Viện Việt Học Mừng 10 Tuổi: Triển Lãm Sách, Hoa, Họa; GS Trần Ngọc Ninh: Phải Giữ Văn Hóa Tính, Văn Hóa Dân Tộc
Lễ cắt băng khai mạc phòng triển lãm sách, hoa Lan, tranh họa nhân kỷ niệm 10 thành lập Viện Việt Học.
Sách, Hoa Lan, tranh họa trong triển lãm nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Việt Học.
WESTMINSTER (VB) - Vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, ngày 27 tháng 2 năm 2010, Viện Việt Học, tại thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ, đã khai mạc triển lãm sách hiếm quý, tranh họa và hoa Lan nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện.
Tham dự trong buổi khai mạc gồm có Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, Giáo Sư Đàm Trung Pháp, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, Giáo Sư Nguyễn Thị Lợi, Giáo Sư Đàm Khóach, Họa sĩ Tú Quyên, Họa sĩ Dõan Quốc Vinh, Họa Sĩ Văn Mộch, Ông Ngô Long là Chủ Tịch Hội Hoa Lan Việt Nam, đại diện các cơ quan truyền thanh, truyền hình, báo chí Việt Ngữ tại Quận Cam, và nhiều vị thức giả và quan khách khác, v.v…
Sau phần cắt băng khai mạc phòng triển lãm, nhiều vị đã được mời trình bày, giải thích về những thể tài liên quan trong cuộc triển lãm như Hoa Lan, Trống Đồng Ngọc Lũ, những bức họa, v.v…
Bước vào phòng triển lãm và cũng là trụ sở của Viện Việt Học trên đường Brookhurst, thành phố Westminster, người ta cảm nhận ra ngay cái khung cảnh ngăn nắp, trang nhã, mỹ thuật của một phòng triển lãm chuyên nghiệp. Chung quanh tường là những kệ, tủ sách với một vài bức họa đặt rất hợp cách. Ở giữa phòng là hai dãy bàn với nhiều cuốn sách, tạp chí cổ mang tính biểu tượng lịch sử của nền văn hóa văn học Việt Nam cũng như một số sách giá trị của các vị Giáo Sư do Viện Việt Học xuất bản, đứng chung là một vài chậu lan danh giá hiếm có do Ông Ngô Long mang đến trưng bày. Ở các góc phòng là những bức tranh lụa của Họa Sĩ Tú Quyên và Họa sĩ Dõan Quốc Vinh.
Trong số những cuốn sách, tạp chí hiếm quý, gồm có Tạp Chí Văn, số ra mắt đầu tiên; Tạp Chí Phổ Thông, số ra mắt tháng 9 và 10 năm 1951; Tạp Chí Nam Phong số 129 tháng 12 năm 1929; Nguyệt San Văn Hóa, số 68, tháng 1 và 2 năm 1962; Tạp Chí Văn Hóa Á Châu, số 1, tháng 4 năm 1958, v.v… Và nhiều bộ sách về sử học, triết học, tôn giáo, ngôn ngữ bản in rất xưa đựơc trưng bày trong các tủ sách tại Viện. Đặc biệt, ở giữa phòng triển lãm, trưng bày trống đồng Ngọc Lũ.
Nhân cơ hội hiếm quý này, phóng viên Việt Báo đã được Giáo Sư Trần Ngọc Ninh dành cho một vài phút để hầu chuyện.
Trong câu chuyện, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh cho biết cách nay 10 năm, một số bạn trẻ ở Mỹ vì muốn hiểu biết nhiều hơn và muốn bảo tồn nền văn hóa Việt Nam tại xứ người nên đã tìm đến một số các vị lớn tuổi như Cố Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham, Cố Nhà Văn Nguyễn Sĩ Tế, Giáo Sư Lê Văn và Giáo Sư Trần Ngọc Ninh để đứng ra thành lập Viện Việt Học. Như vậy, Viện Việt Học ra đời là để vừa giữ gìn, vừa lưu truyền nến văn hóa dân tộc cho thế hệ đi sau.
Giáo Sư Trần Ngọc Ninh nói rằng, "Từ ngày đầu đến bây giờ mà Viện Việt Học vẫn còn họat động sau 10 năm là một sự kiện quan trọng của Cộng Đồng Việt Nam." Ông nhấn mạnh rằng hiện nay trong nước vì chạy theo chủ nghĩa nước ngòai, thê hệ trẻ đang suy đồi. Cho nên, điều cần thiết và quan trọng là phải giữ được Văn Hóa Việt Nam, nhất là Văn Hóa Tính, Văn Hóa Dân Tộc.
Giáo Sư Trần Ngọc Ninh cho rằng sau hai ngàn năm dựng nước và giữ nước và công cuộc bảo tồn bản sắc giống nòi mà chúng ta gọi là Dân Tộc Tính, trong đó phải kể đến nhiều thế hệ cha ông từ Hùng Vương đến ngày nay đã trải qua bao hy sinh, vì vậy, chúng ta không thể để cho nó tan rã.