Trưa hôm thứ bảy 26 tháng tám, tại buổi lễ khánh thành Nhà Bảo Tàng Thuyền Nhân vàViệt Nam Cộng Hòa trong khu vườn History Park đường Senter trang trọng có những điều đáng nhớ. Đây là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt ở San Jose giống như đài kỷ niệm thuyền nhân ở thủ đô Ottawa với bức tượng người mẹ bồng đứa con vượt biển, niềm hãnh diện cộng đồng Việt tại Canada, và cũng như niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt tại Nam Cali với khu phố Little Saigon nổi tiếng hải ngọai.
Một trong những điều đáng nhớ là khi thị trưởng Chuck Reed lên chúc mừng, chiếc cà vạt màu vàng ba sọc đỏ ông thắt nổi bật trên màu áo vét sậm làm nhiều người xúc động. Hình như đã mấy lần khi đến với cộng đồng Việt Nam, ông đều mang trong người cái huy hiệu biểu tượng của người Việt tị nạn cộng sản đã được nhiều thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ công nhận.
Sau tháng 4 năm 1975, hàng trăm ngàn người đã trốn khỏi chế độ độc tài Cộng sản ở Việt Nam, sống lưu vong trên nhiều nước tự do của thế giới , trong đó nhiều nhất là ở Hoa Kỳ. Ba mươi hai năm đã trôi qua, trải qua nhiều gian khổ, cộng đồng người Việt tị nạn hải ngọai đã phát triển, sống yêu thương quần tụ với nhau trong nhiều cộng đồng nhỏ ở các địa phương và trở thành một sức mạnh đáng kể về kinh tế, khoa học, văn hóa và chính trị. Nhà cầm quyền Việt Cộng nhận thấy tầm quan trọng của người Việt hải ngọai nên lúc nào cũng muốn dùng nhiều cách để thu phục, trấn áp. Giống như Trung Cộng lúc nào cũng cho là Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và sẵn sàng tấn công nếu Đài Loan đòi độc lập.
Nghị viên Madison Nguyễn vận động thành lập khu phố thương mại của người Việt, Vietnam Business District, trên con đường Story khúc nằm giữa xa lộ 101 và đường Senter, đã được Hội Đồng Thành Phố San Jose chấp thuận vào hai tháng trước.
Và trong cộng đồng, có những người quan tâm tới cái tên Việt Nam đặt cho khu thương mại này. Việt Nam nào, Việt Nam của người Việt hải ngọai tị nạn cộng sản hay Việt Nam của chế độ Cộng sản đương thời"
Và một số người đã đề nghị đặt tên Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, thành phố đã bị Việt Cộng thay tên sau khi chiếm miền Nam, cho khu phố người Việt không cộng sản ở San Jose. Họ muốn có một cái gì riêng biệt, một dấu ấn của người Việt tị nạn khác với người Việt Cộng.
Ai cũng biết là những cán bộ Việt Cộng nhờ tham nhũng nên rất giàu và một số đang đổ tiền vào đầu tư tại Mỹ thông qua những người thân quen của họ trong cộng đồng. Giả như họ mua đứt một số cơ sở thương mại trong khu phố Việt này và một ngày nào đó họ treo cờ đỏ sao vàng trong cửa tiệm của họ thì sao"
Khu thương mại của người Việt, Vietnam Business District, là một dấu hiệu lớn mạnh của cộng đồng người Việt tị nạn tại San Jose khi được thành phố chấp thuận và tài trợ. Việc đặt tên đang cần sự góp ý của nhiều đồng hương, nhưng huy hiệu, biểu tượng (Logo), của khu phố này cũng cần được bàn tới.
Đã có ý kiến dùng chữ Little Saigon ( Sài Gòn Nhỏ), giống như Nam Cali nhưng có ý cho đây là sự bắt chước vì thành phố San Jose với hơn trăm ngàn đồng hương cần có sự sáng tạo riêng cho họ. Báo San Jose Mercury sáng thứ hai này đã có bài quan điểm đề nghị lấy chữ New Saigon (Sài Gòn Mới). Có ý kiến cho là tại sao không lấy chữ Việt Nam mà phải lấy Sài Gòn"
Có người cho là tên nào cũng được, Sài Gòn hay Việt Nam, miễn là phải có dấu ấn của người Việt tị nạn trong khu phố thương mại, rằng đây là khu phố Việt Nam của người Việt không cộng sản chứ không phải của chế độ Việt Cộng. Những người Việt Cộng lúc nào cũng muốn dành mọi thứ là của họ. Như chuyện tòan dân kháng chiến chống Pháp thì họ dành công riêng cho Đảng Cộng Sản, như lịch sử đã chứng minh.
Dấu ấn của người Việt tị nạn không cộng sản trong khu phố Việt ở San Jose trên đường Story, Vietnam Business District cần được biết qua cái huy hiệu, biểu ngữ mà tiếng Anh gọi là Logo.
Cũng như lá cờ vàng ba sọc đỏ được công nhận là biểu tượng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ, cũng như chiếc cà vạt màu vàng ba sọc đỏ mà một số dân cử chính khách Hoa Kỳ mang trên cổ, thì Logo- huy hiệu, biểu tượng của khu phố thương mại người Việt cũng nên có hình ảnh đặc thù này.
Hi vọng là thành phố sẽ công nhận huy hiệu nền vàng ba sọc đỏ cho khu phố thương mại của người Việt. Điều này sẽ dễ dàng thông qua vì nghị viên Madison Nguyễn là người đã đề nghị dự án và ông thị trưởng Chuck Reed hỗ trợ, và những nghị viên khác cũng không có lý do nào để từ chối.
Tóm lại, đặt tên New Saigon, hay Vietnam cho khu phố người Việt, tên nào cũng được, miễn là phải có huy hiệu mang dấu ấn của người Việt không cộng sản. Việc bàn thảo về huy hiệu cũng rất cần thiết và quan trọng. Hy vọng điều này sẽ giải quyết những khác biệt ý kiến, mang lại sự đòan kết êm thắm trong cộng đồng.
San Jose, 27 - 8 - 2007