Hoa Thịnh Đốn.- Mỗi lần kỷ niệm 30 tháng Tư là thêm một lần phải nghe người Cộng sản Việt Nam nói phét để che đi những cái xấu của chế độ.
Năm nay, 2008, cũng không ngoại lệ mà họ còn huyênh hoang hơn.
Chẳng hạn như Vũ Duy đã hào sảng trong báo Điện tử của Trung ương Đảng : “Chiến thắng 30-4-1975 là thắng lợi tuyệt đối, thắng lợi trọn vẹn của cả dân tộc ta trong kỷ nguyên Hồ Chí Minh. Sự kiện vĩ đại này không phải là kết thúc một cuộc nội chiến như một số kẻ rêu rao mà là kết thúc thắng lợi một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, kẻ thua trận là lực lượng ngoại xâm và tay sai của chúng và mọi người Việt Nam yêu nước là người chiến thắng.”
Trước hết cả thế giới biết người Mỹ không xâm lược chiếm lãnh thổ của Việt Nam như người Pháp nên không làm gì có “chiến tranh chống ngoại xâm”. Và cả thế giới cũng biết Quân đội miền Nam không hề xâm lăng miền Bắc mà chỉ thấy lực lượng Bộ đội miền Bắc, được cả khối Cộng sản thế giới do Nga-Tầu lãnh đạo, cung cấp vũ khí đã đi chiếm đất, dành dân của người miền Nam.
Với tình huống như thế, một mình 20 triệu dân miền Nam không có sức và lực để chống lại khối Cộng sản nên đã phải cầu viện từ bên ngoài. Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Việt Nam Cộng hòa trong vùng Á Châu (Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Hàn) và Thái Bình Dương (Úc và Tân Tây Lan) đã đem quân giúp nhân dân miền Nam chống cuộc xâm lăng của miền Bắc.
Cuộc chiến tranh như thế thì do ai chủ động" Miền Bắc hay miền Nam mà bảo không phải là cuộc “nội chiến” "
Hơn nữa nếu miền Bắc không để lại trong Nam trên 30 ngàn quân du kích sau Hiệp định Geneve 1954 và Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam không quyết định xâm chiếm miền Nam từ năm 1960 thì làm gì có chiến tranh Nam-Bắc "
KẺ NÀO TAY SAI "
Còn “kẻ thua trận là lực lượng ngoại xâm và tay sai của chúng” là ngôn ngữ của kẻ ngông cuồng vô ý thức.
Chính quyền miền Nam là “tay sai” Mỹ ư " Vũ Duy hãy đọc lại Tập Sách Trắng của Nhà xuất bản Sự Thật ấn hành tháng 3/1979, sau Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Tàu, để biết Cộng sản Tầu đã đối xử “chủ-tớ” ra sao với đảng Cộng sản Việt Nam trong vấn đề biên giới giữa hai nước.
Hành động “bầy tôi” của CSVN còn tiếp tục diễn ra trong hai năm 1999 và năm 2000 khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ký Hiệp Định Biên Giới và Hiệp Định Phân Định Vịnh Bắc Bộ với Bắc Kinh.
Nhưng bằng chứng dâng đất, dâng biển cho Tầu của Cộng sản Việt Nam đã có từ thời Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng khi Đồng xác nhận bằng văn thư năm 1958 đồng ý nhượng chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam cho Bắc Kinh.
Thái độ bạc nhược của cả chế độ trước sức ép của Tầu còn được chứng minh không những trước 83 triệu người dân mà cả thế giới khi nhà nước ngăn chặn, khủng bố và đàn áp thanh niên, sinh viên và người dân yêu nước xuống đường biểu tình trong hai ngày 9 và 16 tháng 12-2007 đòi Tầu trả lại Hoàng Sa và từ bỏ âm mưu chiếm Trường Sa.
Hành động sợ Tầu trả đũa của chính quyền đã đẩy người dân yêu nước đứng sang hàng ngũ đối lập với đảng CSVN như khi nhân dân miền Nam phải tự vệ chống cuộc xâm lăng của miền Bắc trong 20 năm chiến tranh. Vì vậy, chiến thắng quân sự của Bộ đội miền Bắc và đảng CSVN ở trong Nam ngày 30-4-1975 không thể được coi là chiến thắng của “mọi người Việt Nam yêu nước.”
Bằng chứng “mở mắt” của người lính Cộng sản và nhân dân miền Bắc khi nhìn thấy cuộc sống và sự phát triển kinh tế của miền Nam sau cuộc chiến 33 năm trước đây đã khiến nhiều người Cộng sản phải đau lòng, nhưng đã qúa muộn để hối hận vì đã nhẹ dạ để cho đảng đánh lừa đi theo cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”.
