Cho đến bây giờ thì những năm tháng định cư ở Hoa Kỳ và thời gian ông chồng tôi khổ cực trong các trại tù cải tạo của Cộng Sản, nếu được tính sổ lại, kể như là hai con số bằng nhau. Gia đình tôi đến nước Mỹ định cư khá muộn màng so với những người đồng cảnh ngộ, và đời sống là những chuỗi ngày bù đầu lo cơm áo gạo tiền, cả vợ lẫn chồng đều phải cắm cúi làm việc, lo nhà, lo cửa, lo cho con cái học hành. Sinh hoạt ở đây làm tôi cảm thấy như một ngày phải có hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ mới đủ. Nhưng rồi cũng xong, cuộc sống cũng tạm ổn định. Cô con gái út còn hai tháng nửa là tốt nghiệp đại học, cậu con trai lớn thì cuộc sống được kể như đâu đã vào đó, ra trường, đi làm như bao nhiêu người khác.
Vào một buổi chiều thứ Bảy đầu mùa Xuân, vào dịp Spring break, Khương, chồng tôi rủ hai người bạn ở cùng đơn vị cũ với anh, chúng tôi đi xem show ca nhạc của trung tâm Asia , chủ đề "Lá Thư Từ Chiến Trường". Khương nói với tôi trên đường đến rạp là, tuy thời gian phục vụ trong quân đội của anh so ra không dài bằng những ngày sống ở Mỹ, nhưng những năm tháng đó cứ ở quanh quẩn bên anh với bao nhiêu kỷ niệm. Từ dạo phải tức tưởi rũ bỏ chiếc áo lính, không ngày nào mà những hình ảnh cuộc đời quân ngũ không quấn quýt bên anh. Khương nhớ rất rõ đến từng chi tiết của ngày đầu tiên tôi tiễn anh lên đường, ngày ấy tôi còn là một nữ sinh năm cuối cùng Trung Học, chỉ biết nhìn nhau qua đôi mắt ngập tràn những giọt lệ. Mỗi lần nhắc đến ngày nhập ngũ, Khương đều kể lại với nỗi thiết tha. Từ tiếng còi báo thức sớm mai, những đêm khuya tập trận hành quân, cho đến lần đầu tiên ôm ghì lấy tôi lâu nhất kể từ lúc quen nhau, đó là sau buổi lễ gắn Alpha cho các sinh viên sĩ quan tốt nghiệp.
Nói đến những người bạn đồng khóa với Khương anh vẫn nhớ rõ mồn một từng tên gọi nào là "Mười Lựu Đạn", "Khanh Tỳ Bà","Phước Râu Xồm" v…v… Tôi cũng có được dịp gặp gỡ các anh này trong ngày tôi ra trường và trong dịp hôn lễ của chúng tôi. Bây giờ thì những đồng đội thân thương của Khương cũng không còn nữa, nhân bài viết này, tôi xin được cầu nguyện cho hương hồn các anh mãi mãi bình yên nơi cõi vĩnh hằng.
Sân Khấu Asia :
Nhìn quanh hội trường của buổi trình diễn show nhạc "Lá Thư Từ Chiến Trường", tôi nhận thấy những người lính năm xưa với các bộ quân phục của nhiều quân binh chủng khác nhau, nào là Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Kích Dù, Cảnh Sát Quốc Gia, Hải Quân, Nữ Quân Nhân, Bộ Binh v…v…Sân Khấu Asia trang hoàng khá tốn kém và đầy ý nghĩa, được dàn dựng công phu với cảnh một khu rừng, ánh sáng cấu tạo kỹ lưỡng, khiến cho khán giả khi vừa bước vào rạp đã có được cái cảm nghĩ là mình đang sống trong một khu rừng nào đó ở chiến trường VN của một thời chinh chiến điêu linh.
