Khủng Hoảng Thái Lan Rộng
Nguyễn Xuân Nghĩa
Hoàng gia Thái sẽ đi về đâu"
Thượng đỉnh của khối ASEAN đã tan vỡ hôm 11 vì một vụ biểu tình. Quốc thể của nước đăng cai tổ chức là Thái Lan bị suy sụp... Kinh hoàng nhất, chế độ quân chủ lập hiến của xứ này có thể tiêu vong...
Thái Lan đang là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm có Brunei, Cambốt, Lào, Mã Lai Á, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tháng 12 năm ngoái, đáng lẽ ASEAN đã có hội nghị mà đành hủy vì một số người biểu tình phá rối và bao vây cả phi trường quốc tế. Họ mặc áo vàng, như để tượng trưng cho Hoàng gia, và xuống đường chống lại Chính quyền của Thủ tướng Samak Sundaravej.
Kết cuộc, Toà Bảo hiến Thái Lan ra phán quyết truất bãi Thủ tướng Samak - một trong mấy lý do có thật mà như diễu, là vì ông lên truyền hình dạy nấu ăn để quyên tiền cho một công tác xã hội. Kết cuộc, ông Abhisit Vejjajiva thuộc đảng PPP (Đảng Dân Quyền - People Power Party) lên làm Thủ tướng và phong trào "Liên minh Nhân dân cho Dân chủ" (People's Alliance for Democracy PAD) trở thành bình phong cho các cuộc xuống đường biểu tình ủng hộ chính phủ với áo màu vàng.
Lần này, đến lượt lực lượng mặc áo đỏ xuống đường biểu tình đòi Thủ tướng Abhisit phải từ chức. Họ là những người ủng hộ chính quyền cũ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh rể của Thủ tướng Samak, và tranh đấu dưới chiêu bài "Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống Độc tài", gọi tắt là UDD. Nhiều tài xế taxi đã tham gia biểu tình và dùng xe chặn đường giao thông vào nơi hội nghị.
Nói vắn tắt, phe áo vàng biểu tình lật đổ một ông Thủ tướng, phe áo đỏ cũng xuống đường để khôi phục lại chính quyền đã bị án lệnh của tòa truất bãi. Cả hai phe đều nhân danh nhân dân và dân chủ. Lâu lâu lại có một nhóm áo xanh xuất hiện, gồm du đãng và thổ phỉ để đốt nhà, ohá phách. May là lực lượng thứ ba này không có nhiều!
Kết cuộc thì Thượng đỉnh ASEAN tan vỡ hôm 11, nhiều vị nguyên thủ tham dự phải trốn ra về, kể cả Thủ tướng Nhật, Úc, Trung Quốc, nhiều người thì chưa kịp tới vì bị chặn dọc đường.
Chuyện chính là Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người tham dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc hồi tháng Chín năm 2006 thì bị đảo chính ở nhà và phải sống lưu vong từ đấy.
Không, chuyện chính nằm ở chỗ khác...
***
Năm 1997, khủng hoảng hối đoái bùng nổ tại Thái Lan vào ngày hai tháng Bảy rồi lan rộng khắp Đông Nam Á (Nam Dương, Phi Luật Tân và Mã Lai Á) lên tới Đông Bắc Á (Nam Hàn, Hong Kong) và chạy khắp địa cầu tới Liên bang Nga, Brazil rồi dội về Mỹ. Sau vụ khủng hoảng Đông Á 1997-1998, các nước trong cuộc đều rút tỉa kinh nghiệm và vừa cấp cứu vừa cải tổ.
Có lẽ Thái Lan là quốc gia hiếm hoi trong vùng đã rút tỉa bài học đúng đắn: chuyển hướng kinh tế để xã hội không lệ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất nhập cảng bằng cách kích thích và phát triển thị trường nội địa. Cụ thể là nâng đỡ nông gia và người dân ở các tỉnh nghèo thay vì tập trung vào các thành phố và những ngành nghề hướng vào thị trường quốc tế. Vì vậy, trong vụ khủng hoảng 2008-2009 hiện tại, Thái Lan ít bị hậu quả khi các thị trường quốc tế đều co cụm.
Nhưng, Thái bị khủng hoảng chính trị!
Người đã tránh cho Thái khỏi bị khủng hoảng kinh tế mà lại gây ra khủng hoảng chính trị là Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Là người gốc Hẹ, tổ tiên xuất phát từ Quảng Đông, Thaksin vẫn còn có tên chữ Hán là Khưu Đạt Tân, và là doanh gia tỷ phú sau khi là sĩ quan cảnh sát cấp trung tá. Ông lên làm Thủ tướng từ tháng Hai năm 2001.
