Chủ Nhật 09/09/07 vừa qua tổng trưởng Nông Nghiệp Peter McGauran ra thông cáo rằng chính phủ liên bang sẽ đưa ra một chương trình trị giá $110 triệu Úc Kim nhằm trợ giúp cho những người gặp khó khăn tài chính vì vụ cúm ngựa gần đây tại NSW, ACT và Tây Nam Queensland. Chương trình này bao gồm $20 triệu trợ cấp cho những người đã mất việc hoặc lợi tức bị sụt giảm quá nhiều vì cúm ngựa, chẳng hạn như thợ đóng móng ngựa hoặc những người chuyên chở ngựa. $45 triệu sẽ được sử dụng để trợ cấp cho những thương nghiệp mà thương vụ phần lớn dựa vào kỹ nghệ đua ngựa. Một số tiền là $44 triệu sẽ được dùng để giúp cho các chủ ngựa vốn thường có ngựa tham dự vào các cuộc đua và qua đó thâu được lợi nhuận nhưng vì cúm ngựa và lệnh cấm di chuyển ngựa đã không thâu được những lợi nhuận này. $2 triệu cuối cùng được sử dụng để trợ cấp cho các tổ chức biểu diễn thi cỡi ngựa (equestrian organisations) bất vụ lợi, phi chính phủ. Một tay huấn luyện ngựa giầu có và nổi tiếng Anthony Cummings, vốn sẽ được lợi qua quyết định này vì dàn ngựa của ông tại Randwick bị nhiễm vi khuẩn cúm, đã hết mực ngợi khen quyết định của chính phủ liên bang, ông nói: "Đây là một giải pháp thật quan trọng cho một vấn nạn thật quan trọng và chính phủ Liên Bang quả thật đã bày tỏ thái độ đầy trách nhiệm cũng như sự chú tâm của họ vào kỹ nghệ nuôi ngựa”. Thế nhưng, vụ cúm ngựa này còn ảnh hưởng đến bao nhiêu người khác nữa mà họ hầu như bị rơi vào quên lãng qua thông báo trên. Tầm vóc của vụ cúm ngựa này nghiêm trọng như thế nào cho những người mà sinh kế lệ thuộc vào kỹ nghệ đua ngựa" Xin mời quý độc giả theo dõi bài viết sau đây của nữ ký giả Elizabeth Wynhausen tựa đề "Lives In Free Fall” được đăng tải trên nhật báo The Australian tuần qua.
*
Thông thường thì ông John Holgate thức dậy từ 4g00 sáng và bắt đầu làm việc lúc 4g30. Thế nhưng, trong vài tuần qua, kể từ khi dịch cúm ngựa làm tê liệt kỹ nghệ đua ngựa giống (thoroughbred racing) tại NSW cùng Queensland và đồng thời gây kinh hoàng cho cả nước Úc thì ông Holgate, 58 tuổi, cư dân của Richmond NSW, thường xuyên thức dậy từ 2g30 sáng để rồi nằm đó trằn trọc, lo lắng về tương lai của ông.
Ông Holgate là một người chuyên huấn luyện cho ngựa trong suốt 30 năm trời cho đến khi ông và vợ là Linda quyết định thành lập thương nghiệp chuyên chở ngựa đua Prestige Race Horse Transport cách đây 18 tháng. Hai vợ chồng ông mượn nợ để mua bốn chiếc xe kéo chở ngựa, trị giá $150,000 mỗi cái.
Dạo ấy, quyết định mở thương nghiệp có vẻ là một quyết định sáng suốt, thực tiễn, cho ông bà có cơ hội tự làm chủ. Hai vợ chồng ông Holgate không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng kỹ nghệ mà họ dùng làm căn bản cho kế hoạch của mình lại có thể bị đình trệ thảm hại như bây giờ khiến cho hàng chục ngàn người ở NSW và Queensland phải lo lắng không biết được khi nào thì họ mới có thể được trả lương hay có lợi tức trở lại.
