Tổng Thanh Tra Nhìn Nhận: Vụ Án Nào Cũng Có ‘Chạy Án’
- Sai Nhiều, Xử Nhẹ, Nhiều Vụ Nghiêm Trọng Lại Hạ Cánh An Toàn...
Cuộc thanh tra, vụ án nào cũng đều có "chạy." Bản tin báo Tiền Phong hôm 30-3-2007 ghi lại như trên là lời của “Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định với báo chí sau khi báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.”
Đặc biệt, nếu không kể ra các nơi chưa tìm ra đường dây tham nhũng, thì hiện tượng khám phá ra 33 tỉnh “sai phạm tài chính tới 211 tỉ 184 triệu đồng” vẫn chưa đưa ai ra tòa, mà chỉ mới xử lý kỷ luật hành chánh.
Không nói thẳng, nhưng nhà báo Tiền Phong và ông Tổng Thanh Tra Chính Phủ đã nêu lên rằng tham nhũng đang được chế độ khoan dung. Nơi đây, phóng viên TP hỏi: “Thưa ông, việc thanh tra cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho thấy tính chất, mức độ sai phạm là rất nghiêm trọng (sai phạm về tài chính ở 33 tỉnh đã thanh tra lên tới 211 tỷ 184 triệu đồng) nhưng việc xem xét, xử lý chưa nghiêm minh, chủ yếu là xử lý kỷ luật hành chính (434 người)"” và được ông Tổng Thanh Tra đáp:
“Các dạng sai phạm phổ biến được phát hiện qua thanh tra là sai về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận; sai về đối tượng cấp giấy chứng nhận; sai về diện tích, nguồn gốc đất và đặc biệt là tình trạng không giao trả giấy chứng nhận theo đúng thời hạn.
Những cán bộ bị kỷ luật là những người có trách nhiệm trong những cái sai nêu trên và để chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và nhà, không loại trừ chậm trễ vì có tiêu cực, chúng tôi đã kiến nghị cho thôi việc nhiều trường hợp chứ không dừng lại ở việc khiển trách.
Tuy nhiên, phải phân biệt ở đây là thanh tra chuyên đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà, còn không thanh tra về các nội dung như quản lý, quy hoạch, cấp đất, bán đất...”
Còn một thực tế nữ, là nhiều tỉnh báo cáo không hề có tham nhũng gì, mà tham nhũng chỉ là chuyện của tỉnh hàng xóm. Hỏi và đáp như sau:
“- Nhiều địa phương báo cáo không có tham nhũng, ông nghĩ sao"
“- Trong khi chúng ta đánh giá tham nhũng đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, thì đi vào cụ thể từng địa phương, từng bộ, ngành không ít nơi lại báo cáo không phát hiện tham nhũng.
Rõ ràng tinh thần tự giác, tự làm trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng còn yếu. Tới đây, đơn vị nào báo cáo không có tham nhũng mà cấp trên hoặc nhân dân phát hiện được thì phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.”
Báo Tiền Phong còn nêu câu hỏi về nhiều trường hợp “vụ án nghiêm trọng” mà đã được hạ cánh an toàn, và được nói thẳng là chạy án là bình thường:
“- Thưa ông, có một số vụ án nghiêm trọng mà Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra xét xử trong năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc"
- Để xảy ra tình trạng này là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thật sự đồng bộ. Có những vụ án cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát, nhưng Viện kiểm sát lại chuyển trở lại yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục điều tra bổ sung. Đã điều tra bổ sung thì phải có thời gian, có những vụ án phải điều tra bổ sung nhiều lần, nên không thể kết thúc ngay. Tuy nhiên, về việc này Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo, yêu cầu công khai tiến độ điều tra, công khai tiến độ xét xử, tinh thần chung là xử lý khẩn trương theo đúng pháp luật.
Bây giờ hầu hết vụ án nghiêm trọng đều đã quá hạn theo pháp luật, nên vừa rồi Thủ tướng có giao trách nhiệm cho các Bộ trưởng có liên quan là phải kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị thuộc quyền để xem xét tiến độ thực hiện.
Tôi xin nói là bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ án nào cũng đều có "chạy" tội, có thể "chạy" trực tiếp, "chạy" gián tiếp, "chạy" nhiều hay "chạy" ít là tùy ở vụ việc cụ thể, vấn đề là người đứng đầu cơ quan thanh tra phải nêu gương, phải có cơ chế giám sát và giao trách nhiệm rõ ràng với cấp thi hành trực tiếp. Vừa qua, một số trường hợp có sai phạm "chạy" trực tiếp đến tôi, ngay sau đó tôi đã báo cáo Thủ tướng, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phải truy xét trách nhiệm của những trường hợp đó...”