Alfonso Hoàng Gia Bảo
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ" (thơ Vũ Đình Liên)
Chuyện 33 năm trước...
Cứ mỗi dịp 30/4 về tôi lại nhớ đến mấy "chú bộ đội" năm xưa trong một ngôi biệt thự tọa lạc trên đường Kỳ Đồng, chuyện xảy ra không lâu sau ngày Sàigòn "bị giải phóng"!
Khi ấy, tôi đang học những năm cuối bậc trung học thì biến cố 30/4 xảy đến. Sau những ngày đầu dân chúng thành phố bị hoang mang bởi sự hỗn loạn khi quân đội miền Bắc tràn vào Sàigòn quá nhanh và bất ngờ khiến ai nấy chẳng kịp toan tính bất cứ điều gì. Đến khoảng đầu tháng 5/1975 khi mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường hơn, học sinh chúng tôi cũng đến trường lại lo tiếp việc học tập.
Hằng năm, vào khoảng thời gian này niên học xem như đã gần kết thúc, học sinh chúng tôi háo hức chuẩn bị được nghỉ "xả hơi" mấy tháng hè. Nhưng năm ấy, Ban Giám Hiệu trường Trung học Cứu Thế nơi tôi đang theo học, các cha nhà dòng (LM. Phạm Huy Lãm là hiệu trưởng và LM Thành Tâm lúc đó rất "phong độ" làm giám thị, các Ngài nay hiện vẫn ở tại nhà thờ ĐM-HCG Kỳ Đồng) cho biết những lớp lớn như chúng tôi chưa được nghỉ hè mà phải đi làm công tác xã hội tại địa phương. Sau này tôi mới biết việc này là do yêu cầu của bên chính quyền nhân dân cách mạng và tất cả các trường lân cận cũng đều thế cả.
Phải công nhận là ngày xưa học sinh chúng tôi, mặc dù đã học gần hết bậc trung học rồi mà đứa nào đứa nấy đều rất "ngố" chứ chẳng được lanh lợi như lũ trẻ con thời bây giờ, cái gì chúng cũng biết. Bởi vậy, khi nghe bác cán bộ vào trường thông báo "đi làm công tác xã hội", người lạ - việc cũng lạ, mà chẳng đứa nào dám hó hé hỏi xem đi làm việc gì, ở đâu, trong bao nhiêu ngày"
Thật ra chuyện gì cũng có căn nguyên của nó, "ngố" mới chỉ là một phần. Lý do quan trọng hơn có lẽ do vào tuổi ấy đã bắt đầu biết quan sát suy nghĩ về những gì đang diễn ra trong xã hội. Sau một loạt biến cố từ vài tháng trước và những gì được chứng kiến trong những ngày lo âu và lộn xộn vừa qua, tôi lờ mờ hiểu ra rằng cái bác "cán bộ" ấy là người nắm "quyền sinh sát" trong tay, còn mình chỉ là con nhà bên phía bị thua trận. Vì thế mà cảm thấy hơi... ngán, bác biểu sao thì cứ như vậy mà làm, chứ nào dám thắc mắc"
Cái sợ ấy cũng còn do lúc trước, thỉnh thoảng hay được nghe lõm bõm trong những câu chuyện của người về những tên "vi-xi" tức Việt cộng pháo kích vào trường học Cai Lậy, giết dân tập thể ở Huế tết Mậu Thân... đặc biệt bị ám ảnh bởi tấm áp-phích tuyên truyền của chế độ cũ, vẽ 3 tên VC đang đu đưa trên cây đu đủ làm thân cây oằn xuống nhưng vẫn không gãy nổi, vì họ quá ốm do thiếu ăn, mặt mày lại quá xấu xí v.v...
Bởi vậy, nay phải chạm trán với họ lại thấy đúng những bộ áo quần, cái nón cối cùng đôi dép râu ấy mà "thằng nhỏ" không thấy sợ mới là chuyện lạ!
Nhưng cũng may bởi chưa đến nỗi như những bậc cha chú mình, cũng vì "ngoan ngoãn" tưởng đi học tập chỉ có 3 ngày, chẳng ai buồn chuẩn bị gì mà ngờ đâu bị đưa đi "mút chỉ cà tha" đến mấy năm sau, ai còn sống mới được thả cho về. Công tác xã hội của đám học sinh chúng tôi chỉ là đi dọn dẹp đống hoang tàn đổ nát trong mấy tòa nhà trước đây là cơ quan nước ngoài, họ đã di tản và bị dân chúng tràn vào hôi của, đập phá vào mấy ngày cuối cùng tháng 4 năm ấy.
