Lễ Lao Động tại Hoa Kỳ, vào dịp đầu tháng Chín, thường được đánh dấu như là khởi điểm của giai đoạn quan trọng nhất cho chương trình vận động tranh cử của các ứng viên, nhất là đối với các cuộc bầu cử có tầm mức lớn nhất như cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ hiện nay.
Thời kỳ này, thường gọi là giai đoạn nước rút (stretch run), để ám chỉ vòng đua cuối cùng trong cuộc trường chinh kéo dài từ nhiều tháng trước. Riêng đối với cuộc tranh cử tổng thống lần này, thật ra các ứng viên đã nhập cuộc từ hơn một năm trước, với các đợt ra quân, vận động gây quỹ và tranh giành trong nội bộ ở vòng bầu cử sơ bộ để chấm dứt trong kỳ đại hội đảng toàn quốc.
Nhưng giờ đây mới là thời kỳ quan trọng nhất, cả hai nghị sĩ John McCain (Cộng Hoà) và Barack Obama (Dân Chủ) chỉ còn có khoảng 8 tuần lễ ngắn ngủi để tìm đủ cách thuyết phục sao cho những cử tri còn phân vân sẽ ngã về phía mình.
Cùng với hai người đứng phó là Thống đốc Sarah Palin (Cộng Hoà) và nghị sĩ Joe Biden (Dân Chủ), cả 4 chính trị gia với 4 tiểu sử đặc biệt biểu hiện đầy đủ cá tính đa dạng của xã hội Hoa Kỳ, đều đưa ra những thông điệp hứa hẹn sẽ thay đổi chính trường nước Mỹ trong vòng bốn năm sắp tới.
Dù kết quả sẽ ra sao đi nữa, người ta có thể biết chắc về một sự đổi mới lạ kỳ và lý thú chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử của quốc gia này. Nếu như Thế Vận Hội tại Bắc Kinh vào năm 2008 được nhắc tới với những kỷ lục hi hữu như thành tích của Michael Phelps đoạt được 8 huy chương vàng về bơi lội, thì kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay cũng sẽ mang về một kết quả kỷ lục. Hoặc đây là lần đầu tiên đa số người dân Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu để bầu cho một người da đen - vốn thường bị kỳ thị về màu da rất nặng nề vì bị coi là nô lệ của hơn 100 năm về trước - lên làm tổng thống; hoặc đây cũng là lần đầu tiên người dân Mỹ chọn một người phụ nữ trong vai trò phó tổng thống - chỉ chờ một nhịp tim ngừng đập thôi thì có thể lên làm tổng thống, theo như cách nói thường nghe tại đây. Điều này cũng là một tiến bộ cải cách không ngờ vì người phụ nữ tại Hoa Kỳ cũng mới giành được quyền đi bầu cách đây chưa tới 100 năm.
Điều người ta chưa biết chắc được, kể cả những ứng viên trong cuộc, là kết quả chung cuộc sẽ ra sao. Thoạt đầu, mọi người, kể cả những chính trị gia bên phe Cộng Hoà, đều đồng ý rằng thời điểm năm 2008 quả có quá nhiều thuận lợi cho phe Dân Chủ. Tổng thống George W. Bush và phe Cộng Hoà bị mất uy tín trầm trọng, dựa theo tất cả các bảng thăm dò dân ý từ trước tới nay, và tỉ lệ người dân quyết ủng hộ cho phe Dân Chủ cao hơn nhiều so với phe Cộng Hoà. Cho dù ông Obama là người da đen, và còn nhiều cử tri bên Dân Chủ vẫn thích trung thành hơn với bà Hillary Clinton và vẫn chưa mấy hăng hái để bỏ phiếu cho ông, nhưng ông vẫn dẫn trước (hoặc ít hay nhiều) đối thủ McCain trên tất cả các bảng thăm dò. Thế nhưng sự lựa chọn bà Sarah Palin đứng phó cho ông McCain đã làm đảo lộn tất cả, ít ra là trong giai đoạn ngắn ngủi hiện nay. Bảng thăm dò mới nhất của tờ báo USA Today và Viện Gallup cho thấy là lần đầu tiên, ông McCain đã vượt qua ông Obama, tuy rằng với một tỉ lệ nhỏ không đáng kể. Tuy kết quả của bảng thăm dò này chưa hẳn đã có cùng kết luận với các bảng thăm dò do các cơ quan truyền thông khác thực hiện, nhưng kết quả tích cực này cũng là một tin tức khả quan cho liên danh McCain-Palin và những người ủng hộ phe Cộng Hoà.
