Họ là một đội khủng bố giỏi nhất từ trước đến nay từng được tổ chức Quân Cộng Hoà Ái Nhĩ Lan IRA thành lập. Mỗi người trong số đều là một tay súng cừ khôi. Bộ bốn đã được huấn luyện rành rẽ về kỹ thuật chế tạo bom trước khi đặt chân lên đất Anh vào năm 1974. Sứ mạng của họ là gieo rắc sự kinh hoàng trong lòng người dân Anh qua những hành động phá hoại và ám sát giết người thật tàn bạo, ngẫu nhiên, không cần lý do chính đáng!
Đội khủng bố IRA bao gồm Martin O'Connell, Hugh Docherty, Edward Butler và Harry Duggan, đặt chân đến thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc vào năm 1974. Họ bắt đầu hăm hở bắt tay ngay vào công việc. Dường như vụ tấn công đầu tiên của họ diễn ra tại một quán rượu ở vùng Caterham. Sau đó, vào ngày 11/10/1974, họ thẩy bom vào hội quán Vicroria Service Club và The Army And Navy Club ở trung tâm thủ đô Luân Đôn.
Đội khủng bố đã thành lập ba căn cứ hoạt động khác nhau, một nằm trên đường Fairholme Road, vùng Hammersmith, căn cứ thứ nhì ở đường Crouch Hill, vùng Hornsey, và căn cứ thứ ba trên đường Milton Grove, thuộc vùng Stoke Newington. Họ chọn Milton Grove làm nơi chế tạo những quả bom giết người chứa đầy mảnh sắt vụn có tầm mức sát thương thật khủng khiếp.
Thông thường, những trái bom được chế tạo bằng cách nhét đầy chất nổ, đánh cắp được từ xứ Cộng Hoà Ái Nhĩ Lan, cùng với bi sắt, đinh năm phân và bù loong lớn vào một chiếc bị xách tay. Khi nổ, miểng sắt, bi sắt và đinh bay tứ tung, xé nạn da thịt những nạn nhân đứng gần, gây ra những vết thương thật ghê rợn và chết người.
Tuy vậy, không phải vụ tấn công nào đội khủng bố cũng thành công. Có nhiều quả bom đặt sẵn của họ đã bị khám phá kịp thời và bị đội tháo gỡ bom của cảnh sát Anh vô hiệu hóa trước khi phát nổ.
Một quả bom đặt tại trạm hỏa xa Aldershot vào ngày 20/12/1974, với mục đích giết các binh sĩ Anh được nghỉ phép, đang trên đường về thăm nhà trong dịp Giáng Sinh, đã bị khám phá và tháo gỡ kịp thời.
Từ trái bom gỡ được ấy, các chuyên gia pháp y tìm thấy nhiều dấu tay thật rõ ràng, và khám phá ra kỹ thuật làm bom của bọn khủng bố. 14 tháng sau, nhà chức trách mới khám phá, những dấu tay trên trùng hợp với dấu tay của băng khủng bố đã cố thủ tại đường Balcombe Street.
MỘT CẢNH SÁT VIÊN BỊ GIẾT
Vào mùa xuân năm 1975, nhà chức trách Anh Quốc đã gần tóm trọn ổ đội khủng bố. Có hai thám tử chuyên biệt chống khủng bố đang theo dõi một nghi can trên đường Fairholme Road. Đến khi hai thám tử tiến đến định bắt giữ nghi can, bất ngờ nghi can móc súng bắn hai thám tử và chạy biến. Một cảnh sát viên tập sự mới ra trường tên là Stephen Tibble, 21 tuổi, lúc ấy đang đi chơi ngoài giờ làm việc vô tình chạy ngang qua đường FairHolme, thấy sự việc diễn ra liền chạy đuổi theo định bắt tên tội phạm đang đào tẩu, nhưng cuối cùng bị quân khủng bố bắn chết.
Sau đó, cảnh sát liền tận lực điều tra ngay tức khắc và chẳng bao lâu đã khám phá ra căn flat nằm trên đường Fairholme road chính là nơi quân khủng bố ẩn trú. Nhưng đến khi đó đã quá trễ vì quân khủng bố đã cao chạy xa bay không để lại một vết tích gì được coi là đáng giá.
