Hôm nay,  

Tương Quan Trung Quốc–hoa Kỳ Trong Những Thập Niên Tới

02/02/201000:00:00(Xem: 7872)

Tương quan Trung Quốc–Hoa Kỳ Trong Những Thập Niên Tới

Trần Bình Nam
Ngày 13 đến 19 tháng 11, 2009 tổng thống Obama công du Á châu qua các nước Singapore (dự hội nghị APEC hằng năm), Nhật Bản, Trung quốc và Nam Hàn.
Chuyến đi chứng tỏ Hoa Kỳ không xao lãng đối với Á châu. Nhưng sự dừng chân tại Trung quốc trong ba ngày 16 – 18 để hội đàm với ông Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và giải quyết một số vấn đề của thế giới đồng thời làm quen với các nhân vật lãnh đạo tương lai của Trung quốc là mốc quan trọng nhất của chuyến đi.
Khung cảnh của thế giới trong vài thập niên tới sẽ được xác định qua mối tương quan giữ Trung quốc và Hoa Kỳ. Tương quan này được miêu tả khá chi tiết trong một bài báo dài 14 trang đăng trong tạp chí The Economist số ngày 25 – 30/10/2009 với nội dung:
(1) Thân thiện và nghi kỵ lẫn nhau.
(2) Kinh tế lệ thuộc hỗ tương.
(3) Cạnh tranh kỹ nghệ xe hơi.
(4) Nhiệm vụ làm sạch môi trường và làm giảm độ nóng dần của khí quyển.
(5) Chạy đua quân sự và vũ trang.
(6) Đài Loan và Bắc Hàn: hai điểm nóng
(7) Cuộc chạy nước rút vào không gian.
(8) Trào lưu và khả năng Trung quốc tiến từ độc tài tới dân chủ.
(9) Hoa Kỳ sẽ chạm trán với một Trung quốc hình thù như thế nào trong tương lai"
Sau đây là các nét chính của bài báo:
Thân thiện và nghi kỵ:
Một trăm năm trước tổng thống Theodore Roosevelt đã tiên đoán: “Tương lai của nước Mỹ sẽ được định đoạt về hướng Tây nhìn qua Thái Bình Dương chứ không phải về hướng Đông qua Đại Tây Dương” . Và hôm nay chẳng những Hoa Kỳ mà cả thế giới đều hướng về Á châu, tại đó con sư tử Trung quốc đã vươn vai đứng dậy sau một giấc ngủ dài.
Quy luật là, khi một quốc gia trổi dậy thì cường quốc hiện diện phải cảnh giác. Và hệ luận là, ngày hôm nay Hoa Kỳ quan tâm đến sự trổi dậy của Trung quốc không khác gì đầu thế kỷ thứ 20 (1905) Anh quốc quan tâm đến sự trổi dậy và cạnh tranh của Hoa Kỳ. Chỉ có một khác biệt. Hoa Kỳ và Anh quốc có cùng truyền thống, văn hóa và ngôn ngữ, nên siêu cường Hoa Kỳ thay siêu cường Anh quốc một cách nhẹ nhàng không đổ máu. Trong khi đó Đức và Nhật trổi đậy đã gây ra Thế chiến I và Thế chiến II giết chết hằng triệu người trên thế giới. Cho nên người ta chờ đợi sự trổi dậy của Trung quốc sẽ tạo nên sóng gió trong thế kỷ này.
Cuộc gặp gỡ của tổng thống Obama với Tổng bí thư đảng cộng sản Trung quốc Hồ Cẩm Đào trong tháng 11/2009 là một cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước ngang tầm nhau chứ không còn một thấp một cao như những người lạc quan thường nghĩ.
Trung quốc có thế thượng phong đối với Hoa Kỳ về kinh tế và Trung quốc đã không bỏ lỡ cơ hội của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay để đẩy mạnh bước tiến của mình nhanh hơn, thí dụ khai thác nhược điểm của Hoa Kỳ để mua các hiểu biết kỹ thuật cấp cao trong lĩnh vực chế tạo vũ khí.
Trung quốc không quên Liên bang Xô viết đã trở nên một cường quốc ngang tầm với Hoa Kỳ do lợi dụng cuộc khủng hoảng năm 1929 để mua các hiểu biết khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ.
Lúc này hình như Trung quốc đang muốn hợp tác với thế giới để giải quyết những vấn đề chung. Nhưng Trung quốc sẽ giữ thái độ đó cho đến lúc nào" Đó là một câu hỏi chưa có câu trả lời khi chủ nghĩa quốc gia quá khích (nationalism) vẫn là một yếu tố tiềm ẩn của xã hội Trung quốc.
Nhìn lại 30 năm qua. Sau khi Hoa Kỳ và Trung quốc thiết lập bang giao, hai nước vẫn giữ một khoảng cách vừa phải với nhau. Nhưng đầu thập niên 1990 khi Liên bang Xô viết sụp đổ, hai nước tự hỏi tại sao họ không thể hợp tác phát triển kinh tế để cộng tồn. Cộng tồn để cùng chống lại những kẻ thù chung mà trước mắt là nạn dịch và nạn khủng bố.
Tuy nhiên hợp tác với Trung quốc không phải dễ. Trung quốc hay thay đổi thái độ không lường trước được. Qua kinh nghiệm tiếp xúc với Trung quốc Hoa Kỳ nhận thấy khi thì dễ như đối với Âu châu, khi thì khó như từng đối với Liên bang Xô viết. Và trong lĩnh vực quân sự sự tranh chấp ngấm ngầm giữa hai nước không khác gì cuộc chạy đưa võ trang Hoa Kỳ từng có với Liên bang Xô viết trong thời gian chiến tranh lạnh. Đối với Trung quốc, điểm nóng sẽ là Tây Thái Bình Dương, con đường bung ra biển của Trung quốc.
Kinh tế lệ thuộc hỗ tương
Hãy nhìn vào một sự việc có vẻ nghịch lý: một nước đang phát triển như Trung quốc lại là chủ nợ của một siêu cường như Hoa Kỳ! Nhưng đó là sự thật. Trung quốc trở thành nhà giàu nhờ xuất cảng, nhất là xuất cảng sang Hoa Kỳ và biết để dành. Trong khi người Mỹ có khuynh hướng tiêu thụ. Năm 2001 xuất cảng của Trung quốc chiếm 20% tổng sản lượng quốc gia (GDP), đến năm 2007 lên 36% . Hoa Kỳ là nước nhập cảng hàng Trung quốc nhiều nhất, chỉ đứng sau toàn Âu châu. Và tháng 9/2008 vừa qua Trung quốc đã vượt Nhật Bản trở thành chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ.
Bức tranh kinh tế vận hành đại khái là: Trung quốc có khả năng bán hàng với giá rẻ ra nước ngoài nhờ Trung quốc hạ giá đồng yuan (TBN: hàng Trung quốc sản xuất tính giá theo đồng yuan, đổi ra ngoại tệ được giá thấp). Giá rẻ dân chúng Hoa Kỳ mua hàng Trung quốc nhiều, Trung quốc có nhiều mỹ kim, và Trung quốc dùng mỹ kim này mua ngân khố phiếu của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có nhiều tiền (do bán công khố phiếu – là một loại giấy nợ), lãi xuất ngân hàng tại Hoa Kỳ có khả năng giảm, và dân chúng vay tiền dễ càng tiêu nhiều. Một vòng tròn sung túc giả tạo.