Chỉ mới bước vào rạp, chưa xem trình dìễn mà người ta đã có một cảm nhận như trên, phải chăng những chiến binh chiều nay chắc sẽ nhớ vô cùng những ngày chiến đấu năm xưa" Khương bỗng nắm chặt tay tôi và trong khoé mắt anh dường như có những giọt lệ. Từ sân khấu đến khán giả, những chiến hửu ngày xưa trong các bộ quân phục nề nếp có lẽ đã làm mọi người hồi tưởng lại thời gian đóng quân nơi các tiền đồn hẻo lánh. Phong cảnh đầy tốn kém để dựng lại được một sân khấu đầy đủ như thế nói lên được sự tôn trọng của nhà sản xuất với khán giả. Asia đã không ngại tốn phí để dựng lại được một chòi canh cao bằng chiều cao sân khấu, nhóm thực hiện còn mang cả chiếc xe jeep lên trong một vài tiết mục của chương trình. Ngoài ra họ còn để một màn ảnh thật vĩ đại và rõ ràng làm back ground để thu hút người xem bằng những hình ảnh đệm cho các bài hát. Sự "chịu khó" tốn kém, chi tiết về một sân khấu có tầm vóc lớn lao như thế đã nói lên trình độ nghệ thuật cao, có thể so sánh với các chương trình nghệ thuật khác mà chúng ta đã từng được xem qua các show ca nhạc lớn của người Hoa Kỳ.
Chương Trình:
Liên khúc mở đầu của chương trình gồm các bài hát trước năm 1975. Asia đưa ra hơn 10 nghệ sĩ nồng cốt của trung tâm như Băng Tâm, Y Phụng, Lâm Nhật Tiến, Đặng Thế Luân, Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung, Ngọc Huyền, Thiên Kim v..v.. lần lượt trình diễn với sự phụ họa của những "extra" là một đoàn lính trang phục như đang hành quân ở một khu rừng nào đó. Tiết mục khai mạc đã được kết thúc lúc quốc kỳ VNCH trang trọng buông xuống và toàn thể khán giả đã đứng dậy, những cựu quân nhân thì đưa tay lên chào trong tư thế trang nghiêm đầy kính trọng, còn các khán giả trẻ và gia đình cựu quân nhân thì ngậm ngùi trong nước mắt. Bấy nhiêu đó trong màn mở đầu, Asia đã được những tràng pháo tay đầy khích lệ, bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để nói lên lòng yêu nước cao độ của tất cả mọi người tham dự, và cũng bấy nhiêu đó cũng đủ tô thắm cho những trang hùng sử một thời chiến chinh của QLVNCH.
Tôi nhận thấy tất cả những bài hát trong chương trình đều được chọn lọc kỹ lưỡng và ca sĩ đã trình bày "rất tới". Tôi ru hồn tôi với những: Anh Đi Chiến Dịch, Các Anh Đi, Viết Từ KBC, Thương Về Vùng Hỏa Tuyến, Bóng Nhỏ Đường Chiều… Tôi ngậm ngùi với Tầu Đêm Năm Cũ, Chân Trời Tím, Đêm Cuối Cùng… tôi cho tôi những niềm hân hoan với Lính Mà Em hay Tình Ca Người Đi Biển v..v.. và Nguyễn Hồng Nhung đã mang cho tôi cùng nhiều khán giả phái nữ những xúc động bất chợt khi cô diễn tả xuất sắc bản Người Tình Không Chân Dung: "Anh là ai" cái nón sắt ngày nào ấp ủ, mộng mơ của anh mộng mơ của một con người…" hay "trong cái nón sắt của anh để lại, mặt trời vẫn có đó, ban ngày và ban đêm, mặt trăng hay muôn muôn triệu triệu những vì sao vẫn còn đó, vẫn còn đó….". Khi bài hát được kết bằng một âm vực cao trong 3 tiếng "Anh là ai"..." thì người tình không chân dung như được hiên ra rõ rệt từng nét đậm trong lòng mọi khán giả dù phía sau màn ảnh là một bức hình cái nón sắt của người lính được đậy lên trên khẩu súng. Những giọt lệ không còn cầm giữ được nữa! Cám ơn những chiến sĩ đã hy sinh cho chúng tôi những người còn lại dù ở nơi quê nhà hay đang tha hương trên toàn thế giới.