Trong vòng 14 tháng sau, đội khủng bố tung hoành khắp Luân Đôn và miền nam nước Anh như chỗ không người, ám sát bảy nhân mạng và gây thương tật cho nhiều người khác, trong một chiến dịch khủng bố to lớn và rộng khắp, bao gồm hơn 40 vụ tấn công bằng súng và bom.
Nạn nhân của họ bao gồm: một chuyên viên tháo gỡ bom, bị đặt bẫy dẫn dụ vào tử địa; một chuyên gia về bịnh ung thư rất nổi tiếng, bị giết vì một trái bom được gài với mục đích giết người hàng xóm của ông; và một trong những nhà xuất bản cuốn Guinness Book of Records, cuốn sách chuyên liệt kê mọi loại kỷ lục trên thế giới. Ông này bị giết vì đã dám tự đứng ra treo giải thưởng $50,000 bảng Anh cho bất cứ ai giúp bắt được chúng!
Trong các vụ tấn công bằng súng máy và bom tại các nhà hàng và khách sạn ở Luân Đôn theo kiểu bọn găng tơ Chicago, chúng bắn ngã bất cứ ai đang hiện diện tại phạm trường, bất kể đàn bà, trẻ em hay người vô tội.
Chúng từng ám sát hụt cựu thủ tướng Anh là Edward Heath đến hai lần. Có một lần ông thủ tướng thoát nạn hoàn toàn là do sự may mắn, vì trái bom đặt dưới sàn xe ông bị tịt ngòi, không nổ!
Chính vì sự thành công vượt bực của sở Scotland Yard trong việc vô hóa hóa nhiều quả bom đã khiến bọn khủng bố thi hành một vụ ám sát giết chết chuyên viên phá bom đầu tiên trong chiến dịch khủng bố mùa xuân năm 1975 của IRA.
Khi người ta phát hiện một trái bom bỏ trong túi plastic ngay trước cửa một quán ăn trên đường Church Street thuộc vùng Kensington vào ngày 29/8/1975, một chuyên viên tháo gỡ bom được phái tới để vô hiệu hóa trái bom. Chuyên viên tháo gỡ bom lần này là đại úy Roger Goad, 40 tuổi, có gia đình và hai đứa con gái. Ông đã từng tháo gỡ thành công nhiều trái bom của bọn khủng bố đặt tại Bắc Ái Nhĩ Lan cho quân đội Hoàng Gia Anh, trước khi gia nhập Scotland Yard như là một chuyên viên về chất nổ.
Khi nhìn thấy một chiếc đồng hồ đeo tay gắn trên mặt bom, đại úy Roger cho rằng đây là là bộ phận tính giờ nổ, liền thò tay tháo gỡ chiếc đồng hồ. Nhưng lần này bọn khủng bố đã gắn một cái bẫy nhằm mục đích chủ yếu là để giết chuyên viên tháo gỡ bom thay vì dân thường. Khi Đại úy Roger vừa di dộng chiếc bị trong có chứa trái bom, bom nổ tung ngay trước mắt ông khiến ông chết ngay tức khắc. Sau này, chính phủ Anh trao tặng đại úy Roger Goad huân chương cao quý nhất nước Anh là George Cross để tuyên dương lòng dũng cảm hy sinh và tận tụy với nhiệm vụ của ông.
THOÁT HIỂM TRONG ĐƯỜNG TƠ KẼ TÓC
Hai thám tử khác đến tháo gỡ bom của cùng nhóm khủng bố kể trên cũng suýt bị xập bẫy tử thần. Không bao lâu sau khi đại úy Roger bị giết, có một trái bom khác đặt dưới gầm xe với mục đích ám sát thủ tướngEdward Heath nhưng không hiểu sao lại không nổ. Sau đó có một chiếc xe khác đến đậu che nó mà không hề hay biết!
