Câu Chuyện Thầy Lang: Điều Trị Cấp Cứu
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Bệnh của cơ thể thường xuất hiện dưới hình thức các triệu chứng và dấu hiệu khác nhau.
Triệu chứng (Symptom) là những biểu lộ mà bệnh nhân nhận ra và cảm thấy là chúng đang gây khó khăn cho các sinh hoạt thường lệ của mình.
Chẳng hạn khi không mà ho rũ rượi, đau tức ngực, hụt hơi thở, mỏi mệt trong nhiều ngày thì chắc là ta phải đi bác sĩ để tìm nguyên nhân rồi từ đó điều trị.
Dấu hiệu (Sign) là những rối loạn, tổn thương do bác sĩ tìm ra khi khám bệnh mà bệnh nhân không thấy được.
Như trong trường hợp kể trên, bác sĩ nghe tim phổi, thấy có tiếng khò khè khi bệnh nhân thở, nhìn cuống họng thấy sưng đỏ, nhiệt độ cơ thể cao. Tất cà đều là dấu hiệu của cơ quan hô hấp bị nhiễm trùng.
Các triệu chứng có thể báo hiệu một căn bệnh nhẹ hoặc trầm kha sẽ xảy ra và cần được chẩn đoán rồi điều trị càng sớm càng tốt
Sau đây là một số trường hợp cần phải lưu ý:
1-Tai biến mạch máu não
Một người đang khỏe mạnh:
-Bất chợt cảm thấy tê dại hoặc yếu ở mặt, chân tay, đặc biệt là ở nửa thân mình.
-Bất chợt mất phương hướng (confusion), không hiểu sự việc xảy ra ở xung quanh và không diễn tả được bằng lời nói.
-Đột nhiên không nhìn thấy ở một hoặc cả hai mắt
-Đột nhiên có khó khăn đi lại, chóng mặt, mất thăng bằng và rối loạn phối hợp các cử động của cơ thể.
-Đột nhiên nhức đầu như búa bổ mà không rõ nguyên nhân.
Y giới Úc dùng ký tự (acronym) F.A.S.T. để tóm tắt cấp cứu này cho dễ nhớ:
F là Facial paralysis tê liệt mặt, huýt sáo không ra hơi, miệng lại méo xệch;
A là Arm weakness cánh tay yếu, không dơ cao lên khỏi đầu;
S là Speech difficulties nói khó khăn, không ra tiếng;
T có ý nói Time to act fast cần hành động, cấp cứu ngay, kẻo quá trễ.
Các triệu chứng này là báo hiệu của Tai biến động mạch não stroke gây ra do một mạch máu não bị đứt vỡ hoặc tắc nghẽn với cục máu khiến cho tế bào não bị tiêu hủy.
Bệnh nặng hay nhẹ là tùy theo phần não bị tổn thương. Nếu là một động mạch lớn bị tắc nghẽn thì nửa thân người bị tê liệt, không nói được. Ngược lại nếu chỉ là mạch máu nhỏ thì chỉ có bại suội ở chân tay.
Tai biến cần được điều trị tức thì tại bệnh viện với các phương thức và dược phẩm cấp cứu để giảm thiểu sự hủy hoại tế bào thần kinh, ngăn ngừa các hậu quả trầm trọng.
Kêu số điện thoại 911 và tới phòng cấp cứu ngay nếu thấy các dấu hiệu này.
2-Cơn đau tim
Với:
-Cảm giác khó chịu, đau quặn như có gì đè ở giữa ngực, kéo dài vài ba phút
-Cơn đau lan xuống vai, cổ, cánh tay.
-Chóng mặt, quay cuồng muốn xỉu
-Hụt hơi thở, nhịp tim nhanh và không đều
-Cảm thấy lo sợ, nóng nảy, đổ mồ hôi, da nhợt nhạt.
-Buồn nôn, muốn ói.
Không phải mỗi cơn đau tim đều có các triệu chứng này. Đôi khi chúng hết đi rồi tái xuất hiện.
Khi có các dấu hiệu vừa kể cần kêu 911 và tới phòng cấp cứu ngay.
3-Khối máu cục
Sau một thời gian ngồi lâu không cử động như là ở trên máy bay, xe hơi hoặc nằm nghỉ lâu ngày sau khi giải phẫu mà cảm thấy căng đau ở bắp chuối, tức ngực, khó thở, ho ra máu thì cần nghĩ tới trường hợp bị máu cục ở tĩnh mạch dưới chân.
Cục máu có thể tự tan nhưng cũng có thể gây tổn thương cho các bộ phận quan trọng của cơ thể. Chẳng hạn, khi cục máu di chuyển tới động mạch tim sẽ gây ra cơn đau trim, tới não đưa tới tai biến não hoặc tới phổi với máu cục phổi.