Còn quá nhiều yếu tố vượt ngoài tầm kiểm soát của các ứng viên nhưng có thể ảnh hưởng quan trọng đến kết quả chung cuộc. Liệu giá nhà cửa có tiếp tục tụt dốc không phanh nữa hay không, nhất là sau khi chính phủ đã quyết định nhảy ra cứu trợ cho hai cơ quan tài trợ địa ốc lớn nhất là Fannie Mae và Freddie Mac" Liệu giá xăng dầu có tăng vọt lên nữa không trong những ngày tháng sắp tới" Liệu tình hình tạm yên ổn khả quan tại Iraq có kéo dài hay không, khi tướng Petraeus vẫn chưa muốn rút quân Mỹ ra khỏi nơi đây" Hay là tình hình tại A Phú Hãn, hoặc tại Hồi Quốc (Pakistan) có thể trở nên nghiêm trọng hơn với các đợt tấn công của các nhóm khủng bố hoặc quá khích càng ngày càng gia tăng, khiến cho tình hình tại hai nước này khó được bình yên, và cũng khiến cho các nhà lãnh đạo ở Ngũ Giác Đài và Bạch Cung khó thể nào an tâm"
Liệu Do Thái có thể quyết định tấn công bất tử vào các trung tâm chế tạo uranium tại Ba Tư (Iran) hay không, vì điều này sẽ dẫn đến những hậu quả trầm trọng khó lường" Hay liệu Nga Sô sẽ lại coi thường Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu để có thể tấn công vào một vài lân bang nhỏ, vốn từng là cựu chư hầu, để trừng trị về những thái độ "phản thùng" muốn chạy theo phương Tây và Liên minh NATO" Liệu tình hình kinh tế có bết bát thêm không, với nhiều ngân hàng có thể bị phá sản và phải nhờ đến cơ quan FDIC của nhà nước đứng ra bảo lãnh" Liệu một trong ba công ty sản xuất xe hơi lớn của Mỹ - GM, Ford hay Chrysler - có thể sập tiệm hay phải khai phá sản" Hay liệu là quân khủng bố có thể tấn công vào nội địa Hoa Kỳ hay không"
Đó là nhiều lý do khiến cho người ta khó có thể tiên đoán được kết quả cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 sắp tới sẽ đi về đâu, và tất cả những lời tiên đoán hôm nay cũng chỉ là những lời bàn suông cho sướng miệng nếu như không có những câu thòng với nhiều giả thiết khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhìn được một số chủ đề chính cho cuộc bầu cử này.
NHữNG ĐỀ TÀI TRANH LUẬN:
Những chủ đề kinh tế dường như vẫn tiếp tục chi phối phần lớn sự quan tâm của đa số người dân, sau khi tình hình tại Iraq tạm lắng đọng. Do đó, cả hai ông McCain và Obama đều cùng nhau đưa ra những lời lẽ để chứng minh cho cử tri thấy sự quan tâm của họ đối với chuyện cơm áo của người dân. Mặc dù đảng Dân Chủ được lợi thế hơn đối phương trong lãnh vực này (khi được đa số dân chúng tin tưởng nhiều hơn phe Cộng Hoà trong khả năng giải quyết vấn đề), nhưng ông McCain cũng không ngần ngại đưa ra những lời lẽ mị dân rất ăn khách: "Tôi tranh đấu cho các người dân như vợ chồng ông bà Bill và Sue Niebe tại Farmington Hills, Michigan, đang gặp khó khăn lỗ lã về đầu tư vì hậu quả tệ hại của thị trường địa ốc tụt dốc."
Theo ông Tad Devine, một phân tích gia chiến lược của phe Dân Chủ thì "ứng viên nào có khả năng thuyết phục được cử tri về khả năng thay đổi của mình thì người đó sẽ thắng." Cũng chính vì sự cạnh tranh để được tiếng là người sẽ tranh đấu cho sự đổi mới, nên cả hai ứng viên đều tìm cách tấn công lẫn nhau, chỉ trích hay diễu cợt về thành tích đổi mới của đối phương. Ông McCain chê ông Obama chỉ là một loại thích nổi tiếng như các tài tử chứ không có khả năng gì đặc biệt (celebrity), và những đòn quảng cáo của ông tấn công ông Obama là đại diện cho "những tư tưởng cũ rích được che đậy bằng những chiêu bài đổi mới." Còn phe ông Obama thì luôn tìm cách buộc chặt ông McCain vào tổng thống Bush, vốn đang bị dân Mỹ quá chán ngấy. Trong một cuộc vận động tại Philadelphia, ông Biden nói: "Ông nghị sĩ bạn của tôi là John McCain và George Bush dính chặt với nhau ở cái hông. Và chúng ta thì đang cần phải thay một cái hông mới cho khá hơn."