Chương Trình cũng mang đến cho người xem tìm lại những tiếng hát năm xưa như Thanh Phong hay một thời "Người Yêu Của Lính" như Ngọc Minh. Phương Dung, Phương Hồng Quế ..., những tiếng hát này vẫn thế, dường như không có gì thay đổi, vẫn tình tứ, nồng nàn. Nhưng riêng với Thanh Thúy thì sự xuất hiện của chị trong nhạc phẩm bất hủ "Bóng Nhỏ Đường Chiều" với tôi là một thành công rất đáng kể, nhất là khi chị không còn lối phát âm "rất Huế" như những thập niên qua. Chừng như có đến hơn 45 năm bây giờ tôi mới được nghe lại lối phát âm rất chuẩn tiếng Việt của nữ ca sĩ Thanh Thúy. Từ trước đến nay người ta thường hay nghe Thanh Thúy hát với lối phát âm mà tôi gọi là "rất Huế" ấy. Tôi đã được nghe Thanh Thúy tập dượt ca hát với một ông anh họ tôi (Thiếu Úy Trương Văn Vinh, người đã hy sinh trong trận chiến Hạ Lào), tại một căn nhà tôi không nhớ rõ lắm ở Đà Nẵng. Ngày ấy tôi yêu tiếng hát Thanh Thúy với lối phát âm "rất miền Bắc" của chị khi chị đang tập hát, tôi cho rằng đó mới là giọng hát thật của Thanh Thúy mà tôi còn giữ mãi, giữ mãi cho đến bây giờ. Hôm nay nghe Bóng Nhỏ Đường Chiều và sự thay đổi từ thể cách trình diễn đến lối phát âm của Thanh Thúy đã làm tôi yêu mến tiếng hát chị nhiều hơn nữa. Chất giọng Thanh Thúy vẫn còn rất trong sáng và những luyến loáy trong các nốt nhạc "rất tới" nhưng nếu chị thay đổi lối phát âm tôi tin chắc chị sẽ thành công nhiều hơn.
Chương trình cũng được xen lẫn với vỡ kịch ngắn "Quê Hương" qua sự trình diễn của đôi uyên ương Quang Minh & Hồng Đào cùng hai cô con gái là Vicky và Bé Tí Tẹo. Vở kịch đã đưa người xem nhìn được lối diễn mới của cặp danh hài này. Xem Quang Minh & Hồng Đào người ta vẫn thường nghĩ đến những nụ cười nhiều hơn, nhưng trong vở kịch ngắn của chương trình lần này, ngoài những tiếng cười, còn có thêm nước mắt! Nhất là nước mắt cuả anh chàng Quanh Minh thì mới là điểu lạ! Khán giả đã có dịp được thưởng thức tài nghệ cuả họ qua một lối diễn mới, lối diễn chú trọng về nội tâm. Thực ra kịch bản viết về một mảnh đời những người Việt sống xa quê hương rất đời thường nhưng khi được trao cho Quang Minh & Hồng Đào thì hai nghệ sĩ này đã khai phá những nét diễn tài tình để làm cho tác phẩm sáng rực lên và đã mua được cảm tình của khán giả và cũng đã khiến người xem phải khóc cho thân phận mình, thân phận những người Việt trong tuổi xế chiều sống trên xứ lạ quê người. Quang Minh & Hồng Đào đã lấy được nước mắt khán giả khi kết thúc vở kịch không những đầy nhân hậu tính mà còn để khán giả tự suy gẫm lấy rồi đây mình là ai nơi tuổi già bóng xế"
Chương trình được kết thúc là sự xuất hiện của Nam Lộc và khoa học gia Dương Nguyệt Ánh để giới thiệu một sáng tác mới nhất của Trúc Hồ qua phần hợp ca, đó là nhạc phẩm "Đáp Lời Sông Núi", mà tôi tin rằng anh đã viết bằng con tim của những người thiết tha yêu nước:
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
Việt Nam , Việt Nam , Việt Nam …
Các MC và Special Guests:
