Sổ Tay Thượng Đỉnh: Tổng Kết
Nguyễn Xuân Nghĩa
...Obama có cơ hội hòa giải hai nhóm đồng minh Âu-Thổ...
Thế Giới Sau Thượng Đỉnh
Tổng thống Barack Obama đã hoàn tất chuyến công du rất dài để tham dự bốn thượng đỉnh tại Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bất ngờ ghé thăm Iraq cho phải đạo. Trong một loạt sáu bài "Sổ Tay Thượng Đỉnh" trên cột báo này - người viết đã theo dõi để trình bày bối cảnh của các cuộc gặp gỡ. Nay đã đến lúc tổng kết về sự thành bại.
Mà là thành bại của ai"
***
DẪN VÀO TUỒNG
Nói chung, truyền thông Hoa Kỳ chỉ chú ý đến "hiệu ứng Obama" - the Obama effect - tức là những gì Tổng thống Mỹ đã trình bày trong chuyến công du quốc tế vừa qua, mà không mấy chú ý đến vấn đề của xứ khác. Chuyện thường tình vì người Mỹ nói chung không mấy chú ý đến thiên hạ sự nếu như thiên hạ không lý vào nước Mỹ.
Trong một quốc gia rất trẻ, dân Mỹ ít am hiểu về lịch sử và địa dư thế giới bằng nhiều dân tộc khác. Các quốc gia kia không có hoàn cảnh như vậy vì thường bị ảnh hưởng của quốc tế nên có phản ứng theo dõi chuyện thiên hạ nhiều hơn dân Mỹ.
Ngoài ra, nhờ phương tiện kỹ thuật hiện đại, đa số dân Mỹ có thể biết rất nhanh và rộng về những gì đang xảy ra trên thế giới. Mà chỉ biết rất nông, một cách hời hợt, vì tin tức chớp nhoáng hay lời bình luận nóng vội của truyền thông. Họ thường không hiểu vì sao chuyện đó xảy ra và hậu quả sẽ như thế nào, cho những ai. Hiểu và biết nhiều khi xoay theo tỷ lệ ngược: nhiều người Mỹ tin rằng mình biết rất nhiều mà thật ra lại hiểu rất ít vì truyền hình không có thời giờ đào sâu thêm cho họ.
Cũng nói chung, đa số truyền thông Hoa Kỳ chỉ nhìn thấy vài điều tích cực của Tổng thống Obama và tường thuật lại như vậy cho dân Mỹ. Họ ít nhìn thấy các vấn đề do Hoa Kỳ hay Obama gây ra cho thế giới trong chuyến đi này. Cũng là chuyện thường tình!
Hoàn cảnh người Việt chúng ta lại khác, nhất là người Việt tại Hoa Kỳ. Đa số nay đã có quốc tịch Mỹ và nhìn vấn đề theo quan điểm quyền lợi của Mỹ - hay của mình tại Mỹ. Nhưng một số không nhỏ vẫn không quên là đã có thời mà vận mệnh Việt Nam thay đổi sau những thượng đỉnh như vậy của lãnh đạo Hoa Kỳ. Vì vậy mà chúng ta có sự xa xỉ cần thiết là cố gắng nhìn vấn đề từ nhiều giác độ khác nhau khi nói về chuyện thành hay bại của loạt thượng đỉnh vừa qua.
Thí dụ, khi viết như truyền thông Mỹ rằng ông Obama tham dự hội nghị với hào quang của một Tổng thống được dư luận (Hoa Kỳ, thế giới và riêng Âu Châu) cực kỳ ái mộ nên nhờ đó đã tạo được quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga hay Chủ tịch Tầu, có lẽ người ta... chẳng hiểu gì cả! Chỉ vì quan hệ hay kết quả của các cuộc gặp gỡ song phương ấy tùy thuộc quyền lợi đôi bên trong từng loại vấn đề.