NHữNG TIỂU BANG CHIẾN TRƯỜNG:
Được gọi là tiểu bang chiến trường vì sự hơn thua được ấn định vào kết quả thu lượm được tại đây sau khi cuộc chiến kết thúc. Cho dù đa số các cuộc thăm dò dân ý đều đưa ra những kết quả của người dân trên toàn nưóc Mỹ, nhưng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại không diễn tiến theo mô hình đếm lá phiếu trên toàn quốc, mà dựa vào chiến thắng tại từng tiểu bang một. Hầu hết các tiểu bang, ngoại trừ hai nơi là Maine và Nebraska, đều chọn theo lối đa số tuyệt đối "được ăn cả, ngã về không": ứng viên nào được nhiều phiếu hơn, dù chỉ là 1 phiếu, tại tiểu bang đó sẽ giành được hết tất cả các phiếu cử tri đoàn của tiểu bang. Đợi đến khi cộng lại, ứng viên nào đạt được 270 phiếu cử tri đoàn coi như thắng cuộc.
Sự kiện này khiến cho nhiều tiểu bang trở thành không quan trọng, coi như bị bỏ ngõ, vì ứng viên đã biết chắc là về phe nào, tuỳ theo đa số người dân tại đó nghiêng nhiều về một bên, điển hình bằng hình ảnh vẽ nước Mỹ thành hai màu rõ rệt: các tiểu bang màu đỏ (thường nằm trong giữa lục địa, và ở miền nam) nghiêng về phe Cộng Hoà với dân chúng ủng hộ phe bảo thủ, và các tiểu bang màu xanh (thường nằm ở hai miền biển đông và tây, cùng với nhiều tiểu bang đông dân ở miền bắc nước Mỹ) luôn bỏ phiếu cho phe Dân Chủ vì đa số cử tri theo khuynh hướng cấp tiến, cởi mở hơn.
Sự kiện này cũng khiến cho kết quả gần như đã biết trước tại trên 30 tiểu bang, và trớ trêu thay trong đó lại có hầu hết các tiểu bang lớn và đông dân như California, New York, Texas, Illinois. Trong bốn tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, thì có đến 3 là thuận lợi cho đảng Dân Chủ, trong khi chỉ có Texas là còn nghiêng về phe Cộng Hoà. Điều trớ trêu khác cho cử tri gốc Việt là đa số đều cư ngụ tại hai tiểu bang đông dân nhất là California và Texas, và do đó, dù cho đa số người Việt có đoàn kết để cùng bầu cho một ứng viên duy nhất (một giả định quá xa vời trong bối cảnh đa số người Việt đều không phục lẫn nhau) thì cũng chẳng thay đổi được cục diện, nói trắng ra là chẳng có ép-phê nào cả. Do đó, những ai thường hô hào là lá phiếu của người Việt nếu biết đoàn kết lại có thể trở thành lá phiếu quyết định nghiêng ngửa kết quả (swing vote) là chưa hiểu biết rõ về nội tình bầu cử tổng thống tại nước Mỹ.
Nói chung, ta có thể kể đến khoảng từ 10 đến 15 tiểu bang được coi như là chiến trường, tức là nơi mà hai liên danh đều dồn hết nỗ lực và tiền của để vận động, trong đó có những tiểu bang như Colorado, Florida, Iowa, Missouri, Minnesota, North Carolina, New Hampshire, New Mexico, Nevada, Pennsylvania, Virginia, Wisconsin. Phe ông Obama hy vọng giành lại được chiến thắng tại những nơi đã bầu cho ông Bush vào năm 2004 như Iowa, Colorado, New Mexico và Nevada, nhưng với những kết quả khít khao. Và lần này, với những thay đổi về dân số nghiêng lợi về phía Dân Chủ, những tiểu bang nhỏ này có thể ngã qua phía Dân Chủ, và do đó có thể khiến cho liên danh McCain phải tiếp tục tốn công và chi tiền, thay vì chỉ dồn hết sức lực vào 3 tiểu bang quan trọng nhất và có nhiều tiềm năng nhất, đó là Pennsylvania, Michigan và Ohio. Nếu như ứng viên nào thắng được cả 3 tiểu bang này coi như nắm chắc phần thắng. Và đây cũng là điều đáng ngại cho phe Dân Chủ vì ông Obama lại không giành được phiếu của đa số dân da trắng thuộc giới bình dân tại hai tiểu bang đông dân là Ohio và Pennsylvania.
