Để Đưa Hà-Nội Trở Lại Danh-Sách CPC
Tâm Việt
Tin hành-lang cho hay, chưa bao giờ những hành-xử của Hà-nội về mặt nhân-quyền đã bị lên án nặng nề như trong những ngày vừa qua. Một bản tin của BBC cho thấy là sau vụ xử các nhà tranh đấu cho dân-chủ và nhân-quyền trong những ngày 18, 19 và 21 tháng 1, 2009, ở Hà-nội, Hải-phòng và Sài-gòn đã làm cho hầu như toàn-thế-giới phẫn nộ.
Anh-Mỹ và Liên-hiệp Âu-châu (EU)
Chỉ vài tiếng sau khi tòa tuyên án, Bộ Ngoại giao Anh đ lên tiếng bày tỏ quan ngại. Thứ trưởng Ngoại giao Ivan Lewis nói tại Luân-đôn: "Không thể cầm tù bất kỳ ai vì người đó bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình... Quyền tự do ngôn luận và tự do lưu thông tư tưởng là tối quan trọng cho một nền kinh tế và xã hội phát triển." Theo ông Lewis, các bản án như vừa trao chỉ "gây phương hại cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế."
Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak cũng ra thông cáo:
"Đại sứ quán Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc bởi việc kết án luật sư Lê Công Định cũng như các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long vào ngày 20/01 về các tội danh lật đổ... Chúng tôi cũng quan ngại về việc tiến hành phiên toà rõ ràng đã thiếu trình tự chuẩn mực." Ông Michalak còn bình luận rằng các bản án đã "đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc... Việc kết tội này cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng đối với cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách." Ông đại sứ cũng thúc giục chính phủ Việt Nam hãy trả tự do "ngay lập tức và vô điều kiện" cho các cá nhân vừa bị án tù cu"ng như tất cả các tù nhân lương tâm khác.
Liên hiệp châu Âu (EU) cũng có thông cáo nói việc kết án "không phù hợp với quyền căn bản của mọi người được có ý kiến và tự do bày tỏ chúng trong hòa bình." EU nói sự nghiêm trọng của mức án, đặc biệt là 16 năm tù cho ông Duy Thức, là "chưa từng có trong những năm gần đây." Thông cáo của EU khẳng-định: "Phiên tòa và phán quyết là một bước thụt lùi lớn và đáng tiếc cho Việt Nam. Sự quý trọng của cộng đồng quốc tế và tiến bộ kinh tế lâu dài không thể duy trì nếu sự tự do biểu lộ, đặc biệt là trao đổi và phát triển tư tưởng về những vấn đề quan trọng cho nhân dân và đất nước, bị bóp nghẹt."
Đại-sứ Đan-mạch và các nhà quan-sát quốc-tế
"Việc tiến hành xử án,” thông-cáo của EU còn tiếp, “cũng gây lo ngại: gia đình những bị can không được phép vào chính tòa; hệ thống âm thanh cho người quan sát ở phòng gần bên không tốt; và những cáo buộc nghiêm trọng của hai trong bốn người nói rằng họ bị sức ép hay sách nhiễu trong quá trình điều tra đã không được Tòa lưu ý."
EU nói họ "nhắc lại thiện chí vững chắc và ủng hộ Việt Nam và sẵn sàng tiếp tục làm đối tác với Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng tiêu cực thể hiện qua việc tuyên án này và những lần khác gần đây, cần bị đảo ngược để tiềm năng của Việt Nam trong mọi lĩnh vực, cả xã hội và kinh tế, được thành hiện thực."
Nhận-định của Đại-sứ Đan-mạch ở Hà-nội, người có đến tòa án để quan-sát diễn-tiến phiên tòa (dù chỉ là được quan-sát trong một phòng bên qua màn truyền hình mà nhiều khi âm thanh bị nhiễu), cũng đưa ra những nhận xét tương-tự. Hôm thứ Bảy 23/1 vừa qua, Viện Nhân-quyền của Liên-hiệp Luật-sư Quốc-tế (UIA, tức Union internationale des avocats) cũng tuyên-bố ở Paris là mặc dầu có sự can-thiệp của bộ ngoại-giao nước họ và mặc dầu họ có giấy tờ đi vào VN, luật-sư của họ vẫn không được cho vào tòa án để theo dõi phiên xử. Không những thế, “sau đó, các quan-sát-viên của chúng tôi còn bị công-an di-trú tra hỏi.”
“Tập-tục theo đó các vụ án công-khai được có người theo dõi là một tập-tục thành truyền-thống và được cộng-đồng thế-giới chấp nhận. Sự hiện diện của các quán-sát-viên vô tư và độc-lập giúp vào việc tòa án tiến hành các thủ tục và đảm bảo quyền của các bị can được xử một cách công-minh,” ông Martin Solc, đồng-chủ-tịch của Viện Nhân-quyền nói trên, một chi nhánh của Liên-hiệp Luật-sư Quốc-tế, tổ-chức này có trụ-sở ở Luân-đôn và có tới 30.000 thành-viên trên toàn-thế-giới.
Ngoại-trưởng Hillary Clinton
Ngay sau khi được tin về vụ án Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, Ngọai-trưởng Hoa-kỳ Hillary Clinton hôm 21/1, trả lời báo chí tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, đã cho biết Hoa Kỳ công khai phản đối việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam, kết tội, và bỏ tù không chỉ những blogger mà cả một số những tu sĩ Phật giáo và những đối tượng bị sách nhiễu khác. Bà Hillary Clinton cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam tham gia thảo luận công khai với những người bất đồng thay vì bỏ tù họ. Trong bài diễn văn về tự do trên Internet và vụ Google sửa soạn bỏ thị-trường Trung-Cộng, bà nói Hoa Kỳ lên án việc kết tội và phạt tù bốn nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam bị cáo buộc về tội lật đổ chế độ. Một trong bốn người này là ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân về Internet lãnh án nặng nhất với 16 năm tù.