Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang – Nguyễn Xuân Phong (Phan Quân dịch thuật)
LGT: Từ năm 1965 đến 1975, ông Nguyễn Xuân Phong đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ VNCH và biết nhiều bí mật dẫn đến việc mất Miền Nam. Trong thời gian hòa đàm Ba Lê về Việt Nam, từ địa vị thành viên phái đoàn lúc ban đầu, ông đã trở thành Trưởng Phái Đoàn vào giai đoạn cuối cùng, với chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm trong chính phủ. Đặc biệt, ông cũng là nhân vật quan trọng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh của nguyên thủ 7 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tại Manila vào 2 ngày 24 & 25 tháng 10, 1966, nhằm thẩm định về cuộc chiến ở Nam Việt Nam với sự tham dự của Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos; Tổng thống Đại Hàn, Park Chung Hee; Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson; Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo VNCH, Nguyễn Văn Thiệu; Thủ tướng Úc Châu, Harold Holt; Thủ tướng Tân Tây Lan, Keith Holyoake; Thủ tướng Thái Lan, Thanom Kittikachorn; và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ. Tại Hội Nghị, ông là người Việt Nam duy nhất được trực tiếp nghe trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết: Tổng thống Nam Hàn đã cảnh giác, [qua kinh nghiệm cuộc chiến tranh Cao Ly] nếu như hòa đàm [với VC] có xảy ra, chính phủ Sài Gòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia [VC], còn Sài Gòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, và cuối cùng sẽ phải chấp nhận và tuân hành những gì Mỹ và VC ký kết. Quả nhiên, 6 năm sau, lời tiên đoán này đã trở thành sự thật tại Hội Nghị Ba Lê, dẫn đến bản Hiệp Định đầy phi lý, khi Mỹ toa rập với VC cho phép quân đội xâm lăng VC được tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ VNCH, dẫn đến thảm kịch 30-4-75. Sau đây, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu tiếp những sự thật được ông tiết lộ trong tác phẩm "Hope and Vanquished Reality", được ông viết theo yêu cầu của "The Center for A Science of Hope" ở New York.
*
(Tiếp theo...)
Điều đó hoàn toàn trái ngược với bản tính của ông. Chính phủ của ông đã từng là đồng minh của siêu cường hàng đầu trên thế giới và đã từng được trên cả trăm quốc gia khác công nhận chính thức, thế mà giờ đây ông trở nên bơ vơ và bị bỏ rơi. Điều làm cho ông càng thêm nhục nhã là áp lực từ mọi phía, trong đó có cả áp lực của ông đại sứ Hoa Kỳ, yêu cầu ông từ chức để cho “Minh Lớn” có thể lên nắm quyền và điều đình - và có thể đi đến một thỏa hiệp nào đó - với phe cộng sản đang thắng thế.
Ông Hương nghĩ rằng ông phải tôn trọng Hiến Pháp của Việt Nam Cộng Hòa, một nguyện vọng mà nhân dân Nam Việt Nam đã biểu thị qua cuộc tổng tuyển cử. Ông không còn thấy có điểm nào khác để biện minh. Ông hy vọng rằng điểm này của luật pháp quốc tế và cung cách suy nghĩ đứng đắn của con người sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự để can thiệp trở lại mà cứu nguy cho Sài Gòn. Hoặc giả điều đó có thể thúc đẩy Liên Hiệp Quốc, hoặc cộng đồng quốc tế, có một hành động nào đó để ngăn chận đà tiến bất hợp pháp của quân lính Bắc Việt. Thế nên, ông Hương bám lấy lập trường, vốn cho rằng việc ông trao quyền lại cho “Minh Lớn” là vi hiến. Bị đưa đẩy đến tình cảnh khó khăn như vậy, nhất định là ông phải phân vân giữa một bên là ước vọng lâu đời của ông về một Nam Việt Nam tự do, dân chủ và một bên là nỗi tuyệt vọng chán chường của ông trước tình hình tan rã nhanh chóng, do chỗ Mỹ không chịu can thiệp để Sài Gòn khỏi lọt vào tay CS.
Tổng Thống Hương là một con người rất nhạy cảm. Ông có thể rơi nước mắt trước những khó khăn có khả năng đem lại hậu quả tai hại cho dân tộc và đất nước ông. Có lần, ông đã khóc ngay trong hội đồng nội các. Lần cuối cùng tôi chứng kiến cảnh ông mủi lòng là khi tôi trở về Sài Gòn hồi tháng giêng năm 1973 để dự phiên họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (HĐANQG), chỉ một đôi ngày trước khi ký kết Hiệp Định Ba Lê. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu loan báo rằng hòa đàm đã đến giai đoạn mà Việt Nam Cộng Hòa không còn cách nào khác hơn là phải ký vào hiệp định mà Sài Gòn đã quyết liệt từ chối không chịu ký cho đến lúc đó, vì chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ ký một mình nếu cần. Biến cố đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bè và đồng minh sẽ chia tay nhau. Ông Thiệu và chính phủ Nam Việt Nam sẽ phải tìm đồng minh khác. Lúc bấy giờ Cụ Hương không cầm được nước mắt và, bất hạnh thay, rồi đây ông lại có lý do để khóc lần nữa.
