Năm 2008 và những khoảnh khắc ấn tượng
Theo AP bất chấp tình trạng ảm đạm kéo dài của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, phần đông người Mỹ vẫn đang rất lạc quan về tương lai trong năm 2009. Đại học Marist New York vừa tiến hành cuộc thăm dò với hơn 1.000 người dân Mỹ về những mong muốn của họ trong năm mới. Khoảng 64% dân Mỹ dưới 45 tuổi có cái nhìn lạc quan và hy vọng về tương lai tươi sáng, so với 52% của những người có tuổi từ 45 trở lên.
Phái yếu cũng tỏ ra tin tưởng hơn vào nước Mỹ năm 2009 so với các đấng mày râu. Khoảng 62% phụ nữ và 50% nam giới đều cho rằng sẽ có nhiều điều tốt đẹp xảy ra trong năm mới.
Cuộc thăm dò lần này cũng ghi nhận 40% người dân Mỹ cho biết họ đã đặt ra các kế hoạch nhằm thay đổi cuộc sống trong năm mới. Dẫn đầu danh sách các dự định mà nhiều người Mỹ muốn thực hiện là giảm cân, từ bỏ thói quen hút thuốc lá và tiết kiệm tiền.
Chính sự tụt dốc của nền kinh tế khiến các kế hoạch cắt giảm chi tiêu leo lên vị trí thứ ba trong số các ưu tiên hàng đầu của người Mỹ, để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi một mắt xích bị đứt thì cả hệ thống sụp đổ tan tành, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô-la Mỹ. Cuộc khủng hoảng lần này không chỉ mang tính chu kỳ theo quy luật của nền kinh tế thị trường mà có tầm vóc như cuộc đại suy thoái 1929-1933. Không còn trông đợi ở "bàn tay vô hình vạn năng của thị trường", các nhà nước đều phải nhảy vào trận, tung ra hàng ngàn tỷ đồng, mua lại cổ phần, cổ phiếu để cứu nguy các ngân hàng, doanh nghiệp.
Trải qua một năm biến động ở Mỹ, lần đầu tiên có tổng thống da màu. Sau 4 thập kỷ kể từ khi vị mục sư Martin Luther King bị ám sát vì tranh đấu xóa bỏ nạn kỳ thị chủng tộc, nước Mỹ đã bầu một người gốc Phi làm lãnh đạo, dù ông chỉ có một phần tư dòng máu da đen trong mình.
Chiến thắng đầy thuyết phục của Obama khiến cả thế giới hoan hỉ. Tiệc mừng tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ mở ra khắp nơi từ châu Phi tới châu Âu, châu Á, hứa hẹn một nước Mỹ hoàn toàn khác dưới thời lãnh đạo mới. Nó cũng trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người thiểu số.
Nhưng nhiệm kỳ của Obama chứa đầy thách thức khi ông thừa kế hai cuộc chiến còn dang dở ở Iraq, Afghanistan và nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái trước Thế chiến II. Obama còn có trọng trách lấy lại hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế.
Trong năm qua thiên tai đã tàn phá châu Á, với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc hứng chịu trận động đất mạnh 7.9 độ địa chấn chiều ngày 12 Tháng Năm, gây nên thảm họa kinh hoàng với nhiều thành phố và thị trấn vốn đông đúc gần như bị xóa sổ, những công trình xây dựng san sát phút chốc trở thành bình địa. Hơn 80.000 người thiệt mạng và 5 triệu người mất nhà cửa, cùng thiệt hại vật chất nhiều tỷ USD.
Trước đó ít ngày, một thảm họa thiên nhiên đẫm máu khác, cơn bão Nargis, cũng đánh vào Myanmar làm tan hoang cả một vùng đồng bằng rộng lớn, làm chết hơn 100.000 người, đẩy 2,4 triệu người lâm vào cảnh không nhà cửa và lương thực.