Nhưng điều này không có nghĩa Trung quốc muốn làm gì Hoa Kỳ thì làm. Vì sao" Vì kinh tế hai nước quan hệ chặt chẽ với nhau. Lấy một thí dụ. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, dân chúng Mỹ giảm chi tiêu, hàng hóa Trung quốc ế ẩm và tại Trung quốc số người thất nghiệp cao (TBN: Chính phủ Trung quốc dễ dàng xoay xở bằng cách bơm tiền ngay vào kinh tế để tạo công ăn việc làm và giữ cho đà tăng trưởng của GDP ở mức chấp nhận được).
Năm nay (2009) GDP của Trung quốc hơn 4.4 trillion mỹ kim đã vượt GDP của Nhật Bản nhưng cũng chỉ bằng 1/3 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên sự cạnh tranh kinh tế của Trung quốc đối với Hoa Kỳ càng lúc càng rõ và Hoa Kỳ thấy có nhu cầu đối thoại với nhau. Tổng thống Obama vừa cho thiết lập một Nghị hội song phương giữa hai nước (Strategic and Economic Dialogue) để các giới làm chính sách cao cấp hai bên có cơ hội gặp nhau trao đổi về chiến lược và kinh tế. Tại buổi họp mặt đầu tiên tại Washington D.C. tháng 7/2009 vừa qua, tổng thống Obama nói với hội nghị rằng: “Cái nguyên tắc nước này mạnh lên thì nước khác yếu (zero-sum game) không còn đúng nữa. Các quốc gia trên thế giới – đặc biệt Hoa Kỳ và Trung quốc – có thể cùng giàu và cùng mạnh.” Tổng thống Obama muốn nói kinh tế Trung quốc và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế cộng tồn chứ không phải là kinh tế cạnh tranh.
Trung quốc không thể không đồng ý với nhận định của tổng thống Obama. Trung quốc không thích khi thấy đồng mỹ kim vẫn chiếm được sự ưa thích trên thế giới, nhưng Trung quốc không có lợi gì nếu đánh sập giá trị đồng mỹ kim bằng cách bán đổ bán tháo công phố phiếu của Hoa Kỳ ra thị trường. Nếu đồng mỹ kim mất giá thì gần 800 tỉ công phố phiếu của Hoa Kỳ Trung quốc đang có trong tay cũng giảm giá trị theo.
Ngân sách hằng năm của Hoa Kỳ thâm thủng nên Trung quốc ngại không biết Hoa Kỳ có trả nổi tiền lời không. Nhưng Trung quốc cũng không có chọn lựa nào khác là tiếp tục mua ngân khố phiếu của Hoa Kỳ để duy trì giá trị của đồng mỹ kim. Một vòng tròn luẫn quẫn.
Mơ ước của Trung quốc là một ngày nào đó (TBN: ngày đó sẽ không xa) đồng yuan sẽ được xem ngang hàng với các đồng tiền đang được ưa thích hiện nay trên thế giới như đồng Mỹ kim, đồng Euro, đồng Sterling của Anh, đồng Yen của Nhật. Tháng 9/2009 vừa qua Trung quốc mua 50 tỉ mỹ kim công khố phiếu của Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) cũng trong mục đích đó (TBN: tiền IMF cho vay tính theo đồng tiền nào IMF có nhiều).
Một điều cần để ý là Hoa Kỳ và Trung quốc dòm ngó nhau về kinh tế rất kỹ, và khi cần nước nào cũng có khuynh hướng co cụm (protectionism) để bảo vệ quyền lợi của mình. Mới đây, tháng 3/2009 Trung quốc không cho công ty Coca-Cola của Hoa Kỳ mua một cơ sở sản xuất nước ngọt của Trung quốc. Ngược lại Hoa Kỳ cũng không nồng nhiệt khi Trung quốc muốn mua các cơ sở kinh doanh của Hoa Kỳ.
Cạnh tranh kỹ nghệ xe hơi
Đầu năm 2009 đứng trước sự phá sản của các hãng chế tạo xe hơi, chính phủ Hoa Kỳ mua 61% hãng GM, 8% của hãng Chrysler. Hai công ty này chuyển sang chế tạo xe nhỏ và bán khá chạy tại Trung quốc vượt qua số bán tại Hoa Kỳ. Mộng của Trung quốc là làm sao có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ và Nhật Bản và trở thành một nước sản xuất xe và biến kỹ nghệ chế tạo và xuất cảng xe thành một thành phần quan trọng của GDP.
Hướng khuyếnh trương doanh nghiệp đó của Trung quốc là một cơ hội tốt cho các quốc gia - trong đó có Hoa Kỳ - đã có những cơ xưởng chế tạo xe hơi chung với các công ti đóng xe quốc doanh của Trung quốc. Thị trường xe hơi tại Trung quốc có nhiều thuận lợi nhờ hạ tầng kiến trúc đang mở mang. Trung quốc đã cho chỉnh trang thành phố, xây dựng một hệ thống xa lộ thênh thang để chuẩn bị cho sự phát triển kỹ nghệ đóng xe Trung quốc như tại Hoa Kỳ cách đây 50 hay 60 năm. Tuy nhiên xe nhỏ của Hoa Kỳ bán ở Trung quốc chưa mang lại nhiều lợi nhuận như xe nhỏ của Hoa Kỳ bán ở Âu châu. Người Trung quốc có khuynh hướng mua xe rẻ, ít tốn xăng chứ chưa quan tâm vào xe tốt, và loại xe này không có lời nhiều.
Nhưng nói chung Trung quốc là thị trường xe rất tốt vì người Trung quốc càng lúc càng có khả năng mua xe, thích chạy xe và chạy xe lớn hơn. Mặt khác sản xuất xe tại Trung quốc để bán lại cho các nước phát triển còn thuận lợi ở chỗ nhân công rẻ. Người ta sẽ không ngạc nhiên thấy trong tương lai xe nhãn hiệu Hoa Kỳ được sản xuất tại Trung quốc.
Một công ti xe hơi tư nhân nhỏ của Trung quốc ở tỉnh Sichuan (Sichuan Tengzhong Heavy Industry Machinery) tháng 10/2009 vừa qua vừa ký giao kèo mua lại kiểu xe Hummer của hãng GM. Một công ti khác (quốc doanh - Beijing Automotive Industry Holding) đang tranh với một tập đoàn chế tạo xe hơi do Thụy Điển cầm đầu để mua quyền chế tạo xe Saab của hãng GM. Trong khi đó công ty tư nhân Geely đang muốn mua kiểu xe Volvo của hãng Ford. Mục đích của Trung quốc trong các vụ mua bán này là để lấy tên của các nhãn hiệu có uy tín trên cho xe do Trung quốc sản xuất, đồng thời sao chép kỹ thuật chế tạo. Trung quốc đã có khả năng chế tạo và bán xe ra thị trường quốc tế, tuy nhiên chưa tốt và an toàn như xe của Nhật, của Âu châu hay của Hoa Kỳ. Nhưng vấn đề tốt và rẻ chỉ là vấn đề tời gian.
Nghiệp đoàn thợ thuyền xe tại Hoa Kỳ không ngồi yên. Nghiệp đoàn thợ xe hơi lớn nhất Hoa Kỳ là United Auto Workers Union (UAW) đã phản đối GM khi công ty này dự tính chế tạo xe Chevrolet Spark tại Trung quốc để bán cho thị trường Hoa Kỳ. Nhiều dân biểu nghị sĩ Hoa Kỳ viện cớ chính phủ hiện có hơn 50% cổ phần trong GM nên ban giám đốc GM không có thẩm quyền ký giao kèo với Trung quốc (TBN: điều này còn trong vòng bàn cãi của các luật sư). Nghiệp đoàn nói nếu GM sản xuất xe tại Trung quốc thì chỉ có thể bán tại Trung quốc thôi.
