Đọc ‘Nhìn Xuống Cuộc Đời’ Của Nhà Văn Huy Phương: Nhân Chứng Tiêu Biểu và Chân Thành NhấtBìa sách “Nhìn Xuống Cuộc Đời”.
Triều Giang
Người viết tạp ghi mà tiếng người bản xứ còn gọi là “columnist” tức là người viết liên tục trên một cột báo của một tờ báo hay tập san định kỳ về những vấn đề thời sự của thế giới, văn hoá cuả nhân sinh, và tâm tình của con người. Nói nôm na là viết về đủ mọi thứ, mọi vấn đề. Người viết tạp ghi thành công cần phải có một kiến thức thời sự sâu rộng, một khả năng thu nhận nhậm lẹ, một cái nhìn sắc bén, và một kinh nghiệm sống thật dầy.
Khác với các nhà bình luận và xã luận muốn thu phục khối óc của người đọc, vì thế họ phải dùng luận lý, nhưng tham vọng của người viết tạp ghi lại là chinh phục trái tim của người đọc bằng văn chương, và bằng nhân sinh quan. Khi nói đến trái tim thì chúng ta đều được nghe nhiều định nghiã khác nhau như “con tim luôn có lý lẽ của riêng nó”, “trái tim mù loà”,v.v và v.v…tựu trung muốn nói trái tim thì không có “logic”, không có luận lý. Viết tạp ghi vì thế, có thể nói rằng; tưởng dễ, nhưng thật khó.
Bút pháp của người viết tạp ghi ngoài việc phải gãy gọn, cô đọng, và mang một sắc thái riêng biệt, còn cần phải có một kỹ thuật bố cục tinh xảo, vững vàng. Một bài tạp ghi thường chỉ được dài không quá 1,500 chữ. Với lượng chữ này phải chuyển tải cho được những gì người viết muốn gửi đến cho người đọc. Có thể là một thông điệp, một vấn đề muốn đưa ra cho mọi người suy nghĩ, một cái hay cái đẹp của thiên nhiên hay con ngưòi để chiêm ngưỡng, một thói xấu, tật hư để nhìn vào và rút tiả ra những bài học , v.v và v.v…Nói rõ ra là mọi chuyện hỉ, nộ, ái, ố, yêu thương, giận ghét, ghen tương, thù hằn phải giải quyết trong vòng 1,500 chữ. Nếu không thì sẽ không còn là tạp ghi nữa.
Nhà văn Huy Phương đã có được tất cả những yếu tố vừa kể trên. Hơn thế nữa, ông đã từng làm thơ, viết văn thành công trước khi ông viết tạp ghi. Trước năm 1975 ông đã có 2 tác phẩm được xuất bản: “Mắt Đêm Dài” (thơ 1960), “Mây Trắng Đồn Xa” (truyện 1966). Vì thế, đã không nhiều ngạc nhiên sau khi 4 tuyển tập tạp ghi cuả ông xuất bản, ông đã được nhiều người bầu cho là nhà văn viết tạp ghi thành công nhất và có nhiều độc giả nhất hiện nay. Đó là “Nước Mỹ Lạnh Lùng”, “Ấm Lạnh Quê Người”, “Đi Lấy Chồng Xa”, và mới đây nhất; “Nhìn Xuống Cuộc Đời”. Ba tác phẩm đầu đã được tái bản 3 lần, riêng “Nước Mỹ Lạnh Lùng” được tái bản 4 lần. Đây là một kỷ lục.
Bằng một lối văn bình dị, trong sáng, với cách đặt vấn đề một cách nghiêm chỉnh, nhân hậu, và cảm thông , nhà văn Huy Phương qua tuyển tập tạp ghi “Nhìn Xuống Cuộc Đời” đã nhìn xuống, có thể nói, mọi khía cạnh của cuộc đời. Từ những đổ nát thương đau của quê hương trong một thời lịch sử nhiễu nhương, của một xã hội Việt Nam ly tán, băng hoại đến tột cùng, của thân phận và tâm tình của những con người Việt Nam lưu lạc, hoặc đang lưu vong trên chính quê hương của mình.