Nghi là quả bom có thể bị bẫy một cách tương tự như trái bom đã giết người bạn đồng nghiệp của mình, thiếu tá Geoffrey Biddle tháo bom một cách đặc biệt cẩn thận. Bom là một túi xách tay khá lơn, bị kẹt dưới gầm xe mini. Vì vị trí khó với tới của nó, thiếu tá Biddle chỉ có thể dùng một tay để tháo gỡ bom. Ông bỏ mất 9 phút đồng hồ nằm mọp dưới đất, nín thở làm việc mới vô hiệu hóa được quả bom chứa 5 ký chất nổ!
Khi được khám nghiệm tỉ mỉ trong phòng thí nghiệm, các chuyên gia chất nổ mới khám phá, bom không nổ chỉ là nhờ may mắn vì khi làm bom quân khủng bố đã có những hành động cẩu thả khiến trái bom bị tịt ngòi.
Vào tháng Giêng 1975, khi bọn khủng bố đặt một trái bom khác trong một cửa hiệu nằm trên đường Putney High Street, thiếu tá Ronald Henderson khám phá, bom được canh giờ thật ngắn, chỉ hai phút sau khi đặt sẽ nổ tung!
Các nạn nhân khác của bọn khủng bố bị chết một cách hoàn toàn ngẫu nhiên.
Vào ngày 5/9/1975, bọn khủng bố đặt một quả bom trong đại sảnh của khách sạn Hilton trên đường Park Lane. Đây là một vụ nổ bom gây nhiều thương vong nhất trong tất cả các vụ tấn công của chúng. Lúc ấy ông Robert Lloyd, 42 tuổi, một tay quản lý casino, và bà Gesiena Loohuis, 39 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch người Hoà Lan, đang đứng gần mặt bàn đá cẩm thạch nơi có giấu bom ở dưới. Kết quả, tất cả đều bị chết tức thời khi trái bom nổ tung ngay dưới chân họ. Sáu mươi ba nhân viên khách sạn và các vị khách kém may mắn khác cũng bị thương tật nặng, có nhiều người bị đứt mất chân, tay.
Vào ngày 9/10/1975, bọn khủng bố định đặt bom tại khách sạn năm sao Ritz Hotel, nhưng sau vụ nổ bom kinh khủng tại khách sạn Hilton, nhân viên an ninh tại Ritz làm việc rất chặt chẽ, nghiêm nhặt, vì vậy cuối cùng bọn khủng bố sợ, không dám vào. Bấy giờ bấn quá không biết làm sao, vì bom đã cho tính giờ nổ sẵn rồi, không thể dễ dàng vô hiệu hóa giữa chừng như vậy được, họ liền bỏ đại túi xách đựng bom và chứa đầy đinh cùng bù loong kế một trạm xe buýt tại Green Park, gần khách sạn Ritz. Khi bom nổ, nó giết chết tức thì một thanh niên trẻ 23 tuổi là Graham Tuck, từ Dorset đến Luân Đôn kiếm việc làm, lúc ấy đang đứng đón xe buýt.
ĐẶT BOM TRONG CÁC NHÀ HÀNG
Sau đó, bọn khủng bố thay đổi chiến thuật, quay sang đặt bom tại những nhà hàng mà họ tin là có các nhân vật cao cấp trong chính phủ Anh thường lui tới. Vào ngày 13/10/1975, chúng gài một quả bom tại Locketts Restaurant nằm trên đường Marsham Street, nhưng may mắn bom không nổ. Sau đó, vào ngày 29/10/1975 chúng thành công trong việc đặt bom tại Trattoria Fiori, một nhà hàng Ý, tọa lạc trên đường South Audley Street, làm nhiều người bị thương.
Đến ngày 12/11/1975, chúng cho nổ bom tại Scott's Oyster Bar trên đường Mount Street, Mayfair, là một quán được tác giả Ian Fleming làm cho nổi tiếng, vì ông dùng quán này làm chỗ uống rượu thường xuyên của nhân vật James Bones 007 lừng danh. Hậu quả, có một người chết và nhiều người khác bị thương.
Sau đó không lâu, quân khủng bố ném một quả bom nặng khoảng ba cân, chứa đầy bi thép qua cánh cửa kiếng trước quán vào bên trong. Nhân chứng sau này kể lại, khi túi bom rớt lên mặt bàn, nó còn kêu sì sì trước khi phát nổ. Ông Frank Bailey, 59 tuổi, một thương gia bị tử thương và 15 khách hàng khác đều bị thương tích trầm trọng.