Trung quốc còn muốn mua các đại công ty khác của Hoa Kỳ chứ không giới hạn công ty xe hơi. Năm 2005 công ti quốc doanh Trung quốc CNOOC đã xuýt mua đứt hãng dầu khí Unocal nếu quốc hội Hoa Kỳ không quyết liệt phản đối. Tuy nhiên lúc này khi Trung quốc mua Hummer không ai phản đối. Hummer là xe tiêu nhiều xăng nên trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này tại Hoa Kỳ ít ai thích dùng Hummer. Bán cho Trung quốc, Trung quốc có thể hạ giá, xe Hummer tiếp tục được sản xuất và có thêm công ăn việc làm cho công nhân Mỹ. Trung quốc cũng đang quan tâm đến xe hybrid ít thải khí CO2  dành cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên người tiêu thụ ở Mỹ chưa tỏ ý ưa chuộng xe Trung quốc. Cho đến lúc này xe Trung quốc chỉ có thể bán được ở những nước nghèo, người dùng cần xe rẻ tiền và chưa có điều kiện quan tâm đến tốt xấu.
Theo các giới trong nghề thì nghiệp đoàn xe hơi UAW sẽ phải giảm sự chống đối trước áp lực thị trường và kinh tế. Và cái ngày xe Trung quốc tràn ngập thị trường Hoa Kỳ và thế giới như xe Nhật trong thập niên 1970 sẽ không còn xa.
Làm sạch môi trường
Làm sao để có thể làm giàu mà không làm bẩn bầu khí quyển. Đó là một  câu hỏi lớn cho Trung quốc.
Để khai trương thế vận hội mùa hè 2008 Trung quốc đã nhập cảng kỹ thuật cấp cao của Hoa Kỳ để xây một nhà máy điện chạy bằng khí đốt không gây ô nhiễm môi trường với giá 40 tỉ mỹ kim. Thế vận hội xong, lúc này Trung quốc đang lúng túng với bài toán lời lổ, mặc dù nhà máy điện này được Chương trình làm sạch không khí của Liên hiệp quốc (United Nations Clean Development Mechanism – CDM) trợ cấp. Điện nhà máy này (Taiyanggong Power Plan) sản xuất đắt hơn 50% điện sản xuất bằng than tại hầu hết các cơ sở sản xuất điện lực khác tại Trung quốc.
Tổng thống Obama đã thảo luận với Trung quốc về chương trình đồng giảm khí CO2 vào không khí cho đến năm 2020. Tuy nhiên sự thực hiện không dễ trong cả hai nước vì nó giảm đà phát triển kinh tế và - tại Trung quốc – sự đề kháng của các giới chức địa phương.
Hoa Kỳ và Trung quốc sản xuất 40% khí CO2 trên thế giới nên sự đồng ý với nhau tại Hội nghị kiểm soát thời tiết của Liên hiệp quốc tại Copenhague trong tháng 12/2009 là rất cần thiết. Thỏa thuận này dự tính thay thế thỏa ước Kyoto năm 1997 (TBN: Thượng viện  Hoa Kỳ không chịu phê chuẩn thỏa ước Kyoto).
Trung quốc là nước chịu ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết nhiều nhất. Hằng năm thiên tai lũ lụt làm hàng ngàn người chết, mùa màng hư hại, người nông dân kéo về thành phố kiếm việc tạo ra nhiều vấn đề xã hội nên Trung quốc rất quan  tâm đến việc cùng với thế giới giảm độ nóng của khí quyển. Nhưng Trung quốc có một số vấn đề. Trước hết, 70% điện tại Trung quốc sản xuất bằng than nên chuyển qua sản xuất “sạch” không phải đơn giản và Trung quốc cần thế giới giúp hiểu biết kỹ thuật hiện đại để sản xuất sạch. Quốc hội Hoa Kỳ không mấy tin tưởng ở thiện chí của Trung quốc nên khó thể bằng lòng chuyển nhượng kỹ thuật hiện đại cho Trung quốc. Quốc hội Hoa Kỳ thường đặt câu hỏi: chuyển nhượng kỹ thuật cao cấp nhưng có gì bảo đảm Trung quốc sẽ không dùng các hiểu biết kỹ thuật cao cấp vào lĩnh vực quốc phòng.
Vào cuối tháng 11/2009 các cuộc trao đổi giữa các nước để đi đến một Thỏa ước quốc tế rõ ràng có tính ràng buộc (như thoả ước Kyoto) tại Copenhagen trong tháng 12/2009 hình như không có thì giờ đạt được. Các nước phát triển chủ trương một gói thỏa thuận chung cho các nước – phát triển hay đang phát triển- trong khi các nước đang phát triển đòi hỏi một thỏa thuận mềm dẽo hơn. Ngày 15/11/2009 lợi dụng sự có mặt của tổng thống Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang dự hội nghị APEC tại Singapore, thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã đến Singapore đề nghị một giải pháp hai bước để cứu vãn hội nghị Copenhagen. Bước đầu tại Copenhagen là một thỏa thuận chính trị hứa sẽ tìm một giải pháp ổn thỏa sau, và bước thứ hai là một hội nghị quốc tế khác triệu tập vào đầu năm 2010.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cũng là một trở ngại cho việc kiểm soát khí quyển. Năm 2006 Trung quốc hứa sẽ giảm 20% lượng tiêu thụ năng lượng để sản xuất một đơn vị GDP vào cuối năm 2010. Nhưng sau khi Trung quốc bơm 586 tỉ mỹ kim để kích thích kinh tế trong nước để đáp ứng với cuộc khủng hoảng toàn cầu (11/2008) thì tiền vào, máy chạy, khí thải ra nhiều, và các giới chức địa phương quan tâm đến sản xuất mà không quan tâm đến môi trường thì Trung quốc không thể đạt tiêu chuẩn đã hứa được. 
Còn một vấn đề to lớn khác đối với Trung quốc. Giảm khí thải, làm chậm đà phát triển kinh tế thì làm sao thực hiện mục tiêu quốc gia là trở thành một siêu cường sánh vai với Hoa Kỳ càng sớm càng tốt. Đó là chưa nói đến kinh tế chậm phát triển có thể tạo bất ổn xã hội, và vấn đề tin cậy lẫn nhau.
Đúng như  thủ tướng Đan Mạch đã tiên liệu, tại hội nghị thời tiết ở Copenhagen họp từ ngày 7/12 đến 18/12/2009 gồm đại diện của 193 nước (trong đó có 110 vị nguyên thủ quốc gia (tham dự vào ngày chót) chỉ thông qua được một Thỏa ước gọi là Thỏa ước Copenhagen ( Copenhagen Accord) không có tính ràng buộc và gồm một số điều khoản có tính hứa hẹn như: (1) các nước đồng ý với Thỏa ước Copenhagen (trong đó đó Hoa Kỳ, Trung quốc, Ấn độ là những nước sản xuất nhiều khí thải) sẽ cho biết chương trình cắt giảm khí thải của mình chậm nhất là ngày 31/1/2010, (2) hứa hẹn bảo vệ rừng, (3) công khai hóa dữ kiện giảm khí thải để thế giới có thể kiểm soát nếu cần, (4) các nước phát triển sẽ chi viện cho các nước đang phát triển để giảm khí thải một ngân sách có thể lên đến 100 tỉ mỹ kim kể từ năm 2020, (5) Ba nước Hoa Kỳ, Trung quốc và Ấn độ sẽ công bố kế hoạch tiến tới việc không dùng dầu mỏ nữa.
Hội nghị Copenhagen cũng không dự liệu được vào thời điểm nào thế giới sẽ có một thỏa ước có tính ràng buộc và có khả năng làm giảm độ nóng dần của khí quyển như thỏa ước Kyoto.
