Hôm nay,  

Những Điều Chưa Biết Về Mao: Mao Trong Quan Hệ TQ - VN

20/10/200700:00:00(Xem: 12624)

- LGT: Trước sự kiện các nhà dân chủ Trung quốc, đối lập với chế độ độc đảng hiện hành ở trung Quốc do Mao dựng lên, đang khẩn trương đưa nội dung cuốn sách ''Mao - The Unknown Story'' (Những điều chưa biết về Mao) vào trong nước bằng nhiều đường, đón đầu 2 sự kiện hệ trọng trước mắt: Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung quốc dự định vào tháng 10 năm 2007 này và Thế vận hội Ôlympic - Bắc Kinh sẽ khai mạc ngày 8 tháng 8 năm 2008, xin được giới thiệu hai phần I và XIV, được ông Bùi Tín tóm tắt, rút gọn, sắp xếp lại thành hơn 10 chủ đề từ cuốn sách trên, tập trung vào những chuyện chưa được biết, vừa bổ ích vừa ly kỳ, nhằm phục vụ bạn đọc người Việt một cách gọn gàng, thiết thực.

I- Công trình biên tập đồ sộ công phu

Cuốn sách đồ sộ, khổ lớn, hơn 800 trang, mang tít ''Mao -The Unknown Story'' (nhà xuất bản Globalflair), bản tiếng Pháp ''Mao - Histoire Inconnue'' (nhà xuất bản Gallimard) tạm dịch sang tiếng Việt là ''Những điều chưa biết về Mao'' mới phát hành đầu năm 2007 đã được giới đọc sách và nghiên cứu khắp nơi rất chú ý.

Đây là một bản tiểu sử khá đầy đủ, rất độc đáo về Mao Trạch Đông, sinh tại Hồ Nam ngày 26-12-1893, một nhân vật chính trị tiêu biểu tầm cỡ quốc tế, lãnh tụ cao nhất của đảng Cộng sản Trung quốc thành lập từ tháng 7 năm 1921, đứng đầu nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa đông dân nhất thế giới tù 1-10-1949 đến khi tắt thở vào ngày 9 tháng 9 năm 1976, thọ 83 tuổi.

Cuốn sách độc đáo vì tác giả chính của nó là nữ giáo sư ngôn ngữ học trường Đại Học York ở nước Anh JUNG CHANG (tiếng Việt là Trương Nhung), người gốc Trung quốc; đồng tác giả cuốn sách là JON HALLIDAY, nhà văn, nhà ngiên cứu lịch sử của trường Đại học London, chồng bà Jung.

Trên mạng Talawas, trước đây các bạn Hoài Phi và Vi Huyền đã dịch bài viết tiếng Anh của Ronald Radosh ''Lột trần chân tướng của Mao" điểm cuốn sách trên đây, một vài báo và mạng cũng giới thiệu qua, nhưng đáng tiếc là còn sơ sài, giản đơn, so với một công trình hơn 800 trang.

Jung Chang sinh năm 1952 trong một giòng họ quý tộc ở Mãn châu, sớm tham gia phong trào cách mạng do đảng Cộng sản khởi xướng. Năm mới 14 tuổi, cô gái học sinh trung học Jung tươi trẻ, thông minh, hăng say tham gia hàng ngũ Hồng Vệ Binh của Mao Chủ tịch, sau đó bị xua đuổi về nông thôn vào trong nhà máy để cải tạo tư tưởng, dọn dẹp những đổ nát tan hoang do chính họ gây nên. Jung trở lại trường học, cặm cụi học tiếng Anh để thành cô giáo Anh văn trong trường đại học Tứ Xuyên. Thế rồi cơ duyên dun dủi, năm 1978 cô được học bổng sang Anh, gặp Jon, rồi ở lại London sinh sống và lập nghiệp.

Lần đầu tiên tôi làm quen với vợ chồng JUNG Chang - JON Halliday là vào tháng 5 năm 1995, qua một bạn trong ban tiếng Việt đài phát thanh BBC ở thủ đô London. JUNG và JON có nhã ý mời chúng tôi đến nhà riêng dự bữa cơm thân mật. Lúc ấy cuốn sách đầu tay của JUNG xuất bản cuối năm 1993 ''Wild Swans'' được dịch sang tiếng Pháp ''Les Cygnes Sauvages'' (''những con thiên nga hoang dã'') cùng với hơn một chục thứ tiếng khác, đạt kết quả đặc biệt trên thị trường quốc tế, đến nay đã bán 10 triệu cuốn. Chuyện kể tỷ mỷ, sinh động, lạ lẫm, về cuộc đời đầy bi kịch của 3 người đàn bà Trung hoa là bà ngọai, mẹ và bản thân JUNG, đượm mùi vị và mầu sắc rất riêng, đã hấp dẫn độc giả phương Tây.

Sau bữa ăn buổi gặp ấy, JUNG và JON giữ tôi lại rất khuya để trò chuyện về đủ loại tình hình, về quan hệ Việt - Trung, về sự kiện Thiên An Môn, về các nhà đối lập của 2 nước, về chế độ phong kiến châu Á... JUNG có trí nhớ hiếm có đầy hình ảnh, tác phong nhậy bén của nhà báo - mồm nói tay ghi, luôn có nhận xét tinh tế riêng. JON có dáng vẻ thâm thuý thận trọng của nhà nghiên cứu. Anh từng sống ở Liên xô, Anbani, từng thuộc trí thức cánh tả, nay đã chuyển chiến tuyến. Bản tiếng Anh tác phẩm của JUNG không thể thành và chinh phục độc giả nếu không có JON.