Năm ngày sau, tức là ngày 18/11/1975, nhóm khủng bố do O'Connell cầm đầu ném một trái bom miểng sắt vụn vào nhà hàng Walton trên đường Walton Street, Chelsea, giết chết ông Theodore William, chủ tiệm vàng và bà Ruth Edgson, 45 tuổi, đang ngồi ăn trưa trong nhà hàng Walton.
Đến ngày 6/12/1975, chúng trở lại tấn công nhà hàng Scott's Oyster Bar lần thứ nhì. Đến lúc này, Scotland Yard đã mở một chiến dịch săn lùng vĩ đại để săn tìm tận hang ổ bọn khủng bố tàn dộc. Có hơn 1,000 cảnh sát viên, phần lớn mặc thường phục, có mặt trên đường phố khu West End, là một khu vực sang trọng, thường là mục tiêu rất được ưa chuộng của bọn khủng bố.
Khi bọn khủng bố đang đứng trước cửa bắn xối xả vào nhà hàng Scott's Oyster Bar, một số nhân viên an ninh chìm của biệt đội chống khủng bố Flying Squad đang lái tắc xi tuần tiễu chạy ngang nhìn thấy liền lập tức đuổi bắt bọn chúng. Khi họ đang đuổi, nhiều chiếc xe cảnh sát khác nghe tin liền từ khắp các nơi đổ xô đến với quyết tâm bắt bằng được hung thủ.
Đây chính là bắt đầu bước đường cùng trong sự nghiệp đẫm máu của bọn giết người tàn bạo. Khi tấn công Scott's Oyster Bar, chúng dùng súng tiểu liên Sten. Nhưng mới bắn hai phát đạn, phá nát tấm cửa kính dầy cộm, bỗng súng bị kẹt đạn. Bên trong, nhân viên nhà hàng và khách đều sợ mất hồn vía, vì lần tấn công thứ nhất diễn ra chỉ cách đó chưa đầy một tháng!
Sau đó, bọn khủng bố đào tẩu trên một chiếc xe Ford. Nhận thức được rằng bây giờ đang bị cảnh sát bao vây tứ phía, chúng chạy bạt mạng thêm khoảng một cây số rưỡi, vừa chạy vừa bắn xe cảnh sát trong khi chạy xuyên qua đường phố Luân Đôn tràn ngập xe cộ vào tối thứ Bảy.
Đến đường Rossmore Road, chúng bỏ xe chạy bộ, vừa chạy vừa bắn nhau với cảnh sát, hướng về đường Balcombe Street.
BẮT NGƯỜI VÔ TỘI LÀM CON TIN
Khi quân khủng bố chạy đến ngôi nhà số 22B đường Balconbe Street, chúng liền đập cửa rầm rầm trong khi cảnh sát nhanh chóng thiết lập một hành lang bao vây cẩn mật trên đường Balcombe.
Khi ấy ông John Mathew, một nhân viên sở Bưu Điện, cùng vợ là bà Sheila, vừa mới ngồi xuống định xem truyền hình thì nghe còi xe cảnh sát gầm rú inh ỏi. Nhìn ra ngoài cửa sổ, hai vợ chồng thấy cảnh sát chạy rần rật và la hét ầm ĩ, nhưng không thể đoán được chuyện gì đang xảy ra.
Khi nghe tiếng gọi cửa, họ cứ ngỡ là cảnh sát đến hỏi thăm tin tức gì đó nên nhanh chóng chạy ra mở cửa. Ngay khi ông John ra mở cửa, có bốn tay mặt mày trông rất cô hồn, tay cầm súng lục và súng máy, tông cửa xông vào, đẩy ông té ra sau.
Bọn khủng bố bị dồn vào bước đường cùng, liền dùng một phương cách cuối cùng để mong trốn thoát, đó là xử dụng tánh mạng của các con tin để đánh đổi sự tự do cho chính mình.