Như vậy, tại Copenhague, Hoa Kỳ và Trung quốc đã có những thỏa thuận sơ khởi. Nhưng không ai tin rằng Hoa Kỳ và Trung quốc sẽ giữ đúng cam kết. Hai xã hội có nhu cầu và cấu trúc khác nhau nên sẽ không tin nhau. Trung quốc là một xã hội khép kín nặng tâm lý nghi kỵ và đề phòng trong khi Hoa Kỳ là một xã hội trong đó quyền lợi kinh tế tròng tréo với các thế lực chính trị.
Chạy đua vũ trang
Điểm nóng trong cuộc chạy đua giữa Trung quốc và Hoa Kỳ sẽ là quân lực và vũ trang. Sức mạnh quân sự của Trung quốc đang tăng trưởng hằng ngày. Vấn đề chính yếu là hai lực lượng vũ trang này sẽ đối phó nhau như thế nào. Hai nước có phối hợp sức mạnh quân sự với sức mạnh kinh tế và văn hóa để cùng tiếp tay nhau giải quyết các vấn đề trên thế giới không" Hay kình chống nhau"
Ngày 1/10/2009 vừa qua, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung Hoa Dân Quốc, Trung quốc đã biểu dương sức mạnh bằng một cuộc diễn binh với gần 50 thứ vũ khí mới do Trung quốc chế tạo. Cuộc diễn binh đã gây ra một cuộc tranh luận gay go tại Hoa Kỳ. Những người chủ trương khuyến khích nhân quyền (và ít quan tâm đến sự lớn mạnh của Trung quốc) và những người lo ngại sự cạnh tranh của Trung quốc đã tìm thấy một mối lo chung. 
Thật ra Hoa Kỳ đã tìm cách đấu dịu với Trung quốc từ thời tổng thống Bush. Sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 tổng thống Bush đã lẳng lặng xếp chính sách đối đầu chiến lược (strategic competition) với Trung quốc để tìm đồng minh đương đầu với nạn khủng bố và hạn chế sự lan tràn của vũ khí nguyên tử (TBN: trước mắt là tại Iran và Bắc Hàn) .
Trung quốc khéo léo đáp ứng hảo ý của Hoa Kỳ. Năm 2003 Trung quốc dùng ảnh hưởng bên cạnh chính quyền Bắc Hàn để sắp xếp hội nghị 6 bên gồm Nam, Bắc Hàn, Hoa Kỳ, Trung quốc, Liên bang Nga và Nhật Bản để giải quyết vấn đề Bắc Hàn chế tạo vũ khí nguyên tử. Năm 2005 Trung quốc hạ bớt giọng đe dọa Đài Loan (TBN: ngoại trừ gia tăng số hỏa tiễn đặt trên bờ biển tỉnh Phúc Kiến nhắm vào Đài Loan từ 800 lên 1200 để nhắn khéo với Đài Loan và Hoa Kỳ rằng làm gì thì làm chớ nên tuyên bố độc lập).
Giới nghiên cứu tại Hoa Kỳ đều có khuynh hướng thiên về hợp tác với Trung quốc như là một quốc gia ngang hàng hơn là dùng chính sách đối đầu và đe dọa (Ý kiến của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc tế - Center for Strategic and International Studies – tại Washington D.C. phát họa từ năm 2007 và trong tháng 3/2009 vừa qua đã được nhắc lại). Và đó cũng là một chính sách đối ngoại của tổng thống Obama.
Như đã nói, Trung quốc không bỏ lỡ cơ hội trước thái độ mới của Hoa Kỳ, và tìm cách dùng thuần sức mạnh kinh tế và văn hóa của mình để phát huy ảnh hưởng (Giáo sư Joseph Nye của Viện đại học Harvard ở Boston gọi sức mạnh này là “soft power”) như mua dầu thô và khoáng sản tại Phi châu và phô bày hình ảnh tốt đẹp của Trung quốc trên mạng. Thái độ này làm cho Hoa Kỳ không khỏi cảm thấy lấn cấn vì đó cũng là một hình thức cạnh tranh (TBN: Hoa Kỳ là nước rất nhạy cảm với hai chữ “cạnh tranh”)
Theo Hoa Kỳ thì Trung quốc đang trang bị một lực lượng vũ trang nhiều hơn cái cần thiết để tự vệ và đánh Đài Loan trường hợp Đài Loan đơn phương tuyên bố độc lập, và Hoa Kỳ đặt câu hỏi: “Trung quốc làm gỉ với lực lượng quân sự và vũ trang tốn kém đó"”
Trung quốc chưa bao giờ tuyên bố Trung quốc muốn tranh giành ảnh hưởng tại Á châu với Hoa Kỳ. Và có thể Trung quốc chưa muốn thay thế Hoa Kỳ tại Á châu vào lúc này vì sự hiện diện của Hoa Kỳ có thể có lợi cho Trung quốc. Thí dụ (1) khống chế Bắc Hàn, (2) không để cho Nhật Bản trở thành một lực lượng quân sự và (3) bảo đảm sự lưu thông quốc tế trên biển Đông.
Nhưng với đà phát triển lực lượng quân sự trong 10 năm qua, đến một lúc Trung quốc sẽ cảm thấy họ có khả năng đương đầu với Hoa Kỳ trong một trận chiến đồng thời khống chế Nhật Bản, Bắc Hàn, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam để giành chủ quyền các hải đảo đang trong vòng kèn cựa tranh chấp.
Trung quốc có một chương trình hỏa tiễn tân tiến và quy mô nhất thế giới. Trong một thời gian nữa hỏa tiễn Trung quốc sẽ không cho phép các đội Hàng không Mẫu hạm Chiến đấu (Carrier Strike Group) của Hoa Kỳ tự do hành động như đã hành động trong biến cố eo biển Đài Loan 1995-1996 (TBN: Trung quốc thí nghiệm hỏa tiễn chung quanh Đài Loan một lần vào cuối năm 1995 và một lần khác vào đầu năm 1996. Hoa Kỳ gởi hai hải đội Hàng không Mẫu hạm Chiến đấu đến eo biển Đài Loan và Trung quốc buộc phải ngưng các cuộc thí nghiệm). Trung quốc hiện có hỏa tiễn đạn đạo tầm trung có tầm xa 1000 hải lý vượt ra ngoài vòng đai Đài Loan và đe dọa hải quân Hoa Kỳ và các căn cứ của Hoa Kỳ tại Nhật và đảo Guam .
Khi lực lượng Trung quốc hoạt động xa và tiếp cận với các lực lượng Hoa Kỳ thì vấn đề  hiểu ý định và ngôn ngữ của nhau để tránh đụng chạm ngoài ý muốn là một vấn đề tối quan trọng. Tuy nhiên Trung quốc vẫn không đáp ứng các đề nghị của Hoa Kỳ là hai bên nên trao đổi thông tin nghiêm chỉnh với nhau. Chỉ có một dấu hiệu nhỏ là gần đây hải quân Hoa Kỳ và hải quân Trung quốc cùng hoạt động trong vùng biển Aden chống hải tặc và hai bên đã trao đỏi tín hiệu thân thiện với nhau khi cần thiết.
Hoa Kỳ từng mời giới chức quốc phòng phụ trách lực lượng nguyên tử chiến lược của Trung quốc thăm viếng Hoa Kỳ (TBN: với hy vọng Hoa Kỳ cũng được mời lại), nhưng Trung quốc vẫn từ chối. Trung quốc cũng chưa từng mời một giới chức quốc phòng nào của Hoa Kỳ viếng thăm tổng hành dinh quân đội Trung quốc đặt dưới hầm tại Đồi Hương (Fragrant Hills) nằm phía Tây Bắc Kinh.