Asia đưa lên chương trình những MC thuộc nhiều thế hệ và nghề nghiệp khác nhau, mỗi người mỗi nét rất đặc biệt, khiến đã tạo cho chương trình thêm phần phong phú: MC Việt Dũng đã làm cho người xem giữ mãi sự yêu mến với lối "diễu" đầy duyên dáng của anh, có lúc thì lại đầy trân trọng khi nói đến những tri ân của anh với những người chiến sĩ đã bỏ mình cho Tổ Quốc hay những gian khổ đã qua trong cuộc chiến mà người lính đã âm thầm chịu đựng. Thùy Dương đầy chất kịch tính khi cô đọc những bức thư của người yêu lính dù khi cuộc chiến xảy ra cô hãy còn quá bé. Người luật sư trẻ Thùy Dương cũng đã làm cho khán giả yêu mến hơn khi cô thành thật nói rằng khi thực hiện chương trình nói về người lính đã làm cho cô hiểu thêm về lịch sử cuả cuộc chiến VN, và cô đã không cầm được nước mắt để cám ơn sự có mặt ngày hôm nay của cô là những hy sinh của Cha, Ông ngày trước . Vị MC "khách mời" nhà văn quân đội Phan Nhật Nam thì ngược lại, ông đã đưa người xem chứng kiến những trang sử hào hùng của người lính VNCH. Với tôi, hơn ai hết Phan Nhật Nam là một trong những nguời có đủ khả năng để viết quân sử. Người sĩ quan Nhảy Dù hào hùng trong các chiến trường, các chiến dịch, người đã từng tham dự trong các trận đánh đẩm máu, những cuộc hành quân gay go nhất trong lịch sử chiến tranh VN hôm nay, anh lại là một nhà văn nên Phan Nhật Nam có đủ yếu tố và dữ kiện để mang cho chúng ta những hình ảnh chân thực về người lính, và để chứng minh sự tồn tại của hôm nay đã đến từ những hy sinh đầy gian khổ và quả cảm của những chiến sĩ đã âm thầm chiến đấu, dù họ đã vĩnh viễn ra đi hay vẫn đang còn hiện diện bên cạnh chúng ta. Cám ơn nhà văn Phan Nhật Nam , "người hùng của tôi".
Riêng về nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh (DNA) thì có thể noí rằng, mời được chị xuất hiện trong chương trình "Lá Thư Từ Chiến Trường" dù dưới bất cứ tư thế nào, dù có gọi chị là MC hay "khách mời đặc biệt" (special guest) đi nữa thì quả là Asia đã làm mọi người đầy thỏa mãn để đến xem hay "chiêm ngưỡng" chị. Bởi vì chỉ nghe đến tên tuổi của DNA không thôi là ta đã cảm thấy niềm hãnh diện dâng trào. Chị là một trong số những người VN đã xứng đáng làm cho cả một cộng đồng bé nhỏ cuả chúng ta ở Hoa Kỳ "được thơm lây". Hay nói đúng hơn đã làm cho những người Việt trên toàn thế giới nở mặt. Hôm nay được nhìn thấy chị trên sân khấu Asia "người công dân ngoại hạng của Hoa Kỳ", hình ảnh người khoa học gia chế Bom Áp Nhiệt đã không còn hiện ra trong tôi khi chị vừa bước ra. Dưới ánh đèn rực rỡ cuả sân khấu, tôi đã nhìn thấy Dương Nguyệt Ánh như là một nghệ sĩ chuyên nghiệp bên cạnh MC Nam Lộc. Với một giọng nói trong và đầy sắc tính của sân khấu, ánh sáng và cảnh trí thiên nhiên đã làm sắc đẹp của chị nổi bật hơn với đôi mắt chứa những thông minh. Đối với tôi, một người dẫn dắt chương trình thuộc phái Nữ phải cần hội đủ hai yếu tố quan trọng đó là:sắc đẹp và giọng nói và DNG đã có cả hai.
