I. SƠ LƯỢC VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA ANH NGUYỄN VĂN HẢI
Bị can trong Vụ án "Trốn thuế" là Nguyễn Văn Hải (bút danh trên các trang blog là Điếu cày và các bài viết là Hoàng Hải).
Anh VN Hải tham gia vào các hoạt động xã hội chính sau đây khiến nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách tước đoạt tự do của anh:
1. Thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, quy tụ các cây bút tình nguyện viết về thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại và phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân bị thiệt hại từ các chính sách trưng dụng đất đai, nhà cửa của Chính phủ.
2. Thành lập trang web mang tên "Dân Báo" đăng tải phóng sự và bài viết do những thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do thực hiện.
3. Lập blog riêng mang tên "Điếu cày" ghi lại những suy nghĩ cá nhân về thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại và sưu tập những bài viết đáng chú ý về Việt Nam.
4. Tham gia các cuộc tuần hành lên án chính sách ngoại giao gây hấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008.
II. PHẢN ỨNG CỦA NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA ANH NV HẢI
Hoạt động xã hội của anh NV Hải và những thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do chỉ đơn thuần là sự bày tỏ hòa bình quan điểm cá nhân đối những vấn đề cấp thiết của xã hội. Quyền bày tỏ quan điểm như vậy hoàn toàn hợp pháp và cần được tôn trọng.
Tuy nhiên, trong mắt nhà cầm quyền Việt Nam, các hoạt động xã hội của anh NV Hải được xem là sự thách thức quyền cai trị của Đảng Cộng Sản đối với nhà nước và xã hội, bởi lẽ họ vẫn tiếp tục duy trì cách lý giải về sự đe dọa quyền lãnh đạo [độc đoán] của Đảng Cộng Sản như hiểm họa về "an ninh quốc gia" mà mọi người dân tuyệt đối không có quyền xâm phạm.
Họ đã sử dụng bộ máy công an liên tục quấy nhiễu anh NV Hải bằng cách triệu tập anh đến đồn công an làm việc, bất chấp giờ giấc sinh hoạt bình thường của một công dân tự do, hòng tạo áp lực tinh thần để anh NV Hải chấm dứt các hoạt động xã hội của
mình.
Khi thấy không thể khuất phục anh về tinh thần, nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách bức hại anh về sinh kế vì họ đơn giản nghĩ rằng triệt hạ nguồn thu nhập chính của anh sẽ tạo áp lực về vật chất khiến anh không thể tiếp tục các hoạt động khác.
Nguồn thu nhập chính mà anh NV Hải có được là từ việc cho thuê nhà. Gần 10 năm nay anh cho Công Ty Mắt Kính Hà Nội thuê căn nhà do anh làm chủ tại địa chỉ 57/3-4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, Sài Gòn. Hầu hết những hợp đồng thuê mà hai bên ký kết đều buộc bên thuê, tức là Công Ty Mắt Kính Hà Nội, phải nộp thuế thu nhập tính trên tiền thuê. Mặc dù việc nộp thuế như vậy là nghĩa vụ của bên cho thuê, tuy nhiên luật pháp Việt Nam cũng công nhận sự thỏa thuận giữa các bên về ai là người nộp thuế.
Mặc dù có thỏa thuận như vậy giữa anh NV Hải và Công Ty Mắt Kính Hà Nội, nhưng trên thực tế bên thuê vẫn không nộp thuế từ gần 10 năm nay. Đây là sự vi phạm luật pháp và vi phạm thỏa thuận của Công Ty Mắt Kính Hà Nội, chứ không phải của anh NV Hải. Thay vì truy cứu trách nhiệm của Công Ty Mắt Kính Hà Nội, cơ quan công an Việt Nam lại tìm cách thay đổi bản chất sự việc, tìm cớ quy tội để bắt giam anh NV Hải. Họ thậm chí khuyến khích Công Ty Mắt Kính Hà Nội chối bỏ nghĩa vụ nộp thuế của mình và tìm cách đổ trách nhiệm trốn thuế cho anh NV Hải.
III. SỰ KIỆN RƯỚC ĐUỐC VÀO NGÀY 29/4/2008 VÀ VIỆC KHỞI TỐ ANH NV HẢI
Vì biết anh NV Hải từng đi đầu trong các cuộc tuần hành lên án chính sách ngoại giao gây hấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa thời gian gần đây, nên nhà cầm quyền Việt Nam rất lo ngại khả năng anh sẽ tổ chức biểu tình phản đối việc rước đuốc Olympics tại Sài Gòn vào ngày 29/4/2008.
Để loại trừ khả năng này, Công an Quận 3 TPHCM đã liên tục triệu tập anh NV Hải đến đồn công an thẩm vấn mỗi ngày từ 7giờ30 đến 23giờ, mà không cho ăn uống và nghỉ ngơi trong suốt thời gian thẩm vấn. Điều này khiến sức khỏe của anh suy giảm nghiêm trọng.
Nội dung thẩm vấn xoanh quanh hoạt động của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, trang web Dân Báo và các hợp đồng cho thuê nhà. Họ thừa hiểu rằng anh NV Hải hoàn toàn không vi phạm pháp luật trong các hoạt động xã hội và cả việc cho thuê nhà. Tuy nhiên, việc triệu tập bất chấp giờ giấc này là cách duy nhất mà họ có thể làm để "quản chế" anh.