Năm mới chưa qua nhưng cuộc khủng bố đẫm máu tại Mumbai, Ấn Độ đã gây kinh hoàng cho nhiều người. Nó được ví như sự kiện 11/9 của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Vụ khủng bố của các chiến binh Hồi giáo được cho là từ Pakistan đến bằng đường biển đã cướp đi sinh mạng 195 người, đẩy mối quan hệ vốn luôn căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng lên cao.
Sau đó vài tuần đến lượt Israel tấn công dữ dội vào Dải Gaza. Ngày cuối tuần 27 tháng 12, không quân Israel bất ngờ oanh tạc các mục tiêu của nhóm chiến binh Palestine Hamas trên Dải Gaza. Chiến dịch quy mô lớn kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tính đến ngày cuối cùng của năm 2008, đã có hơn 360 người Palestine thiệt mạng. Trong khi đó, Hamas chỉ đáp trả yếu ớt bằng tên lửa tự tạo vào các thành phố vùng biên của Israel.
Tổng thống đắc cử của Mỹ gần như im lặng trước diễn biến khốc liệt tại Gaza, báo hiệu thế giới Ảrập sẽ không thể trông chờ nhiều vào chính sách hoàn toàn thay đổi của Mỹ đối với khu vực Trung Đông trong năm tới. Dải Gaza sẽ vẫn là điểm nóng của thế giới.
Một nhân tố mới trên bàn cờ quốc tế mà năm nay được nói đến nhiều là sự trỗi dậy của Trung Quốc - một nước đông dân nhất thế giới sau đúng 30 năm cải cách mở cửa đã làm nên nhiều kỳ tích đáng kinh ngạc: vọt lên hàng thứ tư thế giới về tổng sản phẩm quốc nội, hàng hai về kim ngạch xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, hàng đầu về dự trữ ngoại tệ!
Chưa năm nào như năm 2008 mà vấn đề an ninh hàng hải thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như năm nay. Khu vực ngoài khơi Somalia đang là tuyến đường biển nguy hiểm nhất thế giới sau các vụ cướp liên tiếp tại đây. Kể từ đầu năm, hải tặc đã chiếm 25 tàu đủ loại từ du thuyền sang trọng, tàu chở dầu khổng lồ cho đến tàu chở xe tăng. Hiện vẫn còn 14 tàu cùng hơn 240 thủy thủ nằm trong tay cướp biển.
Để chống lại sự hoành hành của nạn hải tặc được đánh giá là đang ở vào giai đoạn phục hưng và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Somalia, hàng loạt quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Iran và các nước EU đã triển khai chiến hạm đến khu vực.
Iran năm qua tiếp tục hâm nóng bầu không khí chính trị thế giới bằng phát triển chương trình hạt nhân bất chấp sức ép, đặc biệt là từ Mỹ và Israel, những nước tuyên bố không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự giải quyết khủng hoảng. Căng thẳng lên cao hồi trung tuần tháng 7 khi máy bay Israel tập trận quy mô, dẫn đến phỏng đoán nước này chuẩn bị tấn công Iran. Tehran đáp trả bằng cách liên tục phô trương sức mạnh quân sự và dọa sẽ hủy diệt kẻ tấn công.
Trong khi đó, vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên từng dịu đi hồi đầu năm khi nước này cam kết tuân thủ thỏa thuận về giải trừ vũ khí nguyên tử. Sự kiện mang tính biểu tượng của chính sách này là việc Bình Nhưỡng phá hủy tháp làm lạnh hạt nhân ở khu phức hợp Yongbyon. Nhưng ngay sau đó, Bình Nhưỡng lại tuyên bố tái khởi động cơ sở hạt nhân chính và cấm cửa các thanh sát viên quốc tế.
Năm 2009 chắc rằng sẽ phải gánh nặng những dư âm do 2008 để lại. Trên ngưỡng cửa của năm mới chúng ta chỉ còn biết cầu cho các quốc gia, dân tộc nhận thức được đầy đủ những mối nguy cơ đang rình rập sự sống của con người để cùng nhau vực dậy kinh tế khỏi cơn khủng hoảng; giảm xung đột và cùng nhau bảo vệ tài nguyên, môi trường cho những thế hệ tiếp theo.