Có thể nói rằng, mỗi người Việt Nam ở tuổi 40 trở lên nhiều ít, đều là một nhân chứng của thời đại. Riêng nhà văn Huy Phương thì ông là một trong những nhân chứng tiêu biểu nhất. Sinh trưởng trong một gia đình còn ảnh hưởng thời phong kiến với tục đa thê; ông là con của người hầu của cha ông nên trong gia đình, ông và mẹ ông đã sống trong nước mắt và thua thiệt. Lớn lên trong thời chiến, ông nhập ngũ để chiến đấu và hiểu được nỗi nhọc nhằn của đời quân ngũ. Chiến tranh chấm dứt, ông cũng phải tù đày để sống cảnh khốn cùng của người tù khổ sai. Con gái ông bị mất tích trong một chuyến vượt biên để gia đình ông phải đau cái đau của thuyền nhân. Ông và gia đình ông sau đó được đi định cư tại Hoa Kỳ khi tuổi ông đã không còn trẻ để bắt đầu lại cuộc đời cho tươm tất hơn nên ông đã viết: “ tôi đến Mỹ với nỗi mặc cảm đầy mình” trang 162 trong bài “Nhìn Xuống Cuộc Đời”.
Tất cả những chi tiết về cuộc đời của ông đã do chính ông kể ra trong những bài viết rải rác trong 4 tuyển tập tạp ghi đã được xuất bản. Ông không dấu diếm, không tô son điểm phấn. Sự chân thành của ông đã khiến độc giả cảm thấy gần gũi và yêu mến ông vì họ cảm thấy tìm được một phần đời của chính họ qua những tự truyện của ông.
Nhà văn Huy Phương không chỉ chiếm trái tim của bạn đọc bằng sự chân thành. Ông còn được ngưỡng mộ, quý trọng vì thái độ nghiêm chỉnh với một nhân sinh quan rộng mở và vượt lên trên mọi huống cảnh của cuộc đời. Thuở thiếu niên, ông chịu khổ đau, thua thiệt, nhưng ông không chua cay và hận thù. Ông đã vưọt thắng tất cả để trở thành người có học vấn, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Khi nhập ngũ, dù khi chiến đấu ngoài mặt trận hay chiến đấu bằng ngòi bút, ông cũng đã hoàn thành nhiệm vụ thật tốt. Khi là người tù khổ sai, trong cảnh tuyệt vọng và khốn cùng của ngục tù, ông đã không khuất phục. Khi đau nỗi đau của thuyền nhân, ông đã không gục ngã giống như tinh thần “nghiêng ngả nhưng không đắm chìm” của thuyền nhân Việt Nam. Và khi ông đến Mỹ với “nỗi mặc cảm đầy mình”, ông đã không cay cú và hiềm tị mà trái lại ông đã mở rộng tấm lòng để cảm thông và nhìn thấy rằng trong hạnh phúc nào cũng có những bóng dáng của khổ đau. Trong may mắn nào cũng có hình ảnh của bất hạnh. Điều đáng quý ở mỗi con người là chọn cho mình một chỗ đứng cho đúng đắn
Chỗ đứng của ông là chỗ đứng của những người thua thiệt, của những nạn nhân, của những người khốn khó. Từ chỗ đứng đó ông không nhìn lên, mà ông đã nhìn xuống cuộc đời với lòng nhân ái, sự cảm thông nhưng đôi lúc cũng có những cái nhìn nghiêm khắc, thẳng thắn và gay gắt đối với những manh tâm, những khuất lấp, những tội ác của kẻ cầm quyền, những vô tình, bạc nghĩa, những thói rởm của thế nhân.