Năm 2008 hai bên đồng ý thiết lập đường giây điện thoại nóng giữa hai bộ quốc phòng. Nhưng hai bên đều chưa dùng tới ngay cả khi cần (TBN: như trong vụ Trung quốc khiêu khích tầu USS Impeccable phía Nam đảo Hải nam đầu năm 2009). Điều quan ngại hơn nữa là Trung quốc không hề thông báo cho Hoa Kỳ biết thể thức xử dụng vũ khí nguyên tử của họ. Sự việc này luôn đặt Hoa Kỳ vào tư thế phòng ngự và rất dễ hiểu lầm gây ra chiến tranh nguyên tử ngoài ý muốn.


Vấn đề Đài Loan là một lò thuốc súng. Năm 2007 hai nhà chiến lược Michael O’Hanlon và Richard Bush thuộc Viện Brookings (Brookings Institution) trong một cuốn sách bàn về quan hệ Trung quốc và Hoa Kỳ viết rằng dù lực lượng nguyên tử của Trung quốc còn yếu so với Hoa Kỳ nhưng điều đó không có nghĩa một cuộc chiến tranh nguyên tử về Đài Loan không thể xẩy ra.
Trong nội bộ chính quyền Trung quốc hình như không có sự liên lạc nhanh chóng giữa giới chức quân sự và các nhà lãnh đạo dân sự, nên Hoa Kỳ lo ngại giới chức quân sự hành động quá lố và đặt giới lãnh đạo dân sự trước một sự đã rồi (TBN: sự lo ngại này có thể không đúng trọng tâm. Cách tổ chức quyền hành của Trung quốc tập trung vào Bộ Chính Trị làm cho các quyết định có vẻ chậm chạp nhưng giới quân sự không có tự do quyết định trước những vấn đề quốc phòng mà không có ý kiến thuận của Bộ chính Trị qua Quân ủy đảng). Hoa Kỳ cho rằng trong vụ máy bay phản lực Trung quốc đụng chiếc máy bay trinh thám EP-3 của Hoa Kỳ tháng 4/2001 ngoài bờ biển Trung quốc, lúc đầu giới chức quân sự không thông báo đầy đủ chi tiết cho giới chức lãnh đạo dân sự tại Bắc Kinh nên tình hình càng ngày càng trở nên khẩn trương cho đến khi giới dân sự nắm vững tình hình quyết định trả tự do cho phi hành đoàn Hoa Kỳ và làm giảm sự căng thẳng. Hoa Kỳ có bằng chứng trong vụ USS Impeccable hải quân Trung quốc đã không thông báo đầy đủ trong thời gian cần thiết cho bộ Ngoại Giao Trung quốc.
Như một nguyên tắc, Trung quốc rất nhạy cảm với lời lẽ của Hoa Kỳ liên quan đến Trung quốc. Trong bản báo cáo về “Tình hình chiến lược quốc gia” (National Intelligence Strategy) mới nhất giới chuyên môn viết rằng “nỗ lực vét mua nguyên liệu và canh tân quân đội của Trung quốc làm cho mối quan hệ quốc tế trở nên phức tạp” đã bị đích thân bộ trưởng ngoại giao Trung quốc phê bình là “dùng ngôn ngữ ít thiện cảm”. Và trong cuộc gặp gỡ giữa các Bộ trưởng Quốc phòng của khối vòng đai Thái Bình Dương tại Singapore đầu năm nay bộ trưởng quốc phòng Trung quốc trong diễn văn cũng đã xa gần ám chỉ Hoa Kỳ có tác phong “chiến tranh lạnh” tại Á châu .
Hiện nay lực lượng hải quân Mỹ giành quyền hoạt động cách bờ biển Trung quốc 12 hải lý theo luật quốc tế, trong khi Trung quốc yêu cầu Hoa Kỳ hoạt động xa ra 200 hải lý. Trung quốc hiện chưa có khả năng hoạt động cách bờ biển lục địa Hoa Kỳ 200 hải lý, chưa nói tới 12 hải lý.
Tuy nhiên Trung quốc đang triển khai khả năng đóng tàu và theo ước lượng của bộ quốc phòng Hoa Kỳ năm 2015 Trung quốc sẽ hạ thủy chiếc Hàng không Mẫu Hạm đầu tiên, và năm 2020 sẽ có 2 chiếc. Trung quốc đi vào thời đại hàng không mẫu hạm là một quan tâm của Hoa Kỳ vì đó là một dấu hiệu “Hải quân Trung quốc ra khơi” chứ không còn là một lực lượng hải quân quanh xó nhà nữa. Sau khi đã phóng sức mạnh phủ vùng Biển Đông, Trung quốc phóng sức mạnh giành quyền hành động trên Thái Bình Dương.
Một giới chức quốc phòng Trung quốc có lần nửa đùa nửa thật nói với đô đốc Timothy Keating, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương rằng chừng nào Trung quốc có Mẫu Hạm hai nước sẽ chia nhau trách nhiệm trên Thái Bình Dương bằng một đường ranh bắc nam chạy qua Hawaii! Đô đốc Keating bác bỏ đề nghị này.
Thực tế, cuộc chạm trán quân sự giữa Trung quốc và Hoa Kỳ là chuyện nằm trong giả thuyết. Nhưng cuộc chạm trán về kinh tế và văn hóa (soft power) đang diễn ra hằng ngày trên nhiều địa bàn.
“Soft power” của Hoa Kỳ là các bảng hiệu gà chiên Kentucky (KFC), cà phê Starbuck, Coca-Cola và cái đuôi dài trước các tòa đại sứ Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới để xin chiếu khán đi du học hay du lịch tại Hoa Kỳ (TBN: năm 2007-2008 có 81.000 sinh viên Trung quốc tòng học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ). Trong khi “soft power” của Trung quốc là tiền và rộng tay chi viện cho một số nước như Sudan và Miến Điện để có khả năng thuyết phục các nhà lãnh đạo các nước này thay đổi thái độ đối với các vấn đề tự do và nhân quyền đang bị thế giới than phiền.
Điểm nóng Đài Loan và Bắc Hàn
Đài Loan và Bắc Hàn là hai điểm nóng có thể làm cho quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ trở nên phức tạo bất cứ lúc nào. Cuộc chạm trán trên eo biển Đài Loan năm 1996 là một thí dụ. Tín hiệu của Trung quốc đối với Hoa Kỳ là: chừng nào Đài Loan còn tỏ ý chí thuần phục tự đặt mình vào tư thế  một tỉnh của Trung quốc (TBN: dù chỉ là hình thức) tạm thời sinh hoạt độc lập thì Trung quốc sẽ dễ dãi với Đài Loan và làm giảm căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Năm 2008 sau khi Mã  Anh Cửu (Ma Ying-Jeou) một người chủ trương “một nước Trung quốc” đắc cử tổng thống thái độ của Trung quốc đối với Đài Loan trở nên hòa hoãn. Tháng 5/2009 vừa qua Trung quốc thuận để cho Đài Loan gởi một phái đoàn đi dự Hội nghị Quốc tế về sức khỏe toàn cầu. Cuối tháng 8/2009 Trung quốc để yên cho Đài Loan cho phép đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng đến Đài Loan làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân bảo lụt (TBN: trận bảo Morakot thổi qua Đài Loan thượng tuần tháng 8 giết chết gần 650 người và dân chúng Đài Loan hết sức bất mãn cung cách đáp ứng chậm trễ của tổng thống họ Mã).