Do đó, càng ngược ngạo khi Vũ Duy đã sai trái nói rằng chiến thắng 30-4 của đảng CSVN có thể : “ Sánh ngang tầm với chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán, nhà Lý thắng quân Tống, nhà Trần thắng quân Nguyên, nhà Hậu Lê thắng quân Minh, nhà Tây Sơn thắng quân Thanh, Điện Biên phủ thắng quân Pháp… Nó là niềm tự hào chung của mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, dù đang sống hay sẽ ra đời.”
So sánh như thế là vô lễ, xúc phạm đến tiền nhân. Các anh hùng dân tộc đã đánh thắng quân xâm lược, bảo tòan bờ cõi vì có nhân dân dốc lòng một dạ đoàn kết đứng sau lưng các Ngài.
Cuộc chiến thắng quân sự của đảng CSVN ngày 30-4-1975 ở miền Nam là kết qủa của một cuộc đánh lừa nhân dân vĩ đại của thế hệ tự phong thuộc thời đại Hồ Chí Minh.
Những kẻ chiến thắng đã che dấu không biết bao nhiêu tội ác mà họ đã gây ra cho dân tộc từ sau cuộc chiến. Từ nhiều chục ngàn người dân vô tội bị chết chìm trên biển Đông cho đến những thảm cảnh bị chia lìa, gia đình tan hoang, chết mất xác trong các trại tù lao động từ Nam ra Bắc, và sau này, hàng ngàn phụ nữ phải đem thân xác ra nước ngoài đổi lấy đồng tiền nuôi thân và phụ giúp gia đình trong nhiều hòan cảnh trái ngang vẫn còn sờ sờ ra đấy.
Ngay trong nước, tuy tình trạng kinh tế và đời sống người dân được cải thiện nhưng mức chênh lệch giầu-nghèo, bất công xã hội, không có tự do, dân chủ, mất đạo đức, xâm phạm thuần phong mỹ tục đang chất cao như núi làm băng hoại xã hội.
Nổi nhất trong số tệ nạn này là nạn tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên và những kẻ có chức, có quyền trong guồng máy lãnh đạo.
Bằng chứng đã được Giáo Sư Trần Nhâm viết trong Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 3/4/2008 : “Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến sự tồn vong của Đảng và Nhà nước ta. Nạn tham nhũng đã có từ lâu, nhưng chỉ đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta mới xác định rõ là một nguy cơ lớn gây tác hại về nhiều mặt. Tuy là một nguy cơ nghiêm trọng, nhưng nó lại được bao che, bọc lót khá vững chắc khiến cho ta khó chống trả và khó tiêu diệt tận gốc. Vì là một tệ nạn tồn tại trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, trong cán bộ đảng viên và trong cả một số cán bộ cao cấp, nên việc tiến công không có trận tuyến, khó bố trí lực lượng. Bọn tham nhũng như một thế lực vô hình chui lủi khắp nơi, chúng cấu kết với nhau, không dễ công phá.”
Nạn tham nhũng biểu hiện như thế nào" Trần Nhâm trả lời : “Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cách thức bòn rút, đục khoét tài sản công của bọn tham nhũng đa dạng, tinh vi….Tham nhũng về kinh tế dẫn đến tha hóa về lối sống, tha hóa về lối sống kích thích mạnh mẽ tham nhũng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo tha hóa, xuống cấp về đạo đức, có kẻ thậm chí biển thủ công quỹ để bao nhân tình, ăn chơi trác táng, đánh bạc, hút xách... làm tổn hại thanh danh của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân...”
“…Bọn tham nhũng lợi dụng chức, quyền biến quan hệ công tác thành quan hệ hàng hóa để trao đổi, hai bên cùng có lợi. Hiện tượng dùng người theo cánh hẩu, kết bè kết cánh không ít. Bố trí cán bộ không căn cứ vào tiêu chuẩn, không đủ tiêu chuẩn là một hiện tượng tham nhũng chính trị có ảnh hưởng xấu và vô cùng nguy hiểm.“
Bùi Công Tường viết trên Tạp chí Xây Dựng Đảng ngày 9-1-2008 cũng đã chua chát : “Ở nước ta, lâu nay thủ trưởng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương… kiêm luôn trưởng ban chống tham nhũng. Nếu trong cơ quan, đơn vị, địa phương xảy ra tham nhũng thì trước hết thủ trưởng phải chịu trách nhiệm. Vậy là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Đó là những hình ảnh “huy hòang” mà đảng CSVN đã tạo ra cho đất nước sau ngày 30-4-1975. Người Cộng sản không cần phải tranh cãi hay biện bạch vì sự thật đã rõ như ban ngày. -/-
Phạm Trần
(05/08)