Khoảng giữa tháng 3/2008, vì không chấp nhận cách thức thẩm vấn vi phạm nhân quyền và dân quyền của Công an Quận 3 TPHCM và trước tình trạng sức khỏe ngày một suy giảm của mình, anh NV Hải rời khỏi nơi ở để đi nghỉ dưỡng một thời gian. Điều này càng khiến sự lo ngại vô cớ của Công an Quận 3 TPHCM về việc anh NV Hải có thể tổ chức biểu tình phản đối việc rước đuốc Olympics tại Sài Gòn vào ngày 29/4/2008 càng gia tăng.
Họ điên cuồng truy tìm anh NV Hải như một tội phạm bất kể anh đang là công dân tự do trước pháp luật. Họ thậm chí vô cớ thẩm vấn gia đình và những người bạn quen biết của anh NV Hải theo cách thức vốn chỉ áp dụng với những người phạm tội đã bị khởi tố và bắt giam.
Sau hơn một tháng truy lùng với đủ mọi thủ đoạn, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt anh NV Hải vào trưa ngày 19/4/2008 tại Đà Lạt và áp giải về Sài Gòn ngay trong ngày. Lệnh khởi tố vụ án "trốn thuế" và khởi tố bị can được Viện Kiểm Sát Nhân Dân Quận 3 TPHCM phê chuẩn vội vã vào cùng ngày để hợp thức hóa việc bắt giam bất hợp pháp của công an.
Cùng với anh NV Hải, người vợ cũ của anh là cô Dương Thị Tân cũng bị khởi tố vì "đồng phạm" mặc dù cô hoàn toàn không liên quan đến việc cho thuê nhà. Mục đích đưa cô DT Tân vào vụ án này là để khám nhà và thu thập chứng cứ mà khi bắt giam anh NV Hải phía cơ quan công an hoàn toàn không có.
Ngày 21/4/2008, Công an Quận 3 TPHCM tiến hành khám nhà riêng của anh NV Hải
và nhà riêng của chị DT Tân, đồng thời tịch thu một số tài liệu và vật dụng cá nhân.
IV. BẢN CHẤT VỤ ÁN VÀ NHỮNG VI PHẠM CỦA NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM
Thực chất của vụ án này không phải là "trốn thuế" như nhà cầm quyền Việt Nam tạo dựng để bắt giam anh NV Hải. Đây là một vụ án chính trị nhằm trấn áp tiếng nói bất đồng chính kiến trong phê phán các chính sách của chính phủ và Đảng Cộng Sản. Họ đã dựng đứng những sự việc không có thật để tạo ra "chứng cứ" quy tội "trốn thuế" cho anh NV Hải.
Toàn bộ những cuộc thẩm vấn mà Công an Quận 3 TPHCM thực hiện đối với gia đình và bạn bè anh NV Hải hầu như đều tập trung vào những hoạt động xã hội mà anh làm cũng như truy tìm ai là thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do xung quanh anh.
Trước và sau khi bắt giam anh NV Hải, họ gặp gỡ những người dân sống gần nơi anh ở và giải thích rằng anh là "đối tượng phản động nguy hiểm" mà nhà nước trừng phạt. Họ trấn áp và hù dọa những người quen biết anh NV Hải rằng anh là thành viên một tổ chức phản động chống phá nhà nước, nếu không tố giác anh sẽ bị xem là đồng phạm.
Quả thật, "trốn thuế" và "phản động" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong vụ án này rõ ràng "trốn thuế" chỉ là cớ để trừng phạt điều mà luật pháp không thể cấm người dân làm, đó là tự do bày tỏ chính kiến một cách hòa bình.
Trên thực tế, cơ quan công an đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp khi bắt giam anh NV Hải như sau:
1. Nhóm bắt giữ và thẩm vấn anh NV Hải không chỉ là đội cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế mà còn có Phòng An Ninh Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ và Chống Gián Điệp (PA 35) thuộc Công an TPHCM.
Thật khó hiểu khi tội "trốn thuế" lại khiến Phòng An Ninh Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ và Chống Gián Điệp nhọc công sức điều tra thay vì chỉ để một nhóm cảnh sát chuyên môn về tội phạm kinh tế tham gia điều tra. Cần lưu ý rằng Phòng An Ninh Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ và Chống Gián Điệp của là cơ quan chủ lực trấn áp các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam trong nhiều vụ án chính trị khác tại Việt Nam.
2. Cho đến thời điểm ban hành lệnh khởi tố và bắt giam anh NV Hải vào ngày 19/4/2008, cơ quan công an hoàn toàn không có trong tay đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc cho thuê nhà giữa anh NV Hải và Công Ty Mắt kính Hà Nội, mà mãi sau khi khám xét nhà vào ngày 21/4/2008 họ mới thu được một số tài liệu nhất định. Như vậy, việc khởi tố và bắt giam anh NV Hải hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý. Điều này càng chứng minh rằng bản chất vụ án là chính trị, chứ không phải "trốn thuế" mà họ rêu rao.
V. KIẾN NGHỊ
Vì những lý do nêu trên, chúng tôi cực lực phản đối hành vi trấn áp và bắt giam trái pháp luật của nhà cầm quyền Việt Nam đối với anh Nguyễn Văn Hải. Rất mong cộng đồng quốc tế quan tâm đến vụ án này như một trường hợp điển hình về sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Nhóm bạn của Hoàng Hải và những người dân chủ