Nhưng tình hình êm dịu này được bao lâu" Năm 2012 sẽ có cuộc bầu cử tổng thống tại Đài Loan. Và nếu Đảng Dân chủ Tiến bộ (đảng đối lập Democratic Progressive Party) một đảng chủ trương độc lập nắm lại chính quyền thì sao"
Hiện nay tổng thống Mã Anh Cửu đang muốn mua 66 chiếc máy bay F-16 của Hoa Kỳ để vừa đủ bảo vệ Đài Loan và đặt Hoa Kỳ trước một quyết định khó khăn. Sự mua bán này sẽ làm cho Trung quốc không bằng lòng và ảnh hưởng đến những vấn đề khác Hoa Kỳ đang cần sự hợp tác của Trung quốc để giải quyết như áp lực Iran và Bắc Hàn và việc đồng thuận trong nỗ lực làm giảm độ nóng dần của bầu khí quyển (TBN: có nhiều khả năng Hoa Kỳ không bán F-16 cho Đài Loan, đổi lại Trung quốc giảm số hỏa tiễn trên lục địa nhắm vào Đài Loan)
Bắc Hàn là một bài toán khó giải khác. Khó giải vì Trung quốc chỉ giúp thành hình hội  nghị 6 nước, họp với nhau vài lần để giải quyết chuyện bom nguyên tử của Bắc Hàn nhưng không làm gì hơn cho hội nghị thành công. Trong 3 kịch bản có thể xẩy ra:
(1) Bắc Hàn sụp đổ và hằng triệu người tị nạn tràn vào Trung quốc
(2) Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử, và
(3) Quân đội Hoa Kỳ hiện diện tại Bắc Hàn nếu có chiến tranh,
thì điều Trung quốc sợ nhất là viễn ảnh số 1. Trung quốc đã gợi ý rằng nếu Bắc Hàn sụp đổ Trung quốc muốn có một khu trái độn chạy dọc theo biên giới để chận làn sóng tị nạn.
Đối với Trung quốc hai vấn đề Đài Loan và Bắc Hàn liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự tồn tại của Bắc Hàn không mang lại lợi lộc gì cho Trung quốc, nhưng Bắc Hàn có thể tạo khó khăn cho Hoa Kỳ làm cho Hoa Kỳ không hoàn toàn tự do hành động can thiệp vào vụ Đài Loan. Trung quốc cũng không muốn thấy một cuộc bùng nổ với Đài Loan mà kết quả xấu nhất là Trung quốc có thể mất luôn Đài Loan. Mất Đài Loan sẽ là một vấn đề liên quan đến khả năng duy trì quyền hành lãnh đạo của đảng cộng sản Trung quốc tại lục địa nếu tinh thần quốc gia bùng dậy mà đảng không kềm chế nổi.
Tuy nhiên không ai đoán được tinh thần quốc gia của dân chúng lục địa có khả năng áp lực đảng cộng sản đến mức độ nào. Nó có thể âm thầm nhưng cũng có thể bộc phát không đo lường trước được .
Theo tổng thống Mã Anh Cửu thì chẳng là bao. Ông chỉ ra rằng dân Trung quốc có ác cảm với Nhật Bản, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn có có thể làm hòa với Nhật qua việc mới đây Trung quốc ký thỏa thuận với Nhật cùng khai thác dầu khí trong vùng biển giữa hai nước mà không ghi nhận một phản ứng nào của quần chúng. Nhưng theo cuốn “China: Fragile Superpower” của bà Susan Shirk, một viên chức cao cấp bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Clinton xuất bản năm 2007 thì Trung quốc càng phát triển, người lãnh đạo Trung quốc càng cảm thấy bất an, và phản ứng của Trung quốc trước các biến chuyển trên thế giới có thể tạo thành những khó khăn cho Hoa Kỳ.
Cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2012 tại Đài Loan; đại hội thứ 18 của đảng cộng sản Trung quốc với sự chuyển quyền từ Hồ Cẩm Đào sang thế hệ mới trong tháng 8/2012; và cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2012 là những dịp có thể tạo ra những thay đổi thượng tầng của hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung quốc kéo theo những nghi kỵ và bất ổn tại Á châu. Đó là chưa nói đến yếu tố sức khỏe của Kim Chính Nhật tại Bắc Hàn. Lãnh tụ bệnh hoạn của một nước độc tài toàn trị lúc nào cũng là một mối lo cho thế giới.
Cuộc chạy đua thám hiểm không gian
Trung quốc đang có chương trình đưa người lên cung trăng. Hoa Kỳ đã đưa người lên cung trăng năm 1969 nên không còn là một cuộc chạy đua. Tuy nhiên nếu Trung quốc đưa được người lên cung trăng thì đó là dấu hiệu Trung quốc đang chạy đua với Hoa Kỳ về khả năng thám hiểm không gian.
Trung quốc hiện có 3 trung tâm không gian: Taiyuan ở phía Bắc Trung quốc, Yichang ở phía Tây Nam và Jiuquan ở phía Tây Bắc,  nằm ở những nơi gọi là “vùng sâu, vùng xa” để bảo mật. Trung quốc sắp xây một trung tâm không gian theo mô thức của trung tâm không gian Kennedy của Hoa Kỳ tại Wenchang, một thành phố biển trên bờ Đông của đảo Hải Nam nhìn ra Thái Bình Dương, vừa làm nơi sẽ phóng người lên cung trăng, vừa làm khu du lịch và giải trí. Trung quốc dự tính khánh thành trung tâm Wenchang vào năm 2013. Tại đây năm 2014 Trung quốc sẽ thí nghiệm hỏa tiễn Trương Chinh số 5 (TBN: có khả năng đưa người lên cung trăng) và năm 2020 dự trù sẽ bắn người vào cung trăng sau một thí nghiệm bắn thử đưa một hỏa tiễn đáp xuống cung trăng lấy mẫu đất đá mang về quả đất.
Nhiều năm trước đây tổng thống Bush cũng đã nói đến một chương trình của Hoa Kỳ đưa lại người lên cung trăng để chuẩn bị một cuộc thám hiểm sao Hỏa (TBN: làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng lý do có lẽ là không muốn Trung quốc vượt Hoa Kỳ trong lĩnh vực thám hiểm không gian).
Cuộc chạy đua này khá tế nhị. Kỹ thuật Hoa Kỳ cao hơn nhưng Hoa Kỳ có vấn đề về ngân sách, trong khi nếu đó là bước để vào ngưỡng của siêu cường vai sánh vai với Hoa Kỳ thì Trung quốc sẽ không thiếu tiền để thực hiện.
Năm 2005, trong một  cuộc điều nghiên về khả năng khoa học, một ủy ban điều nghiên của quốc hội Hoa Kỳ báo cáo rằng có dấu hiệu Hoa Kỳ chậm chân trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Mỗi năm Trung quốc sản xuất 600.000 kỹ sư, trong khi Hoa Kỳ chỉ sản xuất 70.000 (TBN: nên nhìn các con số một cách tương đối, vì dân số Trung quốc gấp 4 lần dân số Hoa Kỳ, và chất lượng kỹ sư Hoa Kỳ trội hơn khả năng của các kỹ sư Trung quốc mới ra trường).
Trước khi phóng người lên cung trăng, Trung quốc có chương trình thực tập hẹn gặp và gắn nhau (docking) sẽ thực hiện trong năm 2012 và một trạm không gian như trạm không gian quốc tế hiện nay dự trù hoạt động vào năm 2015.