Những tòa nhà này thường là các tòa nhà nằm rải rác dọc theo những con đường Kỳ Đồng, Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng), bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm v.v...gần trường chúng tôi học.
Nhóm tôi khoảng 5-6 đứa và nhờ có mấy "tiểu thơ" tham gia nên được bố trí đi gần hơn (hồi ấy phần lớn hoc sinh quen đi bộ) đó là một căn biệt thự khá kín đáo mà hằng ngày đi học ngang nhiều năm liền chẳng bao giờ thấy mở cửa, nằm phía đối diện với trường học gần với đường Đoàn Thị Điểm (nay là Trương Định).
Khi đến biệt thự này, tôi thấy trong sân đã có khoảng chục anh bộ đội có lẽ họ cũng mới đến canh gác vài ngày trước. Sau khi trình giấy giới thiệu, họ cho chúng tôi vào làm nhiệm vụ và cứ thế mỗi sáng chúng tôi đến đó để dọn dẹp, công việc kéo dài trong khoảng mươi ngày.
Điều có thể xem là khám phá gây bất ngờ nhất cho tôi chính là những "chú bộ đội" ấy. Gọi là "chú" do quen miệng chứ thật ra họ còn rất trẻ chỉ trạc tuổi 17-18 như chúng tôi và là người miền Bắc hoàn toàn trừ anh chỉ huy lớn tuổi hơn chút. Sau mỗi buổi lao động, các bạn ra về tôi vì nhà gần bên nên thường hay nán lại chuyện trò, nhờ vậy một sự thân thiện bắt đầu nảy nở, điều mà chính tôi cũng không thể ngờ khi mới đến.
Nói thế không có nghĩa là tôi đã vội yêu Việt cộng, mà chỉ là thiện cảm về sự chất phác, hiền lành của họ do đều ở lứa tuổi học sinh, vì hoàn cảnh mà bị người lớn huy động ra chiến trường. Bản chất lương thiện của họ tôi nhận ra trong khi tiếp xúc, qua vẻ thờ ơ của họ với tài sản đồ đạc còn nguyên vẹn trong căn nhà này và cả những gì tôi đọc được trong bút ký của một vài người trong họ khi đã thân thiện hơn lúc sắp xong việc.
Những dịp chuyện trò như vậy, tôi thường hỏi thăm họ về gia đình, việc học hành nhờ vậy tôi mới biết ngoài Bắc khi ấy bậc trung học chỉ có đến lớp 10 và mấy chú bộ đội này đang dở dang lớp 6-7 đã phải bỏ học, thật tội nghiệp! Cũng nhờ có chút văn hóa ấy trong hoàn cảnh phải sớm xa nhà, sống nơi xa lạ nên ai nấy đều có vẻ thích viết nhật ký, thư từ.
Có lần tôi được cho xem một quyển sổ nhật ký nhỏ loại kẻ hàng carô, bên trong viết bằng loại mực xanh nét lớn hơn cây Pilot của tôi vì do TQ chế tạo, nhìn cũng thô hơn. Dần dần tôi cũng được mấy chú bộ đội khác cho xem nhật ký của họ, cũng vẫn những nét chữ ốm nghiêng, loại mực giống nhau và nội dung là không gì khác chủ yếu là những tình cảm nỗi nhớ gia đình, bạn bè, trường lớp v.v...
Căn biệt thự này nhờ kín cổng cao tường nên dân đi hôi của không ai biết chủ nhà đã di tản nhờ vậy đồ đạc bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Khi lên lầu trên, chúng tôi mới biết trước đây là nơi nuôi dưỡng trẻ khoảng vài chục mồ côi sơ sinh của một cơ quan từ thiện Mỹ. Đồ đạc, vật dụng mọi thứ đều để dùng cho trẻ sơ sinh rất nhiều, đẹp và còn thơm "mùi Mỹ". Ngoài ra còn nhiều loại máy móc, thiết bị và nguyên một gian thực phẩm, sữa và đồ hộp. Những đưá bé ấy có lẽ đã ra được chuyển đi từ khoảng giữa tháng 3, thời điểm chiến dịch "Baby Lift" mà có một chuyến máy bay nghe nói đã bị rớt gần cầu Bình Lợi khi vừa cất cánh khỏi phi trường TSN.
Có một điều lạ, chỉ mỗi chúng tôi là được lên trên ấy dọn dẹp, còn bộ đội chỉ làm nhiệm vụ giữ ngoài sân mà không được vào bên trong và tất nhiên chúng tôi cũng không được đem ra ngoài bất cứ món gì từ căn biệt thự này nếu chẳng được họ cho phép.
