểu rõ trò chơi chính trị hơn ai hết, chẳng lý gì đến các lời xỉ vả vớ vẩn, vẫn tiếp tục đóng tiền yểm trợ dài dài. Bên nào đang nắm quyền, bên đó hưởng nhiều hơn. Chỉ có mấy anh thật thà chất phác, tưởng đảng Dân Chủ chống tài phiệt thật nên gân cổ hoan hô Dân Chủ, cứu tinh của dân nghèo.
Cuộc tranh cãi về cải tổ tài chánh đang tiếp tục. Người ta chưa rõ chừng nào luật sẽ được thông qua, và cuối cùng thì luật mới sẽ có những điều khoản nào. Có nhiều hy vọng luật sẽ được thông qua mà không cần đến mánh mung, tiểu thuật như luật cải tổ y tế, và hệ thống kiểm soát các ngân hàng sẽ được xiết chặt hơn vì đây là điều cần thiết mà tất cả mọi người đều đồng ý, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa. Khác nhau chỉ là ở mức độ xiết chặt đến đâu, khi nào thì Nhà Nước có quyền trực tiếp can thiệp, và can thiệp tới mức nào.
Trong vấn đề này, có lẽ một phần quan trọng sẽ tùy thuộc các ông thượng nghị sĩ hay dân biểu nào được nhiều tiền hay ít tiền. (25-4-10)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới không chỉ định hình tương lai chính trị của quốc gia trong vài năm tới mà còn đặt ra những câu hỏi căn bản về bản sắc và tương lai của chính nước Mỹ. Trong khi kết quả bầu cử sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, những xung đột sâu sắc về bản chất của nước Mỹ đã được phản ảnh rõ nét qua đường lối, chính sách nêu ra tại hai đại hội Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vừa qua.
Tôi đã xem qua cả trăm bài viết với với nội dung và ngôn từ (“đầu đường xó chợ”) tương tự nhưng chưa bao giờ bận tâm hay phiền hà gì sất. Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, các bạn DLV đều không quen cầm bút nên viết lách hơi bị khó khăn, và vô cùng khó đọc. Họ hoàn toàn không có khái niệm chi về câu cú và văn phạm cả nên hành văn lủng củng, vụng về, dài dòng, lan man trích dẫn đủ thứ nghị quyết (vớ vẩn) để chứng minh là đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước luôn luôn đúng đắn. Họ cũng sẵn sàng thóa mạ bất cứ ai không “nhận thức được sự đúng đắn” này, chứ không thể lập luận hay phản bác bất cứ một cáo buộc nào ráo trọi.
Ngày 20/7/1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đi vào lịch sử như là hai người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng thế nhưng sự kiện này bị một số nhà “lý thuyết âm mưu” lên tiếng phủ nhận. Căn cứ vào những điểm “khả nghi” trong tấm hình chụp Armstrong đứng cạnh lá cờ cắm trên Mặt Trăng, họ quả quyết rằng tất cả chỉ là chuyện dàn dựng và bức hình này chỉ được chụp tại một sa mạc ở Nevada. Nhưng bằng chứng của vụ đổ bộ ấy đâu chỉ duy nhất một tấm hình? Tàu Appollo 11 phóng từ mũi Kennedy trước con mắt hàng chục ngàn người và hàng trăm triệu người qua ống kính truyền hình. Hàng trăm ngàn thước phim quay được và chụp được khi tàu Appollo vờn trên quỹ đạo quanh mặt trăng, cảnh tàu con rời tàu mẹ để đổ bộ, cảnh các phi hành gia đi bộ và cả những túi đất đá mang về từ Mặt Trăng v.v. Chúng ta thấy gì ở đây? Những bằng chứng xác thực thì nặng như núi nhưng, khi đã cố tình không tin, đã cố vạch ra những âm mưu thì chỉ cần mấy điểm khả nghi nhẹ tựa lông hồng.
Một bài bình luận của báo Chính phủ CSVN hôm 2/9/2024 viết: “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…” Những lời tự khoe nhân dịp kỷ niệm 79 năm (1945-2024) được gọi là “Tuyên ngôn độc lập” của ông Hồ Chí Minh chỉ nói được một phần sự thật, đó là Việt Nam đã có độc lập. Nhưng “tự do” và “ấm no hạnh phúc” vẫn còn xa vời. Bằng chứng là mọi thứ ở Việt Nam đều do đảng kiểm soát và chỉ đạo nên chính sách “xin cho” là nhất quán trong mọi lĩnh vực...
Năm 2012 Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng; năm 2013 trở thành Chủ Tịch Nước; đến năm 2018 tư tưởng Tập Cận Bình được chính thức mang vào Hiến Pháp với tên gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Tập Cận Bình đem lại nhiều thay đổi sâu sắc trong xã hội Trung Quốc, mối bang giao Mỹ-Trung và nền trật tự thế giới...
Xem ra thì người Mỹ, không ít, đang chán tự do và nước Mỹ đang mấp mé bên bờ vực của tấn thảm kịch mà nước Đức đã sa chân cách đây một thế kỷ khi, trong cuộc bầu cử năm 1933, trao hết quyền tự do cho Adolf Hitler, để mặc nhà dân túy có đầu óc phân chủng, độc tài và máu điên này tùy nghi định đoạt số phận dân tộc. Mà nếu tình thế nghiêm trọng của nước Đức đã thể hiện từ trước, trong cương lĩnh đảng phát xít cả khi chưa nắm được chính quyền thì, bây giờ, với nước Mỹ, đó là Project 2025.
Từ 20 năm qua (2004-2024), vấn đề hợp tác giữa người Việt Nam ở nước ngoài và đảng CSVN không ngừng được thảo luận, nhưng “đoàn kết dân tộc” vẫn là chuyện xa vời. Nguyên nhân còn ngăn cách cơ bản và quan trọng nhất vì đảng Cộng sản không muốn từ bỏ độc quyền cai trị, và tiếp tục áp đặt Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh “làm nền tảng xây dựng đất nước”...
Cái ông Andropov (“nào đó”) nghe tên cũng có vẻ quen quen nhưng nhất thời thì tôi không thể nhớ ra được là ai. Cả ủy ban nhân dân Rạch Gốc và nhà văn Nguyên Ngọc cũng vậy, cũng bù trất, không ai biết thằng chả ở đâu ra nữa. Tuy vậy, cả nước, ai cũng biết rằng trong cái thế giới “bốn phương vô sản đều là anh em” thì bất cứ đồng chí lãnh đạo (cấp cao) nào mà chuyển qua từ trần thì đều “thuộc diện quốc tang” ráo trọi – bất kể Tây/Tầu.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký 14 Văn kiện hợp tác an ninh Chính trị, Kinh tế-Thương mại và Văn hóa-Báo chí trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 18 đến 20/08/2024. Trong số này, Văn kiện kết nối và thiết lập 3 Tuyến đường sắt giữa hai nước được gọi là “anh em” đã giúp Trung Quốc liên thông ra Biển Đông và bành trướng thế lực kinh tế...
Tại Campuchia, kênh đào Phù Nam Techo, trị giá 1,7 tỷ USD sẽ kết nối Phnom Penh và Vịnh Thái Lan, tượng trưng cho niềm tự hào dân tộc, an ninh và kết nối thương mại quốc tế. Người ta có thể cảm thấy như thế qua lời tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Hun Manet và của ông Hun Sen, trong cương vị cố vấn, người đã chuyển giao quyền lực từ cha sang con vào năm ngoái...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.