JUNG và JON hôm ấy đã có ý định viết về Mao. ''Hay quá! tuyệt quá!'', tôi nhiều lần thốt lên về ý định ấy. JUNG hỏi người Việt nghĩ ra sao về Mao" tôi trả lời vắn tắt: nói chung là sùng bái như sùng bái Hồ Chí Minh; có khi còn hơn; nhưng đã có thay đổi, sau khi Liên Xô tan rã, phong trào cộng sản suy thoái, sự đánh giá đầy mâu thuẫn, bấp bênh, nhiều vẻ đậm nhạt, và cả hoang mang...

JUNG và JON cho rằng phải mất 4, 5 năm để hoàn thành. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm. Đủ biết công sức bỏ ra không nhỏ, của cả 2 người. Để thực hiện ý định họ nói hôm ấy: sự thật về Mao, sự thật trên hết, sự thật trước hết, chỉ có sự thật mà thôi.

Để thực hiện phương châm ấy, JUNG và JON lao vào việc với nhịp độ kinh người. Hàng trăm chuyến đi xa. Chui vào các kho hồ sơ lưu trữ mật, ''tuyệt mật'', ''siêu mật''... ở Bắc kinh, Moscow, Berlin, Sofia (Bulgari), Washington DC, Anh, Thuỵ Sĩ... để tìm kiếm, ghi chép, chụp tài liệu hiếm quý mới, thẩm tra tài liệu cũ.

Lại còn gặp lại vài trăm, vâng chừng 2 trăm nhà chính khách, tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, nghị sỹ, học giả, ký giả, nhà hoạt động xã hội, từ thiện, tôn giáo... ở mọi khu vực, mọi nước từng có dịp gặp Mao để hỏi kỹ, ''moi'' thêm từ những chi tiết nhỏ nhất.

Cũng phải tìm gặp hàng trăm chính khách, nhà truyền thông, nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh thuộc cánh tả thời cũ, những người từng tin cậy, mê say, sùng bái, tôn thờ Mao để tìm hiểu động cơ nào thúc đẩy họ một thời mù quáng đến vậy.

Công việc sưu tầm tài liệu phong phú nhưng vất vả nhất là trên đất Trung quốc mênh mông. Một danh sách vài trăm người nữa cần gặp, phỏng vấn, gợi chuyện, ghi âm và đối chiếu sàng lọc. Bắc kinh, Thượng Hải, Hồng Công, Nam Kinh, Qủang Châu, Vũ Hán, Trường sa, Trùng Khánh, Tây An, Diên An, các tỉnh Giang Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây...

Họ là những ai vậy" Họ là con rể và cháu nội của Mao Trạch Dân, em ruột của Mao (về tên người trong bài này Mao là chỉ Mao Trạch Đông; chúng tôi dùng tên đã Việt hóa; khi chưa Việt hóa được thì dùng phiên âm la-tinh hóa). Họ là Lý Nạp (Li Na), con gái của Mao với Giang Thanh, là Lưu Tùng Lâm (Liu Song Lin), vợ của Mao Ngạn Anh con cả của Mao, là Mao Tân Vũ (Mao Xin-yu), con của Ngạn Thanh, cháu nội của Mao; là bà Trương Văn Thu (Zhang Wen-qiu) thông gia với Mao.

Đó là Lý Thục Nhất (Li Shu-yi) bạn của Mao từ những năm 1920; là Lưu Anh (Liu Ying) bạn của Mao từ những năm 1930, vợ của Lạc Phủ; là Tăng Chí (Zeng Zhi) bạn của Mao, vợ của Đào Chú;

Đó là gần 2 chục y tá, phiên dịch, bảo vệ, phục vụ gần, các cô ''trợ lý'' thân mật, trong đó nổi nhất là Trương Ngọc Phương (Zhang Yu Feng), Chương Hàm Chi (Zhang Han-zhi), Châu Phúc Minh (Zhou Fu-ming), Mạnh Cẩm Vân (Meng Jin-yun) và Đường Văn Sinh (Tang Wen Sheng, còn có tên Nancy Tang) phiên dịch tiếng Anh của Mao....