Một hôm phát hiện ra kho thực phẩm vì bị chủ nhà ngắt điện lâu nhiều thức ăn đã hư hỏng, có cái bốc mùi chúng tôi báo cáo cho họ biết và nhân tiện việc dọn dẹp chúng ra đường, chúng tôi "hí hửng" đem vài lon Cocacola xuống mời họ uống, tưởng rằng sẽ được hưởng ứng, nào ngờ còn bị la rầy "coi chừng bọn Mỹ nó bỏ thuốc độc trong đó" khiến đứa nào đứa nấy được một phen ôm bụng cười vì sự "ngây thơ trong trắng" quá sức của họ, tôi nghĩ ngay cái này chắc là do cấp chỉ huy họ bảo vậy.
Những loại nước ngọt lon này đâu có lạ gì với dân Sàigòn thời bấy giờ, nhưng có giải thích "dụ dỗ" cỡ nào mấy chú cũng nhất định không chịu uống là không. Thế là chúng tôi đành phải xin phép "xơi xả láng" vài lon mà chẳng đứa nào lăn đùng ra chết cho họ thấy khi ấy mấy chú mới chịu tin.
Và chuyện hiện tại
Thấm thoát vậy mà cũng đã 33 năm trôi qua...
Mấy anh bộ đội ngày ấy bây giờ đang trôi dạt phương trời nào, có ai trong họ leo lên cấp tướng tá hay đã giải ngũ tôi cũng chẳng rõ" Nhưng có một điều chắc như đinh đóng cột là nếu có ai trong họ nhớ lại chuyện lon Cocacola hôm ấy, hẳn sẽ tự hỏi không hiểu sao ngày ấy mình quá "thơ dại" dễ tin vào cấp chỉ huy đến thế" may mà chưa bị bỏ mạng dọc đường trong lúc còn chiến tranh vì niềm tin vô lý kiểu ấy..
Cách nay mấy hôm, tôi gặp một em nhà ở Sàigòn đang làm nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Bình Dương. Hỏi thăm về đời bộ đội mới thấy thật "hãi hùng". Chuyện sĩ quan cấp trên ăn chận ăn bớt tiền ăn hằng ngày em này cho biết "ở đâu cũng vậy". Tiền ăn mỗi người là 28 ngàn đồng / ngày, với khoản tiền ấy gia đình 4 người ở Sàigòn cũng tương đối ngon miệng. Vậy mà các em chỉ toàn cơm hẩm, rau muống tự trồng với chút thịt cá gọi là "trang điểm" mâm cơm. Chỉ khi nào có đoàn kiểm tra, quay phim chụp hình đến thì mới được một bữa ngon miệng.
Chưa hết, vì là thời bình nên thay vì cầm súng phải đi lao động theo những hợp đồng do sĩ quan cấp trên ký với những công trình xây dựng, tiền thầy bỏ túi mồ hôi đã có lính chịu.
Quốc gia nào cũng vậy, quân đội là nơi ít phải lo chuyện tiền nong nhất, nhưng VN không phải vậy. Tướng tá "kiếm chác" làm kinh tế còn dữ dằn và dễ dàng hơn doanh nhân ngoài đời nhiều vì chẳng phải cạnh tranh với ai. Tiền nong thì đã có ngân sách rót xuống hàng tháng, lao động thì đều đều hằng năm hết lớp cũ đã có lớp mới vào thay.
Một người quen của tôi ở Củ Chi mấy năm trước "được chọn" làm nhà cung cấp cấp gạo, thực phẩm cho quân trường Đồng Dù bảo phải lo lót đều đặn hằng tháng cho vị tướng chỉ huy trung tâm này mỗi tháng. Vậy tiền hối lộ ấy lấy đâu ra nếu chẳng phải là khẩu phần ăn của lính vì làm gì có chuyện dân kinh doanh mà chịu đi làm không công"
Nay mấy chục năm sau chiến tranh, những mặt trái của cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" mà miền Bắc họ tự cho là chính nghĩa ấy đã và đang lộ diện dần. Chúng tệ hơn rất nhiều so với những gì họ rêu rao và nhồi sọ như những người lính năm xưa bị. Ngày càng có thêm nhiều người nhận ra tính chất phi lý, phi nhân bản của cuộc chiến khi so sánh với hoàn cảnh tương tự của nhiều nước thuộc địa thời bấy giờ.
Như vậy dễ dàng nhận ra Hồ Chí Minh chẳng là cái "đinh rỉ" gì nếu đem so với một Mahatma Gandhi cùng thời của Ấn Độ, xét cả về mặt tài năng lẫn đạo đức cần có tối thiểu của một lãnh đạo bình thường.