Và lãnh đạo của các nước không mấy dân chủ như Liên bang Nga hay Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc thường đánh giá thấp sự ái mộ của dư luận dành cho Tổng thống Mỹ: một sự phù du thất thường trong sinh hoạt dân chủ Hoa Kỳ. Họ quan tâm hơn đến khả năng xoay trở của Tổng thống Mỹ để có thể cưỡng lại hoặc chấp nhận yêu sách của họ. Muốn đánh giá trung thực hơn, người ta phải cố nhìn ra sự thể ở bên ngoài lăng kính của truyền thông Mỹ.
Đó là tinh thần của người viết. Nhìn được tới đâu thì lại là vấn đề khác, nhưng ít ra thì cũng phải cố...
***
MỘT VÒNG CHÂN TRỜI
Tổng thống Obama đã dự bốn loại thượng đỉnh và gặp gỡ song phương chừng một chục nguyên thủ quốc gia, với hậu quả nông sâu thế nào thì còn tùy. Ông khởi sự chuyến công du như diều gặp gió, với nhiều kỳ vọng của dư luận ở nhà và tham dự năm hội nghị cấp thượng đỉnh.
(Nhân đây xin lại... đi lạc vào chuyện ngôn ngữ: "thượng đỉnh" là một từ chúng ta đã dùng từ lâu để nói đến hội nghị của cấp nguyên thủ quốc gia. Hà Nội dùng chữ "hội nghị cấp cao" là điều rất thấp - vì tối nghĩa, cấp nào là cao" Ta nên dùng chữ cho minh bạch và chính xác hơn chứ không nên học theo thói xấu Hà Nội).
Bốn hội nghị đó là 1) thượng đỉnh của nhóm G20 hôm mùng hai tại Luân Đôn, tập trung vào hồ sơ kinh tế toàn cầu; 2) thượng đỉnh của Minh ước NATO trong hai ngày ba và bốn tại Pháp và Đức, tập trung vào các vấn đề riêng của liên minh quân sự; 3) thượng đỉnh giữa Liên hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ tại Cộng hoà Tiệp trong hai ngày năm và sáu; 4) thượng đỉnh giữa Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) và Hoa Kỳ trong nửa ngày mùng sáu và ngày mùng bảy tháng Tư. Từ Thổ trở về, Tổng thống Obama bất ngờ ghé Iraq, như nhiều người dự đoán, để thăm chiến binh Mỹ tại đó, nhưng không vào Baghdad vì lý do thời tiết. Có thể là Thủ tướng Iraq Nouri al-Malaki phải tới trại quân của Mỹ để gặp ông.
Bên lề bốn hội nghị lớn ấy, Tổng thống Mỹ gặp nhiều lãnh tụ nước khác trong các thượng đỉnh song phương (như Nga, Ấn, Hoa, Nhật, Nam Hàn, v.v...) và lãnh tụ các nước cũng gặp nhau riêng trong hội nghị tay đôi của họ, mà có lẽ chúng ta không biết vì truyền thông Mỹ không tường thuật. Những nội dung song phương ấy tất nhiên có tùy thuộc vào nhiều cam kết quốc tế trong bốn hội nghị kể trên.
Điểm lý thú và đáng chú ý nhất là thượng đỉnh Thổ-Mỹ vào lúc cuối lại ảnh hưởng ngược vào cơ chế NATO và Liên Âu ngay sau khi Obama rời NATO và Âu Châu thăm viếng một thành viên NATO và một quốc gia nửa Âu nửa Á là Thổ Nhĩ Kỳ.
Phần hấp dẫn ấy, xin đề dành cho đoạn cuối của bài tổng kết!
***
G20, NATO và TRỌNG LỰC MERKEL
Thượng đỉnh mùng hai của nhóm G20 có ảnh hưởng nhất về kinh tế (gồm những ai, xin đọc bài cũ "Mà G20 Là Gì Vậy"" trong số ra ngày Thứ Sáu mùng ba) đã đạt một số thoả thuận về tài chánh và luật lệ.
Về tài chánh là các nước sẽ bơm thêm chừng hơn ngàn tỷ đô la cho các định chế quốc tế - nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, thay vì tiến hành tăng chi để kích cầu như Tổng thống Obama đề nghị - và đành lờ đi khi các nước kia không đồng ý. IMF thắng lớn, Oabma không thắng mà vẫn coi là chưa thua!