Lại còn các con cháu các cụ, trong gia đình các quan chức lớn từng phục vụ Mao, như Trần Hạo Tô (Chen Hao-su), con trai tướng Trần Nghị; Li Lisa (người Nga), vợ Lý Lập Tam; Li Inna, con gái Lý Lập Tam; Lâm Lập Hành (Lin Li-hang), con gái Lâm Bưu; Lưu Thạch Côn (Liu Shi-kun), con rể Diệp Kiếm Anh, nghệ sỹ dương cầm; Tần Tế Mã (Qin Ji-ma), con gái của Bác Cổ; Vương Đan Chi (Wang Dan-zhi), con trai của Vương Minh; Vương Quang Mỹ (Wang Guang Mei), vợ của Lưu Thiếu Kỳ; Tiết Minh (Xue Ming), vợ của tướng Hạ Long; Trương Ninh (Zhang Ning), vợ của ''Hổ'' con trai Lâm Bưu; Trương Thanh Lâm (Zhang Qing-lin), con rể của Lâm Bưu. Bản danh sách còn dài, hơn 1 trăm cán bộ, sĩ quan, các cấp, các ngành, từ nguyên uỷ viên Bộ chính trị, uỷ viên trung ương đảng, cho đến người thư ký, nhiếp ảnh, truyền tin, lái xe, nấu bếp, vệ sĩ cho các vị trên đây. Lại còn 67 người là chứng nhân sống của những sự kiện lịch sử, từng dự các đại hội đảng, từng dự cuộc Vạn lý Trường chinh, từng sống ở Diên An với Mao, từng làm việc với vợ chồng Tôn Dật Tiên - Tống Khánh Linh, từng là nạn nhân của những cuộc thanh trừng kinh khủng của Mao, từng dự các phiên toà xử lũ 4 tên, từng là Hồng Vệ Binh nòng cốt, sống sót qua những trại cải tạo của Mao...

Tác giả còn nhiều lần sang Đài loan gặp trực tiếp 14 nhân vật từng quan hệ với Mao, từ Trần Lập Phu (Chen Li-fu), bạn thân của Tưởng Giới Thạch; Tưởng Vĩ Quốc (Chiang Wei-go), con nuôi của Tưởng; những thủ tướng, bộ trưởng của Tưởng, người lái máy bay riêng của Tưởng, các bạn thân còn sống của Tưởng Kinh Quốc, con trai duy nhất của Tưởng Giới Thạch...

Thú vị nhất có lẽ là cuộc gặp Trương Học Lương (Zheng Xue Liang) vào năm 1993, một tay quân phiệt vùng Mãn Châu, từng thực hiện cuộc bắt cóc Tưởng Giới Thạch ngày 12 tháng 12 năm 1936 ở Tây An(Thiểm Tây), tưởng rằng lập công với đảng Cộng sản để rồi ngay sau đó do bị Staline phản đối (nhằm giữ vững chủ trương Đoàn kết Quốc-Cộng, thực hiện Mặt trận Thống nhất chống Nhật) Trương Học Lương đã phải đích thân cùng Chu Ân Lai đưa Tưởng trở lại Nam kinh, lại còn tự thú đầu hàng và xin nhận Tưởng là Bố nuôi(!); Trương bị Tưởng bỏ tù rồi đưa sang Đài loan giam lỏng; sau khi Tưởng chết (năm 1975), Trương được tổng thống Đài loan Lý Đăng Huy cho tự do, Trương sang sống và mất ở đảo Hawaii Hoa kỳ năm 2001, thọ 102 tuổi.

Một vài nét về công việc thu thập tài liệu công phu nghiêm chỉnh trên đây của 2 vợ chồng tác giả JUNG và JON để thấy cuốn sách về Mao là cuốn tiểu sử đáng tin cậy, với hàng nghìn nhân chứng sống, đầy ắp sự kiện cụ thể sinh động, "nói có sách, mách có chứng'' dựa vào toàn là sự thật khách quan được chứng minh chặt chẽ.

Các chế độ cộng sản hiện thực đều sống sau những bức màn sắt, đầy che dấu và lừa dối, nhờ che giấu và lừa dối.

Do đó những điều được biết cho đến nay về Mao chỉ là những điều bộ máy cai trị của đảng Cộng sản muốn tô vẽ cho người ta tin rằng đó là Mao, là Mao thật.

Qua cuốn sách này, một hình ảnh khác, khác hẳn, hoàn toàn khác về Mao được trình bày cặn kẽ, như một luận án khoa học lịch sử mới mẻ về Mao, không có nhiều nhận định và phê phán, ý hẳn các tác giả JUNG và JON muốn dành phần kết luận về nhân vật lịch sử này cho bạn đọc.

Để bạn đọc có khái niệm rõ hơn về cuốn sách đồ số này, xin thông tin thêm vài nét: cuốn sách chia ra làm 6 phần và 58 chương. Phần phụ lục 163 trang, lại còn 32 trang ảnh với 78 bức ảnh, trong đó có nhiều ảnh độc đáo, quý hiếm. Ảnh gia đình, có Mao cùng bố và mẹ, vợ thứ 2 Dương Khai Tuệ vói 2 con Ngạn Anh và Ngạn Thanh; Mao trong căn cứ đỏ, Mao ở Diên An, Mao với Trương Quốc Đào, Mao với Vương Minh, Mao cùng vợ thứ 3 Hạ Tử Trân ở Diên An, Mao đến Trùng Khánh, Giang Thanh với tướng Mỹ George Marshall ở Diên An, Mao bên Staline, Mao ôm Khrouchtchev, Mao tiếp Nixon - Kissinger, cảnh Lưu Thiếu Kỳ và vợ bị đấu tố, Diệp Quần vợ Lâm Bưu cùng 2 con Hổ và Đô Đô...

