Cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Henry Paulson: 25% Thất Nghiệp, Nếu Không Cứu AIG
WASHINGTON - Bộ trưởng ngân khố Timothy Geithner bị các nhà lập pháp của cả 2 đảng đả kích về vai trò của ông trong việc cứu nguy đại công ty bảo hiểm AIG bằng trên 180 tỉ MK lấy từ quỹ thuế của công dân.
Công chúng cũng tỏ ý bất bình về lương và bổng của các viên chức ngân hàng khi Wall Street bắt đầu hồi phục giữa lúc tỉ lệ thất nghiệp còn ở mức 10%.
Dân biểu DC Marcy Kaptur của Ohio tuyên bố: bộ trưởng Geithner có vẻ gắn bó với các tập đoàn tài chính hơn là người thọ thuế khi là thống đốc chi nhánh New York của Quỹ dự trữ liên bang.
TT Obama chọn ông Geithner làm bộ trưởng ngân khố và bổ nhiệm ngày 24-11-2008. Nhưng, ông Geithner cả quyết: hậu quả sẽ là tai hại nếu không cứu nguy công ty bảo hiểm lớn nhât nước. Ông Geitner tiếp lời "Tôi không thấy lựa chọn nào tốt hơn vào thời điểm ấy".
Vấn đề của ủy ban Hạ Viện là phải thu hồi tài trợ cứu nguy. Dân biểu CH John Mica nhấn mạnh: ông Geithner có trách nhiệm về quyết định sai lầm, nếu không cũng đã dự phần.
Cùng ngày Thứ Tư, thống đốc Ben Bernanke khẳng định bản thân ông không trực tiếp can dự các thương lượng có liên quan với các chi trả của AIG với các đối tác gồm Goldman Sachs và 1 số tập đoàn tài chính. Theo lời ông, các thương lượng ban đầu đuợc thực hiện bởi các viên chức của chi nhánh Quỹ liên bang New York. Ông Bernanke nói ông không có liên quan với các thảo luận xoay quanh các tiết lộ về AIG trong năm qua.
Cựu bộ trưởng ngân khố Henry Paulson cũng không nhận có liên quan.
Trong khi đó một bản tin khác của MarketWatch cho biết rằng hôm Thứ Tư, đối diện với sự chỉ trích tại Điện Capitol Hill, cựu Bộ Trưởng Henry Paulson bảo vệ cho quyết định của ông trong việc tài trợ 182 tỉ đô la tiền kích cầu cho công ty bảo hiểm AIG, với biện luận rằng tỉ lệ thất nghiệp sẽ dễ dàng tăng lên tới 25% nếu không cứu nguy công ty AIG.
Ông Paulson, người điều trần tại Quốc Hội hôm Thứ Tư, nói rằng, “Nếu hệ thống [của AIG] sụp đổ thì hàng triệu đô la tiết kiệm bị mất. Các công ty kỹ nghệ lớn nhỏ sẽ không thể nào có lời và họ không thể nào có tiền để trả lương cho nhân viên, điều này sẽ như cơn sóng cuốn trôi nền kinh tế.”