Hành động đầu tiên của chúng là cố nắm quyền chủ động. Tay lãnh đạo của đội khủng bố là Martin O'Connell, 25 tuổi, gọi điện thoại đến tổng hành dinh Scotland Yard. Hắn báo cho sở cảnh sát biết hiện chúng đang ở đâu, số điện thoại trong nhà, tên của các con tin, và đòi hỏi nhà chức trách phải cung cấp cho chúng một chiếc máy bay để chở chúng về Ái Nhĩ Lan một cách an toàn, bằng không: "Các con tin sẽ chết ráo!"
Trong vòng vài tiếng đồng hồ sau đó, cảnh sát làm việc thật khẩn cấp để có thể chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Các cư dân trên đường Balcombe được lệnh tạm di tản đi chỗ khác. Mặt khác cảnh sát phái các chuyên gia bắn sẻ và thám tử chuyên chống khủng bố đến chiếm cứ các ngôi nhà lân cận, đằng sau và đối diện ngôi nhà số 22B, nơi quân khủng bố đang chiến giữ.
Bắt đầu từ năm 1970, để ý thấy khuynh hướng khủng bố ngày một trở nên phổ biến trên khắp thế giới, sở cảnh sát Scotland Yard đã thảo sẵn kế hoạch đối phó với các vụ không tặc và bắt con tin tương tự như kỹ thuật thương thảo với bọn khủng bố Ả Rập hoặc IRA. Họ đã thực tập với những tình huống càng gần hiện thực càng tốt. Nhưng đây sẽ là một thử nghiệm đầu tay để xem kế hoạch của họ có hiệu quả trong thực tế hay không"
ĐÒI PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
Vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày hôm sau, phó sở cảnh sát Scotland Yard là Ernest Bone gọi điện thoại đến yêu cầu bọn khủng bố hãy bó tay đầu hàng để tránh đổ máu. O'Connell đáp lời bằng cách một lần nữa yêu cầu cảnh sát cung cấp một chiếc minibus để chở chúng cùng các con tin đến phi trường Heathrow. Tại đó, chính phủ Anh phải cung cấp sẵn một chiếc máy bay để quân khủng bố xử dụng trên đường đào tẩu. O'Connell ấn định thời hạn chậm nhất phải thỏa thuận yêu cầu của quân khủng bố là đúng 12 giờ trưa.
Lúc đó cảnh sát đã đạt được hai mục tiêu chính trong bất kỳ một tình huống bao vây nào. Một là bọn bắt cóc đã bị vây cứng một chỗ, không di chuyển đi đâu được nữa. Hai là đường dây điện thoại của chúng đã bị chận lại, chỉ có thể nói chuyện được với cảnh sát, và không có cách nào liên lạc được với thế giới bên ngoài.
Nay hai chuyên gia về việc thương thuyết với bọn khủng bố là Jim Nevill và Peter Imbert đến cầm đầu cuộc thương thảo với bọn chúng. Sau này ông Peter Imbert được tấn phong làm hiệp sĩ, và thăng chức chỉ huy trưởng cảnh sát thành phố Luân Đôn.
Dựa theo lời cố vấn của bốn nhà tâm lý học nổi tiếng, Imbert và Nevill tin chắc bọn khủng bố không dám lạnh lùng giết chết các con tin trong khi cả thế giới đều đang chú mục nhìn chúng. Imbert chỉ rõ cho O'Connell thấy rằng, ông Mathew cũng thuộc giai cấp công nhân nghèo giống như gia đình của chính O'Connell. Ông còn thông báo là hiện cả thế giới đều đang theo dõi nhất cử nhất động của họ, và nếu họ giết cặp vợ chồng vô tội thì sẽ gây tổn thương nặng nề cho danh tiếng của Đoàn Quân Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan IRA.
Imbert còn chỉ rõ cho O'Connell thấy, từ xưa đến nay chính sách của sở Scotland Yard không bao giờ cho phép bất cứ một nhóm khủng bố nào dùng con tin để đánh đổi việc tự do đào thoát khỏi nước Anh. Và để nhấn mạnh ý chí cương quyết của sở Scotland Yard ông bồi thêm: "Chúng tôi không muốn bắn chết một người nào cả. Nhưng nếu bị dồn vào bước đường cùng, chúng tôi sẽ buộc phải làm vậy".