Sau bài mở đầu khái quát, sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc hơn một chục chủ đề từ ''Những điều chưa được biết về Mao''; từ Mao trong cuộc Vạn lý Trường chinh, đến Mao ở căn cứ Diên An; từ Mao trong quan hệ với Staline, đến Mao trong quan hệ với Quốc Dân Đảng Trung quốc; từ Mao trong sự biến Tây An năm 1937 đến Mao trong cuộc chiến tranh chống Nhật; từ Mao trong cuộc chuyển bại thành thắng và Nam Hạ, đến Mao trong cuộc chiến tranh Triều Tiên; từ Mao trong Bước nhảy vọt lớn, đến Mao trong cuộc Cách mạng văn hoá vô sản; từ Mao trong quan hệ gia đình, trong quan hệ tình dục, đến Mao trong những ngày hấp hối; và cuối cùng là hình ảnh khái quát của Mao qua cuốn sách, và Mao trong quan hệ Trung quốc - Việt nam.

Vì sách quá dày - 844 trang - nên chúng tôi tóm tắt, rút gọn, sắp xếp lại thành hơn 10 chủ đề trên, tập trung vào những chuyện chưa được biết, vừa bổ ích vừa ly kỳ, nhằm phục vụ bạn đọc người Việt một cách gọn gàng, thiết thực. Tôi đọc một mạch cuốn sách hấp dẫn này, rồi trở lại đọc chậm có ghi chép và suy nghĩ. Đúng là cuốn sách quốc tế của năm nay, một công trình đồ sộ, công phu, giá trị cao. Bản tiếng Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật bản, Nga... đang lần lượt ra mắt.

Cuốn sách đang được dân Đài loan nhiệt tình tiếp đón, nhưng bị cấm cửa triệt để ở Trung quốc; tất nhiên ở Việt nam nữa.

Một trùng hợp lý thú: bức ảnh to tướng của Mao ở Thiên An Môn vừa bị một thanh niên ném lên một gói sơn.

Các nhà dân chủ Trung quốc đối lập với chế độ độc đảng hiện hành do Mao dựng lên đang khẩn trương đưa nội dung cuốn sách này vào trong nước bằng nhiều đường, đón đầu 2 sự kiện hệ trọng trước mắt: Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung quốc dự định vào tháng 10 năm 2007 này và Thế vận hội Ôlympic - Bắc Kinh sẽ khai mạc ngày 8 tháng 8 năm 2008.

Người Việt nam ta, trong và ngoài nước, các đảng viên cộng sản, các bạn trẻ đều nên và cần đọc tác phẩm này về Mao, đối chiếu với những điều mình từng biết và chưa biết, sẽ nhận ra nhiều điều bổ ích, làm phong phú thêm hành trang tri thức của mình.

Đưa sự thật vào cuộc sống xã hội là vũ khí mầu nhiệm hàng đầu đột phá vào dinh lũy tư tưởng độc đoán, độc đảng, phi dân chủ, chà đạp các quyền tự do của nhân dân, mở ra con đường thênh thang của tự do, phát triển và hội nhập.

XIV- MAO với Việt nam

1-. Mao là một nhân vật không xa lạ gì với người Việt nam chúng ta. Đảng viên đảng cộng sản, cán bộ nhà nước, học sinh, sinh viên, già trẻ lớn bé đều nhiều lần nghe nói về Chủ tịch Mao Trạch Động, đồng chí Mao Trạch Đông, lãnh tụ Mao Trạch Đông, cụ Mao, bác Mao, ông Mao...với những mức độ tình cảm khác nhau.

Có thời Mao có mặt đậm nét ở nước ta. Hầu như nhà nào cũng có ảnh Mao. Ở cơ quan, ảnh lớn của Mao cạnh ảnh lớn của Staline là bắt buộc. Sách của Mao chiếm vị trí hàng cao nhất trong mọi thư viện và tủ sách. Mâu thuẫn luận, Thực tiễn luận, Trì cửu chiến, Bàn về chủ nghĩa Dân chủ mới... của Mao được coi là sách kinh điển. Rồi Mao Trạch Đông tuyển tập, Sách bìa đỏ cầm tay, huy hiệu Mao đỏ chót, nhỏ hay có khi to bằng miệng bát có mặt khắp nơi.

Biết bao bài thơ ca ngợi Mao, từ Tố Hữu, đến Hoàng Trung Thông, Bảo Định Giang, rồi Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư... Mao là mặt trời, là cứu tinh, là ngôi sao sáng nhất, là cây đại thụ, là ngọn hải đăng, là người Ông hiền từ, là người Bác nhân ái, là vị lãnh tụ anh minh. Đoàn nhà văn Việt nam thăm Hồ Nam, đoàn Văn công quân đội sang Bắc kinh quay phim Xô viết Nghệ Tĩnh được gặp Mao, những bài báo, luận văn kể lại được nhìn thấy Mao, được cầm tay Mao, được tận tai nghe được lời Mao nói, được nhận một điếu thuốc từ tay Mao là những nỗi niềm hạnh phúc quý báu nhớ đời.

2-. Trong các cuộc chỉnh huấn, kiểm thảo, trong cải cách ruộng đất, các lớp học trưởng đảng Nguyễn Ái Quốc, lời Mao dạy về đấu tranh giai cấp, về chính quyền từ họng súng, sùng bái đấu tranh vũ trang, đề cao bần cố nông, xỉ vả trí thức tư sản không bằng cục phân... được coi là những chân lý tuyệt đối và vĩnh cửu.