NHữNG CUộC TRANH LUẬN:
Hai ông McCain và Obama sẽ cùng tranh luận 3 lần, mỗi lần kéo dài trong 90 phút, được trực tiếp truyền hình trên toàn quốc. Lần thứ nhất diễn ra vào ngày 26-09 tại trường Đại học Mississipi ở thành phố Oxford, tiểu bang Mississipi, với nội dung về các đề tài đối nội, vốn được coi như là thuận lợi cho phe ông Obama.
Lần tranh luận thứ hai là vào ngày 2 tháng 10, nhưng lần này lại giữa hai ứng viên đứng phó. Thông thường, các cuộc tranh luận này không hào hứng cũng như không có tầm ảnh hưởng quan trọng vì người ta chú trọng nhiều hơn vào người đứng đầu liên danh. Tuy nhiên, sự có mặt của bà Sarah Palin đã làm thay đổi mọi chuyện, khiến nhiều người sẽ đặc biệt chú ý để theo dõi, dẫu rằng có thể vì yếu tố tò mò nhiều hơn.
Vào ngày 7 tháng 10 thì hai ông McCain và Obama sẽ lại tranh luận lần thứ hai, tại trường Đại học Washington ở St. Louis, tiểu bang Missouri, nhưng dưới hình thức một cuộc họp thảo luận với dân chúng (town hall meeting) để người dân có thể đặt bất cứ câu hỏi gì. Hình thức này được xem như là có lợi hơn cho ông McCain vì ông đã quen sử dụng.
Cuộc tranh luận sau cùng diễn ra vào một tuần sau đó, tại trường Đại học Hofstra ở Hempstead, tiểu bang New York với chủ đề chính về các chính sách đối ngoại. Trong các cuộc thăm dò dân ý, ông McCain được sự ủng hộ nhiều hơn của cử tri về các đề tài đối ngoại, an ninh quốc phòng. Cuộc tranh luận này diễn ra chỉ có 3 tuần trước ngày đi bầu, có thể để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ nhất trong lòng những cử tri nào lúc đó cũng chưa ngã ngũ về phe nào.
Tuy nhiên, kết quả các cuộc tranh luận có thể tuỳ vào việc ứng viên nào có khả năng thu hút, lôi cuốn cử tri nhiều hơn. Hoặc ứng viên nào có thể có những sơ hở lộ liễu, như phát âm sai tên của một vài thành phố hay một vài lãnh tụ trên thế giới, hoặc hay thích nhìn đồng hồ (chứng tỏ sự thiếu kiên nhẫn), hoặc thở dài (tỏ ra thiếu lịch sự), những chi tiết có thể bị báo giới khai thác nhiều để chỉ trích và phê phán bất lợi hơn sau đó.
QUỸ VẬN ĐộNG TRANH CỬ:
Nói đến bầu cử tổng thống Mỹ là phải nói đến những món tiền khổng lồ để vận động quảng cáo dưới nhiều hình thức. Ông Obama là ứng viên tạo được thành tích kỷ lục với những món tiền quyên góp khổng lồ. Chiến lợi phẩm đáng ngại của
ông là danh sách của gần 2 triệu người ủng hộ qua mạng lưới Internet, có thể giúp đem một món tiền khổng lồ một cách nhanh chóng sau khi chỉ cần ông gõ vài tiếng yêu cầu trên bàn phiếm và gửi đi qua mạng lưới Internet. Trong đêm bà Sarah Palin đọc diễn văn thu hút khoảng 40 triệu người trên nước Mỹ theo dõi, lời kêu gọi của liên danh Obama đã quyên góp được gần 10 triệu Mỹ-kim trong vòng không đầy 24 tiếng, một thành tích đáng nể.
Phía ông McCain tuy yếu kém hơn, nhưng được lợi thế hỗ trợ của Đảng Cộng Hoà, vốn không bị giới hạn và có thể tiếp sức cho ông. Người sáng giá nhất hiện nay cho công tác gây quỹ của phe Cộng Hoà là bà Sarah Palin. Từ đây cho đến ngày bầu cử, bà sẽ được huy động thường xuyên đi đến khắp nơi để trở thành cái đinh thu hút và lôi cuốn cử tri phe bảo thủ đến để ủng hộ cho quỹ vận động cho phe Cộng Hoà.