Về hỏa tiễn, vào năm 2010 các phi thuyền con thoi (Space Shuttles) của Hoa Kỳ không còn xử dụng được một cách an toàn vì đã cũ phải vào kho, trong khi hỏa tiễn Ares thay thế phải chờ đến năm 2015 mới sẵn sàng để xử dụng. Cho nên Hoa Kỳ có một thời gian 5 năm (2010 – 2015) không có phương tiện bắn vào không gian (TBN: ngoại trừ tổng thống Obama lấy quyết định tiếp tục dùng tạm phi thuyền con thoi trong khi chờ hỏa tiễn Ares), đúng vào lúc (2014) hỏa tiễn Trường Chinh số 5 của Trung quốc được mang ra xử dụng.
Tuy nhiên cần phân biệt dư luận và thực chất. Chương trình không gian của Trung quốc như trạm không gian, hỏa tiễn lớn, lấy đất đá nơi cung trăng và cuộc bắn người đi cung trăng sẽ tạo ra dư luận sôi nổi trên thế giới, nhưng trên thực tế Trung quốc còn phải chạy nhiều mới kịp Hoa Kỳ trong lĩnh vực không gian. Theo đánh giá của một giáo sư Trung quốc, kỹ thuật không gian của Trung quốc đi sau Hoa Kỳ chừng 30 năm.
Từ độc tài tới dân chủ
Với đã phát triển kinh tế của Trung quốc như hiện nay thì trong vòng 20 năm nữa Trung quốc sẽ vượt Hoa Kỳ và trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới  Nếu thời điểm này trùng hợp với thời gian Trung quốc phóng người lên cung trăng thì thế giới đặc biệt là dân chúng Mỹ không khỏi một phen chấn động tinh thần. Phóng nhìn xa hơn vào giữa thế kỷ 21 chẳng hạn kinh tế Trung quốc gấp đôi kinh tế Hoa Kỳ thì bức tranh thật đáng sợ cho Hoa Kỳ.
Câu hỏi căn bản sẽ là: Với phát triển kinh tế, một tầng lớp trung lưu xuất hiện và đảng cộng sản Trung quốc không thể gạt họ ra ngoài sinh hoạt chính trị thì chế độ chính trị của Trung quốc có thay đổi không" Các nhà tranh đấu nhân quyền trên thế giới tin là có, và Trung quốc sẽ có một chế độ nếu không giống như các chế độ dân chủ Tây phương thì cũng không còn là một chế độ trong đó không có tự do ngôn luận, đối lập bị bắt bớ và bị bỏ tù vô cớ, không có bầu cử tự do, tôn giáo không được hoạt động ngoài khuôn khổ của nhà nước.
Vào năm 2020 lợi tức trung bình của một người dân Trung quốc là 7.500 mỹ kim một năm tính theo giá trị đồng mỹ kim năm 1998. Theo thống kê năm 1998, 31 nước trên thế giới có lợi tức trên 7.500 mỹ kim một năm đều là nước có ít nhiều tự do. Tuy nhiên dưới chế độ cộng sản, sự việc có thể không diễn tiến như vậy. Nghĩa là Trung quốc có thể tiến bộ về kinh tế và khoa học kỹ thuật nhưng dân Trung quốc dưới chế độ độc đảng vẫn không có được sự tự do căn bản.
Tuy nhiên, đảng hay không đảng, sức mạnh của thực tế (TBN: hay “bánh xe lịch sử” nói theo ngôn ngữ chính trị) sẽ tạo ra thay đổi. Quá khứ cho thấy thánh địa của Mác Xít là Liên bang Xô viết cũng sụp đổ, Đông Âu thu hồi lại sự tự do, Trung quốc chấp nhận “mèo trắng hay mèo đen, mèo nào cũng tốt”, Việt Nam “đổi mới” thì Trung quốc sẽ phải  biến chuyển về hướng tự do khi bánh xe lịch sử không ngừng chuyển bánh. Chuyển biến thế nào, nhanh chậm ra sao là một vấn đề khác.
Cần để ý một yếu tố tâm lý quan trọng có thể làm cho sự chuyển biến từ độc tài sang dân chủ dậm chân tại chỗ là đối với thành phần trung lưu sống qua bao nhiêu thăng trầm và bất ổn họ thấy rằng sống dưới một chính quyền độc tài cũng có những lợi ích thực tế. Trước các khủng hoảng kinh tế, một chính quyền tập trung luôn luôn có giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu. Sự việc tại Trung quốc (TBN: cũng như tại Việt Nam) không có một nhà đối lập nào trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do là một bằng chứng.
Không biết trong thâm tâm tổng thống Obama đang tính toán thế nào đối với Trung quốc, nhưng có thể ông sẽ phải hành động như tổng thống Bush và tổng thống Clinton là không áp lực Trung quốc. Clinton và Bush đều áp dụng chính sách áp lực và đều thất bại. Năm 1993 sau khi nhậm chức tổng thống Clinton quyết định chỉ tiếp tục quy chế đặc miễn thuế nhập cảng hàng hóa Trung quốc vào Hoa Kỳ hằng năm tùy theo với tình trạng nhân quyền tại Trung quốc. Nhưng chỉ trong vòng một năm ông Clinton phải bỏ chính sách này trước sự trả đũa của Trung quốc và ban hành quy chế đặc miễn thường trực cho Trung quốc. Bush cũng vậy. Trong diễn văn nhậm chức  lần thứ hai vào tháng 1/2005 tổng thống Bush tuyên bố Hoa Kỳ sẽ ủng hộ mọi cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền để chấm dứt mọi chế độ độc tài toàn trị trên thế giới. Thế nhưng cuối năm 2005 khi công du Trung quốc, tổng thống Bush không hề hỏi han về các nhà đấu tranh dân chủ đang bị chính quyền Trung quốc cô lập trong tù.
Hình như tổng thống Obama đã học bài học này. Ông đã không tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng khi ngài đến thăm Washington D.C. trong tháng 10/2009 vừa qua. Tổng thống Obama hứa sẽ tiếp ông khi có dịp sau cuộc công du Bắc kinh vào tháng 11/2009. Trước đó trong tháng 2/2009 khi ngoại trưởng Hillary Clinton viếng Bắc Kinh bà đã nói rằng việc vận động cho nhân quyền không liên quan gì đến các cuộc thảo luận về kinh tế, thời tiết và an ninh chung .
Chạm trán với một Trung quốc tương lai
Trước sau Hoa Kỳ và Trung quốc cũng sẽ “chạm trán” với nhau. Vấn đề là Hoa Kỳ sẽ chạm trán với một nước Trung quốc như thế nào"
Bước vào thế kỷ 21, tổng thống George W. Bush muốn thiết lập một trật tự mới trên thế giới bằng mặt trận dân chủ hậu thuẫn bởi sức mạnh. Ông áp dụng một chính sách táo bạo như tấn công Iraq năm 2003, khởi động các cuộc cách mạng “màu” tại một số nước trước kia thuộc Liên bang Xô viết, đẩy mạnh các cuộc vận động giúp đỡ các phong trào dân chủ tại Georgia, Ukraine và Kyrgystan với mục đích thuyết phục các nước độc tài trên thế giới, chính yếu là Trung quốc đi vào con đường dân chủ tất nhiên của lịch sử.