Sau đó O'Connell yêu cầu cảnh sát cho đem nước vào phòng họ. Đến lúc này nhà chức trách mới nhận thức được rằng, vì quá sợ bị bắn tỉa, bọn khủng bố đã dồn vào ở cùng một phòng là phòng khách với các con tin của họ. Từ phòng khách đến phòng tắm và nhà bếp cần phải mở cửa đi ra một hành lang nhưng bọn khủng bố đã quá lo ngại không dám ló đầu!
Cảnh sát liền cho nước, và còn cung cấp một bồn đi tiêu có chất hóa học để tiêu phân cho quân khủng bố xài, bằng cách thòng nó xuống từ nóc nhà, và kéo vào phòng qua ngả cửa sổ.
Imbert tiếp tục tán gẫu đủ mọi đề tài với O'Connell để đánh lạc hướng, trong khi cảnh sát bí mật xây một giàn giáo ở chỗ khuất để cảnh sát có thể leo lên và đột nhập vào các phòng kế cận căn flat của ông Mathew. Khi đó họ có thể dùng dụng cụ điện tử khuếch âm áp sát tường để lắng nghe xem bọn khủng bố sẽ có kế hoạch hành động gì kế tiếp.
ĐÒI HỎI CUNG CẤP THỨC ĂN
Khi cảnh sát thòng một hộp carton thuốc lá xuống cửa sổ, bọn khủng bố nhận ngay. Nhưng vào ngày thứ Hai, khi cảnh sát đề nghị sẽ thòng nước xúp đồ ăn xuống để chúng dùng đỡ đói, chúng lại từ chối không dám nhận.
Ngày kế tiếp, cảnh sát đề nghị gửi chúng bánh mì và cà phê nóng, nhưng O'Connell yêu cầu hãy gửi cho họ một bữa ăn thật thịnh soạn, đầy đủ. Khi cảnh sát từ chối, chúng liền nổi giận ném chiếc máy điện thoại ra khỏi cửa sổ. Tình hình bây giờ trở nên rất căng thẳng nên cảnh sát buộc lòng phải dùng loa phóng thanh kêu gọi bọn khủng bố bó tay đầu hàng.
Các tay lãnh đạo trong sở Scotland Yard e rằng sắp xảy ra một cuộc đọ súng giữa nhà chức trách và bọn khủng bố. Họ liền huy động thêm nhiều tay bắn tỉa thiện nghệ đến bố trí xung quanh để phòng khi cần thì thanh toán ngay bọn khủng bố, càng nhanh gọn càng tốt. Họ cẩn thận buộc các tay bắn tỉa phải nhìn hình cho đến khi thuộc lòng khuôn mặt và hình dáng ông bà Mathew, để tránh khỏi bắn lầm họ nếu cuộc đụng độ thật sự xảy ra.
Hai phe án binh bất động trong vòng bốn ngày sau. Đến ngày thứ Sáu, người ta nghe O'Connell lớn tiếng yêu cầu cảnh sát đưa điện thoại hắn đã ném ra trở vào phòng!
Lần đầu tiên, bọn khủng bố đã tỏ dấu hiệu cho thấy, chúng đang chuẩn bị đầu hàng. Họ đã chịu thua trong một trận tâm lý chiến cổ điển.
Vào lúc bắt đầu cuộc bao vây, Scotland Yard đã yêu cầu một đội SAS đến trợ giúp. SAS là một lực lượng quân sự đặc biệt của quân đội Anh, chuyên nghề chống khủng bố IRA. Họ đã lập được nhiều thành tích vẻ vang tại Bắc Ái Nhĩ Lan, làm bọn khủng bố tại đây phải gờm mặt. Đội lính biệt phái SAS chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ tinh thần, và chỉ khi nào thương thảo không còn thực hiện được nữa, cần phải xử dụng bạo lực, thì đội mới được gửi vào tấn công thật thần tốc để giết hết các tay khủng bố và cứu các con tin nếu có thể làm được.