Tại Đại hội đảng lần thứ II ở Việt Bắc tháng 2- 1951, ông Hồ Chí Minh từng chỉ tay lên ảnh Staline và ảnh Mao treo cao trên hội trường và nói: "2 vị lãnh tụ này của chúng ta không bao giờ phạm sai lầm, Bác có thể bảo đảm chắc chắn như thế''. Đến Đại hội đảng lần thứ III tháng 9-1960 ở Hànội, tư tưởng Mao Trạch Đông được ghi vào Điều lệ của đảng làm ''nền tảng lý luận và tư tưởng''.

3-. Trong Đại nhảy vọt của Trung quốc, ông Hồ Chí Minh là người hưởng ứng đầu tiên; ông đọc hàng ngày các báo Trung quốc, sưu tầm những tin ''hay nhất'', có nghĩa là ly kỳ, - người thường khó tin nhất -, gửi ngay sang báo Nhân dân để đăng. Như tin về nông dân xây lò cao trong sân nhà. Như bài Mao viết dạy rằng năng xuất lúa có thể tăng gấp 3 lần không khó khăn, chỉ cần giống tốt, đủ nước, đủ phân, từ nay trồng lúa năng xuất cao sẽ nhàn hạ như trồng hoa, làm vườn, diện tích có giảm một nửa vẫn thừa ăn. Một thời gian ngắn cuốn sách ''Kinh nghiệm Đại nhảy vọt của Trung quốc'' - tác giả Trần Lực (bút danh ông Hồ) - ra với số bản in cao nhất, trong đó nói về đủ thứ về sau bị coi là hoang đường, như thảm lúa năng xuất gấp 5 lần bình thường, từng đoàn văn công nhảy trên thảm lúa mà cây lúa vẫn đứng thẳng, như diệt chim sẻ bằng chiêng trống. ''Chí Minh'' có nghĩa là cực sáng mà có lúc cũng mụ mị tin vào những chuyện nhảm nhí đến vậy thì con cháu có mụ mị lầm lẫn cũng là dễ hiểu.

4-. Đọc cuốn sách của Jung và Jon về Mao, độc giả Việt nam dễ dàng đối chiếu và liên tưởng đến Việt nam, đến đảng Cộng sản Việt nam, đến những người lãnh đạo ở Việt nam vì 2 đảng đều chung một lò Đệ tam quốc tế Cộng sản mà ra, cùng coi Moscow là đất thánh của mình, cùng suy tôn Staline là lãnh tụ đàn anh, lại cùng chung nền văn hóa khổng giáo kiểu Nho gia, chung nền tảng kinh tế tiểu nông... Gần đây, trong năm 2007 này, 4 vị tứ trụ triều đình cộng sản Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, cũng như các vị cầm đầu các đại ban của trung ương đảng Hồ Đức Việt (ban tổ chức trung ương), Tô Huy Rứa (ban tuyên giáo) đều sang tận thủ đô Đỏ Bắc kinh để học hỏi kinh nghiệm đàn anh, và nhắc đi nhắc lại sẽ luôn theo gót chân những kẻ đang kế thừa Mao, đổi mới chứ không đổi màu...

5-. Hai đảng cộng sản Trung quốc và Việt nam sao mà giống nhau đến thế. Ví dụ khi Mao kể cho nhà văn và nhà báo Edgar Snow về cuộc chiến đấu rực lửa của Hồng quân qua cầu Đại độ rằng 6 hàng xích sắt lớn nối 2 đầu cầu bị nung đỏ, phía trước là các ụ súng máy không ngừng nhả đạn, mà Hồng quân vẫn bò qua, thì người cả tin nhất cũng phải thấy có cái gì không ổn, không hợp lý, không thể có thật, không thể ''nuốt trôi được''. Quả nhiên đây là chuyện Mao bịa ra, dựng đứng lên để thần tượng hóa quân lính mình. Ta có thể liên tưởng đến chuyện ở Việt nam ta, về em Lê Văn Tám ở cầu Thị Nghè Sài gòn năm 1946 đã tẩm xăng vào người thành đuốc sống để chạy thẳng vào kho đạn ở phía trong doanh trại địch cách hàng trăm thước làm kho đạn nổ tung. Câu chuyện được truyền tụng suốt nửa thế kỷ, thành kịch, tranh, thành ''vườn hoa Lê Văn Tám'', ''giải thưởng Lê Văn Tám'', để rồi cuối đời tác giả của nó phải lên tiếng cải chính là chuyện bịa 100%. Triệu triệu con người đã mụ mị, kể cho nhau chuyện phi lý: làm sao bật lửa tẩm xăng vào người thành đuốc sống mà còn có thể bước nổi đến một bước ngắn, chưa nói đến chạy hàng trăm mét.

Cũng như mới đây chuyện nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm chiến đấu một mình một súng, đọ sức một buổi với 120 lính Mỹ cường tráng, bị bắn vỡ trán còn hô 2 lần Bác Hồ muôn năm! Thật ra trong hồi ký của cô không hề có chuyện cô cầm súng, không hề có chuyện cô được huấn luyện để chiến đấu; mấy trang cuối cô chỉ tả nỗi lo sợ, làm sao bảo vệ mấy thương binh nặng trong khi cô mệt rũ đói lả, bộ đội địa phương huyện Đức Phổ bỏ chạy hết. Cứ theo như cuốn hồi ký Trâm đã nêu cao gương hy sinh tận tuỵ đáng quý rồi. Việc tô vẽ thêm nghe theo lời kể vu vơ của một anh lính Mỹ vớ vẩn nào đó để thêm một chiến công ''dỏm'' để rồi phong Anh hùng, thì thật là quá lố! Làm hại cả một tấm gương quý, làm gia đình cô khó xử, cũng làm hại uy tín Bộ quốc phòng, nhẹ dạ cả tin ấu trĩ khờ khạo đến vậy.