Lịch sử mặc dù đã qua đi có bị ai bóp méo cỡ nào, nhưng chỉ cần chịu khó suy gẫm đôi chút cũng không khó nhận ra một vài chân lý, từ đó có thể rút ra kết luận "những lãnh tụ chết trong vinh quang, chôn cất long trọng trong những lăng mộ sang trọng hầu hết chỉ là những con người rất tầm thường, thậm chí kém cỏi"
Kinh nghiệm này rút ra chính từ cái chết của Chúa Jésus trên thập giá với tội danh "Người này tự xưng mình là vua dân Do Thái" theo cách kết tội của người La-Mã gần 2.000 năm trước, có thể dùng nó làm bài học căn bản trong đánh giá và để nhận dạng chân dung phải như thế nào mới có thể xem là lãnh tụ vì nước vì dân đích thực.
Và thật trớ trêu khi thấy, ở Nga, TQ và VN vài chục triệu sinh linh đã phải đền mạng ngoài bãi chiến trường, mất tích trong ngục tù, trại cải tạo, giữa biển khơi v.v... thay cho những Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng được tôn là vĩ đại một thời, chết trong vinh quang, mồ mả lộng lẫy!
Cần phải có cái nhìn bao quát như vậy, mới thấy cái giá phải trả cho sự hòa bình của người VN mình đã quá lớn, nó khác xa với việc chỉ mỗi một mình Mahatma Gandhi chịu thiệt mạng vì bị ám sát để giành lấy độc lập cho dân chúng Ấn Độ
Vậy giữa Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi - người đã chết thay cho hàng triệu dân Ấn vì đấu tranh chống người Anh bóc lột cũng như người Pháp với VN mình - ai xứng đáng được dân chúng tôn kính hơn ai" Vậy mà Mahatma Gandhi tuy được dân Ấn tôn là Thánh nhưng xác không ướp, nơi chôn cất chẳng phải là lăng mộ tốn kém như Hồ chí Minh.
Điều đáng nói hơn nữa là chính vì thiếu trình độ, mù quáng nghe theo lời dụ dỗ của thiên hạ mà Hồ Chí Minh chọn chủ thuyết cộng sản dùng nó để giải phóng dân tộc khỏi người Pháp, mà cho đến nay, vì sự vô phép tắc của chủ thuyết này khiến hơn 80 triệu người dân đang phải khắc phục hậu quả do chính việc đấu tranh dựa vào vũ lực để lại, đặc biệt là về mặt tinh thần đó là sự hận thù nội ngoại, sự tàn phá đạo đức xã hội, lệ thuộc vào TQ và còn bao điều bất công khác đang diễn ra khắp đất nước.
Không còn giống như những anh bộ đội tôi gặp năm xưa, dù bị nhồi sọ bởi nhiều sai lầm nhưng trong con người họ ít ra cũng còn biết sống có lý tưởng, nhờ vậy mà họ còn giữ được bản tính tử tế của một con người. Những kẻ cầm quyền hiện nay, mặc dù chủ thuyết cộng sản của họ đã bị sụp đổ hoàn toàn nhưng họ vẫn khư khư nhân danh nó để tiếp tục cai trị dân. Chẳng cần phải học cao hiểu rộng, ai cũng có thể thấy với những lãnh đạo "tầm cỡ" như vậy thì tai họa giáng xuống đất nước là chuyện khó tránh khỏi, đơn giản chỉ vì họ thiếu lòng tự trọng.
Làm người mà thiếu lòng tự trọng thì đào đâu ra nhân cách" Vì vậy tuy mang tiếng là chính quyền nhưng suy cho cùng thì họ nào có hơn gì những kẻ lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng những ngày Sàigòn lộn xộn năm xưa để đi hôi của" hơn chăng chỉ là 'hôi của có tổ chức' mà thôi.
Thời gian quả là loại thuốc đáng sợ vì nó đã làm thay đổi tất cả mọi thứ nhanh chóng, từ trong ruột ra đến ngoài vỏ.
Mỗi khi nhớ đến câu "trong lon Cocacola ấy có thuốc độc" của mấy anh bộ đội năm xưa, tôi lại mong họ, những người bạn cùng trang lứa ngày ấy, nay cũng đã hiểu ra chính những sản phẩm được bào chế từ những "Lab" hay "phòng thí nghiệm" mang nhãn hiệu "made by VC" mới là những thứ có độc dược, vì nguyên liệu làm nên chúng đều bằng sự giả dối.
Sàigòn, 30/4/2008
Alfonso Hoàng Gia Bảo