Về luật lệ, G20 sẽ lập ra một Hội đồng Ổn định Tài chánh FSB thay thế Diễn đàn Ổn định Tài chánh FSF đã có từ 1999 để tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp thế giới. Đây là thắng lợi lớn của Âu Châu, nhất là Pháp và Đức, nếu so với quan điểm bị đẩy vào phe thiểu số của Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ.
Nhưng dù được Âu Châu hỗ trợ mạnh, quyết định thứ hai này sẽ không có tương lai. Lý do là từng nước vẫn có quyền bác bỏ, hoặc cho chìm xuồng nhưng quy định ở cấp chuyên gia hay Tổng trưởng Tài chánh trước khi Hội đồng FSB đệ nạp dự luật vào tháng 11 tới tại Scotland. Rất huê dạng mà thiếu thực chất.
Tuy nhiên, FSB sẽ gây khó không ít cho ông Obama ở nhà. Doanh nghiệp Mỹ đang nghẹt thở vì kinh tế tài chánh, lại bị nguy cơ quốc hữu hoá của Chính quyền Obama, nay mai có khi sẽ bị chi phối bởi luật lệ do các công chức quốc tế quy định đâu đó tại Âu Châu trong khuôn khổ FSB. Chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều trận đánh về kỹ thuật và luật lệ ngay trong chính trường Mỹ. Một hậu quả bất ngờ của G20 và bất lợi cho Obama, nhưng nằm ngoài sổ tay này.
Mà đó vẫn là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là vai trò đại gia Âu Châu của nước Đức và của Thủ tướng Angela Merkel, một lãnh tụ có trọng lực.
Nước Đức có nền kinh tế nặng nhất Âu Châu và chỉ thua Nhật và Mỹ trên toàn cầu, nên mọi quyết định quốc tế hoặc Âu-Mỹ, đều phải có sự chấp thuận của Đức, cụ thể là của bà Merkel. Obama được dư luận công kênh lên trời, kể cả dư luận Đức, cũng không thoát khỏi sức nặng này. Và ông bị Merkel kéo xuống đất. (Nước Nhật thì khác, vì bị khủng hoảng nặng hơn và Thủ tướng Nhật Taro Aso có tương lai chính trị còn bấp bênh hơn, nên giữ thế khép nép trong thượng đỉnh và các buổi họp song phương, trừ việc châm thêm 100 tỷ cho IMF.)
Hoa Kỳ bị trọng lực của Merkel như thế nào"
Nước Đức là cường quốc có hơn 82 triệu dân, đông nhất Âu Châu, đang bị Nga bắt bí vì khí đốt và rất cần xuất cảng để ra khỏi hố sâu của nạn suy thoái - xuất cảng vào Mỹ. Obama muốn tăng chi để làm cách mạng ở nhà và... nhân tiện cứu nguy kinh tế. Vì vậy muốn Đức cũng tăng chi để chia sẻ gánh nặng vì kinh tế Mỹ mà ra khỏi suy trầm thì Đức cũng có lợi. Mâu thuẫn kinh tế Đức-Mỹ nằm ở đó. Và Merkel thắng lớn vì không có chuyện tăng chi kiểu Obama.
Mâu thuẫn thứ hai thuộc về tài chánh, bạc tiền.
Các nước Tây Âu - kể cả và nhất là Đức - đã hồ hởi như... Mỹ khi đầu tư quá tay vào Đông Âu và khủng hoảng tài chánh tại Đông Âu đang dội ngược về Tây Âu. Âu Châu cứ chửi Mỹ là gây ra khủng hoảng mà không thấy phần trách nhiệm của mình. Bây giờ, giải pháp mà nhiều người, kể cả trong Chính quyền Obama, trông đợi là Liên hiệp Âu Châu sẽ cùng cấp cứu hệ thống ngân hàng Đông Âu - bằng tiền bạc của Âu Châu.