Ông Thiệu không cần phải giải thích cho thành viên của HĐANQG biết rằng Hiệp Định Ba Lê sẽ kết thúc việc Mỹ can thiệp ở Việt Nam và kết liễu chính phủ chống cộng ở Sài Gòn. Hiệp Định có những điều khoản quy định rằng chính phủ Sài Gòn có thể sẽ được thay thế bằng một chính phủ liên hiệp “không cộng sản”, một sự trá hình thô bạo để khoả lấp thế thống trị của Hà Nội. Thế là, cuối cùng, Hoa Thịnh Đốn đã quyết định lìa bỏ ý niệm coi Nam Việt Nam là “Tiền Đồn Thế Giới Tự Do” ở Đông Nam Á, một ý niệm mà có thời họ đã quyết tâm dựng lên cho bằng được. Đối với Hoa Kỳ, một Nam Việt Nam chống cộng không còn chút giá trị nào hết.
Xuyên suốt cuộc đời, ông Hương đã được coi như là một nhà yêu nước, một con người quốc gia, một thành viên của dân chủ và tự do. Ông đã đấu tranh liên tục cho những gì ông tin tưởng là đất nước của ông và cho Thế Giới Tự Do. Ông đã vào tù, ra khám không biết bao nhiêu lần, hăng say đấu tranh chống lại sự thống trị của Pháp và chế độ độc tài của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và đã sống nghèo khổ và bình dị suốt đời. Ông được kính trọng vì tính thanh liêm và lương thiện. Là một nhà giáo chuyển sang làm chính trị, ông là một bậc lão dễ mến đối với người miền Nam. Lúc bấy giờ ông Hương đã bảy mươi hai tuổi. Ông đã làm đô trưởng Sài Gòn hồi năm 1954 và làm thủ tướng hai lần, mỗi lần được vài tuần, vào những năm 1964-1965 và 1968-1969, trong mấy nội các dân sự của Sài Gòn. Cũng như nhiều người ở Nam Việt Nam và ở những nơi khác lúc bấy giờ, ông Hương không hiểu nguyên nhân nào khiến ông Thiệu từ chức, để lại cho ông cái chính phủ tan rả của Sài Gòn. Hơn nữa, cùng với đa số những người ở Sài Gòn, ông Hương khó hiểu tại sao, với một thế lực và một sức mạnh quân sự như thế, mà Hoa Kỳ lại có thể bỏ rơi người anh em và đồng minh Nam Việt Nam.
Liệu những người làm áp lực để ông Hương trao quyền lại cho “Minh Lớn” có chút hy vọng nào để tin tưởng rằng như thế Nam Việt Nam sẽ có cơ may tồn tại không" Liệu bằng cách nhượng bộ Bắc Việt, qua hình thức “hòa hợp hòa giải dân tộc” và “tự quyết”, ngụy trang dưới dạng “không cộng sản”, nhân danh tự do dân chủ, có làm cho người Việt ở Nam Việt Nam dễ thở hơn không" Đối với ông Hương thì không thể hy vọng như thế được. Điều đó vượt khỏi sự hiểu biết và sức tưởng tượng của ông. Hy vọng duy nhất còn lại cho ông và nhiều người khác ở Sài Gòn là chỉ còn có nước “hy vọng khơi khơi” không biết phải hy vọng điều gì, một thứ “hy vọng để mà hy vọng”.
Thử hỏi ông Hương còn có cách nào khác, ngoại trừ tuyệt vọng" “Minh Lớn” không có một lời tuyên bố nào có khả năng đem lại một chút hy vọng gì rõ ràng hay cụ thể. Ông đề cao cái khả năng tiềm tàng là có thể “nói chuyện” (một uyển ngữ của từ “mặc cả”) với “những người anh em” thù địch đã bao quanh Sài Gòn. Có khả năng “nói chuyện” với Hà Nội là “lợi thế” của chính khách Sài Gòn, những người tự cho mình là kẻ đối thoại mà Hà Nội có thể chấp nhận được. Chỉ cần một chỉ dấu thoáng qua của Hà Nội cho thấy có thể là như vậy, thế là nhân vật liên hệ có thể kể như trúng số độc đắc.