Những khó khăn của tổng thống Barack Obama
Trần Bình Nam
Tổng thống Barack Obama đi tham dự hội nghị G20 tại London đầu tháng Tư (2009) với tất cả hào quang của một vị tổng thống Hoa Kỳ được lòng dân và sự ái mộ của toàn thế giới, nhất là nhân dân các nước Âu châu.
Hào quang đó đã giúp tổng thống Obama tạo được quan hệ tốt đẹp với tổng thống Dmitry Medvedev của Liên bang Nga và với chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung quốc. Đã có được những thỏa thuận đáng kể như Hoa Kỳ và Liên bang Nga sẽ mở các cuộc thương thuyết cắt giảm vũ khí nguyên tử (1), và tổng thống Obama nhận lời mời thăm viếng Liên bang Nga vào mùa hè năm nay. Đối với Trung quốc quan hệ giữa tổng thống Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng không lạnh nhạt như người ta nghĩ, và Trung quốc đã có thái độ hợp tác tài chánh để khối G20 có thể hứa giúp cho nước đang gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay vay 1100 tỉ mỹ kim, và quan trọng hơn nữa là thuận giúp quỹ IMF để IMF có khả năng giúp các nước đang phát triển.
Nhưng hào quang của chuyến công du Âu châu đầu tiên của tổng thống Obama không che dấu được những đám mây “chính trị nội bộ” đang vần vũ tại Hoa Kỳ.
Không khí tin tưởng và phấn khởi trong những tháng đầu của tổng thống Obama tại quốc nội dường như đang đi vào đoạn cuối. Báo chí bắt đầu nói đến sự chán nản đường lối “mua chuột lòng dân” (populism) của tổng thống Obama.
Một nhà kinh tế Hoa Kỳ, ông Paul Krugman, tuy không có chức phận gì, nhưng tiếng nói trung thực không úp mở của ông về các vấn đề chính trị xã hội và kinh tế đã tạo cho ông một chỗ đứng được kính nể trong giới truyền thông và giới chuyên viên. Ông Paul Krugman, giải Nobel kinh tế năm 2008 (2), giữ mục bình luận cho tờ New York Times, giáo sư đại học Princeton phê bình các chính sách kích cầu kinh tế của tổng thống Obama ngay từ những ngày đầu khi dư luận và quốc hội Hoa Kỳ còn rộng mở chờ đón thành quả của ông. Và những lời phê bình đó càng lúc càng thấy xác đáng mặc dù rất chói tai khi mới nghe lần đầu.
Ông từng phê bình tổng thống Bush trong suốt 8 năm 2000-2008, và ngay khi tổng thống Obama nhậm chức ông đã phê bình chính sách kinh tế của tổng thống Obama. Ông cho rằng cứu các ngân hàng (banks bailout) như Obama đang làm là một chính sách đi vào đường mòn. Theo ông điều cần làm là tái cấu trúc hoàn toàn hệ thống ngân hàng. Ông không tin nền kinh tế Hoa Kỳ có thể hồi phục với chính sách hiện nay. Và ông tiên đoán ngân sách kích cầu kinh tế 787 tỉ mỹ kim của tổng thống Obama sẽ không mang lại kết quả mong muốn, và vào khoảng cuối năm nay tổng thống Obama sẽ phải đệ trình quốc hội một ngân sách kích cầu khác. Lần này không có gì bảo đảm nó sẽ được thông qua, và sẽ là một vấn nạn có tầm vóc đổ vỡ.
Người ta hy vọng ông Krugman tiên đoán sai. Nhưng trong quá khứ ông từng viết những điều khó nghe nhưng về sau đều đúng, cho nên mặc dù tòa Bạch Ốc chính thức phản bác quan điểm của giáo sư Krugman là thiếu căn bản và quá khích, nhưng vẫn ngay ngáy lo rằng những gì ông tiên đoán là đúng.