Khi trình chiếu phần "video clip" giới thiệu nữ phi công: Đại Úy Elizabeth Phạm, DNA và Nam Lộc đã làm cho người xem thích thú trong những đoạn đối đáp đầy duyên dáng. Tiết mục này còn có sự xuất hiện đặc biệt của Bà Kim Trần (thân mẫu của Đại Úy Elizabeth Phạm). Bà Kim Trần đã làm mọi người xúc động khi nói đến người con gái của mình đang đâu đó trên chiếc Oanh Tạc Cơ F-18. Có thể đang là một chuyến bay đêm nơi chiến trường Fallujah của Iraq hay đang nghỉ ngơi trên chiến hạm Ronad Regan ngoài biển khơi. Bà Kim Trần đã trao cho Asia một quốc kỳ Hoa Kỳ, (lá cờ này được gắn trên chiếc F-18 của Đại Úy Phi Công Elizabeth Phạm để nếu có phải hy sinh thì lá quốc kỳ này sẽ được dùng để phủ xác người chiến sĩ phi công) và Bà Kim Trần gọi đó là "lá cờ chiến thắng".
Khi trở lại với Nam Lộc trong tiết mục trình chiếu nói về Trận Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974 và Cố Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà, Dương Nguyệt Ánh đã hãnh diện mình là một người VN khi chị nói: "Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé nhưng người Việt Nam là một dân tộc quật cường với lòng ái quốc vô biên...". Xin được trân trọng trao đến chị một nụ hồng rất tươi dù tôi cũng được hiểu rằng trong thời chiến tranh VN chị mới là một cô bé học trò tiểu học.
Còn đối với MC Nam Lộc thì biết "nói mấy cho vừa"" về con người tài ba mà hầu như cộng đồng chúng ta không ai mà không nghe, không biết đến anh, thậm chí ngay cả chính quyền Hoa Kỳ, các cơ quan thiện nguyện hoặc những tổ chức thuộc dòng chính. Các buổi đại nhạc hội xây dựng tượng đài chiến sĩ, tượng đài nạn nhân Cộng Sản hoặc các chương trình gây quỹ trợ giúp Thương Phế Binh đang sống khốn khó tại quê nhà. Chưa hết, còn những chương trình vận động để định cư các thuyền nhân từ VN hay còn đang vất vưởng ở những nước ĐNÁ, rồi đến các cuộc vận động lập pháp cho quyền lợi cuả người di dân hay tỵ nạn v..v.. Với những đóng góp và thành quả nóí trên anh quả xứng đáng để nhận những giãi thưởng cao quý từ các cơ quan chính phủ hoặc những tổ chức nhân đạo ở HK. Nhưng có lẽ đáng noí nhất là những sáng tác nghệ thuật qua dòng nhạc ngậm ngùi anh viết thân phận của những người phải rời bỏ quê hương để sống cuộc đời tỵ nạn. Trong lãnh vực MC, Nam Lộc đã bước những bước rất thành công. Riêng trong chương trình "Lá Thư Từ Chiến Trường", với lối dẩn dắt vừa đủ và thu hút khán giả, Nam Lộc không nói nhiều hay nói thừa hoặc dài dòng những đìều không cần thiết. Anh luôn giới thiệu tóm gọn và đầy ý nghĩa ngay cả lúc anh "thọc lét" để khán giả có những giây phút cười thoải mái.
