Nghe Lời Nói Phải – Mõ Sàigòn
Thừa Hựu, người ở Liêu Ninh, thích ngao du sơn thủy nên thường hay vắng nhà, đã vậy lại kết bạn với mặc khách tao nhân, nên mẹ là Thừa thị lấy làm lo lắm.
Ngày nọ, gặp lúc Hựu ở nhà mài mực để bạn lại mần thơ, Thừa thị mới nhân đó mà nói với con rằng:
- Thơ văn là để giải trí. Không phải dùng để tạo dựng công danh. Hà cớ chi con lại phung phí sức lực của mình vào trong đó"
Hựu vừa mài vừa đáp:
- Con không mơ mộng làm giàu, thì cần chi sự nghiệp" Lại nữa, tiền của sẽ kéo người ta xuống, trong khi… trắc bằng lại hướng tâm hồn vào cõi thiện hảo hơn, thời con không thể bỏ thơ mà quay người đi được.
Thừa thị, thấy con chưa hiểu đặng ý mình, thời lấy làm thất vọng, toan quay gót mà lui, bất chợt có con nhện sa liền trước mặt, bèn rúng động tâm can. Thảng thốt nghĩ rằng: "Không được! Mình là mẹ, mà chấp với con kiểu này, thì bao giờ mới thoát vòng sinh tử" Lại nữa, con dại cái mang. Xét như thế thời rõ ra mình cũng có đôi phần trách nhiệm. Chớ phải chi mình gần bên uốn nắn, hướng dẫn tận tình như… xì phé bài binh, thì cách xử hôm nay có đâu làm ta sợ"". Nghĩ vậy, liền ưu tư nói:
- Con đã tới tuổi lập thân, mà sáng câu sáu chữ, tối… tám chữ một câu, thì phận nợ duyên chừng mô mới có"
Hựu ngừng tay đáp:
- Sống ở đời, cốt sao cho tinh thần được thoải mái. Con đang thoải mái thì cần gì đến chuyện thê nhi, bởi có thê vô thì… thi mần răng mà ra được"
Đoạn, nhìn thẳng vào mắt mẹ. Mạnh miệng nói:
- Lấy vợ trễ một ngày, thời thoải mái được một ngày. Chân lý đó, lẽ nào mẹ không biết mà tin được hay sao"
Ngày nọ, Hựu hẹn đám bạn thi nhân của mình tụ họp ở Vị Thanh để làm thơ cho đã, trong lúc sửa soạn hành trang, Thừa thị bất chợt đi vào, thấy được sắc mặt hứng khởi của con mà rầu rầu trong dạ, liền uất ức nói:
- Chẳng lẽ đến Vị Thanh mới làm thơ được hay sao"
Thừa Hựu đáp:
- Vị Thanh mùa này bông cỏ vàng cả đồi. Hoa dại nở tứ tung, lại thêm dàn dương liễu đong đưa bên hồ Vọng nguyệt. Con đến đó để tìm cảm hứng làm thơ. Chớ quyết không để cảnh đẹp trời cho chỉ vài hôm bay tuốt!
Thừa thị nghe con tỏ bày như vậy, bèn thở ra một cái. Nặng nhọc nói rằng:
- Vị Thanh chẳng những nỗi tiếng về phong cảnh, mà còn về người, bởi con gái ở Vị Thanh ngoài tài nuôi tằm dệt lụa, còn thùy mị đoan trang, nên đàn ông ở đó hai vợ đông còn hơn kiến cỏ. Mẹ chỉ mong. Nàng thơ là một. Nàng dâu là hai. Con có cả hai thời mẹ có bị… rắn cắn đêm nay cũng yên lòng nhắm mắt.
Một hôm, Hựu đến làng Chuồi, tính ra chỉ còn cách Vị Thanh chừng mươi dặm, gặp lúc trời đương sớm, nên tìm một chỗ đặng sương sương, rồi lên đường đi tiếp, bất chợt nghe hai hảo hán ở gần bên trò chuyện. Gã có râu nói:
- Ngươi giao du khắp hải nội, kết bạn ì xèo, nhưng thứ đó chỉ là… bong bóng trời mưa. Khó bề hữu dụng. Nay ta chỉ cho ngươi một đám này. Lỡ mà kết thân được, thì chẳng những hoạn nạn có sẻ chia, mà tuổi thọ mai sau cũng còn ngon hơn nữa.