Bệnh dịch lan tràn đã khiến cho toàn bộ chương trình đua ngựa thường niên dài 7 tuần là Spring Carnival tại NSW bị hủy bỏ. Theo ông Peter V’Landys, tổng giám đốc cơ quan Racing NSW thì cơ quan này bị thất thu hơn 9 triệu Úc Kim từ việc hủy bỏ chương trình đua ngựa vì Racing NSW thường xuyên thu nhận 4,5% tổng số tiền thu được từ Spring Carnival.
Nhiều bản báo cáo cho thấy dịch cúm ngựa sẽ khiến cho kỹ nghệ đua ngựa bị thất thu hơn $100 triệu Úc Kim. TAB, công ty nhận đánh cá ngựa, cho biết họ sẽ bị thất thu hơn $100 triệu và hơn $10 triệu tiền giải trong thời gian này.
Ông Bill Shorten, tổng thư ký quốc gia của công đoàn Australian Workers Union nói: "Tôi không nghĩ rằng số thất thu sẽ ngừng lại ở mức này. Báo chí ở Nhật cho biết khi kỹ nghệ đua ngựa ở Nhật bị đình chỉ trong một tháng thì số thất thu của họ lên đến 1 tỷ Úc Kim”.
Cho đến bây giờ thì có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch cúm khởi nguồn từ trại tạm giữ thú vừa nhập cảnh (quarantine station) ở Eastern Creek, nơi mà ngựa đua từ Nhật Bản được tạm giữ hơn một tháng trước đó. Vụ việc này sẽ được điều tra kỹ càng qua một cuộc điều tra đặc biệt do cựu chánh án Tối Cao Pháp Viện, ông Ian Callinan, chủ tọa.
Theo ông V’Landys thì cái tốt nhất mà người ta có thể thu thập được từ vấn nạn cúm ngựa này là việc "chính phủ các cấp đã nhận thức được tầm vóc to lớn của kỹ nghệ đua ngựa đối với kinh tế Úc”.
Một cuộc nghiên cứu do Racing NSW thực hiện nhiều năm trước cho thấy kỹ nghệ đua ngựa giống mang đến cho kinh tế tiểu bang NSW một lợi tức khổng lồ là $2,4 tỷ Úc Kim, với số lượng việc làm tương đương với 40,000 công việc toàn thời, 18,000 trong số này ở những nơi khác hơn là vùng đô thị. Người ta ước lượng có khoảng chừng 60,000 người làm công sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ vụ cúm ngựa này. Thế nhưng, các con số như thế dễ dàng khiến người ta quên đi những nỗi khốn khó của từng cá nhân bị ảnh hưởng.
Cô Kylie Briggs, một người mẹ đơn chiếc trong lứa tuổi 30, cực nhọc làm lụng tại ba nơi khác nhau với tư cách tạm thời (casual jobs) để có tiền nuôi dưỡng đứa con gái 9 tuổi và chăm sóc những con ngựa lùn (ponies) của họ cho biết rằng không ai ngờ nổi sẽ có vấn nạn như thế này. Cô làm thư ký tại trường đua (clerk of the course) trong những ngày có đua ngựa tại ba sân đua Harold Park, Rose Hill và Canterbury. Thêm vào đó, cô tập ngựa (rides track works) 3 buổi sáng mỗi tuần và còn dạy môn học liên quan đến kỹ nghệ đua ngựa (horse industry studies) tại trường cao đẳng kỹ thuật Richmond TAFE. Thế nhưng cô vẫn phải sống rất chật vật. Cô nói: "Nếu đau ốm thì người ta sẽ nghỉ một vài ngày dưỡng bệnh thôi. Nếu bị thương tại nơi làm việc thì sẽ có bảo hiểm bồi thường công nhân (workers compensation) bồi thường trong thời gian phải nghỉ việc. Thế nhưng không ai có thể tưởng tượng được rằng sẽ có một chứng bệnh hiếm thấy lan tràn rộng rãi ngoài tầm kiểm soát khắp nơi trên nước Úc khả dĩ đình chỉ tất cả các cuộc đua ngựa cũng như làm trì trệ hết tất cả mọi kỹ nghệ khác có liên hệ tới đua ngựa và cướp đi lợi tức của tất cả mọi người dự phần vào kỹ nghệ ấy”.