Được ông thành lập từ năm 1998 - sau vụ khủng hoảng kinh tế - đảng "Thái Yêu Thái" (Thai Rak Thai - TRT) theo xu hướng đại chúng populist - một định nghĩa tiêu cực khác của chữ này là mị dân. Áp dụng chánh sách kinh tế "hữu vi" - nhìn cách nào đó thì không mấy khác chủ trương của Barack Obama ngày nay tại Mỹ - Chính quyền Thaksin can thiệp vào thị trường và tăng chi để tranh thủ hậu thuẫn dân nghèo, nông gia, hay thôn quê qua nhiều chương trình tái phân lợi tức và phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế từ thành thị về nông thôn. Tất nhiên là trong chuyện tăng chi thì cũng có chọn lọc, chi nơi nào, cho ai, là một quyết định chính trị, có khi là... kinh doanh.
Đường lối kinh tế của Thaksin bị một số người diễu là "Thaksinomics", nhưng ông trở thành "anh hùng của dân nghèo" và là Thủ tướng duy nhất hoàn tất một nhiệm kỳ. Đầu năm 2005, đảng TRT của ông tái thắng cử vẻ vang - với số ghế kỷ lục trong lịch sử bầu cử Thái - với lá phiếu nông thôn tại các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc.
Nhưng, Thaksin phải trả giá nặng cho việc đó.
***
Sau đây là những vấn đề của Thaksin Shinawatra:
Thứ nhất, ông gây bất mãn trong thành phần khá giả ở thành phố, kể cả trí thức thiên tả lẫn doanh giới và người hành nghề tự do vì thu hẹp ảnh hưởng hay quyền lợi của họ. Thứ hai, ông gây khó chịu cho quân đội và một số tướng lãnh xưa nay vẫn - nhiều khi lộ liễu - chi phối chính trường Thái, nhất là Tướng Prem Tinsulanonda, một nguyên Thủ tướng và người có ảnh hưởng với Hoàng gia Thái vì đứng đầu nhóm Cố vấn của Cơ mật viện bên Quốc vương Thái.
Thứ ba, Thaksin đụng vào cái vảy ngược của con rồng. Ông được lòng dân nghèo - và chăm chút việc đó - tới độ bị nghi ngờ là lấn lướt uy tín của Quốc vương Bhumibol Adulyadej (Rama IX), năm nay đã 82 tuổi. Ông là vị vua xưa kia anh minh, nay đã luống tuổi sau khi đã trị vì lâu nhất thế giới - từ hơn 60 năm nay. Dân Thái coi ông vua là quốc phụ và "khi quân" - khinh thường nhà vua - là một tội hình. Và một sai lầm chính trị không thể tha thứ.
Đã thế, trong Hoàng gia, Thaksin tỏ ý coi thường Thái tử (sẽ lên ngôi) Maha Vajiralongkorn, một sĩ quan 57 tuổi trong Quân đội Hoàng gia và một tay chơi bị nhiều tai tiếng, trong khi lại rất quý trọng Công chúa Maha Chakri Sirindhorn, nhân vật kế nhiệm đứng hàng thứ ba và rất được lòng dân. Chỉ nội việc có cảm tình nghiêng lệch ấy cũng đã là vấn đề, vả lại, Thái Lan chưa chuẩn bị để có một công chúa lên ngôi vua như Hoàng gia Anh. Thaksin đánh cá lầm ngựa.
Vấn đề thứ năm, sau vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ, Thaksin thẳng tay đàn áp các nhóm Hồi giáo quá khích đòi ly khai tại các tỉnh miền Nam - tiếp giáp với Mã Lai Á - trong khi ráo riết truy lùng các tổ chức buôn bán ma túy. Vì vậy ông cũng mang tiếng độc tài trước một số dư luận quốc tế.
Sau cùng và đây là chuyện thứ sáu, Thaksin có những quyết định kinh doanh đáng nghi ngờ khi bán doanh nghiệp viễn thông của gia đình cho tổ hợp đầu tư quốc doanh Singapore (Temasek) lấy về hai tỷ đô la và được miễn thuế. Ông bị công kích về tội tham nhũng và về sau bị điều tra về vụ này mà chưa có kết quả dứt khoát. Do chánh sách tăng chi có chọn lựa, Chính quyền của ông cũng mang tiếng là tham ô và bao che tham nhũng, v.v...
Oan hay ương, ngần ấy vấn đề tích lũy đã huy động nhiều thế lực cùng tập trung mũi dùi vào Thaksin. Ngày 19 tháng Chín năm 2006, một số tướng lãnh đã đảo chánh Thủ tướng - với sự biểu đồng tình của nhà vua nếu không thì chuyện đã chẳng thành - và hủy bỏ Hiến pháp mà vẫn không có giải pháp ra hồn để ổn định tình hình. Nhưng dù Thaksin bị lật đổ nhưng cơ sở quyền lực của ông vẫn còn, đảng của ông vẫn thắng cử sau đó - và Thái Lan đi vào khủng hoảng.