6-. Để có những quyết định cá nhân ngông cuồng, và bắt buộc toàn đảng phải chấp nhận những ''sáng kiến'' tối tăm của mình, Mao trì hoãn các cuộc đại hội đảng theo quy định trong Điều lệ đảng là cứ 5 năm phải họp đại hội đảng một lần; lẽ ra sau Đại hội VIII họp tháng 9-1956, thì Đại hội IX phải họp vào khoảng tháng 9-1961, Mao trì hoãn cho đến tháng 8-1969 mới triệu tập đại hội IX, nghĩa là chậm đến 9 năm. Chính trong khoảng cách 13 năm ấy, Mao tự mình đề ra những chính sách ngông cuồng ''Đại nhảy vọt'' và ''Cách mạng văn hóa" đưa đất nước vào tình trạng bi thảm.

Ở Việt nam cũng vậy, từ Đại hội đảng I (tháng 3 -1935) ở Ma Cao - Trung quốc, đến tháng 2-1951 mới họp Đại hội II ở Việt Bắc, nghĩa là cách đến 16 năm, sau đó đến tháng 9-1960 mới họp Đại hội III, cách 9 năm, rồi lại đến năm 1976 mới họp Đại hội IV, nghĩa là cách đến 16 năm. Hoàn cảnh chiến tranh không phải là lý do chính đáng, vì chiến tranh vẫn có thể và lại càng cần họp đại hội một cách thiết thực để có những quyết định sắc bén, xác thực, tập trung trí tuệ của tập thể, tránh độc đoán, chủ quan, tùy tiện.

Ở Việt nam, nếu như những vấn đề cực lớn như Cải cách ruộng đất (với đặc điểm chiếm hữu ruộng đất và phân chia giai cấp rất khác biệt ở nông thôn nước ta), cải tạo công thương nghiệp (cũng với những đặc điểm riêng ở Việt nam ta), chính sách sau kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước (đặc biệt là chính sách với chính quyền và quân đội cũ ở miền Nam) đều không có thảo luận tập thể, một hay vài vị tự cho là thông minh sáng suốt nhất, không ai bằng, còn xung quanh toàn những kẻ xu nịnh tâng bốc lãnh tụ, cúi đầu vâng dạ, làm sao đất nước không lạc hậu, dân không lầm than, để cho bi kịch thuyền nhân bi thảm xảy ra làm chấn động thế giới mà lãnh đạo vẫn cho là điều tốt, còn nhân dân bị nhồi sọ vẫn dửng dưng vô cảm.

7-. Bên cạnh Mao, những quần thần cương trực khảng khái yêu nước thương dân thì ít, cực hiếm, còn gian thần xiểm nịnh thì quá thừa. Những Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Vương Minh, Chu Đức... đều bị thanh trừng, tra khảo, đầy đọa thể xác và tinh thần đến chết thảm thương. Còn những gian thần như Lâm Bưu thì xu nịnh, tâng bốc Mao, cứu Mao khỏi nguy cơ trông thấy rồi cũng bị thải loại và bỏ chạy. Cũng như ở Việt nam, những Trần Độ, Nguyễn Hộ, Chu Văn Tấn, Dương Bạch Mai, Trần Xuân Bách, Đặng Kim Giang, những trí thức khá lớn như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo..., những văn nghệ sỹ quý tự do như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Hữu Loan, Bùi Minh Quốc, Hà Minh Tuân, Việt Phương... đều bị từ kiểm điểm, tra khảo đến hành hạ, tù đầy, quản thúc, gia đình bị đày đọa, phân biệt đối xử theo. Rõ ràng ở Việt nam cũng như ở Trung quốc, những người bị thải loại nhìn chung đều có trí tuệ, tấm lòng với đất nước và đạo đức cao hơn những kẻ cầm quyền. Thiệt hại cho quê hương, đất nước không sao kể xiết.

8-. Cho đến thời kỳ đổi mới hiện nay, ở Trung quốc và Việt nam vẫn còn những kẻ cơ hội sùng bái Mao và chế độ độc đảng, dị ứng với những giá trị của thời đại. Họ đàn áp những chiến sỹ dân chủ, bỏ tù những chiến sỹ dũng cảm dám đứng dậy đòi tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do bầu cử cho nhân dân. Điều rất đáng trách là vẫn còn những kẻ tự nhận là trí thức mà còn mụ mị làm thầy cãi cho chế độ độc đảng tệ hại kiểu Mao.

Tiêu biểu gần đây là Phạm Toàn nào đó viết bài trên Talawas lập luận rằng chớ nên đòi quyền dân chủ vội, hãy đợi 15, 20 năm nữa. Anh ta lại còn như thích thú lấy mấy cái trung tiện (đánh rắm) hôi hám làm bài học chính trị nhớ đời của mình; dân chủ hóa cũng như trung tiện(!), phải chờ cho đến đúng lúc, không sớm quá, không muộn quá. Cái gian xảo của anh trí thức ''dỏm'' này là đưa một hiện tưởng thuộc bản năng hoàn toàn sinh lý áp dụng vào một vấn đề thuộc trí tuệ sáng tạo trong lãnh đạo chính trị. Sự mụ mị đến tận cùng dơ dáy về trí tuệ và nhân cách! Mà hình như còn là nhà sư phạm! Anh ta hoàn toàn vô cảm không thấy trì hoãn trả lại tự do, dân chủ, trì hoãn luật pháp chỉ một ngày thì hàng triệu người dân bị khổ cực oan ức ra sao. Một anh trí thức mụ mị coi Mao là thần tượng ắt bệ rạc như thế.

