2010: Trọng Tâm Kinh Tế Thế Giới Đang Dời Khỏi Âu Mỹ"
Thanh Hà RFI - Nguyễn Xuân Nghĩa
Với Quốc hội mới, tình hình sẽ khá hơn...
Khối euro đang trực diện với hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi đồng tiền chung ra đời. Hoa Kỳ vẫn lấn cấn với tỷ lệ thất nghiệp gần 10%. Trọng lượng kinh tế của các nước đang trỗi dậy ngày càng lớn.
Ngược thời gian trở về với mùa hè năm 2007, khi toàn cảnh kinh tế thế giới còn rất tươi sáng, và tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu đạt đỉnh cao 5% thì cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime đã bùng nổ. Tiếp theo đó đến tháng 9/2008, thị trường tài chính lớn nhất thế giới Wall Street đã trải qua một trận đại hồng thủy với vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers và từ đó đén nay thì có thể nói hai chữ «khủng hoảng» gần như được gắn liền với các bài phân tích về kinh tế: cộng đồng quốc tế đánh mất 0,7% GDP trong năm 2009. Riêng đối với năm nay, chỉ số này đã tăng trở lại được gần 4%, cao hơn nhịp độ trung bình của thế giới trong ba thập niên vừa qua (GDP toàn cầu tăng trung bình 3,5% trong giai đoạn 1980-2009). Nhưng khác hẳn với giai đoạn tiền khủng hoảng- trước 2008- các động cơ chính của con tàu kinh tế thế giới không còn được đặt tại Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản mà đã được dời về khu vực các quốc gia đang trỗi dậy. Trong số này đứng đầu là Trung Quốc và Brazil.
Với trên 2600 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc dư thừa phương tiện để «cứu nguy nhiều tập đoàn» của châu Âu và Mỹ lâm nạn. Chỉ riêng đối với ngành công nghiệp xe hơi, năm nay, hai «con chim đầu đàn» của Âu Mỹ là Volvo và Ford đều đã mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Trung Quốc. Lại cũng Bắc Kinh đã tung tiền mua công trái của Nhật Bản : trong sáu tháng đầu năm, Trung Quốc mua 15 tỷ euro công trái của Nhật. Quê hương của ông Đặng Tiểu Bình gần như khiêu khích phần còn lại của thế giới với tỷ lệ tăng trưởng trên dưới 10%.
Trong lúc Hoa Kỳ và châu Âu đau đầu vì vấn đề nhập siêu, thì bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nội trong tháng 11 vừa qua, cán cân thương mại Trung Quốc thặng dư gần 23 tỷ đô la.
Về phần ông khổng lồ của châu Mỹ La Tinh là Brazil, thì nền kinh tế đang vươn lên này tạo thêm 2 triệu rưỡi việc làm trong 10 tháng đầu năm, thành tích chưa từng thấy này làm 19 nước còn lại trong khối G20 phải ganh tị. Song song với thành quả kinh tế, Brazil còn là một trong những quốc gia hiếm có trên thế giới có thể tự hào là đã đưa 20 triệu dân ra khỏi cảnh bần cùng trong vỏn vẹn chưa đầy một thập niên.
Tại châu Âu, sau khi tuột dốc không phanh vào năm ngoái, để thất thoát hơn 5% GDP, kinh tế Đức trong năm nay đã lấy lại phong độ một cách hết sức ngoạn mục : tổng sản phẩm nội địa tăng 3,4% nhờ vào ngành xuất khẩu rất năng động bất chấp tỷ giá đồng euro bị coi là quá cao so với đô la và yen. Thế nhưng trong toàn khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu thì nước Đức của thủ tướng Merkel cùng với Ba Lan gần như là những ngoại lệ.
Khối euro trong năm nay đã phải trực diện với hai cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng của Hy Lạp và Ailen phải thận trọng trước hiện tượng dầu loang từ Athenes và Dublin đến những mắt xích yếm kém nhất trong khối như là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ý.
Nhìn sang bên kia Đại Tây Dương, tại Hoa Kỳ, vấn đề «cơm áo gạo tiền» đã cướp mất đa số của Đảng Dân chủ ở Hạ Viện. Về mặt kỹ thuật thì nước Mỹ đã thoát khỏi khủng hoảng và quay trở lại với con đường tăng trưởng, thế nhưng đó là một tỷ lệ tăng trưởng èo uột và nhất là không đả thông bế tắc trên thị trường lao động.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California phác họa toàn cảnh chung trong năm 2010 của siêu cường kinh tế số 1 thế giới :
Nguyễn Xuân Nghĩa: "Riêng kinh tế Hoa Kỳ hồi phục quá chậm. GDP sụt hơn 4% vì 18 tháng suy trầm thì vẫn chỉ tăng được có từ 1 đến 2%. Cả năm nay thất nghiệp mấp mé 10% và hiện nay là 9,8% dân số lao động. Trong số hơn 15 triệu người thất nghiệp có sáu triệu bị mất việc trên sáu tháng và đáng chú ý nhất: thành phần mất việc lại là người có chuyên môn và lợi tức hạng trung lưu, loại nhân viên cổ cồn áo trắng chứ không chỉ có công nhân áo xanh như trước đây. Song song, tài sản của nhiều người là ngôi nhà thì sụt giá vì nạn bể bóng gia cư từ năm 2006. Năm qua còn mất thêm hơn 4%. So với đỉnh cao năm 2006 thì mất một phần tư. Vì vậy, đa số đều thấy là mình nghèo đi".
Vì muốn đem lại một vài điểm tăng trưởng mà cả chính quyền Bush trước đây lẫn chính quyền Obama kể từ đầu 2009 đã không ngại tốn kém để «hà hơi tiếp sức» cho hệ thống kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa điểm lại những nỗ lực của chính quyền liên bang:
"Các định chế hữu trách đều áp dụng mọi biện pháp kinh điển như tiền tệ và ngân sách mà chưa công hiệu. Về tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt lãi suất tới số không và giữ nguyên ở đó đã tròn hai năm rồi. Đây là chuyện cực kỳ bất thường. Bất thường hơn nữa là Ngân hàng Trung ương còn in tiền, bơm bạc vào kinh tế hai lần liền, lần trước là hơn hai ngàn tỷ đô la, và lần thứ hai là thêm 600 tỷ trong tám tháng, kể từ đầu tháng 11.