Gã kia mừng rỡ nói:
- Mối tốt mà huynh lại lấp lửng kiểu này, thì thiệt khiến cho tiểu đệ đau đầu lên đi mất…
Lúc ấy, gã có râu mới trịnh trọng nói rằng:
- Điền Thất Lang là thợ săn, ở cách đây chừng năm dặm. Tuy gia cảnh bần hàn, nhưng đạo lý Thánh hiền đều ôm đủ, thêm hậu vận êm xuôi, thì ta không thể im ru mà vòng tay đứng ngó.
Đoạn với tay chiêu vài hớp rượu, bất chợt gã kia ồ lên một tiếng, rồi giật giọng hỏi:
- Gia cảnh bần hàn mà hậu vận êm xuôi. Sao lại có chuyện nghịch đời ra như thế"
Gã có râu lật đật đáp:
- Ta có quen một đạo sĩ, nghe kể lại rằng: Ngày nọ, có dịp đi ngang, thời thấy một cậu thanh niên ôm con rùa mà khóc. Đạo sĩ lấy làm lạ, hỏi : "Rùa là súc vật. Thí chủ là con người. Sao lại có thể khóc tràn ra như thế"". Cậu ấy đáp: "Bạch sư phụ. Con rùa này tai hạ nhặt được, đem về nuôi, đến nay cũng đã được mười hai tuần lễ. Nay mẹ của tai hạ bị lên ban, lại ao ước được bát cháo rùa, thì cho dù có bị ép buộc về với tổ tiên, cũng yên lòng dấn bước. Tai hạ nghĩ: Cướp đi mạng sống của con rùa cho mẹ vui, nếu xét về phần hiếu thảo, thì thiệt là đúng lắm, nhưng nếu xét đến câu trồng dưa thì được dưa, trồng hành thì được hành, thời tai hạ lấn cấn với đôi điều khó hiểu - là bởi vì - cho dù mẹ của tai hạ không tự tay sát sinh, nhưng trong tâm thức đã đong đầy ý đó. Nếu bây giờ tai hạ ra tay thành toàn cho mẹ, thì có phải đã a tòng để nghiệp mẹ thêm chăng" Cầm bằng như tai hạ không làm - thời lỡ mẹ có bề chi - hẳn chốn lương tâm khó lòng mà yên ổn. Tai hạ chỉ là một người tầm thường, mà còn lâm cảnh khó xử như vậy, hà huống những người có trách nhiệm với muôn dân, thời thiệt không biết nói làm sao đây nữa!". Rồi hu hu mà khóc. Đạo sĩ thấy vậy, mới mở to mắt ra mà quan sát, thời thấy cằm vuông, mặt chữ điền, tay lại dài quá gối, bèn liên tưởng tới Lưu Bị của Hán triều thuở xưa, bèn gấp rút nói: "Thí chủ tên gì" Gia cảnh ra sao" Có thể giới thiệu vài lời cho quen biết.". Cậu ấy đáp: "Tai hạ họ Điền, tên Thất Lang, mồ côi cha từ hồi còn ẳm ngửa, nên vất vã tìm kế mưu sinh, mà lắm lúc không đầy trong bụng được. Đã nhiều lần tai hạ nghĩ: Nhân lễ nghĩa trí tín mà vật vờ lây lất, sao bằng gạt bỏ cả năm điều hầu thâu lợi mà thôi, thì hậu vận mai sau mới ngon lành sáng được. Lúc ấy, tai hạ mới chợt nhớ đến lời mẹ dặn rằng: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Nay đến con là đời thứ tư, thì cái… khá chắc sẽ lần về trong sớm tối.", nên tai hạ thà chịu cực, chịu khổ. Chớ không thể vì dục vọng dâng tràn - mà thỏa mãn hết ga - thì e lúc mát mặt mát gan chẳng yên thân mà hưởng được.".