Lá Thư Từ Chiến Trường:
Lá Thư Từ Chiến Trường là chủ đề của show diễn mà Asia khi thực hiện đã bỏ rất nhiều công phu để tìm được những lá thư từ hơn 40 năm trước. Thư của những người Mẹ viết cho con trai đang ở chiến trường, những người vợ gửi cho chồng, những người lính viết cho tình nhân khi dừng chân sau một cuộc hành quân v..v... Những bức thư được trình chiếu trên màn ảnh với những bì thư còn đọc được từ những địa chỉ của KBC (Khu Bưu Chính). Có những lá thư làm cho người xem cảm thấy buồn nhớ về những thời xa xưa trong cuộc chiến, có người con gái viết cho người lính mình đang yêu và cầu nguyện nếu có phải rủi ro nào cho anh thì cũng xin cầu mong anh cũng chỉ bị thương tích nhẹ thôi để "em được ở gần bên anh…". Có những người con trai viết cho Mẹ mình để mong Mẹ "kiếm cho con một người vợ…" . Hơn hai mươi bức thư tượng trưng sau khi đã chọn lọc được Asia đưa lên màn ảnh làm tôi nhớ có lần tôi đã viết cho Khương khi đơn vị anh đang hành quân ở Khe Sanh (gần biên giới Lào Việt).
Ngày ấy tôi vẫn còn là sinh viên và hai đứa đã hứa hẹn sẽ lập gia đình với nhau sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Tôi chỉ còn nhớ rất mường tượng như sau:
Khương yêu dấu,
Nhận được thư anh bảo rằng đơn vị đang sửa soạn rời A Lưới để qua Khe Sanh, em nghĩ giờ này anh đang ở đâu đó gần biên giới Lào Việt, đoán thôi anh ạ, vì em xem bản đồ và thấy vậy đó. Hỏi anh Phạm Như Đà Lạt vừa về nghỉ phép và đã trở lại đơn vị hành quân, anh Lạt nói với em rằng ở đấy bây giờ không còn nắng chói chang với gió Hạ Lào nữa. Chắc bây giờ trời đang mưa anh nhỉ" Mưa, trời ơi lại mưa! em nhớ những cơn mưa mấy ngày cuối cùng khi chia tay với anh ở trại Hoàng Hoa Thám để một lần nữa anh lại đi. Bốn tháng qua nhanh quá Khương ạ, nhớ lần ấy anh đến nhà khi đơn vị về dưỡng quân ở Vũng Tàu anh vội vã đến thăm em, nhìn anh gầy đi nhiều, em nhớ mãi đôi giày anh mang khi đến thăm em, đúng là "đôi giày đinh bết bùn đất hành quân…" . Chị Hà của anh tuần trước vào Saigon có đến thăm em, hai chị em nhắc đến anh mãi, mà này Khương ơi anh có nhảy mũi không vậy, biết không Mẹ em mắng em đấy, bảo rằng nhắc anh hoài làm anh nhảy mũi ra đấy, em thì nhớ anh quá nên muốn anh nhảy mũi hoài…Chị Hà cũng có nói đến ngày em ra trường mùa hè năm tới và như hai đứa mình đã hứa hẹn là tháng 9 mình sẽ có nhau mãi mãi, bên nhau suốt đời, phải vậy không anh" Thư rồi anh viết là những cuộc hành quân vào mùa mưa đầy cam go , em lo quá Khương ạ, em chỉ cầu nguyện những cơn mưa hãy thôi đừng đổ nữa cho đến tháng 9 năm sau!
Và khi em viết những giòng này thì mưa lại đang rơi ngoài khung cửa nhà em. Em ngừng đây vì không còn viết được nữa, mong anh nghĩ rằng dù có còn mưa thêm bao lâu nữa em vẫn mãi là của anh.
Yêu anh,
Mai
Tôi bước ra khỏi rạp Long Beach, buổi chiều vẫn còn sót lại một chút nắng vàng. và dù gió biển có thổi mạnh, nhưng vẫn chưa làm khô được dòng nước mắt. Tôi ơi những giọt lệ!
(Viết tặng trung tâm Asia nhân ngày phát hành DVD Asia 58.)