Cảnh sát biết bọn khủng bố có một máy truyền hình trong phòng họ đang chiếm cứ và biết chúng thường theo dõi từng chương trình tin tức một để biết diễn biến của vụ bao vây họ đã đi đến đâu. Cảnh sát liền làm bộ vô tình tiết lộ cho các đài phát hình biết rằng họ đang chuẩn bị gửi đội SAS dùng vũ lực xông vào tấn công bọn khủng bố trong một thời gian rất ngắn.
Tin này quả nhiên làm bọn khủng bố lo sợ. Nay chúng sẵn sàng thảo luận điều kiện để giải quyết sự bế tắc.
Ông Imbert thương thảo, mặc cả với bọn khủng bố trong vòng nhiều tiếng đồng hồ để tìm cách giải quyết vấn đề. Cảnh sát muốn họ thả con tin.
Riêng O'Connell, mới đầu tin chắc là một khi con tin được tha, cảnh sát sẽ bắn nát phòng họ cho đến khi giết hết thì thôi nên y đã từ chối thẳng. Sau đó, đói quá, bất ngờ O'Connell đề nghị là sẽ thả bà Mathew để đánh đổi một bữa ăn thịnh soạn. Một tay khủng bố là Eddie Butler sẽ đi kèm bà ra ngoài ban công, giúp bà trèo qua ban công nhà kế cận và xuống lầu tự do.
BÀ MATHEW ĐƯỢC THẢ
Đến trưa, hai người mới xuất hiện trên ban công. Bà Mathew run như tàu lá vì vừa hồi hộp, vừa lo sợ. Riêng Butler đeo mặt nạ balaclava đen thì giơ cao tay lên để chứng tỏ không cầm súng.
Chỉ cách đó có vài thước, một tay bắn tỉa đang nhắm vào đầu của tên khủng bố, sẵn sàng lẩy cò nếu hắn có hành động tráo trở.
Đến bốn giờ chiều, vì bị bao vây và nhịn đói gần một tuần, chỉ ăn bánh mì và uống cà phê, tinh thần trở nên thật căng thẳng, sức khỏe và chí phấn đấu bắt đầu suy sụp, cuối cùng bọn chúng gọi điện thoại đến cảnh sát, yêu cầu họ cho biết làm cách nào chúng có thể ra đầu hàng mà không bị lãnh đạn đầy mình!
Cảnh sát khuyên chúng hãy bỏ vũ khí trong phòng, và đi từng cặp ra ban công, hai tay giơ cao khỏi đầu, và cặp thứ nhì sẽ có ông Mathew nhập bọn.
Vài phút sau, dưới họng súng của hơn 50 nhân viên công lực chĩa vào đầu, bọn khủng bố ra đầu hàng đúng y như lời yêu cầu của nhà chức trách.
NHỮNG ÁN TÙ CHUNG THÂN
Vào tháng Giêng 1976, bọn khủng bố tại Balcombe Street là Martin O'Connell, Harry Duggan, Edward Butler và Hugh Docherty ra hầu tòa để trả lời những tội ác kinh khiếp mà chúng đã thi hành nhân danh "tự do, công lý và sự nghiệp giải phóng" cho nhân dân Bắc Ái Nhĩ Lan, tại tòa Old Bailey ở Luân Đôn.
Mặc dù cảnh sát tin rằng bốn người đã nhúng tay vào hơn 50 hoạt động khủng bố, cuối cùng công tố viện chỉ thu thập đủ bằng chứng để buộc tội họ có dính líu vào 25 vụ, kể cả 7 vụ án cố sát.
Vụ xử án kéo dài chỉ mười ba ngày. Sau đó, các bồi thẩm viên bàn bạc bảy tiếng đồng hồ trước khi nhất trí kết luận tất cả đều có tội như bị khởi tố.
Sau phần luận tội, quan tòa tuyên án bốn người bị phạt tất cả là 47 án tù chung thân, và thêm 616 năm tù ở cho những tội trạng khác. Nhưng chánh án cho biết, tất cả bốn tên tội phạm sẽ bị ở tù ít nhất là 30 năm, sau đó có thể đệ đơn xin ân xá vì lý do hạnh kiểm tốt khi ở trong tù.