Thư Tiền Tuyến: Khinh Binh Diệt Chốt
Ảnh của Nguyễn Ngọc Hạnh.
(Trích KBC Hải Ngoại số 40, ngày 1 tháng 5 năm 2009)
Dakto, ngày... tháng... năm...
Gởi lời thăm Chút Em,
Lâu lắm rồi không viết thơ thăm Chút Em, hổng biết... ấy có trông không!" Vì không viết thơ nên Tư Báo thấy mình thiêu thiếu cái gì đó, nhơ nhớ cái gì đó.
Mà nếu cứ kéo dài hoài cái thiêu thiếu gì đó, kéo dài hoài cái nhơ nhớ gì đó thì chịu hổng nổi, nên mới... xâm mình viết cho Chút Em cái thơ này để hỏi thăm... ấy có được khỏe không, có gì vui không.
Phần Tư Báo thì cũng một ngày như mọi ngày thôi, nghĩa là cũng ở miết trong rừng làm bạn với lương khô gạo sấy, làm bạn với nước suối nước sông mà đánh giặc.
Chút Em nhớ không, hồi lâu rồi Tư Báo ăn chè đậu ván mà Chút Em bán đó, thấy nó ngon lắm. Vì ngon quá nên cư trưa trưa là... ăn, cứ xế chiều là... ăn -- ăn như ăn để... trừ cơm vậy -- riết rồi ghiền hồi nào hổng hay. Tư Báo hỏi “Chớ...Chút Em bỏ cái giống gì trong đó mà chè ngon quá dzậy"”, Chút Em chỉ cười cười không nói, chắc sợ mình... ăn cắp nghề chớ gì. Nói có trời đất... Đây hổng dám ăn cắp nghề của đó đâu nghen.
Nhớ có lần, lừa lúc Chút Em đưa chén chè cho Tư Báo, thay vì bưng chén chè thì Tư Báo lại nắm... ngón tay út của Chút Em. Hoảng quá Chút Em định rút tay lại nhưng không dám rút vì sợ rớt chén chè đó, nhớ không! Sau lần đó, biết có giận gì không mà cả mươi ngày sau chẳng thấy Chút Em đi ngang qua nhà Tư Báo nữa, làm mình tự... giận mình hết sức. Thiệt tình!
Phải lâu lắm Tư Báo mới làm quen được với Chút Em. Tư Báo thấy vui trong bụng quá chừng. Đến giờ mình vẫn còn nhớ rõ lắm cái khuôn mặt “ưa nhìn làm sao” của Chút Em đó nghen, thấy... dễ ghét quá đi. Nhớ luôn gánh chè nhỏ và ngon quá chừng chừng của Chút Em luôn đó. Bây giờ ở trong rừng này làm sao thấy được mặt và ăn được chén chè của Chút Em đây. Thiệt... tức bắt cành hông luôn vậy đó.
À, Chút Em có biết tại sao Tư có cái tên là Tư Báo không. Là vầy nè, năm nào đó Tư quên mất rồi, Tụi Vi Xi tấn công cái làng nhỏ xíu của mình, chúng đốt phá nhà cửa, chùa chiền, nhà thờ, hăm dọa dân làng. Ba của Tư cùng hai chú nữa cũng là Nghĩa Quân trong làng bị chúng bắt đi biệt tăm biệt tích từ năm đó, chẳng biết sống chết ra sao. Làng bị mất an ninh, má với ba anh em Tư phải chạy về thị xã ở trong trạm tiếp cư của chính quyền.
Nhà Tư nghèo lắm, má và anh chị của Tư phải bương ra đi làm, làm gì cũng được để kiếm sống. Còn Tư thì phải nghỉ học từ cuối năm Đệ Lục để đi bán báo dạo kiếm tiền phụ giúp má mình. Cứ sáng sớm là Tư đến nhà sách lãnh báo từ Sài Gòn mới gởi tới, rồi đi rao bán khắp thị xã. Hồi đó mấy đứa con nhà nghèo cùng tuổi với mình thì phần đông đi bán bánh mì, Tư chọn nghề bán báo để khỏi “trùng nghề” với tụi nó. Cũng may là chỉ có mình Tư là bán báo dạo ở thị xã mình, ai ai cũng biết nên Tư “chết” luôn cái tên Tư Báo từ đó. Chớ hổng phải Tư Báo là báo... hại, báo... đời, hay báo... cô gì đâu nghen.
Mang bị báo dày cộm bên hông, Tư rao lớn “Báo mới đê... ê... ! Báo mới nóng hổi dzừa thổi dzừa coi đê... ê... !”. Khi có tin “giựt gân” thì Tư càng rao bạo hơn, như tin “Bà lớn đánh ghen, thuê người tạt a xít vũ nữ xinh đẹp Cẩm Nhung””, “Con ma vú dài trong khám Chí Hòa”, “Bàn thờ xuống đường ở miền Trung”, “Giao tranh lớn ở Tam Biên Việt - Miên - Lào”, “Quân Lực VNCH đã tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị” ... Có tin, một chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến mình bất chấp hiểm nguy đã anh dũng bắn cháy nhiều xe tăng của địch ở mặt trận Quảng Trị, ảnh được ca ngợi và vinh danh là Chiến Sĩ Xuất Sắc. Đọc kỹ bản tin thì ra đó là anh Ba Hùng, người tỉnh mình. Hình anh ấy ở trần vác khẩu M.72 trên vai ở tư thế bóp cò với gương mặt quyết chiến đanh lại, hàm bạnh ra, coi ngầu hết sức, được in bằng màu ở trang bìa của cuốn báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, làm Tư cũng hãnh diện lây đó. Chính hình ảnh này đã khiến Tư say sưa rao lớn những tin về chiến sự và tin chiến thắng giòn giã của các anh chiến sĩ mình ở mặt trận.