Nhưng trước thực tế Hoa Kỳ nhận ra rằng Hoa Kỳ không thể chôn Trung quốc dưới làn sóng dân chủ, mà phải chấp nhận nước độc tài Trung quốc như một đối tác chính mới có thể giải quyết được các vấn đề trên thế giới. Năm  2005 thứ trưởng bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Zoelik (TBN: hiện là giám đốc Ngân Hàng Thế Giới) tuyên bố: “Hoa Kỳ đã thành công khi thuyết phục được con rồng Trung quốc gia nhập cộng đồng thế giới. Điều Trung quốc cần làm là trở thành một thành viên quan trọng và có trách nhiệm”. Trung quốc ghi nhận lời tuyên bố này - tuy còn mang tính tính kẻ cả - là sự chuyển đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung quốc. Và trong chuyến công du Trung quốc vừa qua tổng thống Obama đã chính thức mang thông điệp này đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên Hoa Kỳ cần sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống. Ông John Podesta, người phụ trách việc chuyển quyền tổng thống cho Obama và hiện là giám đốc Trung Tâm Tiến Bộ Hoa Kỳ (Center for American Progress) nói với quốc hội Hoa Kỳ rằng, Hoa Kỳ cần chuyển đổi chính sách đối với Trung quốc từ “tiếp cận và ngăn ngừa” (engage and hedge) qua chính sách “gia tăng cơ hội và đề phòng bất trắc” (Maximize opportunity and manage risks). Nhưng dù với chính sách nào Hoa Kỳ cũng hiểu rõ rằng trong tương lai sẽ có lúc Trung quốc trở thành một mối đe dọa cho quyền lợi của Hoa Kỳ trên thế giới khi Trung quốc có những thay đổi cấu trúc chính trị để đáp ứng với sự thay đổi của xã hội.
Nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân Trung quốc sẽ nghĩ gì về nhau trong tương lai lâu dài, nhất là khi đứng trước những biến chuyển" Trong vụ Thiên An Môn năm 1989 nhân dân Hoa Kỳ ngán ngẩm tính độc tài và tàn bạo của chính quyền cộng sản Trung quốc, và trong vụ Tây Tạng năm 2008, nhân dân Trung quốc cho Hoa Kỳ có dụng tâm tạo bất ổn tại Trung quốc.
Sự thay đổi nhân sự lãnh đạo thượng tầng của Trung quốc cũng là một yếu tố đe dọa. Hai vụ căng thẳng giữa Trung quốc và Hoa Kỳ năm 1995-1996 (vụ Đài Loan), và 2001 (vụ máy bay gián điệp EP-3) xẩy ra trong thời gian Đặng Tiểu Bình già yếu và Giang Trạch Dân chưa đủ kinh nghiệm. Vì vậy Hoa Kỳ sẽ rất quan tâm đến việc chuyển quyền tại đại hội 18 của đảng cộng sản Trung quốc năm 2012. Kể từ năm 1979 sau khi tái thiết lập bang giao với Trung quốc, Hoa Kỳ vẫn chưa nắm bắt được lề lối suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Trung quốc. Hoa Kỳ chỉ ghi nhận được rằng Hồ Cẩm Đào khéo léo hơn Giang Trạch Dân về mặt ngoại giao.
Ai sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào" Tập Cẩm Bình (Xi jinping) hay Lý Khắc Cường (Li Keqiang)" Hai nhân vật này đã được Hồ Cẩm Đào đưa vào Ủy ban Thường trực của Bộ chính trị trong đại hội 17 năm 2007 để chuẩn bị (TBN: xem tài liệu số 303 www.tranbinhnam.com).
Theo tin đồn ông Tập Cẩm Bình sẽ làm Tổng bí thư và ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng. Ông Tập Cẩm Bình từng làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Zhijiang (2003-2007) trước khi về Bắc Kinh và thuộc nhóm có khuynh hướng cởi mở chủ trương kinh tế thị trường, khuyến khích kinh tế tư nhân và giao nhiều quyền hành cho địa phương. Ông có tinh thần quốc gia mạnh. Trong khi ông Lý Khắc Cường thuộc nhóm có khuynh hướng chăm lo các vấn đề xã hội và sự ổn định của đời sống nông thôn là chính.
Người ta có thể nghĩ rằng trong vòng 20 năm tới Trung quốc sẽ giàu hơn, mạnh hơn nhưng vẫn còn nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nhưng một trong hai kịch bản khác cũng có thễ xẩy ra. Thứ nhất xã hội Trung quốc dân chủ hơn. Các phong trào đòi tự trị tại Tây Tạng và Tân Cương làm cho Trung quốc không còn tính thuần nhất. Và đến một lúc chính quyền Bắc Kinh không còn chấp nhận một Đài Loan như hiện trạng và hành động.
Kịch bản thứ hai là chế độ cộng sản tại Trung quốc tàn tạ như đã tàn tạ tại Liên bang Xô viết và Đông Âu 20 năm trước đây. Kịch bản này là một ác mộng cho Hoa Kỳ. Quyền hành tại Trung quốc sẽ rơi vào tay các tướng lãnh vốn bảo thủ. Họ sẽ hành động như thế nào"
Năm 1999 tổng thống Clinton có nói: “Chúng ta lo một Trung quốc hùng mạnh địch thủ của Hoa Kỳ trong tương lai. Nhưng một Trung quốc mạnh về quân sự mà sụp đổ vì suy yếu chính trị thì sự tranh quyền, rối loạn xã hội lại càng đe dọa Hoa Kỳ hơn nữa.”
Trong 10 năm qua Trung quốc ổn định và tiến bộ, nhưng cũng không nên quên lời cảnh báo của tổng thống Clinton. Sự đe dọa của Trung quốc đối với hòa bình thế giới, và đặc biệt đối với Hoa Kỳ, không phải chỉ do sự phát triển quân lực Trung quốc ngoài mức độ an ninh cần thiết mà còn do những biến đổi có tính quy luật nhưng không tiên đoán  được của xã hội Trung quốc.
Chuyến thăm viếng Trung quốc đầu tiên của tổng thống Obama không cho thấy một sự tiến bộ nào trong quan hệ Mỹ - Trung. Truyền thông bị giới hạn tối đa. Cuộc nói chuyện của ông Obama với sinh viên tại Thượng Hải có tính hình thức, và chỉ được truyền hình trong giới hạn thành phố Thượng Hải.  50 sinh viên tham dự đều được chọn lựa từ các Đoàn Thanh Niên Cộng Sản và các câu hỏi đều được thanh lọc trước.
Ngoaì ra chỉ là những thỏa thuận “cho có thỏa thuận” như an toàn kỹ thuật chế tạo máy bay (TBN: chỉ có lợi cho Trung quốc); hợp tác nghiên cứu tăng cường sự bảo vệ sức khỏe công cọng; tăng thêm sự trao đổi học tập trong lĩnh vực quân sự và cảnh sát. Còn các vấn đề quan trọng khác như điều chỉnh giá đồng yuan, và các biện pháp trừng phạt Iran nếu Iran không tuân hành đòi hỏi của Liên hiệp quốc trong lĩnh vực nguyên tử thì Trung quốc đều làm ngơ không một hứa hẹn nào cả .
Kết thúc cuộc viếng thăm tổng thống Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào xuất hiện trước báo chí mỗi người đọc một bản văn soạn sẵn 15 phút miêu tả những gì đạt được theo cách nhìn của mỗi người rồi chia tay không trả lời (TBN: vì Trung quốc không muốn) các câu hỏi của báo chí.
Phải chăng đó là hình ảnh của mối tương quan giữa Hoa Kỳ và Trung quốc trong những thập niên tới"
Trần Bình Nam
Dec. 20, 2009
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
Tài liệu tham khảo:
1.A wary respect – The Economist, October 24th-30th 2009
2.Is China a global partner or strategic rival of U.S.", by Tom Evans, CNN Nov. 4, 2009
3.U.S., China In Strained Diplomatic Embrace by Jonathan Weisman & Ian Johnson – The Wall Street Journal November 18th, 2009
4.Climate summit hopes less is more by Jim Tankersley – Los Angeles Times December 20, 2009

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.