9-. Điều quan trọng hơn nữa với bạn đọc Việt nam khi nghiền ngẫm về cuốn sách của Jung và Jon là cái mô hình quản lý xã hội mà Staline và Mao đã chọn sau Cách mạng tháng mười - 1917 ở Nga và sau 1-10-1949 ở Trung quốc, đồng thời ứng dụng mô hình ấy ở Việt nam và hơn 10 nước ''xã hội chủ nghĩa'' khác ở Đông Âu, Mông cổ, Bắc Triều tiên, Cuba, cái mô hình ấy liệu vẫn còn sức sống nào, dù có cải tiến chút ít"

Đặc điểm của cái mô hình ấy là: duy nhất một đảng cộng sản thống trị xã hội không chia sẻ với một đảng phái nào khác; được gọi là độc quyền đảng trị; thực hiện công nghiệp hóa vội vàng gấp gáp, lấy công nghiệp nặng làm trung tâm; hạn chế sở hữu cá nhân, tiêu diệt quyền tư hữu; nghiêm cấm tụ do báo chí và thủ tiêu quyền tụ do tín ngưỡng. Thủ tiêu nền văn hóa truyền thống dân tộc, thực hiện văn hóa vô sản, thực tế là nền văn hóa cổ xúy đấu tranh giai cấp tàn bạo, đẫm máu, đầy bạo lực, bất công.

Cả mô hình này đã đổ vỡ, phá sản tận gốc ở Liên xô; Staline đã bị hạ bệ, bị cả thế giới và dân Liên xô nhận ra là kẻ sát nhân tàn bạo hơn phát xít Hitler, nay đến lượt Mao đang được dân Trung quốc và thế giới nhận định lại cho thật đúng với thực tế. Các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung quốc có thái độ nửa vời, đổi mới chút ít về chính trị và văn hóa, đổi mới nhiều hơn về kinh tế, nhưng vẫn duy trì chế độ độc quyền đảng trị. Họ không dám hạ bệ Mao, họ đưa ra luận thuyết: ''Mao có 2 phần đúng, một phần sai'' có nghĩa về cơ bản vẫn là nhân vật lịch sử có nhìêu thành tích và cống hiến. Công trình của Jung và Jon chính là một công trình khoa học lịch sử đồ sộ, đáng tin cậy, chứng minh Mao là một nhân vật hoàn toàn tiêu cực, là kẻ giết người hàng loạt, là tên đao phủ sô 1 trong lịch sử loài người, là tên dâm loạn, kẻ vô đạo đức, đầy thú tính, chịu trách nhiệm về cái chết của 70 triệu sinh mạng Trung quốc và các nước, trong đó có nhân dân Việt nam, Triều tiên, Cambốt, Lào, Mông cổ, Tây tạng... Cuốn sách đang đi dần, ngấm dần vào nhận thức của hàng tỷ nhân dân Trung Hoa, lay động lương tri và trách nhiệm của họ đối với hiện tại và tương lai đất nước Trung hoa. Đây có thể là cuốn sách có sức lôi cuốn và lay động sâu rộng nhất trong lịch sử hiện đại của Trung quốc. Jung và Jon đã làm nên một việc tốt đẹp và cao quý, lại rất thiết thực..

10-. Cuốn sách cho ta bài học lớn. Hãy tìm cho ra sự thật. Hãy cùng nói lớn lên sự thật. Sự thật và nhân dân quý hơn tất cả, đáng trọng hơn tất cả. Dù là Staline, dù là Mao, dù bất cứ ai khác một thời được nể trọng, được sùng bái cũng phải đặt dưới nhân dân. Nhân dân nuôi sống chúng ta. Nhân dân làm nên lịch sử. Cuộc sống tự do hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao quý nhất. Kẻ ngự trị trên đầu nhân dân, đẩy dân vào lầm than tủi cực chết chóc không thể là người tốt, đáng kính được. Phải biết hoài nghi một cách khoa học. Tự mình tập độc lập suy nghĩ, tự tìm ra sự thật và chân lý cho mình, cho đồng bào mình. Jung và Jon đã lật nhào thần tượng, không chửi bới, không thóa mạ, không đao to búa lớn. Lời lẽ ôn tồn, đưa ra nhân chứng, bằng chứng, để cho bạn đọc suy nghĩ và kết luận.

11-. Cuốn sách một số lần nói đến Việt nam. Đến Hồ Chí Minh gặp Mao và gặp Staline ở Moscow cuối năm 1949. Tác giả kể rằng cuối đời mình, Mao tỏ ra hài lòng với Chu Ân Lai ngay khi Chu đang bị bệnh ung thư hành hạ, vào cuối năm 1974, Chu vẫn chỉ đạo việc cho quân đánh chiếm đảo Hoàng Sa (Paracels) do quân đội Việt nam cộng hòa ở miền Nam đóng giữ, trước khi quần đảo này kịp rơi vào tay các đồng chí của họ ở Bắc Việt nam.