Một vài trích dẫn điển hình. Qua các mục bình luận trên tờ New York Times, ngày 27/5/2005 giáo sư Paul Krugman tiên đoán quả bong bong thị trường nhà cửa sẽ sụp đổ như thị trường chứng khoán đã đổ vào cuối thập niên 1990. Ngày 22/9/2008 ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế quốc hội khẩn cấp thông qua ngân sách kích cầu 700 tỉ mỹ kim (gọi là gói kích cầu TARP – Trouble Assets Relief Program) ông viết nếu ngân sách 700 tỉ mỹ kim cứu nguy kinh tế được xử dụng như hiện nay thì nó chẳng đem lại lợi ích gì trong mục đích vực kinh tế dậy. Ngày 23/1/2009 sau khi nghe diễn văn nhậm chức của tổng thống Obama ông Krugman viết, tổng thống Obama nói nhiều về kinh tế mà không có thực chất. Và ông cho rằng tổng trưởng Tài chánh Tim Geithner không có sáng kiến gì mới, chỉ là một người đại diện cho Wall Street vào chính quyền chỉ để cứu các ngân hàng. Ngày 23/3/2009 ông viết ông Geithner chẳng cố vấn tổng thống Obama được gì ngoài chính sách vất tiền vào sọt rác (có nghĩa lấy tiền thuế của dân cứu các ngân hàng vô trách nhiệm).
Quan điểm của giáo sư Paul Krugman về kinh tế đều có tính bi quan, nhưng một câu hỏi vẫn ám ảnh mọi người “nếu nó đúng thì sao”, và ác là thời gian trôi qua các tiên đoán của ông đều đến gần sự thật hơn.
Trong gần ba tháng làm việc tổng thống Obama đã thành công phần nào tạo lại uy tín cho Hoa Kỳ trên thế giới qua các chính sách đối ngoại như sẵn sàng nói chuyện với Iran và ra lệnh quân đội không được dùng phương pháp tra tấn dưới bất cứ trường hợp và hình thức nào.
Nhưng trong nước tổng thống Obama đã làm thất vọng nhiều người vốn ủng hộ ông. Ông không thể xây dựng một thế lưỡng đảng. Đảng ông (đảng Dân chủ) nắm đa số tại quốc hội đã lấn tay ông khi thông qua ngân sách kích cầu 787 tỉ mỹ kim. Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ nghị viện là người quyết định cuối cùng cái gì có trong các bộ luật chứ không phải tổng thống Obama. Ông chống thói quen của các dân biểu, nghị sĩ đưa những chương trình lẻ tẻ (earmarks) vào ngân sách vì quyền lợi riêng cho địa phương. Nhưng ngân sách kích cầu 787 tỉ mỹ kim đầy dẫy các chương trình lẻ tẻ này.
Tuần báo The Economist vốn mạnh mẽ ủng hộ và ủng hộ rất sớm ông Obama trong cuộc chạy đua vào Bạch cung tuần này đưa ra một danh sách dài những nhược điểm của ông Obama:
Chính sách chấn hưng kinh tế chỉ là phóng bản nguyên tắc kinh tế của đảng Dân chủ và do đó thiếu tính dung hòa và độc đáo. Số tiền thật sự chi vào các chương trình chấn hưng kinh tế sẽ có tác dụng nhưng chậm. Ngân sách (budget) đầu tiên của ông đưa ra tuy có tính trong sáng (transparency) hơn các ngân sách trước đây nhưng quá lạc quan (3). Các đại diện dân cử đảng Cộng Hòa cho rằng ngân sách 2010 đã dựa vào thuế, chi tiêu quá nhiều và vay mượn quá lố. Quan trọng hơn cả ông Obama không có chính sách xử lý nhanh chóng các khoản nợ hàng tỉ mỹ kim ngân hàng không thu được (toxic assets) nên dù bơm tiền vào cứu các ngân hàng (bail out), các ngân hàng vẫn như một con bệnh liệt giường không hoạt động được.
Cho đến giờ lập trường đứng giữa để làm việc với cả hai đảng của ông Obama xem như thất bại. Tại Hạ nghị viện không có dân biểu nào bỏ phiếu cho ngân sách kích cầu 787 tỉ mỹ kim. Tại Thượng Viện chỉ có 3 Thượng nghị sĩ. Và tổng thống Obama sẽ gặp nhiều khó khăn tại quốc hội khi đưa ra bộ luật chi tiết cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe (health care reform law), mặc dù ngân sách 2010 đã dự liệu 634 tỉ mỹ kim (dùng trong thời gian `10 năm) cho kế hoạch này.