Chỉ một nét ấy thôi là đủ để thấy rõ và sâu tham vọng của Mao, của Chu, của Đặng Tiểu Bình đối với Việt nam ta. Chưa nói đến chuyện 5 năm sau đó, Đặng xua quân vào 6 tỉnh miền Bắc giáp giới với Trung quốc tàn phá tan hoang từ nhà ở của dân, phá tan từ giường tủ, nồi niêu, bát đĩa cho đến nhà máy, trường học, bệnh xá, cầu cống, đường sắt... đến hàng vạn xác chết đồng bào và chiến sỹ ta; vậy mà đảng vẫn không cho nhắc đến những ngày ''kỷ niệm đen tối'' hằng năm này, không cho đặt vòng hoa trước các mộ liệt sỹ, sợ làm phật lòng các đồng chí Trung quốc đàn anh.

Jung và Jon gợi ý cho người Việt ta một suy nghĩ sâu xa, ta được hưởng lợi gì khi suy tôn Mao làm lãnh tụ chính trị và tinh thần, khi lấy tư tưởng Mao làm nền tảng, để đến bây giờ vẫn tôn những người kế thừa Mao là đồng chí, là anh em, là nguồn kinh nghiệm quý.

Cuốn sách của Jung và Jon nhắn nhủ người Việt chúng ta rằng: người Trung quốc chúng tôi đã nhận ra bộ mặt thật của Mao rồi đó, dù cho những người cầm quyền ở Bắc kinh vẫn còn giả đui giả mù. Mao thực sự chịu trách nhiệm về cái chết của 70 triệu sinh linh, trong đó có hàng triệu đồng bào Việt nam của các bạn rồi đó. Các bạn có nên tiếp tục theo tư tưởng của Mao, mô hình quản lý xã hội của Mao, vừa gia giảm lại vừa giữ gìn học thuyết Mao, phi Mao hóa một cách nửa vời, vừa nói dân chủ vừa giữ độc quyền một đảng, vừa nói dân chủ vừa cấm tư nhân làm báo, ông Nguyễn Minh Triết nói y như Hồ Cẩm Đào, ông Nguyễn Tấn Dũng nói y như Ôn Gia Bảo, có nên như vậy mãi chăng"

Cuốn sách này, các đảng viên cộng sản Việt nam cần đọc, trí thức Việt nam cần đọc, tuổi trẻ Việt nam cần đọc. Những người lãnh đạo, cầm quyền cần đọc. Để rồi tìm cho ra sinh lộ cho nước ta, cho dân ta.

Giữa lúc một số trí thức văn nghệ sỹ có tâm huyết đề ra tổ chức một cuộc trao đổi về tình hình và lối ra cho dân tộc ta, khởi đầu bởi các bạn Bùi Minh Quốc, Hà Sỹ Phu, Lê Hồng Hà, Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Mai Thái Lĩnh... cuốn sách ''Những điều chưa biết về Mao" ra mắt thật đúng lúc, vì mối quan hệ Việt - Trung luôn có ý nghĩa quyết định đối với quá khứ, hiện tại và tương lai của Việt nam ta. Độc lập, tự chủ, chủ quyền toàn vẹn, quan hệ hợp tác bình đẳng, hội nhập trọn vẹn với thế giới dân chủ văn minh phải chăng là con đường phải theo của nhân dân ta trong quan hệ Việt - Trung. Từ bỏ dứt khoát thái độ sùng bái, phụ thuộc, bất bình đẳng, quỵ lụy đàn em, để bị lấn lướt hiếp đáp miệt thị, thiệt hại đủ đường và không sao lường hết...

Khi biết và đọc những bài này, từ trong nước một số người còn nặng lòng với ''bác Mao'' sẽ lại vu cáo tôi là theo lập trường phản động, bôi xấu đảng và nhà nước ta, rồi lải nhải là tôi bất mãn, phá hoại. Xin thưa cả làng: tôi cất công phỏng dịch và tóm tắt công trình này chỉ vì lòng ngay dạ thẳng, vì thương dân mình chưa có tự do, yêu đồng bào mình chưa hoàn toàn giải thoát khỏi nạn độc quyền đảng trị, xót xa với tuổi trẻ mình còn bị mê hoặc, nên quê hương ta vẫn hèn kém so với thiên hạ. Cái nhục lớn này toàn dân ta hãy tỉnh dậy. Cuốn sách này là lọai sách thức tỉnh. Cần và quý lắm.

Các bạn hãy tìm đọc toàn bộ cuốn sách đồ sộ, phong phú, biên tập cực kỳ công phu, với tâm huyết tràn đầy này. Không gì thay được nguyên bản. Trong khi chờ đợi, xin hãy vui lòng với bản phỏng dịch và tóm tắt trong 14 bài này, tôi làm gấp trong 3 tháng qua, miệt mài, say mê, ở tuổi 80, không tránh khỏi sơ xuất, xin được miễn thứ.

Một số tên Trung quốc trong sách này, là do anh Phùng Nguyên ở Paris phiên âm giúp ra tiếng Việt, xin cám ơn anh.

Xin chân thành cám ơn các bạn.

Paris; tháng 10-2007.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.